Tin Thế Giới
1.
Biển Đông: Mỹ xác định không ‘trung lập’ khi luật quốc tế bị vi phạm
Trung Quốc lúc nào cũng tố cáo Mỹ đi ngược lại lập trường mà Washington luôn khẳng định là "trung lập", không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Nhân vật phụ trách châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 21/07/2015 đã nói lại cho rõ: Hoa Kỳ không hề trung lập trong vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, và sẽ can dự mạnh mẽ để đảm bảo sao cho tất cả các bên đều tuân thủ luật lệ.
Ông Daniel Russell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương đã khẳng định một cách rõ ràng lập trường trên đây của Hoa Kỳ nhân Hội nghị khoa học lần thứ năm về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington tổ chức.
Theo báo mạng Nhật Bản The Diplomat số ra ngày hôm nay, 22/07, nhà ngoại giao Mỹ đã làm rõ quan điểm của Mỹ về Biển Đông khi trả lời chất vấn của một người Trung Quốc tham gia Hội nghị về sự "trung lập" của Mỹ trong hồ sơ Biển Đông.
Cho đến nay, Washington luôn luôn khẳng định rằng dù không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng Mỹ mong muốn là vấn đề được giải quyết đúng theo quy định của luật pháp quốc tế mà không được dùng đến các biện pháp cưỡng bức. Quan điểm đó tuy nhiên đã bị hiểu sai thành ‘trung lập thuần túy’, nhất là Trung Quốc, lúc nào cũng tố cáo Washington ‘thiên vị’.
Theo ông Russel, lập trường trung lập của Mỹ chỉ áp dụng cho các đòi hỏi chủ quyền, chứ không áp dụng cho cách thức giải quyết tranh chấp: "Chúng tôi không hề trung lập khi vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế được đặt ra. Chúng tôi sẽ can dự mạnh mẽ khi nói đến nhu cầu tuân thủ các luật lệ".
Trong phát biểu của mình tại CSIS, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ xác nhận rằng Hoa Kỳ đang khuyến khích các bên liên quan ở Biển Đông tạo ra không khí và điều kiện thuận lợi để xử lý các tranh chấp bằng phương cách hòa bình, ngoại giao và hợp pháp, cho dù tình hình đang căng thẳng lên một phần vì các hành động quyết đoán của Trung Quốc.
Đối với ông Russel, cần phải nỗ lực giảm mức độ căng thẳng hiện nay, tạo ra một không khí thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình tranh chấp theo hai hướng: thương thuyết và trọng tài.
Để làm điều này, các bên tranh chấp – tất cả, chứ không riêng gì Trung Quốc – cần phải chấm dứt các hành động gây căng thẳng, như cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa các cơ sở. Trung Quốc hiện bị cáo buộc nước gây căng thẳng, với các công trình bồi đắp đảo đá và xây dựng cơ sở rầm rộ ở Biển Đông.
Về hướng thương thuyết giữa các bên tranh chấp, ông Russel công nhận rằng đây là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã lưu ý rằng các tuyên bố "độc đoán" của một số quốc gia, theo đó họ có chủ quyền "không thể chối cãi" tại Biển Đông, đang là cản lực được dựng lên trên con đường đàm phán.
Về hướng nhờ trọng tài quốc tế, ông Russel nêu bật vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực. Đối với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cho dù kết quả ra sao, cả Bắc Kinh lẫn Manila đều phải chấp hành quyết định mang tính ràng buộc về mặt pháp lý của tòa án, vì cả hai đều đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Về phần nước Mỹ, ông Russel tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc tôn trọng lời hứa bảo vệ các đồng minh và cam kết bảo đảm an ninh khu vực, cũng như giúp phát triển các tổ chức có hiệu quả về an ninh. Để làm điều này, Hoa Kỳ sẽ giúp các quốc gia duyên hải nâng cao năng lực giám sát vùng biển của mình, đồng thời tiếp tục các chiến dịch nhằm thể hiện quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. - RFI
|
|
2.
Nhật Bản nới rộng vai trò của quân đội
Chính phủ Nhật Bản đang ra sức thúc đẩy cho một dự luật an ninh gây tranh cãi mà nếu được thông qua sẽ cho phép quân đội của họ chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai. Theo tường thuật do thông tín viên Brian Padden của đài chúng tôi gởi về từ Okinawa, các nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng sự thay đổi này là vô cùng cần thiết để ứng phó với những mối đe dọa mỗi ngày một tăng của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Nếu được thông qua, dự luật có sự hậu thuẫn của thủ tướng Shinzo Abe sẽ cho phép quân đội tham gia các hoạt động tự vệ tập thể và bảo vệ cho các nước đồng minh như nước Mỹ.
Washington ủng hộ việc Nhật Bản theo đuổi một lập trường mạnh mẽ hơn trong lãnh vực an ninh để chống lại những mối đe dọa tiềm năng từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, là hai nước đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng hạt nhân.
Thủ tướng Abe phát biểu như sau về dự luật này.
"Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đang mỗi ngày một khó khăn hơn. Với nhận thức như vậy, chúng tôi tin rằng luật này là tuyệt đối cần thiết để bảo vệ sinh mạng của người Nhật và cũng để ngăn tránh việc Nhật Bản phải tham chiến".
Dự luật an ninh này đã làm bùng ra những cuộc phản kháng của hàng vạn người chống đối. Những người này e rằng việc diễn giải một cách rộng rãi hơn bản hiến pháp chủ hòa của Nhật sau Thế chiến thứ hai có thể làm cho nước Nhật bị vướng vào những vụ xung đột ở nước ngoài.
Trong một thăm dò hồi gần đây, 56% người Nhật cho biết họ chống đối các biện pháp an ninh mới và số người không ủng hộ Thủ tướng Abe đã tăng 5%, lên tới mức 42%. Tuy phe đối lập có thể làm cho việc thông qua dự luật này bị hoãn 60 ngày, nhưng liên minh do Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe lãnh đạo có đủ thế đa số 2/3 cần thiết để thông qua dự luật.
Trong khi đó, những nhân vật tranh đấu ở Tokyo giờ đây đã tới Okinawa để cùng với những người dân địa phương biểu tình chống lại kế hoạch xây một phi trường mới để làm căn cứ cho thủy quân lục chiến Mỹ.
Ông Hideharu Kase, một người biểu tình đến từ Tokyo, cho biết như sau:
"Tôi tới Okinawa để ngăn không cho ông Abe phá hoại hiến pháp và để chặn đứng kế hoạch xây dựng phi trường ở đây".
Thủ tướng Abe không được lòng những người ở Okinawa vì ông ủng hộ cho việc xây căn cứ không quân mới trong lúc những căn cứ quân sự của Mỹ đã chiếm tới 20% diện tích của hòn đảo ở miền Nam nước Nhật.
Ông Junichi Tomita, chủ nhiệm nhật báo Ryukyu Shimpo, phát biểu như sau:
"Dời nó đi chỗ khác, ra khỏi Okinawa, hay là từ bỏ hẳn kế hoạch. Đó là quan điểm của chúng tôi mà cũng là quan điểm của đa số dân chúng ở Okinawa và của Tỉnh trưởng Onaga".
Những người chống đối mới đây đã lớn tiếng thóa mạ ông Abe khi ông tới thăm Okinawa.
Các nhà quan sát nói rằng dự luật quốc phòng có tính chất dấu mốc có phần chắc sẽ được thông qua, cho dù điều này làm sút giảm sự ủng hộ của công chúng dành cho thủ tướng Abe. - VOA
|
|
3.
Yonhap: Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng phi đạn tầm xa
Hãng tin Yonhap của Nam Triều Tiên cho biết Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị để phóng một phi đạn tầm xa loại mới trong năm nay.
Bản tin trích lời một giới chức chính phủ Nam Triều Tiên không muốn nêu danh tánh nói rằng Bắc Triều Tiên đã hoàn tất việc nâng cấp tại Sohae, địa điểm phóng phi đạn nằm gần biên giới Trung Quốc. Những hoạt động nâng cấp bao gồm việc xây dựng một tháp phóng cao 67 mét, có khả năng phóng một hỏa tiễn lớn gấp đôi hỏa tiễn Unha-3 của Bắc Triều Tiên. Một hỏa tiễn loại đó đã đưa một vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 12 năm 2012.
Giới chức Nam Triều Tiên cho biết Seoul nhận được tình báo là lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh tiến hành một vụ phóng phi đạn tầm xa vào tháng 10 để mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động đương quyền.
Yonhap nói rằng họ được một giới chức khác trong chính phủ cho biết Seoul đã phát giác “những dấu hiệu cho thấy một hỏa tiễn tầm xa đang được chế tạo tại một công xưởng sản xuất vũ khí gần Bình Nhưỡng”.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không cho phép Bắc Triều Tiên thực hiện những vụ thử nghiệm sử dụng kỹ thuật phi đạn đạn đạo. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Nigeria ở Tòa Bạch Ốc
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gặp Tổng thống Nigeria Huhammadu Buhari tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận về mối đe dọa do các phần tử chủ chiến Hồi giáo Boko Haram đặt ra và các vấn đề khác.
Ông Obama mô tả Nigeria là một trong các nước quan trọng nhất trên thế giới. Ông nói rằng cuộc bầu cử mới đây và cuộc chuyển giao quyền hành một cách hòa bình sang tay một chính quyền mới là một sự khẳng định về sự cam kết của Nigeria đối với nền dân chủ.
Ông nói thêm rằng ông rất quan tâm tới các cuộc tấn công do nhóm Boko Haram thực hiện. Ông tin rằng Tổng thống Buhari có một nghị trình làm việc rõ ràng để đánh bại nhóm này và diệt trừ nạn tham nhũng đã làm trì chậm nỗ lực của Nigeria tiến tới thịnh vượng kinh tế.
Ông Obama nói ông mong đợi thảo luận về những cách mà Hoa Kỳ và Nigeria có thể hợp tác với nhau về các vấn đề chống khủng bố.
Chuyến công du 4 ngày tới Hoa Kỳ là chuyến đi thăm Washington đầu tiên của Tổng thống Buhari từ khi ông nhậm chức hồi tháng Năm, trong một cuộc chuyển giao quyền hành hòa bình hiếm hoi ở Nigeria. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Khởi tố ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu lãnh đạo PVN ‘vì đồng phạm'
Bộ Công an Việt Nam nói họ "xác định ông Nguyễn Xuân Sơn đồng phạm” với một cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương.
Một chuyên gia kinh tế trong nước nhận định vụ bắt giữ ông Sơn làm dấy lên câu hỏi lớn về vấn đề thể chế và xét duyệt nhân sự.
Thông báo trên trang web Bộ Công an nói “Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định: Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank đã đồng phạm với Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank trong thời gian làm Tổng Giám đốc Oceanbank, đã phạm vào tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 281 - Bộ luật hình sự và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 - Bộ luật hình sự.
“Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét; Quyết định và các Lệnh bắt, khám xét trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn," bản tin nói thêm.
Như vậy với việc qui cho ông Sơn là "đồng phạm với ông Thắm", Bộ Công an Việt Nam trong một chừng mực nào đó đã mặc nhiên cho rằng ông Thắm là người có tội mặc dù ông Thắm chưa hề bị xét xử.
Truyền thông tại Việt Nam đưa tin ông Sơn được bổ nhiệm và nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank từ tháng 12/2008 đến 14/1/2011.
Bộ Công thương ngày 15/11/2010 bổ nhiệm ông làm Phó Tổng giám đốc PVN, đại cổ đông đóng góp đến 20% vốn cổ phần của OceanBank, nơi mà chính ông Sơn được lựa chọn làm người đại diện.
Như vậy ông Sơn đã có thời gian làm lãnh đạo tại cả PVN lẫn OceanBank.
Ông Sơn được Thủ tướng Dũng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch PVN vào 08/07/2014.
Được biết ông Sơn đã có hơn 30 năm làm việc trong ngành dầu khí Việt Nam, bao gồm thời gian làm cán bộ tại Vụ Tài chính - Kế toán của Tổng cục Dầu khí, (sau này là PVN), Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) rồi Tổng giám đốc PVFC đến tháng 5/2007.
Lệnh khởi tố trong đó có tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đặt ra câu hỏi về sự liên hệ giữa tập đoàn dầu khí khổng lồ của nhà nước với một ngân hàng thương mại tư nhân mà nay nhà nước mua lại “với giá 0 đồng”.
Báo Thanh Niên mô tả ông Sơn “được cho là có trách nhiệm liên quan đến việc làm mất vốn góp (khoảng 800 tỉ đồng) của PVN tại ngân hàng này" trong khi một số báo khác nói 800 tỉ đồng của PVN tại đây đã “mất trắng”.
Báo Lao động ngày 21/07 có bài ' Nguyên Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn nhận trách nhiệm gì?'
Bài viết có đoạn mô tả "PetroVietnam là doanh nghiệp nhà nước, việc hạch toán khoản mất vốn này ra sao, hiện chưa ai rõ vì PVN không phải là doanh nghiệp niêm yết.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính phân tích được báo này dẫn lời cho rằng "Nếu thuần tuý về giá trị thì số tiền 800 tỉ đồng với PVN là không lớn, song vấn đề nằm ở chỗ vì sao một “ông lớn” có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến tăng trưởng GDP của cả nước như PVN lại đem tiền mua cổ phần ngân hàng?"
Trang web của PetroVietnam mãi tới trưa ngày 22/07 mới đưa tin về vụ bắt và khởi tố ông Sơn trong khi tờ Petrotimes, vốn hay đăng các phóng sự điều tra, tới trưa cùng ngày mới có một bài khá ngắn dường như cùng nội dung với bài trên PetroVietnam.
"Cho thôi chức"
Bộ Công an nói vào hồi 17 giờ ngày 21/7/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt ông và khám xét nơi ở tại Hà Nội.
Cùng ngày 21/7, hãng tin Reuters đưa tin PetroVietnam Gas, bộ phận sản xuất và phân phối khí đốt của Tập đoàn Dầu khí quốc gia, ghi nhận lợi nhuận gộp dự kiến cho 2015 giảm 21.20%, xuống còn 649 triệu USD, và doanh số giảm 5.4%.
Ông Sơn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nhưng đã bị Thủ tướng "cho thôi chức" hôm 19/7 và ngay sau đó ông “bị tăng huyết áp và phải vào Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu”, theo truyền thông trong nước.
Mới gần đây báo chí Việt Nam và quốc tế còn đưa tin về chuyến xuất ngoại cuối cùng của ông Nguyễn Xuân Sơn sang Hoa Kỳ trước khi bị bắt vào hôm nay 21/7.
Trong bài trên trang của Viện Dầu khí Việt Nam có ảnh ông Sơn ký hợp thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Hoa Kỳ Murphy Oil hôm 8/7 có sự chứng kiến của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đại sứ Mỹ Ted Osius.
Báo chuyên ngành tiếng Anh (Rigzone. com) hôm 13/07 cũng đưa tin về chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Sơn và dự án Cá Voi Xanh.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank Hà Văn Thắm đã bị khởi tố, bắt tạm giam từ năm ngoái vào tháng 10 năm ngoái vì tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Sau khi ông Thắm bị bắt, trên mạng internet xuất hiện một số đoạn băng ghi âm.
Những người tung clip ghi âm lên một trang mạng có tên "Chân dung quyền lực" đã mô tả đây là những cuộc hội thoại của ông Thắm khi ông trao đổi việc làm ăn với các "nhóm lợi ích".
Người bị ghi âm, trong các đoạn băng, đã đề cập tới tên của một số vị lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam.
Trang "chân dung quyền lực", vốn có nhiều thông tin nhạy cảm về chính trị, đã không cập nhật thông tin từ giữa tháng Một năm 2015 và không bị chặn tại Việt Nam.
Câu hỏi về thể chế
Trả lời BBC ngày 22/7, kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng vụ bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn làm dấy lên câu hỏi lớn về vấn đề thể chế và xét duyệt nhân sự.
"Việc các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư vào các ngân hàng được thực hiện theo một nghị quyết cho phép các tập đoàn đa dạng hóa đầu tư và đa dạng hóa kinh doanh", ông nói.
"Khái niệm đó không được xác định rõ ràng nên có nhiều tập đoàn nhà nước đầu tư vào ngân hàng, khách sạn, bất động sản và chứng khoán và thua lỗ nặng."
"Đã có chủ trương thoái vốn nhưng chủ trương này được thực hiện rất chậm, cho nên để lại thiệt hại rất đáng kể."
"Việc đa dạng hóa đầu tư như vậy, nhất là những lĩnh vực xa lạ, như khách sạn dầu khí, taxi dầu khí, là những việc làm không phù hợp với chuyên môn chính của tập đoàn đó, và người ta nghĩ rằng việc thu xếp, lập ra các doanh nghiệp để tạo ra sân sau cho người quen là nhằm phục vụ lợi ích nhóm hoặc con cái trong gia đình."
"Việc ông Nguyễn Xuân Sơn bị bắt là do trách nhiệm gây mất vốn như vậy."
Nhận định về số vốn 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank, ông Doanh cho rằng "việc các tập đoàn trở thành cổ đông thì họ có thể sử dụng quyền của mình để huy động vốn. Tôi không rõ quan hệ giữa PVN với các ngân hàng về mặt nợ nần và tín dụng thế nào, nhưng về nguyên tắc thì khi anh đã ngồi trong hội đồng quản trị thì có thể dùng vị trí của mình để gây ảnh hưởng về mặt tín dụng và các mặt khác".
Ông cũng nói vụ việc cho thấy vấn đề lớn về mặt bổ nhiệm nhân sự tại Việt Nam.
"Về mặt thủ tục bổ nhiệm, Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị từ các bộ và có thủ tục về mặt xét duyệt về phía Đảng và các hội đồng quản trị", ông nói.
"Vụ việc như thế này là câu hỏi lớn về thể chế và sự xét duyệt và cho thấy rõ thiếu một cơ quan giám sát độc lập, nên các thủ tục, các việc xét duyệt làm không được chặt chẽ, dẫn đến những việc bổ nhiệm như trong trường hợp của ông Xuân Sơn này."
"Tôi nghĩ rằng phải thay đổi thể chế, tách cơ quan giám sát khỏi cơ quan quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu để cơ quan này thực sự độc lập và làm việc theo pháp luật." - BBC
|
|
6.
Trung Quốc ngang nhiên lập quy hoạch quản lý Trường Sa
Trung Quốc hôm qua thông báo về việc lập quy hoạch quản lý, sử dụng, khai thác tại các đảo và khu vực biển lân cận quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho biết việc lập quy hoạch này là do "hiện không đủ năng lực bảo đảm phục an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển, khai thác tài nguyên biển".
Theo bản quy hoạch, trong giai đoạn 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), SOA sẽ tăng cường nâng cao trình độ bảo vệ, sử dụng và quản lý các đảo và khu vực biển lân cận tại quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc chiếm đóng của Việt Nam.
Bản quy hoạch nêu rõ, Trung Quốc sẽ tăng cường công tác giám sát và bảo vệ môi trường sinh thái biển của các đảo tại Trường Sa, xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học biển, các trạm giám sát sinh thái biển.
Trong giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc sẽ tăng cường công tác dự báo quan trắc biển, bằng cách xây dựng trung tâm giám sát biển, trung tâm phục vụ số liệu Biển Đông, xây dựng các thiết bị thông tin liên lạc điều hướng qua vệ tinh, xây căn cứ bảo đảm tiếp tế trên biển, trung tâm cứu trợ an ninh hàng hải trên biển.
SOA cho rằng các hoạt động xây dựng trên là “trách nhiệm, nghĩa vụ” của Trung Quốc, nhằm "cung cấp dịch vụ công cộng trên biển chất lượng cao" cho các nước xung quanh Biển Đông và khu vực.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách bồi đắp, xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. - vnexpress
No comments:
Post a Comment