Tin Thế Giới
1.
TQ bác bỏ chỉ trích của Mỹ về tự do đi lại ở Biển Đông --- TQ cáo buộc Manila, Tokyo bắt tay chống Bắc Kinh
Phản bác những lời chỉ trích của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry hồi tuần trước về những hạn chế của Trung Quốc đối với tự do hàng hải và không lưu trong khu vực, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay nói với hãng tin Reuters rằng tự do hàng hải và tự do bay ngang qua không có nghĩa là tàu chiến và máy bay chiến đấu nước ngoài có thể vi phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh của họ.
Bắc Kinh nói tự do hàng hải trong khu vực là điều thiết yếu bởi vì đây là một tuyến đường biển quan trọng.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói trước một hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo khu vực ở Kuala Lumpur rằng việc xây cất những cơ sở trên những đảo tân tạo cho ‘những mục tiêu quân sự’ đang làm tăng căng thẳng và khiến cho các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn quân sự hoá khu vực này.
Ông Kerry còn chỉ trích những ‘sự hạn chế’ mà Trung Quốc đã thiết lập trong mấy tháng gần đây, nói rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp chận bất kỳ sự hạn chế nào đối với quyền tự do hàng hải và tự do bay ngang qua khu vực.
Các giới chức quân sự Philippines nói rằng Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh cáo phi cơ quân sự của Philippines phải rời khỏi vùng không phận gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây tại quần đảo Trường Sa.
Hải quân Trung Quốc cũng đã 8 lần cảnh cáo phi hành đoàn của một máy bay trinh sát Poseidon của Mỹ khi máy bay này bang ngang qua khu vực hồi tháng 5, theo tin của phóng viên CNN có mặt trên máy bay của Mỹ.
Những động thái này đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Mới đây Ấn độ cũng đã lên tiếng bênh vực lập trường của Việt Nam và Philippines và các nước khác trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Báo Business Insider của Ấn Độ hôm nay dẫn lời Quốc vụ Khanh đặc trách Ngoại vụ, người có mặt tại cả hai hội nghị Đông Á và Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN ở Malaysia, nói rằng: “Chúng tôi chia sẻ các quan tâm do các đồng nghiệp của chúng tôi trong khối ASEAN nêu lên về những diễn tiến trong tình hình Biển Đông. Quyền tự do hàng hải và bay trên không phận các vùng biển quốc tế, kể cả ở Biển Đông, các hoạt động thương mại và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là những vấn đề quan tâm của tất cả chúng tôi.”
Các nguồn tin chính thức nói rằng những lý do gọi là lịch sử mà Trung Quốc viện ra để tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông là ‘không có cơ sở’ và những hoạt động cải tạo đất xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại đây là bất hợp pháp, đi ngược lại các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. - VOA
***
Nhật Bản và Philippines đã bắt tay nhau để công kích Bắc Kinh về vấn đề biển Đông tại diễn đàn an ninh khu vực, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cuối tuần trước.
Trong một tuyên bố phát hành hôm 6/8, Bộ này nói rằng ngoại trưởng Philippines đã “công kích” chính sách của Bắc Kinh về biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông), và đã nhận được sự hậu thuẫn của người đồng cấp Nhật Bản.
“Trước hết, tình hình ở biển Nam Trung Hoa nhìn chung là ổn định, và không có khả năng xảy ra đụng độ lớn”, thông cáo dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói tại diễn đàn.
“Trung Quốc phản đối các tuyên bố và hành động không mang tính xây dựng, gây chia rẽ, phóng đại sự đối kháng hoặc gây căng thẳng”.
Ông Vương nói rằng “Trung Quốc mới chính là nạn nhân ở biển Nam Trung Hoa”, đồng thời đề cập tới sự “chiếm đóng” của Philippines tại một số hòn đảo của Bắc Kinh ở biển Đông.
"Nhưng nhằm duy trì và bảo vệ hòa bình cũng như ổn định ở biển Đông, chúng tôi đã phải hết sức kiềm chế”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói tiếp.
Ông Vương cũng nói tới việc Nhật Bản xây dựng trên hòn đảo hẻo lánh ở Thái Bình Dương gọi là Okinotori để củng cố chủ quyền lãnh hải.
"Trước khi chỉ trích người khác, Nhật Bản cần phải tự nhìn lại chính lời nói và thái độ của mình”, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói.
Trong khi đó, phát biểu tại diễn đàn ở Malaysia giữa tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông cho các mục đích quân sự đang làm gia tăng căng thẳng và việc đó khiến các nước nước tuyên bố chủ quyền khác cũng “quân sự hóa”.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã ngừng hoạt động cải tạo bồi đắp ở biển Đông. - VOA
|
|
2.
Phản ứng trái ngược về thông cáo chung của ASEAN
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhận được những phản ứng trái ngược về thông cáo chung liên quan tới vấn đề biển Đông mà khối này công bố tuần trước. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ Văn phòng Đông Nam Á của Đài VOA ở Bangkok.
Sau những cuộc thương thảo vào phút chót, 10 quốc gia Đông Nam Á đã ra một tuyên bố mang tính thỏa hiệp về việc thúc đẩy một quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc, CoC, của các bên tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp. Đây là điều ASEAN đã thương thảo hơn chục năm qua.
Ông Benjamin Ho, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược ở Singapore, cho biết như sau.
“Người ta đã thảo luận tương đối nhiều về Bộ Quy tắc ứng xử này, và các nước châu Á khá là sốt ruột và muốn Bộ quy tắc này được thực thi. Vì thế, tôi nghĩ đây là một bước tiến. Nhưng đồng thời, tôi cũng nghĩ rằng CoC không nên được coi là giải pháp cuối cùng có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề biển Đông.”
Nhiều người trong khu vực cho rằng việc ra thông cáo chung này là điều tốt, thay vì không đạt được gì như khi Campuchia là chủ tịch ASEAN năm 2012. Ông Oh Ei Sun, cựu Bí thư Chính trị của Thủ tướng Malaysia, cho biết như sau:
“ASEAN đã thận trọng nhằm cân bằng các yêu cầu trái ngược nhau của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và kết quả là những từ ngữ trong bản thông cáo chung cuối cùng.”
Trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo rằng Washington sẽ không tán đồng bất kỳ hạn chế nào đối với tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp.
Bắc Kinh lâu nay đã nhấn mạnh rằng các tranh chấp lãnh hải nên được giải quyết giữa các nước liên quan, nhưng lập trường của Trung Quốc gần đây dường như đã mềm dịu hơn trong các cuộc đối thoại với khối ASEAN. 4 nước ASEAN hiện tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Trung Quốc là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, đường 9 đoạn của Trung Quốc còn chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của hai nước ASEAN khác là Indonesia và Singapore.
Các nhà quan sát cho rằng vấn đề ASEAN có một sự thay đổi đáng kể hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn khi lãnh đạo của khối này nhóm họp trở lại vào tháng 12 sắp tới. - VOA
|
|
3.
Đồng rouble của Nga lại mất giá
Đồng rouble của Nga xuống thấp nhất từ 5 tháng qua vào ngày đầu tuần vì giá dầu sụt và Trung Quốc nhập khẩu ít đi, theo Reuters hôm 10/8/2015.
Một đôla Mỹ nay đổi được 64,42 rouble và đây là giá thấp nhất từ 5 tháng qua của đồng nội tệ Nga vốn liên tục tụt giá từ hai tháng qua.
Theo Reuters, tiền Nga phụ thuộc vào giá dầu Brent và mặt hàng này cũng mất giá 0,3% hôm thứ Hai, xuống còn 48,45 USD một thùng dầu thô.
Ngoài ra, các chỉ số kinh tế Trung Quốc yếu hơn cũng khiến Nga bị ảnh hưởng vì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính các nguyên liệu thô từ Nga.
Trong tháng 7, xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi 8,3% cho thấy sản xuất cũng giảm và nhu cầu dầu khí nước này nhập từ Nga không cao bằng trước đó.
Gần đây nhất, Tổng thống Vladimir Putin ký nghị định cho thiêu hủy hàng thực phẩm nhập từ Liên Hiệp Châu Âu, gây ra giận dữ trong dân chúng.
Từ một năm qua, Nga đã cấm hầu hết sản phẩm tươi từ các nước áp đặt trừng phạt với Nga vì việc sáp nhập Crimea.
Từ ngày nghị định mới có hiệu lực hôm 6/8, những ai vẫn tích trữ thực phẩm bị cấm sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.
Thứ Năm tuần qua, Nga nói giới chức đã thu giữ 436 tấn các loại thực phẩm và hủy đi 320 tấn, gồm các sản phẩm sữa của Đức và thịt của Ý.
Dù các quan chức Nga trấn an dư luận vốn lo ngại về xu hướng xấu trong nền kinh tế từ nhiều tháng qua, một số tờ báo phê phán Điện Kremlin về chính sách kinh tế vĩ mô.
Chẳng hạn Dmitriy Oreshkin trên trang Yezhednevnyy Zhurnal 07/08 viết rằng:
"Mọi nhà kinh tế chuyên nghiệp đều hiểu ông Putin đang đưa quốc gia vào ngõ cụt. Đầu tiên là hướng đưa kinh tế vào lấy thu nhập từ nguyên liệu thô, sau đó là cuộc phiêu lưu ở Ukraine, và nay là sự chuyển hướng sang Bắc Kinh đúng vào lúc Trung Quốc bắt đầu khủng hoảng..." - BBC
|
|
4.
Báo đảng Trung Quốc tấn công vào các cựu lãnh đạo chế độ
Hôm nay 10/08/2015, Nhân dân Nhật báo, quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có bài viết công kích gay gắt một số lãnh đạo của chế độ đã về hưu nhưng vẫn cố giữ ảnh hưởng nên chính trường. Đây là một động thái, được giới quan sát cho là dọn đường dư luận chuẩn bị cho một chiến dịch thanh lọc mới trong đảng của ban lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay.
Với lời lẽ gay gắt, Nhân dân Nhật báo bình luận trong bài viết: "Một số lãnh đạo không chỉ sắp đặt những người họ che chở (vào những vị trí quan trọng), nhằm tạo môi trường thuận lợi giúp họ tiếp tục gây ảnh hưởng mà họ sau khi đã về hưu đã nhiều năm vẫn còn muốn can thiệp quá sâu vào rất nhiều vấn đề hệ trọng (của đất nước)".
Bài báo ký tên một lãnh đạo cao cấp thuộc Tổng cục Chính trị quân đội Trung Quốc (Gu Bochong), nhấn mạnh, cách hành xử của những lãnh đạo về hưu này đã gây cản trở cho ban "lãnh đạo mới" và "làm cho một số tổ chức bị phân chia bè phái và bị mất tinh thần, phá hoại sự gắn kết và năng lực của đảng".
Ngay khi được đăng tải, bài báo đã được dư luận tại Trung Quốc quan tâm đặc biệt. Nhiều bình luận trên các mạng xã hội đã suy diễn bài báo khai mào cho cuộc tấn công của Tập Cận Bình vào Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Thời gian gần đây, chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đã trực tiếp tấn công vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng, trong đó có cả những nhân vật cựu và đương nhiệm. Điển hình là trường hợp Chu Vĩnh Khang, người được cho là tay chân của ông Giang Trạch Dân trong thời gian từ năm 1989-2002, đã bị kết án tù chung thân hồi tháng Sáu vừa qua. Trước đó có, Bạc Hy Lai, người cũng được cho là nằm trong phe cánh với Chu Vĩnh Khang.
Sau khi rời khỏi chính trường năm 2002, ông Giang Trạch Dân vẫn có ảnh hưởng lớn đối với ban lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào.
Ngoài ra trong đợt thanh lọc trong đảng vừa qua, một loạt quan chức từ cao cấp đến thấp được cho là người của Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào đều lần lượt bị thất sủng hoặc rơi vào tầm ngắm của điều tra. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam có thể mua chiến hạm Mistral của Pháp
Một chuyên gia hàng đầu trong công nghiệp quốc phòng Nga tin rằng Ấn Độ và Việt Nam có thể mua tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral mà Pháp đã từ chối giao cho Nga, theo hợp đồng mà hai nước đã ký trước đó.
Một trang mạng về quốc phòng của Nga dẫn lời ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga cho biết như vậy khi nói chuyện với hãng tin TASS của Nga.
Hồi tuần trước, Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thống Pháp Francois Hollande đã đồng ý hủy hợp đồng để giao hai tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral của Pháp mà hai nước đã ký vào mùa hè năm 2011.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian mới đây đã gợi ý rằng có một số quốc gia đã bày tỏ ý định mua các tàu chiến này của Pháp.
Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Pukhov nói một giả thuyết hợp lý là Pháp sẽ đề nghị bán các tàu chiến Mistral cho các nước khác, những nước đã có kế hoạch sắm loại chiến hạm này trong chương trình nâng khả năng của lực lượng hải quân của họ, hoặc Pháp có thể bán các chiến hạm này với giá hạ cho các nước lâu nay vẫn mua khí tài của Pháp'.
Ông Pukhov nhận định Ấn Độ là nước đầu tiên trong những nước có khả năng mua chiến hạm Mistral, giữa lúc New Dehli đã bày tỏ ý muốn mua một chiếc và xây thêm 3 tàu đổ bộ loại này tại các xưởng đóng tàu của Ấn Độ.
Trang mạng tin tức quốc phòng của Nga cho hay Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã từ chối bình luận về bản tin của hãng thông tấn Tass. Nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với trang mạng RBTH rằng hãy còn quá sớm để Ấn Độ và Pháp thương thuyết một thoả thuận về chiến hạm Mistral vì hai nước hiện vẫn chưa kết thúc việc bán phi cơ Rafale cho Không quân Ấn Độ.
Theo chuyên gia quốc phòng Nga, Việt Nam cũng có ý định mua lại chiến hạm Mistral.
Trang mạng RBTH dẫn lời ông Nguyễn Phú Loan, một nhà phân tích tại Hà nội nói rằng Việt Nam sẽ không theo đuổi thoả thuận mùa tàu chiến Mistral, nếu không tham vấn trước với Nga. Ông Loan được trích lời nói rằng “Chúng ta phải hiểu rằng giới lãnh đạo Việt Nam không muốn làm Nga bất bình, bởi vì Nga là nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam.” Ông cho rằng Trung Quốc cũng có thể là một nước có khả năng mua chiến hạm Mistral.
Ông Loan cho biết vấn đề về các chiến hạm Mistral sẽ được thảo luận giữa Việt Nam và Pháp ở Paris trong năm nay. Trang mạng quốc phòng của Nga cho hay họ không liên lạc đươc với Bộ Quốc phòng Việt Nam để yêu cầu bình luận về bản tin này.
Trong khi đó, trang mạng Sputniknews dẫn lời Đại diện chính thức của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới- gọi tắt là TSAMTO, nói với tờ Rio Novosti rằng Nga đã chuyển giao cặp máy bay Su-30 MK2 thứ ba cho Việt Nam. Bản tin cho biết Căn cứ Không quân Việt Nam tại Đà Nẵng đã nhận hai máy bay Su-30 trong khuôn khổ một hợp đồng với Nga.
Theo nguồn tin này, hợp đồng cung cấp 12 chiếc Su-30MK2 trị giá khoảng 600 triệu đôla đã được ký kết hồi năm 2013. 6 chiếc còn lại sẽ được giao trước cuối năm nay, nâng tổng số máy bay loại này của Không quân Việt Nam lên 36 chiếc. - VOA
|
|
6.
Việt-Trung đối thoại chiến lược quốc phòng
Quan chức quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc vừa có cuộc đối thoại chiến lược thường niên lần thứ 5 ở Hà Nội.
Một trong những nội dung chính của đối thoại lần này là "phản bác lại những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch về những vướng mắc trong quan hệ hai nước thời gian qua".
Báo Việt Nam cho hay đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn. Trưởng đoàn Bộ Quốc phòng Trung Quốc là Thượng tướng Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc.
Ông Nguyễn Chí Vịnh được dẫn lời nói tại cuộc đối thoại rằng "đây là hoạt động nhằm tạo sự tin cậy chiến lược, thu hẹp bất đồng, phát huy điểm tương đồng, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa quân đội và nhân dân hai nước".
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, "hai bên đã trao đổi các nội dung, biện pháp nhằm đưa quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực".
"Qua đó, góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa quân đội và nhân dân hai nước", theo thông tin từ Bộ Quốc phòng.
An ninh chiến lược
Đây là lần thứ 5 Bộ Quốc phòng hai bên có đối thoại chiến lược.
Bắt đầu từ năm 2010, các cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh được giới chức Việt-Trung thực hiện định kỳ hàng năm nhằm thúc đẩy hiểu biết giữa hai quân đội và thúc đẩy hợp tác quốc phòng hai bên.
Trong chuyến thăm làm việc từ 10/8-14/8, ngoài việc chủ trì đối thoại quốc phòng, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc cũng có một số hoạt động khác, trong đó có cuộc chào xã giao với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Được biết cuộc gặp với Tướng Thanh kéo dài chừng nửa tiếng và ông Tôn Kiến Quốc là vị khách nước ngoài đầu tiên mà ông Phùng Quang Thanh tiếp sau khi ông chữa bệnh trở về.
Cơ chế đối thoại chiến lược quốc phòng được Việt Nam thực hiện với nhiều nước, trong đó quan trọng nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bắt đầu từ năm nay, Việt Nam và Trung Quốc còn bắt đầu cơ chế đối thoại an ninh cấp thứ trưởng, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. - BBC
No comments:
Post a Comment