Tuesday, September 15, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 15/9

Tin Thế Giới

1.
Bắc Triều Tiên đe dọa tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân --- Bắc Triều Tiên đẩy nhanh nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân, phi đạn

Bắc Triều Tiên hôm nay tuyên bố đã khởi động lại ‘các hoạt động bình thường’ tại cơ sở hạt nhân chính ở Yongbyon và cảnh cáo rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ ‘vào bất cứ lúc nào’.

Những lời bình luận do Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải đã xuất hiện giữa lúc Bình Nhưỡng còn đe dọa sẽ dùng công nghệ phi đạn đạn đạo bị cấm để phóng một vệ tinh theo dõi thời tiết lên quỹ đạo.

Những lời đe doạ đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên lại dùng những lời khiêu khích có tính khoa trương mà nước này hay sử dụng trong một mưu toan để tìm kiếm những sự nhượng bộ chính trị của Hàn Quốc và Hoa Kỳ, hai nước thù nghịch chính của Bắc Triều Tiên.

Hãng tin KCNA loan báo “Tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, kể cả nhà máy tinh chế uranium và lò phản ứng 5 megawatt đã được tái phối trí, thay đổi và điều chỉnh, và đã khởi sự các hoạt động bình thường.”

Yongbyon là trung tâm đã sản xuất các vật liệu mà Bắc Triều Tiên sử dụng trong 3 cuộc thử nghiệm hạt nhân của họ. Khu phức hợp này đã bị đóng cửa hồi năm 2007 trong khuôn khổ một thoả thuận với Hoa Kỳ, tuy nhiên một vài bộ phận của cơ sở này đã được khởi động lại sau đó.

Loan báo của Bình Nhưỡng có phần chắc sẽ bị Mỹ và các nước đồng minh lên án. Các nước này được coi là mục tiêu chính của các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

Hàn Quốc hôm nay cảnh cáo miền Bắc chớ thực hiện vụ phóng phi đạn tầm xa, một ngày sau khi miền Bắc nói xa nói gần rằng họ có thể làm việc này nhân một dịp kỷ niệm chính trị quan trọng vào tháng tới.

Người phát ngôn của Tổng Thống Hàn Quốc, ông Kim Min-seok, nói rằng một hành động như vậy sẽ là một “hành động khiêu khích nghiêm trọng’ và là một sự vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên thực hiện các cuộc thử nghiệm phi đạn.

Tuy nhiên, ông Kim nói thêm rằng Seoul chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy là Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ phóng như vậy.

Các giới chức Bắc Triều Tiên hôm qua thề sẽ tiến hành các kế hoạch để phóng điều mà họ gọi là ‘một vệ tinh theo dõi thời tiết’ lên quỹ đạo. Họ không cho biết thời biểu để thực hiện vụ phóng, nhưng có tin đồn rằng vụ phóng có thể diễn ra vào ngày 10/10, kỷ niệm năm thứ 70 ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên đương quyền. - VOA

***
Trong thời gian qua Hàn Quốc đã ra sức tăng cường vị thế trên trường ngoại giao, trong lúc Bắc Triều Tiên có những hành động khiêu khích làm cho căng thẳng trong vùng Đông Bắc Á leo thang. Thông tín viên đài VOA Brian Padden gởi về bài tường thuật từ Seoul.

Bắc Triều Tiên dường như đang gia tăng các nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo, và điều này có thể làm cho chế độ Kim Jong Un bị cộng đồng quốc tế chế tài nhiều hơn nữa.

Thông tấn xã KCNA do nhà nước Bắc Triều Tiên kiểm soát ngày hôm nay cho biết khu liên hợp hạt nhân chính Yongbyon của nước này đang hoạt động hết công suất.

Lò phản ứng này đã ngưng hoạt động vào năm 2007. Tuy nhiên, tiếp theo cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 của BắcTriều Tiên vào năm 2013, Bình Nhưỡng cho biết sẽ cho cơ sở này bắt đầu hoạt động trở lại.

Một số nhà phân tích quân sự, khi nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh của khu liên hợp vào tháng Giêng năm nay cho rằng lò phản ứng chế tạo nguyên liệu bom hạt nhân đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên cho đến nay chưa có bất cứ sự xác nhận chính thức nào cả.

Cơ quan Phát triển Không gian Quốc gia của Bắc Triều Tiên ngày hôm qua cho biết họ đang chuẩn bị để phóng một vệ tinh có thể sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo.

Thông tấn xã KCNA cho biết “Thế giới sẽ thấy rõ ràng một loạt các vệ tinh của BắcTriều Tiên bay trên bầu trời vào thời gian và địa điểm do Uỷ ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên ấn định.”

Các nhà phân tích bên ngoài đồn đoán là Bắc Triều Tiên đã có kế hoạch phóng hỏa tiễn tầm xa, có thể vào tháng 10 năm nay, để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng đương quyền.

Bắc Triều Tiên vẫn cho rằng những vụ phóng thử nghiệm như vậy có tính cánh hòa bình, không có mục đích quân sự. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các đồng minh nói những vụ phóng này chính yếu là nhằm phát triển công nghệ phi đạn đạn đạo tầm xa, là những công nghệ đã bị những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm đoán.

Loan báo về việc tinh chế hạt nhân và phóng rốckết được đưa ra vài tuần lễ sau khi một biến cố tại biên giới làm cho Nam và Bắc Triều Tiên suýt xảy ra một cuộc xung đột quân sự qui ước.

Những cuộc họp khẩn ở cấp cao đã giải quyết vụ đối đầu và cả hai miền đều hứa tổ chức xum họp cho các gia đình bị chia cách kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên phân chia bán đảo này vào năm 1950. Họ cũng đồng ý tiến hành những cuộc thảo luận thêm nữa để giảm bớt căng thẳng trong vùng.

Theo nhà phân tích về Triều Tiên Daniel Pinkston của Trung tâm Nghiên cứu Xung đột thuộc Trường đại học Babes-Bolyai ở Romania, Hàn Quốc đã có lợi thế đáng kể về những vũ khí qui ước hiện đại so với kho vũ khí thời chiến tranh lạnh của miền Bắc.

"Tôi nghĩ ở một thời điểm nào đó, Bắc Triều Tiên đã nhận thức được điểm yếu của họ trong tương quan chiến lược này và đang tìm cách thoát ra khỏi thế yếu."

Bắc Triều Tiên vẫn cho rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để tự vệ, chống lại một cuộc xâm lăng mà Hoa Kỳ có thể thực hiện.

Tuy nhiên, những hoạt động phát triển mới về hạt nhân và phóng phi đạn có thể gây nên những chế tài quốc tế mới, làm tăng sự xa cách giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng và phá hoại những nỗ lực giao tiếp liên Triều mới đây.

Khiêu khích của miền Bắc, ngoại giao của miền Nam

Trong khi lãnh tụ Kim Jong Un làm cho Bắc Triều Tiên tiếp tục bị cô lập và giữ nguyên lập trường ương ngạnh về hạt nhân và phi đạn, Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye càng ngày càng trở thành một sức mạnh có lợi cho sự ổn định và những mối bang giao trong khu vực, đặc biệt với Trung Quốc, đồng minh chính của BắcTriều Tiên.

Tổng thống Park đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, gần đây nhất là đến Bắc Kinh để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Ông Kim Jong Un đã vắng mặt trong sự kiện này và chưa hề gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Là đồng minh chính của Hoa Kỳ, Tổng thống Hàn Quốc bị một số người chỉ trích vì đã tham dự cuộc duyệt binh của Trung Quốc. Một số người cho rằng việc này chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Seoul. Tuy nhiên nhà phân tích Robert Kelly, phó giáo sư tại Trường đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc nói chính Tổng thống Park đã kéo Chủ tịch Tập Cận Bình gần hơn qua nỗ lực ngoại giao cá nhân và gia tăng các quan hệ kinh tế.

"Bà có mặt tại đó nói chuyện với ông Tập để cố xây dựng mối quan hệ và trong lâu dài là từ từ kéo Trung Quốc cách xa Bắc Triều Tiên. Đây là một hành động rất khôn khéo. Theo quan điểm của tôi, đây là điều tốt nhất bà làm trong nhiệm kỳ tổng thống này.”

Tổng thống Park tháng tới sẽ đến thăm Washington để khẳng định liên minh quân sự mạnh mẽ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Pinkston nói Washington và Seoul đang làm việc để đi đến cùng mục tiêu, thống nhất trong hòa bình một nước Triều Tiên dân chủ. Tuy nhiên các giới chức Mỹ vẫn còn lo ngại về những dấu hiệu củng cố mối quan hệ với Trung Quốc, như là việc bà Park tham dự cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh.

“Chắc chắn việc này làm một số người tại Washington không thoải mái, hay nghi ngờ, về ý đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên đối với bà Park thì vị thế của bà hoàn toàn khác biệt.”

Mới đây Tổng thống Park cũng cho thấy ý muốn giảm bớt căng thẳng với Nhật Bản về những vấn đề lịch sử.

Tổng thống Hàn Quốc đã từ chối gặp Thủ tướng Shinzo Abe cho tới khi nào nhà lãnh đạo Nhật trực tiếp xin lỗi về việc hàng trăm ngàn phụ nữ châu Á bị quân đội Nhật Bản buộc làm điếm hay còn gọi là “an ủi phụ” trong thời kỳ chiến tranh.

Tuy nhiên, trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, bà Park nói bà chấp nhận lời hứa của ông Abe ghi nhận những lời xin lỗi của các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong quá khứ, trong đó có Tuyên bố Kono năm 1993 đưa ra lời xin lỗi và hối tiếc đối với các an ủi phụ.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu lập kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên vào cuối năm nay. Đó sẽ là cuộc họp thượng đỉnh ba bên đầu tiên kể từ năm 2012. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc xây phi đạo thứ ba tại Biển Đông

Trung Quốc vẫn tiến hành chính sách "quân sự hoá" Biển Đông mặc dù cam kết ngưng lại hồi tháng Tám. Các nguồn tin Mỹ cho biết Bắc Kinh tiếp tục đưa trang thiết bị quân sự ra Trường Sa và xây thêm một phi đạo mới, sau khi đã hoàn tất hai phi trường quân sự cho phép Trung Quốc khống chế không phận Biển Đông.

Theo bản tin của Reuters ngày 14/09/2015, trích dẫn thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, CSIS (Washington), Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một căn cứ rộng lớn trên các đảo nhân tạo Subi (Subi Reef) và Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa. Trong dự án này, có cả một phi trường quân sự thứ ba. Chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu CSIS cho biết thêm phi đạo thứ ba có chiều dài hơn 3 km như hai đường băng ở đảo Chữ Thập và Subi.

Ba phi trường này sẽ là căn cứ tiền phương của quân đội Trung Quốc yểm trợ cho việc tìm kiếm khí đốt cũng như đe dọa và khống chế bầu trời Biển Đông. Song song với việc xây dựng phi trường, Trung Quốc còn có kế hoạch đưa vũ khí phòng không, hải thuyền đủ loại. Tin này là do các viên chức Trung Quốc tiết lộ. 

Chuyên gia Michael Green, được Washington Post trích dẫn, thẩm định là trong tương lai các căn cứ tiền phương của Trung Quốc không ngăn chận được chính sách của Mỹ bảo vệ tự do thông thương tại Biển Đông nhưng sẽ gây "khó khăn phức tạp" cho chính sách này.

Được Reuters đặt câu hỏi, hôm thứ Hai 14/09, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, tiếp tục khẳng định "chủ quyền không thể phủ nhận được của Trung Quốc tại Trường Sa và do vậy Trung Quốc có quyền thiết lập căn cứ quân sự tại đây".

Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ không bình luận về những thông tin đáng lo ngại liên quan đến vùng biển thuộc chủ quyền truyền thống của Việt Nam và Philippines vừa được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế loan báo. Trung tá Bill Urban chỉ kêu gọi Trung Quốc "ngưng đòi hỏi chủ quyền biển đảo và tiến hành các dự án xây dựng để làm giảm căng thẳng trong khu vực, tạo điều kiện cho những giải pháp ngoại giao".

Theo Fox News, hồ sơ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc sẽ được tổng thống Obama nêu lên với Chủ tịch Tập Cận Bình nhân thượng đỉnh vào cuối tháng Chín này.

Trong khi đó, báo chí Mỹ, trích dẫn các viên chức Hoa Kỳ xin ẩn danh, cho biết thêm hai thông tin. Một là Hoa Kỳ không trừng phạt doanh nhân và xí nghiệp Trung Quốc để trả đũa các vụ tin tặc trước ngày viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc. Thứ hai là có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ bỏ chuyến thăm viếng Hoa Kỳ nếu Trung Quốc bị trừng phạt. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Thăm dò: Ông Trump dẫn đầu, ủng hộ dành cho bà Clinton giảm

Tỷ phú Donald Trump tiếp tục được thêm sự ủng hộ trong nỗ lực trở thành ứng viên được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống trong cuộc bỏ phiếu vào năm sau.

Kết quả cuộc khảo sát mới do Washington Post và ABC News công bố hôm nay cho thấy 33% cử tri đảng Cộng hòa nói họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, tăng từ con số 24% hồi tháng 7.

Cựu bác sĩ phẫu thuật thần kinh Ben Carson vượt lên vị trí thứ nhì, tăng từ mức 6% ủng hộ của tháng 7 lên thành 20% trong cuộc khảo sát được thực hiện tuần rồi mới công bố hôm nay.

Những người còn lại trong đông đảo ứng viên Cộng hòa đang chật vật đuổi theo trong lúc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tranh luận thứ nhì vào tối thứ tư tuần này.

Cựu thống đốc bang Florida, Jeb Bush, chiếm 9% ủng hộ trong cuộc khảo sát, theo sau là Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas và Thượng nghị sĩ bang Florida, ông Marco Rubio mỗi người được 7%.

Vẫn theo cuộc khảo sát, hai tháng qua là hai tháng vất vả cho chiến dịch tranh cử của thống đốc Wisconsin, ông Scott Walker, người đứng thứ nhì sau tỷ phú Trump hồi tháng 7 với 13% ủng hộ trong lần khảo sát đó, nay chỉ được 2% ủng hộ trong cuộc thăm dò ý kiến lần này.

Bà Hillary tuột dốc

Bên đảng Dân chủ, dù ủng hộ dành cho bà Hillary Clinton giảm, nhưng bà vẫn dẫn đầu Thượng nghị sĩ Vermont Bernie Sanders, với tỷ lệ cách biệt 56%-28%.

Với khả năng Phó Tổng thống Joe Biden có thể ra tranh cử, thách thức với bà Clinton có thể sẽ còn nhiều hơn nữa. Ông Biden hiện chưa loan báo có ra tranh cử hay không. Với khả năng ông Biden có thể ra tranh cử, chỉ 42% cử tri Dân chủ nói họ sẽ chọn bà Clinton, theo sau là 24% ủng hộ ông Sanders và 21% ủng hộ ông Biden.

Khoảng phân nửa số người được thăm dò cho rằng việc bà Clinton dùng email cá nhân trong lúc làm Ngoại trưởng là sai quy định của chính phủ và rằng họ không đồng ý với cách bà xử lý vấn đề. Tuy nhiên, 49% cho rằng đây không phải là một vấn đề chính đáng trong cuộc tranh cử, trong khi 44% những người được hỏi phản bác lập luận này.

Cuộc khảo sát cho thấy bà Clinton có thể xấp xỉ ngang bằng ông Trump nếu hai người đối mặt trong cuộc tổng tuyển cử hôm nay.

Khi được hỏi về ông Trump, 63% trả lời không cho rằng ông Trump có tư cách và khí chất thích hợp để có thể làm một vị tổng thống hiệu quả.

Trump chống lại giới CEO?

Hôm qua, ông Trump đả kích những khoản tiền lương khổng lồ của giám đốc điều hành các công ty là điều ‘đáng hổ thẹn.’

Trump nói với chương trình Face the Nation của kênh CBS rằng: ‘Nhìn xem mấy tay này làm tiền nhiều như thế, quả là một trò đùa.’

Trong những chiến dịch chính trị, các ứng cử viên Dân chủ thường chỉ trích hố cách biệt giữa mức lương của CEO các công ty lớn với mức lương nhân viên của họ, có thể cao gấp 350 lần. Nhưng các ứng viên Cộng hòa, thường được xem là đảng của các đại công ty ở Mỹ, ít khi tấn công vào vấn đề lương bổng trong các tập đoàn và thu nhập của các ông trùm ở Wall Street.

Tỷ phú Trump, 69 tuổi, thường khoe khoang về sự giàu có và tài kinh doanh thành đạt của mình đã xây lên các tòa nhà chọc trời ở New York. Nhưng ông đã quy trách chính giới giám đốc điều hành về các khoản lương cao dành cho các CEO. Ông nói các CEO thường đưa bạn bè của họ vào ban giám đốc tập đoàn để đổi lại, những người này sẽ phê duyệt những mức lương khổng lồ dành cho giới lãnh đạo công ty.

Ông Trump nói ‘Điều này làm tôi khó chịu.’ ‘Rất khó để có được một hệ thống công ty độc lập có thể thay đổi lệ này. Các ban quản đốc thường kiểm soát chi tiêu và chi trả lương cao cho các CEO. Tôi biết rất rõ các tập đoàn, những tay CEO thường đưa toàn bạn bè của họ vào đó.’

Ông Trump đã đưa một thông điệp dân túy, chống Washington lên dẫn đầu danh sách 16 ứng viên Cộng hòa. Ông cho biết trong vài tuần tới sẽ công bố đề nghị cắt giảm thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp, nhưng tăng thuế đánh vào những ông trùm các quỹ đầu tư.

Trump so với các ứng viên khác

Một số ứng cử viên đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ tấn công ông Trump trong cuộc tranh luận hôm thứ tư vì trong thời gian qua tỷ phú này đã thay đổi lập trường trong vấn đề chăm sóc y tế, phá thai, và các vấn đề khác, cũng như đưa ra lập luận rằng ông Trump không phù hợp với quan điểm của các cử tri bảo thủ thống lĩnh đảng Cộng hòa.

Chủ tịch Đảng Cộng hòa, Reince Priebus, tối qua phát biểu trên chương trình State of the Union của kênh CNN rằng ‘có lẽ sẽ có nhiều tranh cãi trong cuộc tranh luận sắp tới’ so với cuộc tranh luận đầu tiên hồi tháng trước.

Trong một lần xuất hiện trên chương trình This Week của đài ABC, ông Carson bác bỏ lời nhận xét mới đây tỷ phú Trump cho rằng ông không đủ năng lượng để trở thành tổng thống.

Ông Carson khẳng định ‘Một người dồi dào năng lượng không cần phải là một người to mồm.’ - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Việt Nam sẽ cụ thể hóa tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới lên tiếng nói rằng Việt Nam “không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung, muốn bắt ai thì bắt”.

Báo chí trong nước dẫn lời ông Hùng phát biểu như vậy hôm qua, 14/9, tại phiên thảo luận về Bộ luật hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam cũng đề nghị phải làm rõ tội danh chống phá nhà nước nhằm “đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền con người và quyền của công dân”. 

Ông được trích lời nói: “Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.

Luật sư Trần Thu Nam, người từng bào chữa cho nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “rất bất ngờ” về lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông nói:

“Tôi rất là hoan nghênh về cái nhận thức pháp luật của ông Chủ tịch Quốc hội và cũng hy vọng rằng các điều luật về an ninh quốc gia nó sẽ rõ ràng hơn để mà trong các vụ án, khi đưa ra xét xử, thì nó được làm rõ hơn. Đối với các vụ án về an ninh quốc gia, trong thời gian vừa rồi, các điều khoản được áp dụng không được rõ ràng, minh bạch và nhiều chi tiết mang tính trừu tượng”.

Theo dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi, tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Với những trường hợp chuẩn bị phạm tội thì bị áp dụng hình phạt tù từ 1-5 năm. Dự thảo luật cũng ghi rằng người đã tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, người nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.

Luật sư Nam cho biết thêm rằng tội danh liên quan tới chống nhà nước “ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị” của những người bị kết án, và “thời gian chấp hành án cũng dài hơn so với các tội danh khác”.

Ông nói thêm rằng việc cộng đồng quốc tế lên tiếng thời gian qua đã gây áp lực đối với chính phủ Việt Nam. Ông Nam nói:

“Để có một phát biểu của ông Chủ tịch quốc hội thì các luật sư làm việc liên quan tới bào chữa về các vụ án liên quan tới an ninh quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức bảo vệ quyền con người đã nhiều lần lên tiếng nói về các điều khoản này nó mập mờ. Họ đã lên tiếng liên tục trong các vụ án.”

Các tổ chức thúc đẩy nhân quyền quốc tế lâu nay vẫn không ngừng cáo buộc Việt Nam sử dụng các điều luật mà họ cho là “mơ hồ”, như điều 79 ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ hay điều 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’ thuộc Bộ Luật hình sự, để tống giam những người có quan điểm trái với nhà nước.

Trong khi đó, chính quyền Hà Nội tuyên bố không bắt giam những người bất đồng chính kiến mà chỉ kết án những người vi phạm pháp luật.

Gần 20.000 tù nhân đã được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, nhưng trong số đó không có tù nhân chính trị nào. - VOA
|
|

5.
Đảng CS lấy ý kiến về báo cáo chính trị --- Đảng CSVN kêu gọi đẩy mạnh cải tổ và chống tham nhũng

Đảng CSVN vừa công bố Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng XII cho nhân dân đóng góp ý kiến.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 15/9/2015 đến hết ngày 31/10/2015.

Bản dự thảo nhìn lại những thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua, được gọi cách khác là "kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI".

Dự thảo nhận xét kinh tế Việt Nam vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô dần ổn định và tốc độ tăng trưởng tuy giảm đi nhưng vẫn thuộc loại khá và "có chiều hướng phục hồi".

Các mặt khác đều được đánh giá là có tiến bộ.

"Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hòa bình, ổn định được giữ vững để phát triển đất nước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả."

Dự thảo báo cáo chính trị nêu rõ: "Những thành quả đạt được 5 năm qua có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, giải quyết kịp thời, có kết quả nhiều vấn đề mới phát sinh..."

Tuy nhiên bên cạnh đó, bản dự thảo cũng nói còn tồn tại nhiều yếu kém, khuyết điểm, mà nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan.

Lý do chủ quan được cho là các "hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục..."

Bản dự thảo do vậy rút ra một số kinh nghiệm, mà trước nhất là "hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh..."

Những cụm từ lâu nay sử dụng trong văn kiện Đảng như "phòng, chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá' trong nội bộ; đồng thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch"... tiếp tục được sử dụng.

Mục tiêu kinh tế

Tuy nhiên, trong mục tiêu phương hướng phát triển 5 năm tới (2016-2020), phát triển kinh tế được đặt lên vị trí hàng đầu.

Các chỉ tiêu kinh tế chính:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm.
Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 đôla
Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP
Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP.

Trong thời kỳ 5 năm 2010-2015, tăng trưởng kinh tế bình quân là 5,82%. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng đã đạt 6,28%, khá cao trong khu vực.

Nhiệm vụ về kinh tế mà dự thảo báo cáo chính trị đề ra có một số điểm được cho là mới.

"Thể chế hoá quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản) của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013".

"Bảo đảm quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế".

Dự thảo cũng nhấn mạnh: "Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".

Việt Nam cần đẩy mạnh cổ phần hóa, theo hướng "doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư".

"Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích."

Bản dự thảo đề xuất: "Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp".

Quốc phòng-an ninh

Các mục tiêu phương hướng trong lĩnh vực này ghi trong dự thảo báo cáo chính trị chưa có gì khác biệt so với những năm trước.

Mục tiêu trọng yếu được nêu là: "Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa".

"Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm..."

Báo cáo khẳng định quyết tâm "Kiên quyết giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế - xã hội trong mọi tình huống".

Tuy nhiên, lần này dự thảo báo cáo chính trị đề cập tới nguy cơ tiềm tàng trong một thế giới nhiều bất ổn và kêu gọi có "kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến". - BBC

***
Đảng Cộng sản Việt Nam công bố bản dự thảo báo cáo chính trị để chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào năm tới, với lời kêu gọi đẩy mạnh cải tổ và chống tham nhũng.

Bản dự thảo này được công bố hôm nay, 15/09/2015, trên trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam và trên nhiều nhật báo, nhằm "lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của nhân dân".

Theo bản dự thảo, trong 30 năm qua, Vìệt Nam đã đạt được nhiều thành tựu "quan trọng", nhưng vẫn còn gặp nhiều vấn đề như nợ công ngày càng tăng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bản dự thảo này cho rằng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020.

Theo bản dự thảo báo cáo, đẩy mạnh "toàn diện" công cuộc đổi mới là một trong 5 mục tiêu tổng quát mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra cho 5 năm tới, cụ thể là "phát triển kinh tế nhanh, bền vững", xây dựng nền tảng để sớm đưa Việt Nam "cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Vốn rất hiếm khi nêu chi tiết chiến lược kinh tế của mình, trong bản dự thảo, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm cho 5 năm tới là từ 6,5% đến 7%, thông qua việc tham gia các hiệp định tự do mậu dịch đa phương, hiện đại hóa nền nông nghiệp và thúc đẩy đầu tư. Trong 5 năm qua, mức tăng trưởng của Việt Nam trung bình chỉ đạt gần 6%, chủ yếu do hậu quả khủng hoảng nợ xấu tác động lên nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng này đã đạt 6,28%, mức cao nhất từ năm 2008 và là một trong những mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á.

Hãng tin Reuters trích dẫn một kinh tế gia cao cấp thuộc công ty chứng khoán Vietcombank Securities cho rằng, trong dài hạn, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên nhờ vào các hiệp định tự do mậu dịch sắp ký kết, như hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP. Nhưng theo hãng tin Reuters, các nhà kinh tế cảnh báo là mở cửa cho các hiệp định tự do mậu dịch có nguy cơ làm gia tăng nạn tham nhũng và càng làm lộ rõ năng lực cạnh tranh kém của Việt Nam.

Cũng theo bản dự thảo báo cáo chính trị, thách thức lớn nhất cho sự tồn vong của Đảng chính là nạn tham nhũng và cần phải nỗ lực chống tham nhũng hơn nữa, vì công cuộc chống tham nhũng đã không đạt được mục tiêu đề ra. Một số vụ tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, nhưng để chống tham nhũng hiệu quả, theo bản dự thảo, cần phải có thêm nhiều nỗ lực, như cải tổ các luật lệ và chính sách.

Việc công bố dự thảo báo cáo chính trị là nhằm chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào tháng Giêng năm tới. Đại hội này sẽ bầu ra một ban lãnh đạo mới cho Việt Nam. - RFI
|
|

6.
Phiên tòa xét xử 12 người chống lại việc cưỡng chế đất ở Long An

Mười hai thành viên thuộc hai gia đình chống lực lượng cưỡng chế đất tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An hôm nay bị đưa ra xét xử. Mười người trong số này bị truy tố với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’  và hai người về tội danh ‘cố ý gây thương tích.

Phiên tòa sơ thẩm đối với 12 người được thông báo là công khai nhưng hầu hết những người muốn tham dự chỉ được theo dõi qua loa phóng thanh tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao cách tòa án chừng vài trăm mét. Số người này vào buổi sáng tổng cộng chừng 200 người.

Con gái của bà Phùng Thị Ly, một trong 12 người bị đưa ra xét xử trong ngày 15 tháng 9, không được vào dự phiên xử cho biết gia đình không được thông báo gì về phiên xét xử:

“Con chỉ nghe được từ những bị can được tại ngoại. Họ nói có thư mời thì gia đình mới biết và khi gia đình vào Tòa án hỏi thì họ nói có phải bị can đâu mà được mời, được thông báo!”

Một số nhà hoạt động cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam đến Thạnh Hóa, Long An để tham gia phiên xử công khai cũng bị theo dõi, thậm chí bị ngăn trở như trường hợp anh Đinh Nhật Uy, một người cũng từng bị bắt giam và là anh trai của tù nhân lương tâm trẻ Đinh Nguyên Kha. Hai anh em này cũng cư ngụ tại Long An.

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 15 tháng 9, một nhà hoạt động là cô Nguyễn Hoàng Vi từ Sài Gòn xuống Long An theo dõi phiên xử cho biết:

“Khi mọi người đến đi thẳng vào tòa án để xem phiên tòa trực tiếp thì bị lực lượng công an chặn lại và không cho vào. Họ bảo qua Trung tâm Văn hóa-Thể theo để nghe qua loa phóng thanh thôi. 

Có trường hợp là phóng viên Báo Pháp luật đến để tham gia phiên tòa thì bị họ ngăn chặn và bẻ tay bắt lên xe, chở đi. Sau đó khi biết là phóng viên Báo Pháp luật thì họ dùng xe chở chạy thẳng vào Tòa án.”

Tin cho biết có ba luật sư tham gia bào chữa cho một số người trong nhóm 12 bị đưa ra xét xử. Đó là luật sư Hà Huy Sơn, luật sư Nguyễn Văn Miếng và luật sư Trần Minh Đức.

Xin phép được nhắc lại vào ngày 14 tháng 4 vừa qua, lực lượng chức năng đến cưỡng chế căn lều tạm được gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai thị Kim Hương dựng lên để giữ đất. Gia đình này không đồng ý với mức đền bù được ủy ban nhân dân huyện Thạnh Hóa đưa ra vì họ cho là quả rẻ mạt không thể đủ để mua đất nơi nào để làm nhà sinh sống.

Lần cưỡng chế vào ngày 14 tháng 4 là lần cuối cùng sau một số lần trước đó. Khi lực lượng cưỡng chế xông vào và bắt bớ thì chủ nhân là ông Nguyễn Trung Can đã cho đốt nhà, ném bom xăng, tạt axit và cho nổ cả bình hàn gió đá.

Có 20 người trong lực lượng cưỡng chế bị thương nặng vì trúng bom xăng và axit. Người bị nặng nhất là trung tá Nguyễn Văn Thủy, trưởng công an huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Cơ quan chức năng sau đó tiến hành bắt giữ 13 người.

Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, con trai của hai ông bà Nguyễn Trung Can và Mai thị Kim Hương hiện cũng đang bị bắt giam và khởi tố với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ theo điều 257 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tin nói cháu sẽ bị xét xử trong một phiên xử khác.

Ngay trước ngày cưỡng chế diễn ra, gia đình ông bà Nguyễn Trung Can và Mai thị Kim Hương giăng biểu ngữ ghi rõ sẽ ‘quyết tử’ để chống lực lượng cưỡng chế mà họ cho là ‘cướp đất’ của gia đình họ. - RFA

No comments:

Post a Comment