Friday, September 4, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 4/9

Tin Thế Giới

1.
Chuyên gia: Cuộc duyệt binh của TQ là 'quầy hàng' kỹ thuật ăn cắp

Cuộc duyệt binh ồ ạt ở Bắc Kinh trong tuần này phô trương các loại vũ khí mới nhất của Trung Quốc, nhiều thứ lần đầu tiên ra mắt công chúng. Nhưng các chuyên gia vũ khí nói các hệ thống được đưa ra trưng bày cho thấy những đặc điểm lừng danh của Trung Quốc về việc ăn cắp kỹ thuật và điều chỉnh cho thích nghi với các yêu cầu của họ.

Cuộc trưng bày gồm các phi đạn tầm xa, tầm trung bình và tầm ngắn, một loạt xe tăng và 200 máy bay chiến đấu. Chính phủ Trung Quốc nói tất cả các thiết bị đã được chế tạo trong nước, để chứng minh cho thành quả của khả năng công nghiệp quân sự và ước tính chừng 145 tỷ đô-la dành cho quân đội vào năm 2015.

Ông Michael Raska, giảng viên kỳ cựu tại Viện Quốc phòng và Sách lược có trụ sở ở Singapore, nói: “Cuộc duyệt binh là một quầy hàng tài sản trí thức đánh cắp”. Nhà nghiên cứu này nói có thể nhận diện các bộ phận và thiết kế trong các thiết bị khác nhau, có nguồn gốc của các nước khác một cách khả nghi.

Viện dẫn một thí dụ cụ thể, ông Raska nói: “Những dàn phóng HQ-6A mà ta thấy trong cuộc diễn hành dựa vào khái niệm phi đạn Alenia Aspide của Italia được mô phỏng, tự nó lại dựa vào phi đạn RIM-7E/F Sparrow của Hoa Kỳ”.

Ông nói chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc dựa vào một phiên bản Sukhoi Su-33 của Nga.

Cáo buộc của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc trong những năm gần đây là ăn cắp trên mạng kỹ thuật và các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ trên quy mô lớn. Các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ tố cáo chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc phần lớn dựa vào kỹ thuật đánh cắp từ chiếc F-35 của Hoa Kỳ.

Năm ngoái, Hoa Kỳ nói các tay tin tặc trong quân đội Trung Quốc đã đánh cắp những bí mật thương mại của 6 công ty hạt nhân, thép và năng lượng sạch của Hoa Kỳ, trực tiếp dẫn đến việc thất thoát đáng kể công ăn việc làm, lợi thế cạnh tranh và thị trường.

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ nói: “Đây là trường hợp cáo buộc các thành viên quân đội Trung Quốc làm gián điệp kinh tế… có lợi cho các công ty quốc doanh và các lợi ích khác của Trung Quốc.”

Điểm 'IDAR'

Nhưng ông Raska nói Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn mà họ là “những người bắt chước và sao chép” và đã đạt đến chỗ mà các chuyên gia mô tả là điểm “IDAR”, có nghĩa là nhận diện, tiêu hóa, thẩm nhập và tái đầu tư các kỹ thuật.

Các chuyên gia nói không dễ gì các nước và các công ty sản xuất kỹ thuật đặc biệt có thể chứng minh là kỹ thuật đó bị Trung Quốc đánh cắp. Các thiết kế bộ phận được pha trộn từ nhiều loại vũ khí khác nhau trước khi được tái tạo hình và sản xuất ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có thể sử dụng quan hệ ngoại giao với các nước đã thủ đắc vũ khí tây phương và không quan tâm đến việc truyền bá lại các kỹ thuật đã thủ đắc cho các khoa học gia Trung Quốc.

Nhưng ngay cả với kỹ thuật như thế được chia sẻ với các nước thân thiện với Trung Quốc, ông Jagganath Panda, một nhà khảo cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, cho rằng các đầu tư của nước này dồn vào quân đội đã mang lại hiệu quả.

Ông nói: “Chúng ta cần phải chấp nhận rằng Trung Quốc đã hết sức thành công trong việc phát triển một khả năng sản xuất công nghiệp quân sự vững mạnh”.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bán máy bay không người lái, chiến hạm, tàu ngầm và các hệ thống phòng không cho các nước đang phát triển và trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Nga.

Thực vậy, một điểm quan trọng mà cuộc duyệt binh hôm thứ Năm có thể là để trưng bày các hệ thống tối tân nhất của nước này cho những khách hàng có ý mua và tăng cường uy danh của Trung Quốc trong tư cách một thế lực quân sự đang trỗi dậy. - VOA
|
|

2.
Mỹ và Malaysia đàm phán bí mật về việc hợp tác tuần tra ở Biển Đông

Hãng tin Bloomberg, ngày 03/09/2015 đưa tin, các quan chức cao cấp Mỹ cho biết, Washington và Kuala Lumpur đang đàm phán bí mật về việc Malaysia cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ của mình để đón tiếp các máy bay do thám Mỹ phục vụ cho việc do thám, tuần tra ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động đòi hỏi lãnh thổ tại các vùng đang có tranh chấp.

Sau một loạt các vụ tàu Trung Quốc thâm nhập vào các vùng biển của Malaysia trong những tháng gần đây, đại diện chính phủ Mỹ và văn phòng Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán.

Phía Mỹ gây sức ép để chính phủ Malaysia cho phép các máy bay do thám P-8 Poseidon và P-3 Orion của Hải quân Hoa Kỳ được xuất phát từ nước này đi tuần tra vùng Biển Đông, ở mà Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp, xây dựng nhiều đảo nhân tạo.

Cho đến nay, hai bên vẫn chưa đạt được các thỏa thuận, nhưng việc Kuala Lumpur chấp nhập đàm phán với Washington về việc này đánh dấu sự thay đổi lập trường của Malaysia vì từ trước tới nay, chính quyền Kuala Lumpur vẫn chủ trương quan hệ cân bằng, không làm mất lòng Mỹ và Trung Quốc.

Nguồn tin của Mỹ cho biết rõ, đại diện cho chính quyền Washington trong các cuộc đàm phán là các sĩ quan trong Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương ở Hawaii và ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách an ninh Châu Á-Thái Bình Dương.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về thông tin đàm phán bí mật giữa hai nước, còn sứ quán Malaysia tại Washington không trả lời câu hỏi của Bloomberg.

Mùa thu năm ngoái, Đô đốc Mỹ Jonathan Greenert, chỉ huy các chiến dịch hải quân, cho biết vừa qua, Malaysia đã đề nghị cho chúng tôi được điều một phi đội máy bay trinh thám P-8 tới phía đông nước này. Vào lúc đó, báo chí Mỹ bình luận là kế hoạch này có nguy cơ làm cho Trung Quốc bực bội.

Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ và chính phủ Malaysia đều tuyên bố là hai bên chưa có thỏa thuận nào về việc này.

Theo các nguồn tin ngoại giao, các cuộc đàm phán bí mật hiện nay giữa hai nước nhắm tới đảo Lubuan, ở ngoài khơi bang Sabah. Đảo này gần các vị trí quân sự do Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Hiện nay, các máy bay do thám của Hoa Kỳ đều phải xuất phát từ những vị trí xa hơn, ví dụ như từ căn cứ không quân Clark của Philippines.

Chính phủ Malaysia rất quan ngại trước việc rò rỉ thông tin về hợp tác quân sự với Mỹ. Ông Ernest Bower, phụ trách ban nghiên cứu Châu Á, thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS – giải thích: "Hợp tác an ninh giữa Mỹ và Malaysia rất chặt chẽ nhưng kín đáo trong một thời gian dài. Malaysia rất lo ngại trước các hành động của Trung Quốc".

Hoa Kỳ cũng đang giúp Malaysia nâng cao khả năng kỹ thuật trong việc giám sát và bảo vệ lãnh thổ tại Biển Đông và các vùng lân cận. Ít có khả năng Mỹ xây dựng được một căn cứ quân sự tại Malaysia nhưng việc sử dụng lãnh thổ nước này có tầm quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Theo chuyên gia Bower, so với trước đây, Malaysia hiện nay có nhiều lợi ích hơn trong việc cho phép Hoa Kỳ tiếp cận lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian qua, Malaysia tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Kuala Lumpur. Tuần trước, quân đội Trung Quốc thông báo là hai nước sẽ sớm tiến hành các cuộc tập trận chung trên quy mô lớn.

Chính phủ của Thủ tướng Najib rất chú trọng tới chính sách quan hệ cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận định, Malaysia hiếm khi nào công khai chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng lại lặng lẽ gia tăng hợp tác với các nước Đông Nam Á hiên đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Hoa Kỳ tiếp Quốc vương Ả Rập Saudi Arabia tại Tòa Bạch Ốc

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chào mừng Quốc Vương Salman của Ả Rập Saudi tới thăm Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu.

Nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi tới Mỹ trong chuyến đi thăm đầu tiên của ông đi thăm Hoa Kỳ, mang theo những lo ngại của ông về chiến tranh ở Iraq, Yemen, Syria và về cách cư xử của Iran tại Trung Đông.

Lần sau cùng Tổng thống Obama gặp Quốc vương Salman là vào tháng Giêng năm nay tại Ả Rập Saudi.

Cuộc họp hôm thứ Sáu tại Tòa Bạch Ốc diễn ra tiếp theo sau một hội nghị thượng đỉnh khu vực, trong đó Tổng thống Obama đã dành thời gian để thuyết phục các nhà lãnh đạo thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và trấn an bất cứ quan tâm nào về việc làm trung gian điều giải để đạt dược một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Các cuộc thảo luận hôm thứ Sáu sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác an ninh với Ả Rập Saudi để xây dựng khả năng của nước này trong việc đối phó với mối đe doạ tiềm tàng từ Iran, nhưng không nhất thiết là qua việc cung cấp các hệ thống vũ khí quy ước quy mô lớn gây nhiều tranh cãi, hoặc các vũ khí hạng nặng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Lãnh đạo Việt-Trung đồng ý ‘xử lý đúng đắn’ tranh chấp Biển Đông --- Chủ tịch Sang dự duyệt binh ở Trung Quốc, đề cập Biển Đông

Các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau hôm thứ Năm là sẽ ‘xử lý đúng đắn’các tranh chấp chủ quyền trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng, hãng thông tấn Reuters trích nguồn tin của Tân Hoa Xã cho biết như trên.

Động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền ở các vùng biển khiến cho các nước láng giềng và Hoa Kỳ lo lắng ngại, mặc dù Bắc Kinh nói không có ý định thù địch.

Năm ngoái, Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu trong khu vực mà Việt Nam xem là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cách bờ biển của Việt Nam khoảng 120 hải lý, đã dẫn đến những đụng độ tồi tệ nhất trong mối quan hệ của hai nước tính từ cuộc chiến biên giới năm 1979.

Tân Hoa Xã trích lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng: “Chúng tôi ủng hộ việc xử lý đúng đắn các tranh chấp giữa hai bên thông qua đối thoại, mở rộng hợp tác và vì các lợi ích chung”.

Cả hai nước đều là quốc gia do đảng cộng sản nắm quyền và đây “là một yêu cầu đối với hai nước nhằm tăng cường phối hợp chiến lược, trao đổi và hợp tác”, ông Tập nói thêm.

Ông Trương Tấn Sang hiện đang ở Bắc Kinh để tham dự buổi diễu binh được xem là ‘chưa từng có’ của Trung Quốc nhằm đánh dấu 70 năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Á.

Tân Hoa Xã trích lời ông Trương Tấn Sang nói: “Việt Nam hy vọng sẽ tăng cường sự tin tưởng chính trị và các hoạt động giao lưu với Trung Quốc, xử lý đúng đắn những khác biệt và tăng cường sự hợp tác đôi bên cùng có lợi”.

Trung Quốc có yêu sách chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei ở Biển Đông, khu vực có khối lượng thương mại hàng hải đi qua trị giá đến 5.000 tỷ đôla mỗi năm.

Trong khi đó, Washington gần đây tranh thủ tình thế để gia tăng quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Trung Quốc đã tỏ ra hoài nghi và xem các động thái của Hoa Kỳ là ‘kích động’ căng thẳng bằng cách hỗ trợ cho các đồng minh trong khu vực, chẳng hạn như Philippines, bên cạnh Việt Nam.

Trung Quốc và Việt Nam đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ kể từ khi vụ đụng độ. Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, thành viên cao cấp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến thăm Việt Nam vào giữa tháng Bảy.

Thương mại giữa hai nước đã tăng lên đến 50 tỷ đôla mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam từ lâu vẫn nghi ngờ nước láng giềng khổng lồ của mình. - VOA

***
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hôm 3/9 đã dự khán buổi lễ duyệt binh hoành tráng ở Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, một ngày sau khi phát biểu nhân Quốc khánh 2/9, cho rằng Việt Nam đang phải “đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức”, trong đó có vấn đề tranh chấp biển Đông.

Ông Sang cùng với 24 nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chụp ảnh chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh trước khi buổi lễ duyệt binh với sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc diễn ra.

Chủ tịch Việt Nam tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi đó lãnh đạo Philippines và Nhật Bản từ chối vì vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Trong một bức ảnh chụp cảnh khán đài, đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đứng ngay bên phải Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Tổng thống Nga Vladimir Putin và bên trái ông Tập là cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc Giang Trạch Dân. Không thấy ông Sang trong bức ảnh này.

Ngoài Chủ tịch Việt Nam, các quan khách từ Đông Nam Á tới tham dự cuộc phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn có Campuchia, Myanmar, Lào, và Đông Timor.

Khoảng 12.000 binh sĩ Trung Quốc và binh lính từ hơn 10 quốc gia, trong đó có Nga, cùng 200 máy bay đã tham gia cuộc duyệt binh quy mô lớn để đánh đấu ngày Bắc Kinh giành chiến thắng trước Nhật Bản trong Thế chiến II.

Theo trang web của chính phủ Việt Nam, sau cuộc duyệt binh, chiều 3/9, Chủ tịch Sang đã có cuộc gặp riêng với ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh.

Ông Sang được trích lời khẳng định rằng “Việt Nam trước sau như một coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc”.

Chủ tịch Việt Nam cũng bày tỏ rằng “tình hình trên biển thời gian qua diễn biến phức tạp khiến các nước trong và ngoài khu vực lo ngại”, và “đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.

Ngoài ra, ông cũng “thúc đẩy các lĩnh vực, dự án hợp tác mà hai bên đã nhất trí, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Trước đó, hôm 2/9, trong bài phát biểu kỷ niệm Quốc khánh ở trong nước, ông Sang cũng đề cập tới “tình hình thế giới và khu vực thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường”.

Tranh chấp lãnh hải được ông coi là một trong các “thách thức và khó khăn” đối với Việt Nam. Ông nói: “…sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng gia tăng trên biển Đông và những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Nhà nước ta, chế độ ta, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta”. - VOA
|
|

5.
Nhà báo mất chức 'vì bài về 2/9'

Một nhân vật cấp lãnh đạo tại một tờ báo lớn của Việt Nam đã bị cách chức và thu hồi thẻ nhà báo.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam ngày 4/9 loan báo thu hồi thẻ nhà báo của ông Đỗ Văn Hùng, thường được biết với tên Đỗ Hùng.

Hôm 3/9, báo Thanh Niên đã miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo điện tử Thanh Niên với ông Hùng.

Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông không nêu nguyên do, nhưng giới nhà báo trong nước tin rằng nó xuất phát từ một đoạn ngắn trên Facebook cá nhân.

Hôm 2/9, trong lúc Việt Nam đánh dấu 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh, ông Hùng đăng một đoạn trên Facebook nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giọng văn hài hước của ông Hùng sau đó bị một số người trên mạng lên án là giễu cợt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Quyết định nhanh chóng của báo Thanh Niên và của Bộ Thông tin và Truyền thông dường như cho thấy giới chức xem đây là vấn đề nghiêm trọng.

Loan báo của Bộ Thông tin và Truyền thông nói báo Thanh Niên phải thu hồi thẻ nhà báo của ông Hùng và nộp về Bộ trước ngày 18/9. - BBC
|
|

6.
Bị trường khuyên nghỉ vì 'khác lý tưởng'?

Một blogger sinh viên tại Hà Nội nói ông bị trường "khuyên" nghỉ học vì không có "lý tưởng cộng sản".

Nhưng phó hiệu trưởng trường đại học nói với BBC rằng không có việc ông khuyên người này nghỉ học vì "sức ép của an ninh".

Hôm 2/9, blogger Phạm Lê Vương Các trình bày trên Facebook về việc ông bị phó hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa Đại học Liên thông, Trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội mời gặp ở văn phòng hôm 1/9 sau tuần đầu tiên nhập học.

Ông Các cho biết mình đã phải trả khoản tiền 15 triệu đồng/năm để được học ở trường này.

Ông Các dẫn lời ông Hà Đức Trụ nói: “Em nên nghỉ học ở trường này đi, rút lại hồ sơ và kiếm trường khác mà học!”.

“Ai cũng có lý tưởng của riêng mình, em có lý tưởng tự do dân chủ, còn chúng tôi có lý tưởng cộng sản. Trường này do những người cộng sản lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị cộng sản này”, ông Các tường thuật lời ông Trụ.

Dù bị áp lực, ông Các vẫn kiên định: “Nhà trường chỉ có thể buộc tôi thôi học khi tôi có những hành vi vi phạm phạm luật qua một bản án xét xử của tòa án.

Cơ quan An ninh không có chức năng xét xử mà họ chỉ là cơ quan điều tra. Họ điều tra và báo cáo như thế nào là việc của họ, nhà trường đừng để họ làm thay công việc của tòa án và xem họ như là tòa án”.

Nhà trường phủ nhận

Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt hôm 4/9, phó hiệu trưởng Hà Đức Trụ, người gặp Vương Các, cho biết:

“Vấn đề trao đổi giữa tôi và sinh viên Các chỉ là việc sinh viên học trái ngành nên cần học chuyển đổi bổ sung.

Tôi khẳng định không hề có chuyện khuyên sinh viên này nên nghỉ do sức ép của an ninh. An ninh không có quyền can thiệp vào trường của tôi, trong lúc việc kiếm được một sinh viên học liên thông là không dễ”.

Ông Trụ cho biết đã đọc bài viết của ông Các trên Facebook và nói ‘không quan tâm vì đó là tự do tư tưởng và quan điểm cá nhân, dù thông tin đó có thể ảnh hưởng không hay đến nhà trường’.

Ông còn nhận xét rằng ông Các "thẳng thắn, có chính kiến, tư chất để làm một người tốt".

Cùng ngày, một luật sư ở Hà Nội, Trần Vũ Hải, cho biết ý kiến:

“Một trường đại học không có lý do gì để từ chối một sinh viên nếu không có căn cứ pháp lý rằng người ấy phạm pháp.

Đã có luật về đại học, sinh viên và tuyển sinh nên mọi thứ cần được xử lý căn cứ trên pháp luật.”

Ông Hải nói thêm rằng những trường hợp sinh viên nhận thấy mình bị nhà trường đối xử "không đúng mực" thì cần yêu cầu văn bản trả lời để khiếu nại theo luật.

“Vì trách nhiệm nghề nghiệp của mình, các luật sư chắc chắn sẽ đứng về phía những người bị hành xử không đúng luật”, ông Hải nói.

‘Tổn thương sâu sắc’

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 4/9, ông Các cho biết mình "tổn thương sâu sắc".

Tuy vậy ông vẫn "đang đợi động thái tiếp theo từ nhà trường để có phản ứng thích hợp".

“Đây là lần thứ hai tôi bị nhà trường đề nghị thôi học vì cùng một lý do. Lần trước, năm 2013, tôi đã học đến năm cuối trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thì bỏ học do sức ép khá nặng nề và chưa có bản lĩnh vững vàng như bây giờ”.

Ông nhấn mạnh: “Tôi quyết tâm không bỏ cuộc, đấu tranh để đòi hỏi quyền học tập của mình vì không muốn tạo ra một tiền lệ xấu sau này trong giáo dục."

Năm 2013, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói ông Các cùng blogger Nguyễn Hoàng Vi bị hành hung.

HRW khi đó nói ông Các thuộc nhóm “phản ánh tiếng nói bất đồng của một thế hệ trẻ hơn, không có ràng buộc gì với bộ máy nhà nước”. - BBC

No comments:

Post a Comment