Wednesday, July 15, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 15/7

Tin Thế Giới

1.
Thái Lan tạm hoãn mua tàu ngầm TQ

Thái Lan tạm ngưng kế hoạch mua tàu ngầm từ Trung Quốc, theo Bộ Quốc phòng Thái Lan.

Tin đưa ra hôm thứ Tư làm dấy lên những câu hỏi về mức độ cam kết của Thái Lan trong việc mua những chiếc tàu đầu tiên loại này.

Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan trong tháng này nói hải quân Thái đã phê chuẩn kế hoạch mua ba tàu ngầm từ Trung Quốc với tổng trị giá 36 tỷ baht (1,06 tỷ đôla Mỹ).

Vốn là đồng minh của Hoa Kỳ từ hàng chục năm nay, nhưng Thái đã đẩy mạnh quan hệ thân thiết với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh dùng các khoản vay và viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để gây ảnh hưởng trong khu vực.

Tại Thái Lan, cuộc đảo chính quân sự hồi 2014 đã làm quan hệ giữa Bangkok với Washington trở nên căng thẳng.

Ông Prawit, nổi tiếng là người ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch mua tàu ngầm, đã nói với các phóng viên rằng việc mua tàu sẽ tạm ngưng trong lúc hải quân tái cân nhắc vai trò cũng như chi phí cần có cho các con tàu.

"Chúng ta vào lúc này thì chờ đợi đã, không đưa lên xin chuẩn thuận của nội các," ông Prawit nói với các phóng viên.

Trong khu vực, Việt Nam đã nhận bốn tàu ngầm thuộc loại Kilo do Nga sản xuất, và còn hai chiếc nữa đã được đặt hàng.

Singapore, quốc gia đã mua lại bốn chiếc tàu ngầm cũ, đã đặt hai chiếc từ ThyssenKrupp Marine Systems của Đức.

Indonesia đặt ba chiếc từ hãng Daewoo Shipbuilding của Hàn Quốc.

Trong năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Đức, Pháp và Anh để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ ba trên thế giới, theo tổ chức nghiên cứu tại Stockholm International Peace Research. - BBC
|
|

2.
Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông

Tin của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ hôm 14/7 cho biết hai tàu chiến của Mỹ vừa hoàn tất cuộc tuần tra phối hợp ở Biển Đông.

Trang mạng ABS-CBNnews tường thuật rằng đây là lần đầu tiên tàu tác chiến cận duyên USS Fort Worth phối hợp tuần tra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen.

Bản tin cho biết cuộc tuần tra đã khởi sự từ hôm 9 tháng Bảy, và trích dẫn một thông cáo báo chí của Chỉ huy tàu Fort Worth Rich Jarrett, nói rằng các hoạt động có phối hợp với tàu khu trục USS Larsen “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương và Á Châu-Thái Bình Dương, đồng thời chứng tỏ khả năng của chúng tôi thực hiện các hoạt động tự do trên biển cả”.

Ông Jarrett cho biết thêm là với tour luân phiên kéo dài 16 tháng, các tàu tác chiến cận duyên như Fort Worth sẽ duy trì sự hiện diện thường xuyên để đóng góp cho việc duy trì ổn định trên Biển Đông”.

Hải quân Hoa Kỳ cho biết Đệ Thất Hạm đội thường xuyên thực hiện các hoạt động hàng hải để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ dương và Á Châu-Thái Bình Dương.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan ngại là Trung Quốc đang dùng sức mạnh và quân số đông đảo của mình để hiếp đáp các nước nhỏ hơn trong vùng biển tranh chấp. Nhà lãnh đạo Mỹ nói Hoa Kỳ tin là có thể giải quyết tranh chấp bằng đường lối ngoại giao, nhưng không chấp nhận việc Trung Quốc “hiếp đáp Philippines hay Việt Nam, chỉ vì các nước này nhỏ hơn Trung Quốc”.

Hãng tin CNN hôm 14/7 dẫn lời các giới chức Mỹ cho biết là Hoa Kỳ đang cân nhắc việc triển khai thêm máy bay và tàu để thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại các hòn đảo trên Biển Đông.

Trong cùng ngày, Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ chớ có hành động nào có thể được xem là khiêu khích, theo Xinhua, cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc.

Bản tin dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng trong khi Bắc Kinh ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, ‘Hoa Kỳ phải thận trọng và sử dụng quyền này một cách đúng đắn’.

Bà Hoa Xuân Oánh nói “Tự do hàng hải không cho phép tàu chiến và máy bay chiến đấu của một nước tự do tiếp cận các vùng biển thuộc lãnh hải và không phận của một nước khác.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Dân biểu Mỹ: Trung Quốc phạm tội diệt chủng ở Tây Tạng

Các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của một vị cao tăng Tây Tạng trong nhà tù Trung Quốc và thúc giục Bắc Kinh ngưng ngay các chính sách đàn áp ở Tây Tạng. Theo tường thuật do thông tín viên Yang Chen của đài VOA gởi về từ Điện Capitol, nữ dân biểu Zoe Lonfgren còn tố cáo Bắc Kinh phạm tội diệt chủng ở Tây Tạng.

Các nhà lập pháp đã cử hành một phút mặc niệm để tưởng nhớ nhà sư Tenzin Delek khi họ bắt đầu một cuộc điều trần ở Hạ viện Mỹ hôm thứ ba.

Dân biểu James McGovern, chủ toạ cuộc điều trần, cho biết hồi tháng tư ông đã yêu cầu Bộ Ngoại giao gây sức ép để đòi chính phủ Trung Quốc phóng thích ông Tenzin Delek vì lý do sức khoẻ. Ông nói “Thế mà bây giờ chúng ta lại có thêm một nhà lãnh đạo Tây Tạng tử vong.”

Diễn viên điện ảnh Richard Gere là người đã tích cực vận động cho tự do của Tây Tạng trong nhiều năm qua. Ông cho biết chính phủ Trung Quốc cảm thấy lo sợ vì cơ sở quyền lực mà ông Tenzin Delek đã xây dựng được. “Ông ấy có hàng vạn môn đệ, cả người Tây Tạng lẫn người Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng trên cơ bản thì đó chính là vấn đề,” ông Gere nói.

Theo tin của một tổ chức nhân quyền ở New York có tên Sinh viên cho một Tây Tạng Tự do, gia đình ông Tenzin Delek được thông báo về cái chết của ông hôm chủ nhật. Nhà sư nổi tiếng này đã ngồi tù trong 13 năm qua vì một bản án mà những người ủng hộ ông nói là có động cơ chính trị.

Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho ông Tenzin Delek, hôm thứ hai đã hối thúc Trung Quốc tiến hành một cuộc điều tra về cái chết của ông và công bố kết quả cuộc điều tra đó.

Ông Tenzin Delek, một trong những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Trung Quốc, đã bị kết án vào năm 2002 về tội khủng bố và âm mưu chia cắt đất nước. Ông bị tố cáo dính líu tới một vụ nổ bom tại một quảng trường ở thành phố Thành Đô trong tỉnh Tứ Xuyên năm 2002. Thoạt đầu ông bị tuyên án tử hình, nhưng bản án sau đó được giảm thành 20 năm tù.

Nhiều người Tây Tạng xem vụ truy tố đó là một sự trừng phạt cho mối liên hệ mật thiết của ông Tenzin Delek với Đức Đạt Lai Lạt Ma, là người đã thừa nhận ông là một vị lạt ma tái sinh.

Dân biểu McGovern nói rằng người dân Tây Tạng có quyền hành sử tự do tôn giáo và bảo vệ văn hoá truyền thống của mình. “Tình hình ở Tây Tạng đang nguy ngập, và chúng ta có thể không còn thời gian nữa để bảo vệ những quyền đó,” ông nói. Ông McGovern cho biết “Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sống lưu vong 56 năm nay, và mới đây, trong lúc chúng ta mừng sinh nhật thứ 80 của ông, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố họ có quyền chấp thuận người kế nhiệm ông.”

Nữ dân biểu Zoe Lonfgren cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách diệt chủng ở Tây Tạng. Bà nói “Chữ diệt chủng được dùng để chỉ hành vi giết người hàng loạt, như vụ giết hại người Do Thái thời Thế chiến thứ Hai, những hành vi không phải là sát nhân đơn thuần, bởi vì diệt chủng là tiêu diệt một dân tộc và đó chính là những gì mà Trung Quốc đang làm đối với người Tây Tạng.”

Nữ dân biểu Nancy Pelosi hối thúc Hoa Kỳ và thế giới Tây phương chớ nên làm ngơ trước những gì xảy ra ở Tây Tạng. Bà Pelosi nói:

“Chúng ta sẽ mất đi tư cách đạo đức để nói tới vấn đề nhân quyền ở bất cứ nơi nào trên thế giới nếu chúng ta không thách thức Trung Quốc về cách đối xử của họ với người dân Trung Quốc và người dân Tây Tạng."

Dân biểu McGovern cho biết ông cảm thấy “bực bội” và “tức giận” đối với sự thiếu tiến bộ trong tình hình nhân quyền ở Tây Tạng. Ông nói chính sách của Mỹ không làm cho Trung Quốc thay đổi cách hành xử ở Tây Tạng. Ông McGovern nói:

“Cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Tây Tạng đã bị ngưng từ năm 2010; năm nay là năm 2015, và tôi không nghĩ rằng đã có những hậu quả nào đối với chính phủ Trung Quốc cho việc rút khỏi cuộc đàm phán.”

Ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ tìm cách phái một phái đoàn lưỡng đảng tới thăm Tây Tạng trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến Washington vào tháng 9.

Tuy nhiên, Trung Quốc lâu nay vẫn không ngớt chỉ trích Quốc hội Mỹ về điều họ gọi là “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. - VOA
|
|

4.
Quốc hội Mỹ chia rẽ về thỏa thuận hạt nhân với Iran

Quốc hội Hoa Kỳ chia rẽ về thỏa thuận hạt nhân quốc tế mang tính bước ngoặt với Iran do Tổng thống Barack Obama và chính quyền của ông đã nỗ lực thúc đẩy để đạt được. Đa số các nhà lập pháp bên đảng Cộng hòa đều mạnh mẽ phản đối vì cho đó là một thỏa thuận nguy hiểm. Nhưng phần lớn các đảng viên Dân chủ nói họ chưa đưa ra nhận định cho tới khi có cơ hội điều nghiên các chi tiết.

Khi tin tức từ Vienna về thỏa thuận với Iran được chính quyền Tổng thống Obama ủng hộ lan truyền khắp Quốc hội Mỹ hôm qua, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đã ngay lập tức bác bỏ thỏa thuận này. Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell:

"Người Iran xem ra đã thắng thế trong thỏa thuận này, giữ lại hàng ngàn máy ly tâm, làm giàu khả năng hạt nhân thay vì chấm dứt, gặt hái một cơ may trị giá nhiều tỷ đô la để tự do chi tiêu cho chủ nghĩa khủng bố".

Tại một buổi điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ về những tác động của thỏa thuận với Iran, Chủ tịch Ủy ban, dân biểu Ed Royce tỏ ra hoài nghi:

"Ván đánh cuộc mà chính quyền Obama là trong 10 hay 15 năm nữa, chúng ta sẽ có một Iran tử tế, hiền lành hơn".

Sau buổi điều trần, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nicholas Burns, nói với đài VOA rằng ông ủng hộ thỏa thuận vừa kể:

"Tôi cũng cho rằng chúng ta tốt hơn hết là thử giải quyết vấn đề này một cách ngoại giao, ôn hòa thay vì dùng võ lực".

Trong khi đó, Tổng thống Obama khuyến cáo Quốc hội chớ có tìm cách triệt tiêu thỏa thuận vừa đạt được:

"Tôi sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào ngăn cản việc thực thi thành công thỏa thuận này".

Điều này gây bất bình cho các đảng viên Cộng hòa, trong đó có dân biểu Chris Smith:

"Hôm nay mới chỉ là ngày đầu. Tổng thống đã nói tới chuyện phủ quyết rồi. Nếu thỏa thuận này tốt đẹp, sao ông không thuyết phục Quốc hội".

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đi đầu trong phản ứng của phe Dân chủ.

"Thỏa thuận này đóng lại chương trình hạt nhân của Iran, nhưng chúng ta còn rất nhiều quan ngại về hành vi không tốt của Iran".

Một khi hiệp ước hạt nhân chính thức được đệ trình ra Quốc hội, Thượng và Hạ viện Hoa Kỳ có 60 ngày để chấp thuận hay bác bỏ, hoặc không có hành động gì. Nếu bị Quốc hội bác, Tổng thống Obama có thể sẽ phủ quyết nghị quyết không tán đồng của Quốc hội. Khi đó sẽ tiến hành công tác khó khăn là đạt được 2/3 đa số phiếu ở cả lưỡng viện để gạt bỏ sự phủ quyết của Tổng thống. - VOA

***
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã có những phản ứng chia rẽ gay gắt đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa loan báo với Iran, và các đảng viên Cộng hòa tỏ ra hậm hực hơn so với đa số các đảng viên Dân chủ.

Trưởng khối Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, chỉ trích hiệp ước là “thỏa thuận tốt nhất Iran có thể chấp nhận được, hơn là một thỏa thuận có thể thực sự chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran.”

Ông nói thêm: “Phía Iran dường như thắng thế trong cuộc thương nghị này, giữ lại hàng ngàn máy ly tâm, làm giàu thêm thay vì chấm dứt ngưỡng khả năng hạt nhân của họ, gặt hái kết quả nhiều tỷ đô la để chi tiêu thỏa thích cho khủng bố.”

Tương tự, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói Tổng thống Barack Obama đã "từ bỏ các mục tiêu của mình" để thương thuyết với Tehran.

Ông Boehner nói: "'Thỏa thuận' của ông sẽ giao cho Iran hàng tỷ đôla qua việc nới lỏng các biện pháp chế tài trong khi dành cho họ thời gian và không gian để đạt được ngưỡng tránh né nhằm chế tạo một quả bom hạt nhân – làm mọi thứ mà không vi phạm nguyên tắc. Thay vì làm cho thế giới này bớt nguy hiểm hơn, 'thỏa thuận' này sẽ chỉ khuyến khích Iran – nước bảo trợ khủng bố lớn nhất thế giới – bằng cách góp phần ổn định hóa và hợp thức hóa chế độ của họ."

Trưởng khối thiểu số Hạ viện, bà Nancy Pelosi, bày tỏ sự vui mừng một cách thận trọng:

“Thỏa thuận hạt nhân lịch sử này được loan báo hôm nay là sản phẩm của nhiều năm lãnh đạo khó khăn, táo bạo và sáng suốt của Tổng thống Obama. Tôi ca ngợi tổng thống về sức mạnh của ông trong suốt các cuộc thương nghị lịch sử đã dẫn đến điểm này. Chúng ta không có ảo tưởng gì về chế độ của Iran… Mọi chọn lựa vẫn còn đang được đưa ra thảo luận nếu như Iran thực hiện bất cứ bước nào hướng tới một vũ khí hạt nhân hay đi chệch ra khỏi các điều khoản của thỏa thuận này.”

Trưởng khối Dân chủ Thượng viện Harry Reid cũng tỏ ý lạc quan vừa phải như bà Pelosi:

“Cộng đồng thế giới đồng ý rằng một nước Iran có vũ trang hạt nhân là không thể chấp nhận được và là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của chúng ta. Nay Quốc hội có nhiệm vụ duyệt lại thỏa thuận này bằng một tiến trình thận trọng, hợp lý xứng đáng với một thỏa thuận với tầm cỡ này.”

Quốc hội sẽ có 60 ngày để xét duyệt và, nếu muốn, biểu quyết chấp thuận hay bác bỏ hiệp ước.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons nói với đài VOA: “Tôi rất trông đợi đi sâu vào chi tiết của thỏa thuận. Nay chúng ta cần phải xúc tiến bằng những cuộc điều trần tường tận… Tôi phải cân nhắc mối nghi ngờ sâu xa về Iran và những quan tâm về ý định của họ với hy vọng có thể có một giải pháp ngoại giao.”

Sự chấp thuận của Quốc hội đòi hỏi ít nhất một phần ủng hộ từ phía đảng Cộng hòa dành cho thỏa thuận. Hiện nay, một số đảng viên Cộng Hòa đã cam kết bỏ phiếu chống và cố gắng tập hợp sự chống đối bản hiệp ước.

Ông McConnell nói: “Nếu ta cần phải vận động chống lại một thỏa thuận bất lợi – một thỏa thuận với các khuyết điểm đe dọa đến đất nước chúng ta và đồng minh của chúng ta, thì tôi bảo đảm với quý vị là chúng tôi sẽ làm.”

Đoán trước sự chống đối như thế, Tổng thống Obama đã hứa sẽ phủ quyết mọi mưu toan của Quốc hội nhằm làm chệch hướng sáng kiến. Để vượt qua quyền phủ quyết cần phải có đủ số đảng viên Dân chủ đứng về phe đảng Cộng hòa.

Ngoại trưởng John Kerry cho hay ông nghi ngờ là các nhà lập pháp sẽ cản trở một thỏa thuận đã được các cường quốc thế giới thương nghị.

Ông Kerry nói: “Nếu Quốc hội phủ quyết thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ lâm vào thế không tuân thủ. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra.”

Không phải mọi phản ứng đều là tự động hoặc theo lằn ranh thuần đảng phái. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Shelley Moore Capito nói với đài VOA rằng bà sẽ theo đường lối “chờ xem.”

Bà Capito nói: “Tôi là người có bản tính hoài nghi. Nhưng chúng ta sẽ coi xem mọi sự đi đến đâu. Hiện vẫn còn sớm.”

Ngược lại, Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez nói với đài VOA rằng ông có những dè dặt sâu xa:

Ông Menendez nói: “Chúng ta thừa nhận rằng Iran là một quốc gia ở ngưỡng cửa hạt nhân. Thứ hai, chúng ta không chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran mà lại bảo toàn nó. Và rồi bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với một nước đã là một quốc gia lớn nhất bảo trợ khủng bố và đang gây bất ổn ở Yemen, ở Lebanon, ở Syria và ở Iraq quả là một viên thuốc đắng khó nuốt trôi.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Dân biểu Campuchia muốn trở lại nơi xảy ra xô xát với người Việt

Dân biểu thuộc phe đối lập của Campuchia Real Camerin sẽ trở lại khu vực tranh chấp ở biên giới Campuchia – Việt Nam vào ngày 19 tháng Bảy, mặc dù đã bị thương trong một vụ ẩu đả hồi tháng trước.

Ông Camerin cùng với dân biểu Um Sam An, cũng thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc cùng với ông, và các nhà hoạt động khác nói rằng họ đã bị giới hữu trách và dân làng Việt Nam hành hung trong chuyến đi đến khu vực trên ngày 28 tháng 6. Tuy nhiên các cơ quan truyền thông của Việt Nam cáo buộc họ là thâm nhập trái phép vào lãnh thổ và khiêu khích vụ đối đầu.

Ông Camerin sau đó đã lên án chính quyền địa phương là không bảo vệ nhóm của ông. Mặc dù vậy, các giới chức địa phương nói họ đã không làm gì được bởi vì ông Camerin đã không thông báo về chuyến đi của mình và họ chỉ biết về việc này sau khi xảy ra vụ xô xát.

Ông Camerin nói: “Tôi đã có một cuộc họp với các cơ quan chức năng để thảo luận về các biện pháp an ninh cho chuyến thăm của nhóm làm việc tới khu vực này vào ngày 15 tháng Bảy”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan cho biết: “Tôi không tin rằng chuyến đi tìm hiểu thực tế tại vùng biên giới với một nhóm người như thế là giải pháp, mà chỉ có tác dụng kích động có thể dẫn đến sự đối đầu và chấn thương”.

Thủ tướng Hun Sen gần đây đã viết một bức thư gửi cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hỏi mượn từ LHQ bản đồ gốc phân định biên giới Campuchia để đáp trả những cáo buộc của phe đối lập rằng Campuchia đã mất đất cho Việt Nam do sử dụng bản đồ sai.

Chính quyền Phnom Penh cũng đã cho hay Hà Nội chấp nhận lấp 3 trong số 8 cái ao lớn đào trên biên giới với Campuchia, và sẽ điều tra số còn lại.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã “ngưng xây dựng một đồn quân sự trên biên giới với Campuchia”.

Việt Nam chưa có phản ứng trước thông tin được Bộ Ngoại giao Campuchia công bố cho báo giới nước này vào ngày 10/7 vừa qua. - VOA
|
|

6.
Sacramento ‘hủy họp' với phái đoàn VN?

Chính quyền thành phố Sacramento nói hủy cuộc họp với phái đoàn từ Việt Nam do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dẫn đầu.

Cuộc họp theo dự kiến tổ chức vào chiều ngày thứ Ba giờ địa phương tại Hội đồng Thành phố với mục đích được mô tả là “để ký kết thỏa thuận kết nghĩa giữa hai thành phố "[Sacramento và Tp HCM]”.

“Chúng tôi rất mừng là qua sự kiện này, chúng ta đã đạt được thắng lợi, nhất là cộng đồng Việt Nam từ Nam đến Bắc California đã đoàn kết lại, phản đối việc làm này của thành phố Sacramento,” Thượng Nghị sĩ bang California Janet Nguyễn được báo Người Việt tại California dẫn lời.

“Nên nhớ, Sacramento là thủ phủ của California, là nơi có Quốc Hội Tiểu Bang, nên chúng ta không thể chấp nhận để thủ phủ tiếp phái đoàn Cộng sản Việt Nam, vì như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ xấu sau này,” bà Janet Nguyễn nói thêm.

Bà Janet Nguyễn, chính khách cao cấp nhất gốc Việt tại Hoa Kỳ, cũng mô tả rằng nhiều bản tin trên Internet viết rằng Phó Thị Trưởng Sacramento có thể xem xét đề nghị kết nghĩa giữa Sacramento và Sài Gòn trong một lễ ký kết văn bản ghi nhớ vào hôm thứ Ba 14/07.

Trong khi đó Đài truyền Hình SBTN đưa tin và hình ảnh mô tả điều họ gọi là biểu tình tạo áp lực mạnh mẽ của “cộng đồng chúng ta” khiến thành phố Sacramento “đã phải nhượng bộ.”

Tuy nhiên ít nhất hai nguồn thạo tin tại California nói với BBC rằng cuộc họp này trên thực tế "đã được dời lại về thời gian và được tiến hành tại địa điểm khác."

Truyền thông tại Việt Nam sau đó đưa tin Thống đốc Bang California Edmund Jerry Brown đã tiếp ông Lê Thanh Hải và cho hay Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Nguyễn Vũ Tú và đại diện TP Sacramento - bà Starr Hurley Giám đốc Văn phòng phụ trách Quan hệ Kết nghĩa Sacramento đã ký Bản Ghi nhớ để hai bên cùng tiếp tục bàn thảo phương thức, xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác đầy đủ giữa hai thành phố trong thời gian tới.

Trang web Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đưa tin hồi tháng Hai năm nay Phó Thị trưởng Sacramento thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Tp HCM.

Warren được dẫn lời nói các nhà đầu tư Hoa Kỳ "rất quan tâm đến môi trường kinh doanh tại Tp HCM".

Vào tuần này Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã có buổi gặp gỡ một số chính khách tại California trong đó có ông Andrew Đỗ, Giám sát viên Quận Cam và ông Trí Tạ, Thị trưởng Thành phố Westminster nơi có nhiều người Việt sinh sống.

Cuộc gặp mặt nằm trong chương trình tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nơi khá nhiều người đã và đang phản đối chủ trương của Washington xích lại gần hơn với Hà Nội.

Hồi cuối tháng Một năm nay, hàng trăm người gốc Việt biểu tình ở thành phố Riverside, bang California, để phản đối kế hoạch kết nghĩa với thành phố Cần Thơ của Việt Nam.

Hồi tháng Ba năm ngoái, Tòa thị chính Riverside đã thông qua kế hoạch kết nghĩa với thành phố Cần Thơ ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng cho tới tận đầu năm nay, quan chức Cần Thơ mới bay sang California để hoàn tất kế hoạch này, dẫn đến biểu tình.

Hồi đầu tháng tư năm 2014, Hội đồng Thành phố Irvine thuộc Quận Cam, bang California, Hoa Kỳ, biểu quyết hủy bỏ đề xuất kết nghĩa với Nha Trang.

Đây là kết quả được mô tả là không bất ngờ bởi chiến dịch vận động phản đối của cộng đồng người Việt tại Quận Cam trước đó đã giành được cam kết ủng hộ từ ít nhất hai trong số năm nghị viên của Irvine.

Chiến dịch vận động kết nghĩa được khởi xướng với sự ủng hộ của người đứng đầu Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, ông Nguyễn Bá Hùng.

Tuy nhiên, nó đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng và nhiều chính trị gia gốc Việt trong vùng, những người cho rằng chính quyền các cấp ở Việt Nam chưa tôn trọng nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. - BBC

No comments:

Post a Comment