Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc bắt 12 người liên quan tới vụ nổ ở Thiên Tân
Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 12 nghi phạm bị coi là có liên quan tới các vụ nổ lớn tại nhà kho nằm ở thành phố cảng Thiên Tân, trong khi quan chức nước này nâng con số người thiệt mạng.
Trong số những người bị bắt có hai cổ đông chính của Công ty Thụy Hải, chủ nhà kho ở Thiên Tân, Tân Hoa Xã đưa tin như vậy hôm nay, 27/8.
Truyền thông nhà nước trước đó đã đăng lời thú nhận của hai doanh nhân quen biết nhiều, và đã lợi dụng các mối quan hệ với quan chức địa phương để xin các giấy chứng nhận an toàn giả mạo.
3 phó tổng giám đốc của công ty Thụy Hải cũng bị bắt.
Bản tin có đoạn: “Cảnh sát nói rằng họ nghi công ty trên và những người bị bắt đã tồn trữ trái phép các hóa chất nguy hiểm”.
Tin cũng cho biết một công ty khác bị nghi giúp công ty Thụy Hải có được các giấy tờ đánh giá an toàn.
Hôm nay, Tân Hoa Xã cũng đưa tin rằng 11 quan chức và người điều hành ở cảng Thiên Tân đã bị điều tra vì cáo buộc xao nhãng nhiệm vụ và lạm quyền.
Trong khi đó, các quan chức Bắc Kinh hôm nay đã nâng số người chết trong vụ nổ xảy ra hồi đầu tháng Tám từ 139 lên 145 người, và 28 người vẫn còn mất tích. - VOA
|
|
2.
Iceland, bàn đạp cho Trung Quốc tiến vào Bắc cực
Tuy vẫn còn là giả thuyết, việc mở con đường hàng hải tại Bắc Cực ngày càng thu hút sự quan tâm của các cường quốc thương mại. Để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng băng giá cực bắc này, Trung Quốc tìm cách ve vãn Iceland. Và đây cũng là quốc gia Châu Âu đầu tiên đã ký với Trung Quốc một hiệp ước trao đổi tự do mậu dịch.
"Cuộc đua tranh giành Bắc Cực bắt đầu từ ngả Reykjavik" là hàng tựa của tờ Le Monde Diplomatique, số tháng 9/2015. Nhờ vào hiện tượng khí hậu ấm dần, lưu thông hàng hải đi qua ngả Bắc Cực đang tăng dần vào mỗi mùa hè. Chỉ riêng trong suốt mùa hè năm 2014, đã có 53 thương thuyền đi qua ngả này. Trong tương lai, vùng bờ biển Iceland, nhất là tại eo biển Reykjavik, có thể trở thành điểm trung chuyển để đi vào Bắc Cực. Nhận thức được vị trí chiến lược quan trọng của khu vực, từ một thập niên qua, Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng đầu tư trong khu vực, nhất là tại nhiều vùng mỏ của Greenland và khai thác dầu khí tại các vùng biển của Iceland, từ lâu được cho là một trục quan trọng.
Theo tờ nguyệt san, do phân nửa tổng sản phẩm nội địa phụ thuộc vào lưu thông hàng hải, cho nên tân cường quốc kinh tế thế giới xem con đường Đông Bắc, dọc theo duyên hải Nga và hành lang Tây-Bắc như là hành trình thay thế cho kênh đào Suez hay kênh đào Panama, vốn đã bị quá tải và nhất là quá dài. Chẳng hạn để vận chuyển hàng từ Thượng Hải đến Rotterdam, nếu đi qua ngả Đông-Bắc, Bắc Kinh có thể rút ngắn hành trình đến 5.000 km. Ngoài vấn đề vận chuyển hàng hóa, Bắc Kinh còn quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực. Vùng xung quanh Bắc Cực dường như chứa đến 13% nguồn dự trữ dầu hỏa chưa được khai thác và 30% nguồn khí ga, cũng như giàu nguồn khoáng sản và thủy sản.
Trung Quốc còn chứng tỏ khả năng sử dụng con đường phía Bắc để vận chuyển hàng hóa với chiếc tàu phá băng Tuyết Long vào năm 2010 và 2012. Chiếc thứ hai sẽ được giao vào năm 2016. Theo nhận định của Giám đốc Viện nghiên cứu Bắc Cực Trung Quốc, vào năm 2020, 5-15% thương thuyền Trung Quốc sẽ phải sử dụng tuyến hàng hải này. Chính vì lợi ích đó, Trung Quốc đã xin một ghế quan sát viên tại Hội đồng Bắc Cực năm 2009. Tuy nhiên, đề nghị đó đã bị Canada và Nga bác bỏ, vì nghi ngờ việc quốc tế hóa Bắc Cực rồi cũng sẽ kết thúc trước Liên Hiệp Quốc. Các nước khác cũng hoài nghi những cam kết mới của Trung Quốc, do bởi Bắc Kinh chỉ thật sự mở căn cứ nghiên cứu khoa học tại Bắc Cực vào năm 2004, tại quần đảo Svalbard.
Theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài, những động thái trên của Trung Quốc không nhằm mục đích nào khác là khẳng định vị thế cường quốc của mình. Bà Olga V.Alexeeva, giáo sư sử học chuyên về Trung Quốc, thuộc đại học Quebec cho rằng: "Chiếc ghế quan sát viên đó chủ yếu dành riêng cho Trung Quốc, vì nếu như quốc gia này muốn tiếng nói của họ cũng được lắng nghe về những điều kiện phát triển khu vực, Bắc Kinh cố tình để được công nhận như là một cường quốc có trách nhiệm".
Iceland bước đệm đầu tiên
Ngay từ năm 2006, Bắc Kinh đã bắt đầu xích lại gần với Iceland, quốc gia nhỏ nhất của vùng Bắc Cực, bằng cách tiến hành đàm phán một hiệp định tự do mậu dịch. Năm 2010, một thỏa thuận tài chính giữa đôi bên đã được ký kết hòng cứu vãn thành phố eo biển Reykjavik thoát khỏi khủng hoảng. Thỏa thuận này mở màn cho việc ký kết hiệp định trao đổi tự do mậu dịch giữa hai quốc gia vào năm 2013, giữa Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Ôn Gia Bảo với Tổng thống Iceland Olafur Ragnar Grimsson. Đây là thỏa thuận mậu dịch đầu tiên giữa Trung Quốc với một quốc gia Châu Âu.
Le Monde Diplomatique nhận xét đó là một chính sách ngoại giao song phương đầy hiệu quả. Bởi vì, ngay sau đó, Iceland đã ủng hộ ứng viên Bắc Kinh. Và Trung Quốc cũng đã áp dụng chiến lược tương tự với nhiều quốc gia khác trong Hội đồng Bắc Cực. Trong thời gian đó, Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào lần lượt đến thăm Canada (2010), rồi Đan Mạch (2012) nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và thương mại.
Song song đó, Bắc Kinh cũng đã thay đổi luận điệu của họ về vấn đề Bắc Cực. Nếu như năm 2009, nhiều lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố "không quốc gia nào" có chủ quyền lãnh thổ tại khu vực băng giá, Bắc Kinh cuối cùng "cũng đã có những lời lẽ dễ nghe với các thành viên trong hội đồng và dân cư bản địa, khi khẳng định sự tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực", theo như giải thích của ông Rachael Lorna Johnstone, giáo sư luật học đại học Iceland vùng Akureyri.
Thương mại: Công cụ ngoại giao hữu ích
Nhờ vào việc phát triển các mối quan hệ song phương, cuối cùng Trung Quốc cũng có được chiếc ghế quan sát viên nhân thượng đỉnh Hội đồng Bắc Cực diễn ra tại Kiruna (Thụy Điển) năm 2013, qua mặt được nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ và Ý. Đương nhiên, Bắc Kinh chưa thể hài lòng hoàn toàn với vị thế "Thành viên cận Bắc Cực". Thế nhưng, theo tờ Le monde Diplomatique, Trung Quốc có nguy cơ bị Hoa Kỳ gây cản trở. Cho đến lúc này vẫn im hơi lặng tiếng, Washington rất có thể sẽ phải có những hành động quyết liệt hơn nữa nhân kỳ giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng trong năm nay, nhất là khi cho bổ nhiệm một đại sứ cho Bắc Cực.
Dù sao thì từ năm 2013, Bắc Kinh không ngừng gia tăng hợp tác với Moscow như ký kết một thỏa thuận với tập đoàn dầu hỏa Rosnef của Nga để khai thác dầu khí tại vùng Bắc Cực thuộc Nga. Mối quan hệ hợp tác còn được thúc đẩy nhiều hơn nữa kể từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, theo tờ nguyệt san, giờ đây người dân Iceland đang hiểu ra rằng họ đã bị sử dụng như là “bước đệm” cho Trung Quốc.
Ông Orn D. Jonsson, giáo sư đại học Iceland, vào năm 2013 đã chua chát nhận định: "Iceland từng là vật thí điểm, hoặc như là vùng đất huấn luyện cho ngành ngoại giao và các cuộc đàm phán thương mại. Nhưng cùng với thời gian, Iceland đang mất dần tầm quan trọng của mình". Le Monde Diplomatique kết luận: Nếu như hiệp định tự do mậu dịch vẫn khẳng định Iceland là quốc gia bạn chính của Trung Quốc tại Bắc Cực, thì nay Iceland không còn là quốc gia duy nhất có vị thế này. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Nghi phạm vụ bắn chết 2 phóng viên Mỹ: Tôi là thùng thuốc súng - đã tự sát
Nghi can bắn chết hai phóng viên Mỹ trong buổi truyền hình trực tiếp hôm qua, 27/8, đã gửi một tuyên bố dài 23 trang tới một kênh truyền hình quốc gia của Hoa Kỳ, trong đó ông ta tự coi mình là “thùng thuốc súng”, và chỉ “chờ để nổ tung”.
Vester Flanagan, cựu nhân viên của đài truyền hình WDBJ ở tiểu bang Virginia, nơi hai phóng viên xấu số thiệt mạng, đã tự sát khi đối mặt với cảnh sát trên một tuyến đường cao tốc ở ngoại ô thủ đô Washington DC. Giới hữu trách cho biết ông ta đã tử vong vài giờ sau đó tại một bệnh viện địa phương.
Trong khi đó, hôm nay, trong buổi truyền hình đầu tiên kể từ vụ nổ súng gây chết người, kênh WDBJ đã tưởng nhớ tới các nạn nhân.
Trang web của đài này cũng để một banner màu đen trên trang chủ với ba ngọn nến và hình ảnh của hai phóng viên Alison Parker, 24 tuổi và Adam Ward, 27 tuổi.
Khi bắt đầu chương trình, người dẫn nói rằng hai phóng viên của đài đã bị bắn khi phát sóng trực tiếp sáng 26/7, và vì thế, mọi người trong đài đều đau buồn.
Cô cũng nói rằng đài truyền hình này đã nhận được nhiều ủng hộ sau vụ nổ súng nhắm vào cô Parker và ông Ward khi họ đang phỏng vấn trực tiếp một người quản lý doanh nghiệp địa phương ở Smith Mountain Lake gần Roanoke, cách thủ đô Washington khoảng 375 km về phía tây nam.
Trong tuyên bố mà Flanagan gửi tới kênh ABC News, nghi phạm cáo buộc rằng ông ta đã bị phân biệt đối xử vì là người đồng tính và vì là người Mỹ gốc Phi châu.
Flanagan đã bị đài WDBJ sa thải năm 2013, và trước đó, năm 2000, ông Flanagan đã bị một đài truyền hình ở Florida cho nghỉ việc sau khi có những khiếu nại về thái độ của ông ta.
Nghi can cũng cho biết rằng vụ xả súng bừa bãi tại một nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở Charleston, South Caroline, là “giọt nước tràn ly” dẫn tới hành động của ông ta.
“… Tôi trở thành một thùng thuốc súng đã lâu, chỉ chờ để nổ tung,” tuyên bố có đoạn.
Khi lên sóng, ông Flanagan lấy bút danh là Bryce Williams. Hai tài khoản trên mạng xã hội với tên này đã công bố những hình ảnh và video về vụ nổ súng khiến cô Parker và ông Ward tử vong ngay tại hiện trường. - VOA
|
|
4.
Phó Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ra tranh cử tổng thống
Theo dự kiến của nhiều người, phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ loan báo ý định tham gia cuộc đua để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống. Những người chống đối ông bên đảng Cộng hòa, cũng như các đảng viên trong đảng Dân chủ của ông, hoan nghênh chính trị gia dày dạn kinh nghiệm Biden bước vào cuộc đua, nhưng hiện nay ít người xem ông là một đối thủ hệ trọng. Bên phe Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump tiếp tục chi phối chương trình nghị sự chính trị và cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush đang nỗ lực để bắt kịp. Thông tín viên Zlatica Hoke tường thuật.
Hôm thứ hai, ông Biden ăn trưa với Tổng thống Barack Obama và tuần trước ông có cuộc họp với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts. Những cuộc gặp này được xem là những tín hiệu chắc chắn rằng Phó Tổng thống sẽ loan báo ra làm ứng viên để được đảng Dân chủ đề cử trước khi các cuộc tranh luận giữa các ứng viên của đảng Dân chủ khởi sự vào tháng 10 tới đây. Ông Biden sẽ phải bắt kịp ứng viên dẫn đầu của đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.
"Ông Joe Biden sẽ là một đối thủ đáng gờm. Không biết việc này sẽ có ích cho ai về mặt chính trị."
Những kết quả thăm dò cho thấy ủng hộ dành cho Thượng nghị sĩ Sanders đang gia tăng trong giới cử tri của đảng Dân chủ, thậm chí còn cao hơn sự ủng hộ dành cho bà Hillary Clinton tại tiểu bang trọng yếu, New Hampshire. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa, Lindsey Graham, cho rằng nếu ông Biden dự định ra tranh cử thì lúc này là thời điểm tốt để bắt đầu.
"Tôi cho rằng ông Biden nhìn thấy điểm yếu của cựu Ngoại trưởng Clinton. Bà Clinton không chỉ bị vấn đề về vụ email, giống như một vết thương tự gây ra. Khi chỉ số tin cậy sụt thấp như thế này, anh lộ ra như một chính trị gia."
Bất chấp các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, nhà phân tích Stewart Rothenberg ở Washington cho rằng ông Biden sẽ là một thách thức lớn hơn cho bà Clinton so với ông Sanders.
"Ông Biden có thể là nhân vật thay thế có thể giành được sự đề cử của đảng Dân chủ. Tuy nói như vậy nhưng ông ấy có thể bắt đầu như là một ứng viên bị áp đảo. Thực tế là những người trong giới báo chí và trong đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa chỉ trích cựu Ngoại trưởng Clinton không đại diện cho cốt lõi của đảng Dân chủ, họ thích bà Clinton, họ đồng tình với bà, họ nghĩ là bà đại diện cho giá trị và quan điểm của họ."
Các nhà phân tích cũng không cho rằng ông Donald Trump là một ứng viên tổng thống nghiêm túc bất chấp vị trí dẫn đầu vững chắc của ông bên đảng Cộng hòa. Ông Stewart Rothenberg, một nhà phân tích chính trị, nhận định như sau.
"Đây là một màn xiếc, kiểu xiếc ở Las Vegas. Gần như là một chương trình truyền hình thực tế hơn là chính trị thật thụ."
Xiếc hay không xiếc gì, lời kêu gọi của ông Trump yêu cầu chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp được nhiều người Mỹ hưởng ứng đã khiến cho đối thủ hàng đầu của ông là Jeb Bush không thể làm ngơ chuyện này. Cựu Thống đốc bang Florida hôm thứ hai đã tới thăm khu vực biên giới giữa Mỹ với Mexico, 1 tháng sau khi ông Trump thực hiện chuyến đi tương tự. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
MiG-35 của Nga có thể thay thế chiến đấu cơ cũ của Việt Nam
Nga có thể bán chiến đấu cơ MiG-35 mới cho Việt Nam để thay thế cho các máy bay chiến đấu đã cũ, trong khi các nước Đông Nam Á đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với loại máy bay này.
Người đứng đầu nhà máy sản xuất máy bay MiG, Sergei Korotkov, nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng chiến đấu cơ đa năng MiG-35 mới của Nga có thể thay thế cho máy bay chiến đấu thế hệ 3 MiG-21 đã lỗi thời.
Ông Korotkov nói: “Theo đánh giá của chúng tôi, có những triển vọng rõ ràng cho MiG-35 ở Việt Nam, nơi máy bay chiến đấu MiG-21 sắp hết thời gian sử dụng”.
MiG-35 là máy bay chiến đấu đa chức năng bao gồm các hệ thống ngắm và thông tin thế hệ thứ 5.
Theo ông Korotkov, Đông Nam Á là một “khu vực thú vị” cho nhà sản xuất máy bay MiG, khi nói đến doanh số bán hàng trong tương lai.
“Không giống như chiếc MiG-29 “cổ điển”, chiếc MiG-35 thừa kế hệ thống khí động học, chiếc chiến đấu cơ mới đa chức năng. MiG-35 có thể sử dụng vũ khí chính xác cao nhắm vào bất cứ mục tiêu nào, trên không, đất liền, hay ngoài biển, và thậm chí còn có thể thực hiện các chức năng của máy bay trinh sát”, ông Korotkov nói thêm.
Ngày 11/8 vừa qua, Nga cũng đã giao thêm 2 máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 trong tổng số 12 chiếc được Việt Nam đặt mua trong hợp đồng trị giá khoảng 450 triệu đôla. - VOA
|
|
6.
Nghèo đói vẫn cao, đất đai rơi vào tay nhà nước tại nông thôn VN
Đời sống ở nông thôn Việt Nam còn ‘ảm đạm’ theo một nghiên cứu mới công bố ngày 26/8 tại Hà Nội được Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trích dẫn hôm nay.
Cuộc khảo sát mang tên ‘Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thông năm 2014 tại 12 tỉnh’ được thực hiện trên 3648 hộ gia đình từ Bắc chí Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, và Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp thực hiện trong năm 2014.
Báo cáo cho biết tình trạng nghèo khó ở các vùng nông thôn Việt Nam vẫn còn cao dù tỷ lệ đói nghèo có giảm từ 27,1% năm 2012 xuống còn 13,2% trong năm ngoái.
Vẫn theo báo cáo, tuy tỷ lệ nghèo giảm, người nông dân Việt Nam chưa thể thoát nghèo ‘một cách bền vững’, khả năng bị nghèo trở lại còn rất cao.
Các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Lào Cai và Điện Biên có tỷ lệ nghèo cao nhất, với 44,3% và 37,3%.
Nông dân ở Lào Cai và Lai Châu có thu nhập trung bình hằng năm thấp nhất, tương ứng từ 16 đến 17 triệu đồng/người. Dân nông thôn ở Phú Thọ, Long An, và Hà Tây được đánh giá có lương bình quân cao nhất, từ 35 đến 38 triệu đồng/năm.
Dù Long An là một trong ba tỉnh nông dân có thu nhập hằng năm cao nhất theo cuộc khảo sát, nhưng bà Nguyễn Thị Bảy, một nông dân trong vùng cho biết đời sống kinh tế của bà con địa phương càng ngày càng eo hẹp, xuống dốc:
"Nói chung đời sống kinh tế của nhân dân eo hẹp hơn mấy năm trước dữ lắm, mùa màng giờ buôn bán bị thất giá chứ không được như mấy năm trước. Đời sống mình thấy cũng tạm ổn thôi chứ cũng chật hẹp lắm. Thấy càng ngày càng khó khăn hơn. Chế độ độc tài cộng sản đâu để cho người dân được thoải mái đâu. Mình cũng tạm mà sống thôi."
Bà Bảy nói các chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho gia đình nghèo chưa công bằng và không hiệu quả vì nạn tham nhũng và truyền thống ưu tiên cho các hộ ‘có công với cách mạng’:
"Hộ nghèo không giảm, mấy hộ nghèo theo cộng sản thì có giảm. Gia đình nghèo của họ, họ mới giảm thôi. Số người nghèo không tham gia, không thuộc diện chính sách thì đâu được hưởng gì đâu. Họ ưu tiên cho gia đình chính sách không à. Gia đình thường không được ưu tiên."
Báo cáo nói dù thu nhập trung bình và tiêu chuẩn sống của cư dân nông thôn Việt Nam có cải thiện, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn về mặt thu nhập, tiếp cận các dịch vụ công, và có được lương thực đầy đủ giữa các gia đình khá giả với các hộ kém may mắn.
Tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, theo báo cáo, cũng chưa được giải quyết tận gốc.
Khảo sát cũng cho biết người dân ở nông thôn Việt Nam còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách liên quan đến đất đai và rằng đa số đất canh tác của nông dân bị rơi vào tay nhà nước.
Theo khảo sát, có 27% các hộ nông thôn đã bị mất đất trong năm 2014, tức tăng 10% so với 2 năm trước đó. Trên 98% đất nông dân bị mất trong thời gian 2012-2014 là vào tay nhà nước.
Nghệ An và Hà Tây là hai tỉnh có tỷ lệ nông dân bị mất đất cao nhất, theo cuộc nghiên cứu. Ở hai nơi này, cứ 10 hộ dân có tới gần 5 hộ bị nhà nước tịch thu đất đai, phương tiện sinh kế chủ yếu của họ.
Ông Út Long, nông dân ở Hà Tây, là một nạn nhân bị nhà nước trưng thu đất. Gia đình ông ròng rã đi khiếu kiện từ năm 2004 tới nay nhưng chưa được giải quyết dù ông là một cán bộ hưu trí thuộc diện ‘có công với cách mạng.’ Ông Long chia sẻ tình cảnh của mình:
"Bị giải tỏa đất đai thiệt thòi quá lớn. Tôi không nói dân nữa, tôi nói ngay tôi bây giờ bị thiệt thòi quá lớn. Con cái giờ không có nhà ở, còn phải đi thuê nhà ở. Nói sự thật thì chúng tôi khó nói mà nói giả dối thì không nói được. Nói tóm lại, bị giải tỏa đất đai đời sống sa sút quá lớn. Chúng tôi là gia đình cách mạng, chúng tôi đang chiến đấu vì cuộc sống này, đấu tranh chống tham nhũng vì cuộc sống này."
Những mặt tiến bộ được phản ánh trong phúc trình vừa công bố về đời sống nông thôn Việt Nam bao gồm việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường, và chất lượng nhà ở.
Tình trạng di cư ở nông thôn được xem là có cải thiện. Tỷ lệ dân nông thôn di cư trong năm 2012 là 22%, nhưng tới năm ngoái đã giảm xuống còn 15%, theo cuộc khảo sát.
Truyền thông trong nước trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng dân nông thôn Việt Nam dễ bị tác động bởi các yếu tố môi trường xung quanh và ‘thiếu các biện pháp phòng vệ.’
Khảo sát đầu tiên được thực hiện vào năm 2002 và kể từ năm 2006 tới nay được tiến hành mỗi hai năm một lần. Các câu hỏi đặt ra trong cuộc nghiên cứu tập trung về thu nhập, tiền để dành, sở hữu đất đai, di cư, và giáo dục của người dân nông thôn. - VOA
No comments:
Post a Comment