Tin Thế Giới
1.
13 vụ nổ xảy ra đồng loạt ở Quảng Tây, Trung Quốc
Giới hữu trách Trung Quốc cho biết nhiều vụ nổ làm rúng động huyện Liễu Thành ở tỉnh Quảng Tây, giết chết ít nhất 6 người và gây thương tích cho mấy mươi người khác.
Văn phòng công an Huyện Liễu Thành xác nhận những vụ nổ xảy ra tại 13 địa điểm khác nhau, trong đó có một thương xá, nhà giam, siêu thị, nhà ga xe lửa, một bệnh viện và một ngôi chợ lộ thiên.
Tân Hoa Xã cho biết những vụ nổ có thể do những quả bom chứa trong bưu kiện.
Hình ảnh trên truyền thông xã hội cho thấy một toà nhà bị sập, xe cộ bị lật trên đường và mặt tiền của một cửa hàng bị đổ nát.
Một nguồn tin trên mạng nói rằng những vụ nổ xảy ra hầu như đồng loạt, và một bức hình cho thấy một người đàn ông nằm trên mặt đất gần một chiếc xe bị lật. Những mảnh vỡ vương vãi khắp nơi.
Một bức hình khác sau vụ nổ cho thấy một cột khói đen bốc cao hàng trăm mét.
Một bức hình cho thấy một trụ sở chính phủ với cửa sổ bị vỡ nát.
Những vụ tấn công bạo động vì những vụ tranh chấp lâu đời vẫn thường xảy ra ở Trung Quốc, nhưng hiếm khi xảy ra nhiều vụ nổ cùng một lúc như vậy. - VOA
|
|
2.
Hứa hẹn của thủ tướng Thái Lan vấp phải sự hoài nghi
Những lời hứa hẹn về thực thi dân chủ mà Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đưa ra trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA hôm thứ ba đã gặp phải sự hoài nghi của nhiều người. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường thuật từ thủ đô Bangkok.
Những người chỉ trích chính quyền quân nhân Thái Lan đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với những lời hứa hẹn mà người đứng đầu tập đoàn quân nhân đưa ra trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người cầm đầu cuộc đảo chánh không đổ máu lật đổ chính phủ dân sự hồi năm ngoái, nói “Nền dân chủ Thái Lan vẫn cần được điều chỉnh đôi chút, bất kể là hiến pháp, bầu cử, tiến trình bầu cử và nhất là vấn đề cai trị và cách thức các chính trị gia bước vào sân khấu chính trị.”
Ông Sean Boonpracong là người từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia trong chính phủ bị lật đổ hồi tháng 5 năm 2014. Ông cho biết như sau về phát biểu của ông Prayuth: “Từ khi ông ấy nắm quyền kiểm soát chính phủ này, đã có hơn 700 vụ tra vấn những người chỉ trích được gọi là những vụ ‘điều chỉnh thái độ’, cho nên đó không phải là “điều chỉnh đôi chút”. Tình hình nhân quyền rõ ràng là đã trở nên tệ hại hơn.”
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho đài VOA tại New York, nơi ông tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Prayuth cho biết “dân chúng cảm thấy lo ngại” vì chính quyền quân nhân đã kéo dài thời gian nắm quyền cho tới ít nhất là giữa năm 2017. Ông nói “Tôi không kéo dài tiến trình này. Nếu nó có thể tiến nhanh hơn thì nó nên tiến nhanh. Nhưng chúng tôi phải xem xét vấn đề là nó có đưa tới hoà bình hay không?.”
Tiến tới hay tránh xa dân chủ
Chính quyền quân nhân Thái Lan nhiều lần tìm cách biện minh cho việc tạm ngưng thực thi dân chủ bằng cách nói rằng kế hoạch của họ là thiết lập một hệ thống chính trị không bị tê liệt bởi những vụ giằng co đôi khi có bạo động giữa các phe phái kình chống nhau, như đã xảy ra trong những năm qua.
Tuy nhiên, theo ông Pravit Rojannaphruk, cựu bỉnh bút của tờ The Nation ở Bangkok, việc chính phủ cấm chỉ những cuộc tụ họp chính trị và đe dọa giới truyền thông đang làm cho Thái Lan xa rời những nguyên tắc dân chủ. Ông nói “Môi trường chính trị không được chuẩn bị cho sự phục hồi của thể chế dân chủ, vì đang xảy ra những vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến và trấn áp những sự chỉ trích đối với chính quyền quân nhân.”
Thủ tướng Prayuth đã cấm dân chúng không được thực hiện những cuộc biểu tình phản kháng, với lý do là lệnh cấm này làm giảm tới mức tối đa “những hành vi khích động mâu thuẫn và rối loạn.” Nhưng ông phủ nhận tố cáo đàn áp tự do ngôn luận. Ông nói với đài VOA “Tôi muốn nói với quí vị là tôi hành sử quyền lực của mình ở mức tối thiểu.”
Phát biểu đó hôm nay gặp phải sự phản bác của những người chỉ trích chế độ. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức Human Rights Watch, nói “Rõ ràng là có một chiến dịch đàn áp đang tiếp diễn. Chiến dịch này được cảm nhận một cách rõ ràng chẳng những ở Bangkok mà còn ở các tỉnh. Có một điều lý thú là Tướng Prayuth tìm cách hạ giảm tính chất quan trọng của việc này khi ông ấy ra nước ngoài, nhưng khi ông ấy quay về Thái Lan thì ông lại theo đuổi một đường lối hoàn toàn khác.”
Cựu bỉnh bút của tờ The Nation, ông Pravit, đã bị chính quyền quân nhân câu lưu hai lần để thực hiện điều được gọi là “điều chỉnh thái độ”. Ông dự đoán “thực hiện thêm những vụ bắt giữ mà không truy tố, tiếp tục đe dọa giới truyền thông đại chúng và những người bất đồng chính kiến – những việc đó sẽ không mang lại dân chủ, mà ngược lại.”
Chính quyền quân nhân cũng đang xem tới việc giới hạn internet vào một điểm truy cập duy nhất, làm bùng ra những mối lo ngại về một bức tường lửa kiểu Trung Quốc để ngăn chận những nội dung mà chính quyền không ưa thích.
Nhà báo Pravit nói “Như thế mà dân chủ sao được?”
Ông Pravit nói chuyện với phóng viên của VOA ngày hôm nay, là ngày chót của ông tại tòa soạn của tờ The Nation, nơi ông làm việc trong 23 năm qua.
Những bình luận thẳng thắn của ông đã khiến cho ông bị chính quyền quân nhân câu lưu lần thứ nhì hồi đầu tháng này, làm cho tờ The Nation và các đồng nghiệp của ông gặp phải một sức ép rất lớn. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Đức Giáo Hoàng ‘dịu giọng’ về chủ nghĩa tư bản trong chuyến thăm Mỹ
Nhiều người dự kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gây ‘bão dư luận’ khi đến Mỹ vì những chỉ trích chủ nghĩa tư bản mạnh mẽ của ông trước đây khiến một số người phản đối, thậm chí gán ghép ngài là ‘cộng sản’. Thế nhưng kết quả thực tế là ngài không những không gây xung đột, mà còn khiến giới nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng xúc động mạnh mẽ. Giám mục Nguyễn Thái Hợp nói Đức Giáo Hoàng đã không dùng ngôn ngữ của các chính trị gia mà là ngôn ngữ của Tin Mừng. Khánh An và thông tín viên William Gallo có bài tường thuật chi tiết sau đây.
Trước khi Đức Giáo Hoàng đến Mỹ, một số nhà phân tích dự liệu sẽ có một sự ‘bùng nổ’ trong chính trường và dư luận Mỹ vì sự kết hợp hoàn hảo của hai yếu tố: Một, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nổi tiếng với phát biểu cho rằng chủ nghĩa tư bản là trung tâm mọi vấn đề bất bình đẳng, cội rễ của các căn bệnh xã hội. Hai, nước Mỹ là cường quốc thống lĩnh về kinh tế thị trường. Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Mỹ sẽ là cơ hội hội tụ đủ hai yếu tố gây ra xung đột.
Tuy nhiên, những bài phát biểu của vị đứng đầu Giáo hội Công Giáo, trong đó có bài phát biểu ở Quốc hội Mỹ, không những không gây ra xung đột mà còn đem lại kết quả ngược lại.
Một số nhà phân tích nói ngôn ngữ ‘mềm mỏng’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có tác dụng cân bằng giữa vấn đề tôn trọng nước Mỹ chủ nhà và điều mà Ngài xem là mối nguy của chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng.
Ông Marian Tupy, nhà phân tích chính sách cấp cao của Viện CATO, nói: “Ngài chắc chắn sẽ phát biểu chống chủ nghĩa tư bản nhiều hơn trong những chuyến đi khác đến Châu Mỹ Latinh và các nơi khác. Nhưng ở đây tại Hoa Kỳ, Ngài rõ ràng là đã dịu giọng xuống, đặc biệt là tại Quốc hội. Đó giống như là một vị giáo hoàng khác vậy”.
Nhưng Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình, thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết: “Mỗi lần thì Đức Giáo Hoàng có những đề tài riêng, như lần này Ngài nói về môi sinh, về gia đình. Thành thử đâu phải bài nào cũng nói về chủ nghĩa tư bản, trước đây Ngài đã nói nhiều rồi”.
Mặc dù được cho là ‘dịu giọng’ hơn, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không hoàn toàn bỏ quên những vấn đề kinh tế trong chuyến thăm Mỹ của Ngài.
Trong bài phát biểu ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng đã chỉ trích ‘sự ích kỷ và ham muốn quyền lực và của cải vật chất vô hạn dẫn đến việc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên và loại trừ người nghèo và người yếu thế’.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ một ngày trước đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên tục lặp lại từ ‘công ích’ và nhắc các nhà lập pháp Mỹ về trách nhiệm không chỉ là bảo vệ quyền tự do cá nhân, mà còn phải để ý đến những người bị thiệt thòi.
Đức Giáo Hoàng nói: “Ngay trong thế giới phát triển, những ảnh hưởng của các hành động và cơ cấu bất công là quá rõ ràng. Những nỗ lực của chúng ta phải nhằm mục đích khôi phục lại hy vọng, sửa chữa sai lầm, duy trì các cam kết và rồi thúc đẩy phúc lợi của cá nhân và của dân tộc. Chúng ta phải tiến lên cùng nhau, làm một, trong thần khí canh tân của tình huynh đệ và đoàn kết, hợp tác quảng đại vì lợi ích chung”.
Có một chi tiết thú vị, đó là có một phần trong bài phát biểu đã soạn không được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tới khi Ngài đứng trước Quốc hội Mỹ. Đoạn này nhắc một chút về lịch sử chính trị của Mỹ và vai trò của tiền bạc trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Một trong những câu gây tranh cãi là: “Chính trị thực sự là để phục vụ con người, như thế nó không thể là nô lệ của kinh tế và tài chính”.
Không ai biết tại sao Đức Giáo Hoàng lại bỏ qua đoạn này khi nói trước Quốc hội Mỹ, nhưng nhà phân tích Tupy nói ông ‘ngạc nhiên một cách phấn khởi’ vì sự thiếu vắng những lời lẽ chỉ trích chủ nghĩa tư bản mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng.
“Điều này không có nghĩa là Ngài thay đổi thông điệp. Nó chỉ có nghĩa là Ngài quyết định nhấn mạnh những khía cạnh đức tin khác. Tôi nghi rằng là để không gây khó chịu cho chủ nhà và để hòa điệu tốt hơn với nhiều Mỹ nói chung”.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết không phải lúc nào Đức Giáo Hoàng cũng nói nguyên văn bài phát biểu đã soạn.
“Khá nhiều lần Đức Giáo Hoàng không đọc hết mà lại nói thêm, chẳng hạn như nói với các giám mục hay nói ở những nơi khác, Ngài nói thêm nhiều điều mà không có trong bản văn chính thức”.
Với lối nói từ tốn, nhẹ nhàng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến cho nhiều dân biểu Mỹ xúc động. Người ta thấy Chủ tịch Hạ viện John Boehner liên tục lấy khăn lau nước mắt. Những nhà lập pháp ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đưa ra những phản ứng tích cực về bài phát biểu của người đứng đầu Vatican.
Nhận xét về lối nói cũng như những phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến thăm Mỹ, Gíam mục Nguyễn Thái Hợp nói:
“Có thể nói và nói rất rõ là quan điểm của Đức Giáo Hoàng là lấy Tin Mừng làm chính, thành ra ngôn ngữ, cách ứng xử, xử lý cũng dựa trên nền tảng của Tin Mừng. Thành thử ra là nói mà nói khéo, chứ không phải dùng ngôn ngữ của các chính trị gia, nhất là khi đang trong cuộc tranh luận. Chuyện đó thì ta thấy rõ. Chính vì vậy, nhiều người thấy đồng thuận và nhìn thấy nơi Đức Giáo Hoàng vai trò của một vị mục tử, một sứ giả của Tin Mừng, chứ không phải là người đến để gây chia rẽ.”
Hoa Kỳ là quốc gia thứ 15 mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm trong hơn hai năm trở thành giáo hoàng. Những điểm đến ưu tiên đã thể hiện rõ quan điểm đến gần những người bị gạt ra ngoài lề xã hội trong khẩu hiệu ‘Cảm thương và lựa chọn’ của Ngài. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Việt Nam: Một nhà báo bị 6 năm tù vì làm "gián điệp" cho Trung Quốc
Ông Hà Huy Hoàng, nguyên phóng viên báo Thế giới và Việt Nam của Bộ Ngoại giao hôm nay 30/09/2015 đã bị kết án sáu năm tù vì tội làm "gián điệp" cho Trung Quốc. Đây là vụ án gián điệp hiếm hoi được đưa ra xử công khai, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh về Biển Đông.
Ông Hà Huy Hoàng, 55 tuổi, bị bắt giam từ tháng 10/2014, bị kết tội là từ năm 2011 đã cung cấp các thông tin về tình hình nội bộ trong nước và về các lãnh đạo Việt Nam, sau sáu lần sang Trung Quốc.
Trong phiên tòa diễn ra khoảng vài tiếng đồng hồ tại tòa án Hà Nội hôm nay, cựu nhà báo này đã bị tuyên án sáu năm tù giam theo điều 80 Luật Hình sự. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời luật sư bào chữa Hà Huy Sơn cho biết bị cáo "bác bỏ mọi cáo buộc" đối với tội danh gián điệp vốn có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Báo chí trong nước dẫn cáo trạng cho biết, đầu năm 2009 trên chuyến xe khách từ Lạng Sơn về Hà Nội, ông Hà Huy Hoàng quen một cô gái Trung Quốc xưng tên là Tôn Văn Quế. Sau hai lần sang Trung Quốc theo lời mời của cô này, ông được cô ta giới thiệu với một người tên Nhạc Xuân. Qua thư điện tử, Nhạc Xuân cho biết mình là phóng viên tạp chí Cầu Thị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Từ giữa năm 2009 đến tháng 6/2011, ông Hà Huy Hoàng đã cung cấp cho Nhạc Xuân các thông tin về quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, kỳ họp Ban chấp hành Trung ương Đảng, kỳ họp Quốc hội khóa 13… Đến cuối tháng 6/2011, nhà báo này được Nhạc Xuân đề nghị tìm hiểu các thông tin thuộc loại bí mật Nhà nước, không được hoặc chưa được công bố.
Theo cơ quan điều tra, từ đó cho đến tháng 5/2014, ông Hà Huy Hoàng nhận thức được người này là tình báo Trung Quốc hoạt động dưới danh nghĩa phóng viên, nhưng vẫn tiếp tục cung cấp thông tin. Trong đó có các hoạt động của thanh niên Việt Nam về biển đảo, tìm kiếm máy bay MH370, chủ trương của Việt Nam về vụ biểu tình chống Trung Quốc ở Bình Dương…
Từ năm 2009 đến tháng 7/2013, Tôn Văn Quế và Nhạc Xuân đã 8 lần mời Hà Huy Hoàng sang Trung Quốc tham quan các địa danh nổi tiếng, trong đó Nhạc Xuân chi trả toàn bộ chi phí và tặng một số quà.
Báo Tuổi Trẻ online cho biết, tại tòa bị cáo nói rằng vì nghĩ Nhạc Xuân là phóng viên nên mới trao đổi thông tin, các tin tức cung cấp đều đã được công khai trên báo chí. Các món quà được tặng chỉ mang ý nghĩa tinh thần chứ không có giá trị vật chất như tranh phong cảnh, ví da, chai rượu…Nhưng tòa trích lời khai, có lần bị cáo nghi ngờ hỏi Nhạc Xuân: "Em là tình báo Hoa Nam à?" thì người này không trả lời.
Bị cáo cho rằng nhiều lời khai được ghi theo ý chí chủ quan của điều tra viên. Luật sư biện hộ Hà Huy Sơn nhấn mạnh, lời khai và các trao đổi qua phương tiện điện tử không thể dùng làm chứng cứ để buộc tội. Ông cho biết, thân chủ có 15 ngày để kháng cáo và ông Hà Huy Hoàng có ý định này.
AFP ghi nhận, bản tin trên Tuổi Trẻ và các báo mạng khác đã bị rút xuống, một việc thường diễn ra tại Việt Nam đối với các vấn đề nhạy cảm. Hãng tin Pháp cũng cho biết nhiều viên chức Việt Nam trong đó có cả công an đã bị bắt trong những năm gần đây vì làm gián điệp cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiếm khi có việc đưa ra xử công khai các vụ án gián điệp. Và vụ án này lại diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam do tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là Tập Cận Bình sắp đến thăm Việt Nam. - RFI
|
|
5.
VN tăng cường hợp tác với Mỹ, Philippines để bảo vệ Biển Đông
Đô Đốc Paul Zukunft, Tư lệnh Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, mới đây bày tỏ ý định muốn đào sâu hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chia sẻ thông tin, tăng cường giao lưu và huấn luyện.
Báo The Diplomat hôm nay trích dẫn các nguồn tin từ giới truyền thông địa phương, nói rằng Đô Đốc Paul Zukunft đã đưa ra phát biểu này trong một buổi họp hôm 21/9 với Trung Tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bài viết trên tờ The Diplomat nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã tìm cách củng cố quan hệ an ninh và quốc phòng giữa lúc hai nước đánh dấu 20 năm bình thường hoá quan hệ bang giao trong năm nay. Dựa trên biên bản ghi nhớ năm 2011, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam đã được tăng cường trong 5 lĩnh vực chính: đối thoại cấp cao, an ninh biển, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, và gìn giữ hoà bình.
Trong khuôn khổ các hoạt động đó, Hoa Kỳ trong thời gian qua đã tìm cách tăng khả năng của lực lượng tuần duyên Việt Nam, vốn đang phải đối phó với nhiều thách thức, kể cả việc tàu bè Trung Quốc xâm nhập các vùng biển của Việt Nam.
Hoa Kỳ không chỉ mở các khoá huấn luyện mà còn cung cấp các thiết bị cần thiết.
Song song với việc tăng cường hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước, Hà nội đã đề ra một số biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng tuần duyên Việt Nam, chẳng hạn đầu tháng này, một luật mới được ban hành để cho phép lực lượng tuần duyên Việt Nam sử dụng vũ khí để đuổi các tàu nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp các vùng biển của Việt Nam. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/10.
Ngoài tăng cường hợp tác với lực lượng tuần duyên Mỹ, Việt Nam còn cố gắng tăng hợp tác với Philippines trước mối đe doạ do Trung Quốc đặt ra trong Biển Đông.
Báo Want China Times của Đài Loan hôm nay tường thuật rằng các giới chức Việt Nam và Philippines loan báo hai nước sẽ ký hiệp định đối tác chiến lược vào cuối năm nay để củng cố các quan hệ quốc phòng, chính trị và kinh tế, kể cả hợp tác về vấn đề Biển Đông, mà Philippines gọi là biển Tây Philippines.
Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 2/9 nói với các nhà báo rằng đại diện của hai nước sẽ ký hiệp định này bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương sẽ được tổ chức tại Manila vào tháng 11 năm nay.
Tờ Want China Times dẫn lời phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Philippines, ông Trương Triều Dương, nói rằng :“Chúng tôi sẽ đào sâu hợp tác để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới Biển Đông theo phương cách hoà bình nhất có thể được, dựa trên luật pháp quốc tế.”
Trong số các nước cũng tranh giành chủ quyền một phần Biển Đông với Bắc Kinh, Philippines và Việt Nam là hai nước lên tiếng mạnh mẽ nhất để phản đối các hành động của gây hấn của Trung Quốc để củng cố các đòi hỏi chủ quyền hầu hết Biển Đông. - VOA
|
|
6.
Việt Nam miễn thị thực cho người Việt định cư ở nước ngoài
Một nghị định mới của chính phủ Việt Nam cho phép người Việt ở hải ngoại, vợ hay chồng người nước ngoài và con cái của họ sang thăm Việt Nam mà không cần phải xin thị thực nhập cảnh.
Báo Thanh Niên hôm nay nói thêm rằng quy định duy nhất là họ phải có sổ thông hành có hiệu lực trong ít nhất là thêm một năm nữa, và trình giấy tờ cá nhân cho các cơ quan cấp visa trong khu vực. Họ sẽ được cấp giấy miễn thị thực có hiệu lực tối đa là 5 năm.
Người nước ngoài hiện ở tại Việt Nam có thể xin cấp giấy miễn thị thực tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, Giấy miễn thị thực được cấp cho người nhập cảnh Việt Nam thăm thân nhân, giải quyết việc riêng. Giấy miễn thị thực sẽ được đóng vào sổ thông hành.
Biện pháp này là nhằm đẩy mạnh con số du khách tới thăm Việt Nam đã giảm mạnh trong năm qua.
Số du khách tới thăm Việt Nam trong tháng 9 chỉ lên tới 626,000 người, giảm 5,8% so với tháng trước đó, theo các số liệu của Tổng Cục Du lịch Việt Nam.
Mặc dù con số này tượng trưng cho mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng số du khách tới Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã giảm 5,9%.
Theo báo Thanh Niên, một số người quy cho tình trạng kinh tế toàn cầu khó khăn hơn, tuy nhiên giới truyền thông lưu ý rằng các nước láng giềng của Việt Nam ghi nhận số du khách tăng đáng kể trong cùng thời gian này. - VOA
No comments:
Post a Comment