Monday, July 6, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 6/7

Tin Thế Giới

1.
Cử tri Hy Lạp bác bỏ đề nghị cứu nguy của EU

Cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu chống lại việc chấp nhận một khoản tiền cứu nguy của Liên hiệp Châu Âu để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu thêm nữa. Những kết quả mới nhất cho thấy phe nói Không đã thắng với khoảng 61% số phiếu. Theo tường trình của thông tín viên Henry Ridgwell từ Athens, hiện nay tất cả cặp mắt đều đổ dồn vào sự đáp ứng của Châu Âu.

Vào lúc mặt trời lặn, Quảng trường Syntagma bên ngoài quốc hội đầy những người Hy Lạp vui mừng hớn hở.

Các cuộc thăm dò đã cho thấy kết quả sẽ xít xao. Cuối cùng, với một đa số áp đảo, người Hy Lạp đã bác bỏ đề nghị cứu nguy của Châu Âu để đổi lấy thắt lưng buộc bụng thêm nữa.

Ông Nikos Minas, một người đang lãnh hưu bổng tại Athens đã chống đối những cảnh báo của Brussels.

Ông Minas nói “Là một người Hy Lạp, tôi cảm thấy rất tự hào là mọi người không sợ hãi, họ bỏ phiếu theo trái tim.”

Trong số những người ủng hộ 'Không', có một cảm giác bất ngờ về mức độ thắng lợi rõ ràng của họ và cảm thấy nhẹ nhõm là 5 năm thắt lưng buộc bụng có thể chấm dứt. Tuy nhiên cũng có cảm giác bất an về những gì xảy ra khi việc chào mừng thắng lợi chấm dứt. Anh Panagiotis Giannopoulos, một sinh viên Athens nói:

“Tôi không biết ngày mai sẽ như thế nào. Tôi hơi lo ngại, tôi hy vọng là việc người dân Hy Lạp nói Không với Châu Âu và thế giới không coi đây là nói Không với đồng Euro.”

Đây chính là những gì các giới chức Brussels đã cảnh báo Hy Lạp trước cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên tầm mức của thắng lợi là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mạnh mẽ Thủ tướng Alexis Tsipras. Ông Tsipras trong bài diễn văn sau cuộc bỏ phiếu tuyên bố:

“Các bạn đã chọn đúng. Tuy nhiên tôi hoàn toàn nhận thức được rằng sứ mạng các bạn đã trao cho tôi không phải là sự ủy nhiệm chống lại Châu Âu, mà là một sứ mạng đi tìm một giải pháp bền vững với Châu Âu sẽ đưa chúng ta thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn thắt lưng buộc bụng này.”

Hy Lạp sẽ nhận được đáp ứng đầu tiên của Châu Âu vào sáng ngày hôm nay khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu họp để quyết định có nên tiếp tục chống đỡ cho ngân hàng Hy Lạp hay không.

Sự hân hoan của người dân Hy Lạp có thể rất ngắn ngủi. - VOA
|
|

2.
Các vị ngoại trưởng tìm cách đạt thỏa thuận hạt nhân Iran

Kỳ hạn định ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân Iran đang đến gần trong khi các vị ngoại trưởng của Iran và 6 cường quốc tham gia thương thuyết tại Vienna, trong cố gắng chót nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện hạn chế các khả năng hạt nhân của Iran để đổi lấy việc bãi bỏ chế tài. Sau các cuộc họp liên tiếp kéo dài giữa các chuyên gia vào cuối tuần qua, có tin đã đạt được đôi chút tiến bộ, nhưng các vị ngoại trưởng còn nhiều việc phía trước phải làm khi trở lại bàn thương nghị. Thông tín viên VOA Mary Alice Salinas gửi về bài tường thuật từ Vienna.

Vào lúc các vị ngoại trưởng trở lại Vienna, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về tình trạng các cuộc đàm phán hạt nhân Iran.

“Vào thời điểm này, cuộc thương thuyết có thể đi theo hướng này hay hướng khác.”

Giới truyền thông tụ tập bên ngoài Cung điện Coburg, nơi các ngoại trưởng của 6 cường quốc phó hội sẽ thực hiện cố gắng cuối cùng để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran và khối quốc gia gọi là P5+1 báo cáo có đạt được tiến bộ, họ cũng đối mặt với một công tác gay go vào lúc kỳ hạn 7 tháng 7 gần kề. Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói:

“Tôi muốn khẳng định hết sức rõ ràng với tất cả mọi người rằng chúng ta chưa đi được tới nơi chúng ta phải đến về một số những vấn đề khó khăn nhất.”

Thông điệp của nhà ngoại giao Hoa Kỳ trái ngược hẳn với một băng video thâu được của Ngoại trưởng Iran Zarif tại Cung điện Coburg và được phổ biến trên YouTube hôm thứ năm. Ông Zarif nhận định:

“Vào giờ thứ 11 này, bất kể một số bất đồng còn lại, chưa bao giờ chúng tôi tiến gần hơn đến một kết quả lâu dài so với lúc này.”

Tiến bộ đã được báo cáo trong hai lãnh vực chủ yếu; đó là tiến độ nới lỏng chế tài và một cuộc điều tra về việc liệu các hoạt động hạt nhân của Tehran trước đây có liên quan đến việc phát triển kỹ thuật để sản xuất vũ khí hạt nhân hay không.

Trưởng cơ quan theo dõi hạt nhân của LHQ, ông Yukiya Amano, loan báo ông tin rằng Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA có thể hoàn tất một cuộc điều tra về vấn đề gây tranh cãi này trước cuối năm nay, với sự hợp tác của Iran.

Trong khi các ngoại trưởng của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, giải quyết các vấn đề còn lại, Washington vẫn kiên quyết sẽ bỏ ra khỏi hội nghị nếu một thỏa thuận chung quyết không cắt đứt khả năng của Iran chế tạo một vũ khí hạt nhân, như lời tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry:

“Nếu xảy ra tình trạng nhất quyết không nhượng bộ, thiếu thiện chí thúc đẩy mọi việc, những việc quan trọng, thì Tổng thống Obama vẫn từng nói là chúng tôi sẽ rút ra. Chúng tôi muốn có một thỏa thuận tốt. Chỉ một thỏa thuận tốt mà thôi.”

Các nhà thương thuyết cho biết họ tập trung vào việc đáp được đúng kỳ hạn đã định, ngay cả khi các tranh chấp chủ yếu chưa được giải quyết. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Cổ động viên Mỹ ăn mừng chiến thắng World Cup nữ 2015 --- Phục thù Nhật Bản, đội nữ Mỹ đoạt ngôi vô địch World Cup

Trong dấu hiệu mới nhất cho thấy sự say mê bóng đá đang ngày càng tăng ở Hoa Kỳ, hàng trăm cổ động viên đã tụ tập bên ngoài Tòa Bạch Ốc tối qua để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển nữ Hoa Kỳ trước Nhật Bản và đoạt giải vô địch World Cup bóng đá nữ.

“Chúng tôi ăn mừng một tí ở nhà ông Barack đây.” ‘Fan’ bóng đá Donald Wine mô tả cuộc tụ tập ngẫu hứng của những người say mê bóng đá Mỹ, một cuộc tụ tập lớn nhất thuộc loại này ở bên ngoài dinh Tổng thống từ ít nhất một thập niên.

Donald Wine đứng đầu chi nhánh ở Washington của tổ chức bất vụ lợi American Outlaws - nhóm cổ động viên chính cho các đội bóng đá quốc gia của Hoa Kỳ. Chi nhánh ở địa phương còn gọi tắt là AODC này là chi nhánh lớn nhất trong số 174 chi nhánh của tổ chức, với hơn 30.000 thành viên.

Sức mạnh của số đông

​Donald Wine ước tính AODC thu hút khoảng 500 người đến quán rượu ở trung tâm thủ đô có tên là Laughing Man Tavern để xem đội bóng đá nữ Hoa Kỳ đấu với Nhật Bản trong trận chung kết. Hân hoan tràn ngập trước chiến thắng vang dội 5-2 của đội Mỹ, gần như một nửa số ‘fan’ ở quán rượu đã vừa đi vừa reo hò đến Tòa Bạch Ốc, cách đó chỉ có 5 khu phố.

Các cảnh sát viên ban đầu đã ra lệnh cho các cổ động viên tránh xa con đường cạnh Tòa Bạch Ốc vì lý do an ninh.

Trong khi đám đông vui mừng tụ tập trên lề đường dối diện với khuôn viên Tòa Bạch Ốc, Donald Wine đã chỉ huy đám đông đồng ca bản nhạc We Are the Champions của ban nhạc Queen. Vài phút sau, các cảnh sát viên đã đấu dịu và cho phép các 'fan' đến gần hàng rào bên trước Tòa Bạch Ốc.

Nói chuyện với đài VOA tại địa điểm này, Donald Wine nói đội bóng đá nữ của Mỹ đã thu hút thêm rất nhiều ‘fan’ mới xem giải đấu, mà ông đã bắt đầu từ lúc dự khán những trận đấu ngay từ vòng đầu của Hoa Kỳ ở Canada.

“Các nữ cầu thủ Mỹ đã cố gắng hết sức và thật là tuyệt vời khi nhìn thấy sự ủng hộ mà tất cả mọi người đã dành cho họ trong suốt tháng vừa qua, và thực ra là cả trong mấy năm vừa qua nữa.”

Sự ái mộ gia tăng

Trong bộ quần áo bày tỏ lòng ái quốc để chụp ảnh trước hàng rào Tòa Bạch Ốc, hai người bạn đồng niên 26 tuổi Laura Neff và Kayli Westling nói họ cũng nhận thấy sự quan tâm gia tăng trong công chúng Hoa Kỳ đối với trận đấu của đội bóng nữ.

Cô Westling nói: “Lúc đầu tôi hơi buồn khi thấy không có mấy người ái mộ đến xem các trận đấu của đội Mỹ ở đầu giải, nhưng đến cuối thì họ đã làm tôi thay đổi ý kiến.”

Cô Neff nói cô tin rằng sự phấn khích do đội bóng nữ của Mỹ khơi ra cũng sẽ có lợi cho đội bóng nam chưa hề đoạt một giải World Cup nào. Cô nói: “Nhờ chiến thắng của đội bóng nữ năm nay, mọi người sẽ ủng hộ cho bóng đá Hoa Kỳ nhiều hơn. Tôi nghĩ đó là hướng đi của nước Mỹ - nghĩa là sẽ có nhiều người quan tâm đến bóng đá hơn.”

Các nam cầu thủ Mỹ sẽ có một cơ hội gần như tức thời để tranh thủ nhiệt tình đó vào ngày thứ ba khi đấu với đội Honduras trong trận mở màn Gold Cup 2015, là cuộc tranh tài bóng đá khu vực Bắc và Trung Mỹ. Một chiến thắng trong trận chung kết Gold Cup sẽ giúp đội bóng đá nam của Mỹ chiếm được một chỗ trong giải Confederations Cup năm 2017, mào đầu cho giải World Cup 2018 ở Nga.

Donald Wine nói các nam cầu thủ Mỹ dường như có rất nhiều hy vọng thắng các trận tranh tài có thể đem lại giải World Cup. Ông nói, “Nếu chúng ta tiến xa hơn so với giải World Cup 2014 ở Brazil, nơi chúng ta đã vào được tới vòng nhì, thì biết đâu đấy? Với tinh thần của Mỹ, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì.” - VOA

***
Thủ quân Carli Lloyd lập cú hat-trick gây chấn động, trong đó có một bàn thắng từ đường giữa sân, khi Mỹ gây sốc với tỉ số 4-0 trong trận chung kết World Cup Nữ và dễ dàng đánh bại đương kim vô địch Nhật Bản với tỉ số chung cuộc 5-2 tại Vancouver, Canada.

Trước đây chưa có đội nào ghi nhiều hơn hai bàn thắng trong trận chung kết World Cup Nữ, nhưng một mình Lloyd đã ghi cả ba bàn thắng chỉ trong 16 phút đầu tiên của trận đấu.

Bàn thắng mở tỉ số đến ở phút thứ ba khi Megan Rapinoe phát bóng chéo thấp và Lloyd băng lên sút tung lưới của thủ môn Nhật Bản Ayumi Kaihori.

Nhật Bản choáng váng khi hai phút sau Lloyd nhân đôi cách biệt.

Lần này là từ một đường bóng thấp vào khu cấm địa khi Lauren Holiday thực hiện quả đá phạt trực tiếp và Nhật Bản phá bóng không thành công. Bóng rơi vào chân Lloyd và cô đưa vào lưới đối phương.

Nhật Bản chưa kịp định thần thì nhận thêm một bàn thua ở phút thứ 14, khi cú cản phá của Azusa Iwashimizu tạo cơ hội cho Holiday lao đến rìa khu cấm địa và tung cú vô-lê vào lưới.

Trong 14 phút đầu tiên Nhật Bản để lọt lưới bằng số bàn thua trong sáu trận trước đó của họ ở giải đấu này.

Hai phút sau đó xuất hiện một bàn thắng được xem là “siêu phẩm” ở World Cup này khi Lloyd lấy bóng trong phần sân của mình và thực hiện cú sút xa từ khoảng cách hơn 50 mét vào lưới trước sự bất lực của thủ môn Nhật Bản, chỉ có thể chạm tay vào bóng.

Nhật Bản vùng lên với một bàn thắng của Yuki Ogimi, rút ngắn tỉ số xuống 4-1 và kết thúc loạt trận của Mỹ không để thủng lưới suốt 540 phút. Đội Mỹ đã không nhận bàn thua nào sau trận mở màn giải đấu với Australia.

Ogimi ghi bàn ngay trước cuối hiệp một khi cô vượt qua Julie Johnston len vào khu cấm địa của Mỹ và đánh bại thủ môn Hope Solo với cú sút bằng chân trái.

Nhật Bản tiếp tục rút ngắn tỉ số còn 4-2 ở phút 52 nhờ cú đánh đầu phản lưới nhà của hậu vệ Mỹ Julie Johnston bay qua thủ môn Solo và rơi vào lưới.

Nhưng Mỹ ngay sau đó đáp lại bằng một đường chuyền của Morgan Brian vào giữa khu cấm địa cho Tobin Heath. Cô ghi bàn nâng tỉ số lên 5-2.

Tổng cộng bảy bàn thắng trong trận đấu hôm Chủ nhật là số bàn thắng nhiều nhất trong một trận chung kết World Cup Nữ.

Với chiến thắng này, các cô gái Mỹ đã phục thù thất bại trước Nhật Bản vào năm 2011 và đạt kỷ lục với danh hiệu World Cup thứ ba của mình. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ

Truyền thông Việt Nam cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đã tới sân bay quân sự Adrew, bang Maryland bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ.

Ra sân bay đón đoàn, về phía Hoa Kỳ có Quyền trợ lý ngoại trưởng - Scot Marciel, Cục trưởng Cục lễ tân - Peter Selfridge, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius.

***
Báo chí Việt Nam đưa tin Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã rời Hà Nội 'lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ'.

Thông tấn xã Việt Nam cho hay: "Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, đêm 5/7, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ".

Tháp tùng ông tổng bí thư là một đoàn quan chức cao cấp trong đó có hai ủy viên Bộ Chính trị - bà Tòng Thị Phóng và ông Lê Thanh Hải, cùng nhiều ủy viên Trung ương Đảng CSVN.

Đại diện cho hai Bộ Quốc phòng và Công an là hai thượng tướng thứ trưởng, ông Nguyễn Chí Vịnh và ông Tô Lâm.

Ngoài ra, theo Thông tấn xã Việt Nam, còn có một số đại diện cựu chiến binh, chức sắc tôn giáo, nhân sỹ, trí thức, kiều bào và doanh nghiệp.

Nghi lễ đặc biệt?

Ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư đầu tiên của Đảng CSVN thăm Hoa Kỳ và Nhà Trắng.

Ông và Tổng thống Obama sẽ có hội đàm hôm thứ Ba 7/7 để thảo luận cách thức đẩy mạnh quan hệ hai bên, theo một thông cáo của Nhà Trắng.

Quan chức Mỹ nói ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam nhưng không có chức vụ trong chính phủ, sẽ được tiếp đón tại Phòng Bầu dục.

Đây là vinh dự đặc biệt dành cho người không phải nguyên thủ quốc gia.

Thông cáo của chính phủ Mỹ nói thêm rằng "ông tổng thống hoan nghênh cơ hội thảo luận các chủ đề khác, như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, nhân quyền và hợp tác quốc phòng song phương" với ông Trọng.

Bình luận về việc ông Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón đặc biệt cho dù không có vai trò trong chính phủ, hãng Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ nói: "Ông Trọng là nhân vật quan trọng của dàn lãnh đạo Việt Nam và nói chung có một sự thống nhất rằng nên nhìn nhận chuyến thăm này như là chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất của một nước".

"Tất nhiên đây không phải cuộc gặp bình thường của ông tổng thống."

Được tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp với cựu Tổng thống Bill Clinton cùng phu nhân và có bài diễn văn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho sự chuyển giao lãnh đạo tại Đại hội năm 2016.

Giới quan sát tin rằng ông Trọng sẽ nghỉ hưu vào năm sau.

Tuy vậy, ông Trọng là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XII.

Chuyến thăm Mỹ có thể là cơ hội tạo thêm sức mạnh cho ông trong công tác chuẩn bị nhân sự cho giai đoạn 2016-2021. - BBC
|
|

5.
Hun Sen nhờ LHQ giúp vụ bản đồ

Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa gửi công hàm đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho mượn lại bản đồ gốc về đường biên với Việt Nam sau các căng thẳng mới rồi.

Công văn mà BBC có trong tay đề ngày 6/7, viết bằng tiếng Khmer và được dịch sang tiếng Anh.

Ông Hun Sen viết: "Tôi viết thư này gửi Ngài để tìm kiếm hợp tác của LHQ trong nhiệm vụ quan trọng nhất liên quan chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia, thành viên của LHQ".

Ông thủ tướng muốn mượn lại bản đồ gốc, còn gọi là bản đồ Bonne, tỷ lệ 1/100.000, mà chính quyền thực dân Pháp vẽ ra trong những năm 1933 và 1955, sau đó được cố Quốc vương Norodom Sihanouk gửi lưu chiểu tại LHQ năm 1964.

Công văn của Thủ tướng Hun Sen nói chính phủ Campuchia nay cần bản đồ này để kiểm tra lại quá trình cắm mốc hiện nay và "chấm dứt sự kích động dân tộc cực đoan" của một số bên ở Campuchia, mà có thể "dẫn tới thảm họa cho Campuchia".

Tuy không nhắc tới Việt Nam, rõ ràng ông Hun Sen ám chỉ tới những rắc rối mới rồi liên quan biên giới chung mà nhiều đoạn vẫn còn chưa cắm mốc với Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi ba công hàm phản đối Việt Nam 'vi phạm lãnh thổ Campuchia' và yêu cầu dừng ngay hoạt động xây cất, giữ nguyên hiện trạng.

Quyết tâm

Công văn nói mục tiêu của ông Hun Sen là khẳng định lại một cách rõ ràng quyết tâm của chính phủ Campuchia trong phân giới cắm mốc "với các nước láng giềng.

Ông cũng tố cáo phe đối lập ở Campuchia là "gây hiểu lầm trong dư luận torng nước và quốc tế nhằm thu lợi về chính trị".

Đảng đối lập Cứu quốc ở Campuchia lâu nay chỉ trích chính quyền sử dụng bản đồ mà Việt Nam dựng ra hồi thập niên 1980 thay vì bản đồ của người Pháp để phân giới cắm mốc giữa hai bên, tố cáo chính quyền đã 'nhượng đất cho Việt Nam'.

Về phần mình, chính phủ biện hộ rằng bản đồ mà họ và Việt Nam sử dụng trong Hiệp định Biên giới 2005 là phù hợp với Hiến pháp.

Quan chức phụ trách biên giới Việt Nam và Campuchia đang có cuộc họp tại Siem Reap bắt đầu từ thứ Hai 6/7 để giải quyết các bất đồng.

Căng thẳng lên cao vài tháng nay sau khi Campuchia cáo buộc Việt Nam xây công trình bất hợp pháp tại các tỉnh Ratanakkiri, Kandal và Svay Rieng dọc biên giới.

Mới hôm thứ Bảy 4/7, có tin một người Campuchia bị Việt Nam bắt khi dẫn đoàn sinh viên tới thị sát khu vực mà Chủ nhật trước đó xảy ra ẩu đả tại Kampong Ro, tỉnh Svay Rieng.

Cuộc xô xát hôm 28/6 giữa dân Việt Nam và một nhóm nhà hoạt động đối lập Campuchia đã làm gần 20 người bị thương. - BBC
|
|

6.
Quan hệ Mỹ-Việt và chuyến thăm của ông Trọng

Tiến sỹ Zachary Abuza
Nhà nghiên cứu từ Southeast Asia Analytics

Vào ngày 7/7, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chưa từng có tới Hoa Kỳ. 

Mặc dù ông Trọng không trực tiếp kiểm soát chính quyền, khả năng đưa ra đường lối của Đảng Cộng sản (ĐCS) là rất lớn.

Ông Trọng là người bị giằng xé giữa quá khứ và tương lai.

Hai mươi năm sau khi quan hệ ngoại giao được tái lập, nhiều người trong ĐCS vẫn nghi ngờ ý định của Hoa Kỳ trong lúc người dân Việt Nam coi quan hệ với Hoa Kỳ là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh.

Dù Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gặp Tổng thống Obama ở Nhà Trắng hồi tháng Bảy năm 2013, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư ĐCS gặp Tổng thống Hoa Kỳ.

Trong nhiều năm qua, trở ngại là vấn đề nghi thức: ông Trọng là lãnh đạo đảng, không phải nguyên thủ quốc gia khiến người ta kêu gọi thống nhất hai vị trí giống như ở Trung Quốc. Nhưng Việt Nam tự hào về lãnh đạo tập thể và đã không thay đổi.

Nhưng hai nước hiểu rằng thắt chặt quan hệ là quá quan trọng và không thể để vấn đề nghi thức cản trở.

'Không đình đám'

Chuyến đi của ông Trọng được xem là không đình đám và ít lễ nghi. Nhưng một loạt ủy viên cao cấp của Bộ Chính trị đã có những chuyến thăm thầm lặng nhưng rất xây dựng tới Washington.

Mối quan hệ đang được vun đắp tại những cấp cao nhất và trong mọi lĩnh vực bao gồm quốc phòng, thực thi luật pháp, thương mại và đầu tư.

Việt Nam bước đi thận trọng với Biên bản Ghi nhớ hồi năm 2011 về hợp tác quốc phòng và Hoa Kỳ đã có sự kiên nhẫn hiếm thấy do ý thức được thực tế chiến lược của Hà Nội. Hai bên đã có được sự tin cậy và giờ đang thắt chặt quan hệ an ninh.

Dù quan hệ song phương đã được cải thiện nhiều so với hồi năm 2014 khi Trung Quốc đặt giàn khoan lớn nhất của họ HY981 trong thềm lục địa của Việt Nam một cách khiêu khích, Hà Nội ý thức được rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ để sử dụng nếu như họ muốn đẩy căng thẳng lên cao hoặc thực thi tuyên bố chủ quyền.

Những công cụ này bao gồm sức mạnh quân sự, lực lượng tuần duyên lớn nhất trong vùng, các đội tàu đánh cá và các tàu khai thác dầu.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan HY981 gần với biên giới biển của Việt Nam hồi tháng Sáu năm 2015 là nhằm để gửi tín hiệu tới Hà Nội rằng quan hệ được nâng cao giữa Hà Nội và Washington không thể cản được Trung Quốc theo đuổi các quyền lợi quốc gia.

'Xoay trục chiến lược'

Cả chính quyền và người dân Việt Nam đều xem Hoa Kỳ như lực cân bằng quan trọng đối với Trung Quốc. Nhưng Hà Nội muốn có đảm bảo rằng sự xoay trục chiến lược không chỉ là chính sách nhất thời của một tổng thống sắp hết nhiệm kỳ mà là chính sách sẽ được các chính quyền tương lai theo đuổi.

Và Hà Nội cũng nhấn mạnh lại rằng cốt lõi của chính sách an ninh của họ vẫn là đa phương với quan hệ gần gũi với Ấn Độ, Nga, ASEAN, Nhật Bản, cũng như Hoa Kỳ.

Về mặt kinh tế, có rất nhiều liên hệ quan trọng. Việt Nam đã trở thành nước ASEAn xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ và có thặng dư thương mại.

Dù thương mại song phương với Hoa Kỳ vẫn ở dưới mức 50 tỷ kim ngạch thương mại Việt - Trung, nó có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều với nền kinh tế Việt Nam.

Trung Quốc có thâm hụt thương mại đáng kể với Việt Nam và hàng hóa rẻ của họ tràn ngập thị trường trong khi họ nhập khẩu các nguyên liệu thô như bauxite khiến dư luận bất bình vì lo ngại ảnh hưởng tới môi trường.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng mang tính chính trị và gây lo ngại về an toàn, chất lượng cũng như số lượng lớn công nhân Trung Quốc vào Việt Nam.

Việt Nam thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các công ty phương Tây.

Trong một khảo sát gần đây của Pew, 69% người Việt Nam được hỏi nói có quan hệ thương mại với Mỹ quan trọng hơn trong khi chỉ có 18% nói quan hệ thương mại với Trung Quốc quan trọng hơn.

Không nước nào phải thay đổi nhiều để tham gia Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP như Việt Nam, bao gồm giảm các lợi thế đối với doanh nghiệp nhà nước.

Điều này cũng cho phép các nhà cải cách Việt Nam thúc đẩy những cải cách cần thiết, chấm dứt những bảo hộ thiếu hiệu quả vốn ngăn cản sự phát triển.

Theo khảo sát của Pew, 89% người Việt Nam nói tư cách thành viên TPP là điều tốt, mức ủng hộ cao nhất trên thế giới.Tuy nhiên cảm trở lớn nhất đối với cải cách doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hóa vẫn là các quan chức chính quyền vốn lo ngại rằng cải cách thị trường sẽ giảm khả năng kiếm lợi của họ.

Vấn đề nhân quyền và di sản cuộc chiến

Nhân quyền vẫn là vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương.

Những người bảo thủ trong ĐCS tin rằng Hoa Kỳ dùng vấn đề nhân quyền để làm phương hại sự độc quyền quyền lực của ĐCS.

Hoa Kỳ xem chính quyền Việt Nam như đối tác chính trong vùng nhưng cũng kiên quyết đề nghị Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền, nhất là tôn trọng luật pháp, quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do hội họp.

Hoa Kỳ hài lòng rằng trong năm 2015, chính quyền Việt Nam chỉ bắt một nhà bất đồng chính kiến dù nhiều người khác đã bị đánh đập, sách nhiễu và trấn áp.

Dù Hà Nội đã trả tự do cho luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân, việc họ sử dụng cáo buộc "trốn thuế" cho thấy đây là công cụ mới để tấn công các blogger và những người khác quan điểm.

Mặc dù còn nhiều vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ cần để ý tới những cải cách từ từ nhưng có ý nghĩa về quyền con người.

Điều này bao gồm kêu gọi của Chủ tịch Sang về chấm dứt bức cung và ép cung của cảnh sát, điều khiến cho một số cảnh sát và quan tòa bị truy tố.

Chính quyền cũng đã thôi trấn áp mạng xã hội và vô hình chung chấp nhận nó và mạng xã hội giờ là nguồn tin chủ yếu của nhiều người. Đây cũng là điểm quan trọng nữa.

Không gian cho bất đồng chính kiến và chia sẻ thông tin vẫn còn rất hạn chế nhưng nó cũng chưa bao giờ tự do như hiện nay.

Các nhà lãnh đạo dần nhận ra rằng kiểm soát internet đe dọa ngành công nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin.

Cũng vậy, chuyện công nhân đã đòi lại được quyền lợi sau biểu tình chưa từng có hồi tháng Ba, tháng Tư năm 2015 sẽ càng làm cho đình công thêm nhiều.

Hoa Kỳ phải nhận thấy rằng dù Việt Nam vẫn là quốc gia độc đảng vốn không chấp nhận bất đồng, giới lãnh đạo đang ngày càng thích ứng với người dân hơn.

Điều này càng đúng với sự chuyển đổi lãnh đạo quan trọng dự kiến diễn ra ở Đại hội Đảng lần thứ 12 vào năm 2016 khi các quan chức trẻ hơn, được đào tạo tốt hơn, hiểu truyền thông và internet hơn bước vào các vị trí lãnh đạo.

Việt Nam đang thay đổi cho dù họ vẫn có những đợt trấn áp khi này khi khác và điều này cho thấy còn có nhiều thứ cần thay đổi.

Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia hàng đầu về bỏ tù nhà báo và blogger.

Chuyện đóng cửa cả một tờ báo vì quá hăng hái đưa tin về tham nhũng của chính quyền đi ngược lại cam kết diệt trừ tham nhũng của chính phủ cho dù tham nhũng được xem là đe dọa sự tồn vong của ĐCS.

Quan hệ song phương thể hiện mạnh mẽ nhất trong giao lưu giữa nhân dân hai nước. Trong năm 2013-2014 có hơn 16.500 sinh viên Việt Nam học tại các đại học Hoa Kỳ, chiếm 35% tổng sinh viên từ ASEAN và bằng tổng số sinh viên từ Philippines, Thái Lan và Malaysia cộng lại.

Sự trở lại của Việt kiều trong vai các doanh gia, nhà đầu tư và những người quản lý có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.

Và cuối cùng là các vấn đề tồn tại từ cuộc chiến. Tới nay Hoa Kỳ đã cung cấp 130 triệu đô la để tẩy rửa Tác nhân Cam.

Nhưng vẫn chưa có ngân sách dành riêng hay đủ để tẩy rửa các khu khác ngoài sân bay Đà Nẵng như sân bay Biên Hòa hay [trợ giúp] 4,5 triệu người bị phơi nhiễm.

Hoa Kỳ nhất mực coi đây là vấn đề nhân đạo, không phải là bồi thường chiến tranh.

Nhưng nếu Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh quan hệ, họ phải đối mặt với trách nhiệm bằng cách giải quyết quá khứ. - BBC

No comments:

Post a Comment