Tin Thế Giới
1.
Bắc Kinh muốn lập tuyến du lịch thứ hai tới Hoàng Sa –Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc ngày 27/07/2015 đưa tin, Bắc Kinh muốn lập một tuyến du lịch thứ hai tới Hoàng Sa, quần đảo có tranh chấp với Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ hồi tháng Giêng năm 1974.
Theo nhật báo China Daily, được Reuters trích dẫn, năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu thí điểm dùng tàu Coconut Princess đưa du khách từ tỉnh Hải Nam tới Hoàng Sa và tính đến nay, đã có hơn 10,000 lượt du khách. Trung Quốc dự tính, từ nay đến cuối năm 2015, sẽ huy động thêm một tàu nữa để đưa du khách tới các đảo khác, cũng trong khu vực, bao gồm cả đảo Phú Lâm, nơi Bắc Kinh lập trụ sở chính quyền, quản lý toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa.
Vẫn theo báo Trung Quốc, do điều kiện thời tiết và cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, việc đưa du khách tới vùng này gặp nhiều khó khăn. Đại diện công ty du lịch Trung Quốc chuyên đưa khách tới Hoàng Sa nói rằng cần phải tính đến khả năng đón tiếp du khách của một số đảo nhỏ. Cho đến nay, các tàu du lịch không thể cập bờ của một số đảo, do vậy, phải dùng thuyền nhỏ hơn để đưa khách lên bờ.
Reuters nhắc lại là năm 2014, việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu tới khu vực mà Việt Nam coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình, gần Hoàng Sa, đã gây ra căng thẳng tại Biển Đông và làm dấy lên làn sóng biểu tình bài Trung Quốc tại Việt Nam, một số vụ biểu tình đã dẫn đến bạo lực. Cách nay vài tuần, Việt Nam cũng tuyên bố sẽ lập tuyến du lịch tới Trường Sa, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng. Động thái này cũng đã làm cho Bắc Kinh khó chịu.
Cho đến nay, Công ty hàng hải Eo biển Hải Nam mới chỉ có mỗi tàu Coconut Princess, phục vụ tuyến Hải Nam-Hoàng Sa, được tổ chức hàng tháng hoặc hai tháng một lần, và mỗi lần chở khoảng 200 du khách. Ban đầu, điểm xuất phát là thành phố Hải Khẩu (Haikou) thủ phủ tỉnh Hải Nam và hành trình tới quần đảo Hoàng Sa mất khoảng 20 tiếng. Từ ngày 02/09/2014, tàu xuất phát từ cảng Tam Á và chỉ mất 12 giờ để tới Hoàng Sa.
Trong chuyến đi, du khách tới tham quan Cồn Quan sát (Trung Quốc gọi là Ngân Tự - Yinyu và tên quốc tế Observation Bank), đảo Toàn Phú (Quanfu), đảo Áp Công (Yagong), tất cả đều nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (Vĩnh Nhạc quần đảo – Crescent Group), thuộc quần đảo Hoàng Sa. - RFI
|
|
2.
Biển Đông: Cựu Thủ tướng Úc bác bỏ lo ngại chiến tranh bùng nổ
Gần đây, một số chuyên gia đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ chiến tranh bùng lên tại Biển Đông, đặc biệt trong trường hợp Trung Quốc gặp biến động. Theo cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, ngày 26/07/2015, lập luận cho rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu sụp đổ là một nhận định sai lạc, và khả năng xung đột khu vực khởi đầu từ Biển Đông cũng khó có thể xẩy ra.
Phát biểu trong một cuộc thảo luận trên kênh truyền hình Mỹ CNN, cựu Thủ tướng Úc, một quan sát viên nhiều kinh nghiệm về Trung Quốc, đã bác bỏ thẳng thừng phân tích theo chiều hướng kể trên của ông David Shambaugh, một chuyên gia có uy tín về Trung Quốc. Trên nhật báo Mỹ The Wall Street Journal vào tháng 3/2015 vừa qua, ông Shambaugh đã cho rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc đang trong giai đoạn hấp hối.
Đối với ông Kevin Rudd: "Lý thuyết gọi là ‘Trung Quốc sụp đổ’ đã lan rộng với tốc độ phi mã ở Úc, ở Mỹ và ở các nơi khác trên thế giới, kể từ khi David Shambaugh viết ra điều đó… Nhưng theo tôi, lý thuyết sụp đổ đó hoàn toàn sai lạc". Ông Rudd cũng bác bỏ những mối lo ngại về nguy cơ các hành động phô trương uy lực quân sự của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông biến thành chiến tranh khu vực. Lý do là vì cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không có lợi khi để xẩy ra bất kỳ một sự cố đáng tiếc nào.
Theo cựu Thủ tướng Úc, Trung Quốc phải tránh xung đột vì điều đó sẽ làm đảo lộn chiến lược ưu tiên của họ là tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Hơn nữa, những thành phần thực tế trong quân đội Trung Quốc đều biết rõ rằng trong mọi trường hợp họ sẽ bị thất bại. Còn về phía Mỹ, ông Rudd cho rằng Washington cũng không có lý do đặc biệt gì để khơi dậy chiến tranh ở Châu Á. Do vậy, nhân vật hiện là Chủ tịch Viện Chính sách của Hiệp hội Châu Á Asia Society tại New York tin rằng tình hình Biển Đông vẫn nằm trong tầm kiểm soát. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Tổng thống Obama bắt đầu các cuộc thảo luận tại Ethiopia
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết ông hãnh diện được làm vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đến thăm Ethiopia và chuyến đi của ông nêu bật tầm quan trọng mà Hoa Kỳ đặt lên Ethiopia và toàn thể Châu Phi.
Ông Obama cho biết như vậy tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn sau cuộc hội đàm ngày hôm nay.
Ông Desalegn khẳng định Ethiopia có quyết tâm cải thiện nhân quyền và sự cai trị. Ông nói “cam kết của chúng tôi đối với dân chủ là thật sự, chứ chẳng phải chỉ ở bề ngoài.”
Cuộc thảo luận này tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế và dân chủ hoá ở Ethiopia và cuộc chiến chống khủng bố cùng với hai vấn đề Nam Sudan và Somalia.
Hoa Kỳ xem Ethiopia là một đồng minh chính trong cuộc chiến chống lại nhóm hiếu chiến al-Shabab và giúp cho Somalia được ổn định. Song song với cuộc thảo luận song phương này, Tòa Bạch Ốc loan báo Hoa Kỳ định cung cấp ít nhất 40 triệu đô la viện trợ để chống chủ nghĩa cực đoan bạo động ở Đông Phi bên cạnh khoảng 465 triệu đô la để tài trợ cho các chương trình huấn luyện, trang bị, xây dựng năng lực để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động trên khắp Phi châu.
Loan báo này được đưa ra trong lúc các giới chức Tòa Bạch Ốc mạnh mẽ lên án vụ nổ bom hôm chủ nhật tại Khách sạn Jazeera ở Mogadishu, giết chết ít nhất 13 người. Trong chuyến viếng thăm Ethiopia, ông Obama sẽ tái khẳng định là Hoa Kỳ quyết tâm hợp tác với Somalia và các đối tác khu vực để chống khủng bố.
Vấn đề này là một trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa ông Obama với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta ở Nairobi hôm 25 tháng 7. Ông Kenyatta sẽ họp với Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Liên hiệp Phi châu, Uganda và Sudan xế ngày hôm nay để bàn về vụ khủng hoảng Nam Sudan.
Chuyến viếng thăm Ethiopia của ông Obama gặp phải sự chỉ trích của các nhà tranh đấu nhân quyền. Những người này nói rằng chính phủ độc tài của thủ tướng Desalegn đã bắt giam các nhà báo, các nhân vật bất đồng chính kiến và các chính khách đối lập trong những chiến dịch chống khủng bố. Theo dự liệu nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ đề cập tới vấn đề nhân quyền của Ethiopia trong các cuộc thảo luận ngày hôm nay. - VOA
|
|
4.
Mỹ hoan nghênh các cuộc không kích chống IS của Thổ Nhĩ Kỳ
Tòa Bạch Ốc hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng chú trọng và tăng cường các nỗ lực nhằm chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại miền bắc Syria và Iraq, đồng thời cũng nhắm vào những chiến binh đòi ly khai người Kurd.
Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình là một cố vấn an ninh quốc gia tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm Châu Phi nói rằng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có quyền hành động chống lại các mục tiêu khủng bố, các đối tác trong vùng nên làm việc với nhau để làm suy yếu các nơi an toàn của Nhà nước Hồi Giáo.
Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes nói Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mở các cuộc không kích vào các mục tiêu Nhà nước Hồi Giáo và chia sẻ quan điểm của Ankara là Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) là một tổ chức khủng bố.
“Chúng ta khuyến khích các đối tác khác nhau của chúng ta trong cuộc chiến này làm việc với nhau và chúng ta rõ ràng là có một mối quan hệ cộng tác tốt đẹp với chính quyền khu vực của người Kurd ở miền bắc Iraq và các đường dây thông tin liên lạc đó đang mở rộng. Thổ Nhĩ Kỳ có quyền hành động liên hệ đến những mục tiêu khủng bố và chúng ta chắc chắn một lần nữa đánh giá cao những nỗ lực ngày càng tăng của họ chống lại ISIL. Chúng ta sẽ tiếp tục tiếp xúc với họ trong những ngày tới.”
Ông Rhodes nói ông nghĩ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa đến những nỗ lực rộng rãi và hữu hiệu hơn để giảm thiểu những nơi an toàn của IS tại miền bắc Syria và Iraq, nhưng ông nói thêm “họ sẽ làm việc với nhiều đối tác khác nhau” để hoàn thành mục đích này. Ngày hôm qua, Hoa Kỳ thực hiện hơn 30 cuộc không kích nhằm các mục tiêu Nhà nước Hồi Giáo tại Syria lẫn Iraq.
Washington cho biết sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của những cuộc thảo luận liên tục. Việc này tiếp theo vụ tấn công trong tuần qua vào thị trấn biên giới Suruc làm 32 người thiệt mạng và những cuộc tấn công riêng rẽ giết chết một số nhân viên lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đổ lỗi cho PKK về vụ giao tranh mới đây làm 3 nhân viên thuộc lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong đó có những vụ bắt cóc công dân và công chức Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc không kích của Ankara nhắm vào PKK, tổ chức đã phát động một cuộc chiến tranh nổi dậy đòi tự trị cho quê hương của họ vào những năm 1980, đe dọa cuộc ngưng bắn mong manh kéo dài 3 năm với tổ chức này. PKK cho biết cuộc ngưng bắn không còn hiệu lực nữa.
Ông Brett McGurk, phó đặc sứ của tổng thống về Liên minh toàn cầu chống IS, ngày hôm qua đưa lên Twitter là không có liên hệ giữa những cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ chống PKK “và sự gia tăng hợp tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Nhà nước Hồi Giáo.
Tuy nhiên ông Stephen Zunes, một nhà phân tích vùng thuộc trường đại học San Francisco nói những cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi Giáo.
“Đảng PKK và những đồng minh thân cận, như PYG có căn cứ tại Syria, nằm trong số những chiến binh chống Nhà nước Hồi Giáo hữu hiệu nhất. Và do đó, chúng ta hiện nay đang có tình trạng là Thổ Nhĩ Kỳ được Hoa Kỳ vũ trang oanh kích các lực lượng người Kurd liên minh với Hoa Kỳ trong những cuộc tấn công vào Nhà nước Hồi Giáo, và đây là một sự phức tạp khác trong cuộc chiến đang diễn biến tại vùng đất này của thế giới.”
Thổ Nhĩ Kỳ nói những diễn biến mới đây xác nhận tầm quan trọng của việc thành lập một khu an toàn dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để yểm trợ không quân cần thiết và bảo vệ những phần tử của Quân đội Syria Tự do FSA và những lực lượng ôn hòa khác đang chiến đấu chống lại chế độ Assad và Nhà nước Hồi Giáo. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Tướng Thanh xuất hiện trên truyền hình
Hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh dự một sự kiện nhân ngày thương binh liệt sĩ tại Việt Nam đã được truyền trên kênh VTV1 tối ngày 27/7.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được giới thiệu tên, và ngồi cạnh các nhân vật lãnh đạo khác.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ” được truyền hình trực tiếp tối 27/7.
Trước đó, trên mạng xã hội vẫn có dư luận hoài nghi rằng thực sự ông Thanh đã trở về nước sau thời gian chữa bệnh ở Pháp.
Truyền thông Việt Nam nói Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến trực tiếp trò chuyện với Đại tướng Phùng Quang Thanh hôm 26/7.
Thế nhưng không có báo nào đăng ảnh ông Thanh. - BBC
|
|
6.
Tư Lệnh lực lượng Tuần Duyên Mỹ sẽ đến thăm Việt Nam
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius cho biết đương kim Tư Lệnh lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ sẽ đi thăm Việt Nam vào tháng 9 tới đây.
Các báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên của Việt Nam hôm nay tường thuật Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết như vậy trong cuộc gặp gỡ với Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh hôm nay.
Cuộc họp diễn ra bên lề một hội thảo quốc tế về các lực lượng gìn giữ hoà bình đươc tổ chức trong cùng ngày, thứ Hai 27/7.
Tin cho hay ông Nguyễn Chí Vịnh hoan nghênh chuyến đi thăm của Tư Lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ, và ngỏ lời cảm ơn Đại sứ Osius đã thăm hỏi sức khoẻ của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, mà theo báo chí tại Việt Nam, đã trở về nước sau một thời gian chữa bệnh tại một bệnh viện ở Paris.
Hôm 19/7 hãng thông tấn DPA của Đức tường thuật rằng Đại Tướng Phùng Quang Thanh đã qua đời tại Paris sau khi điều trị bệnh ung thư phổi, nhưng sau đó đã đính chính tin này.
Báo chí Việt Nam cũng tường thuật rằng từ khi về nước, Tướng Phùng Quang Thanh đã gặp các giới chức cao cấp nhất trong chính phủ, nhưng tình trạng sức khoẻ của Tướng Thanh vẫn còn là một nghi vấn, sau khi ông không xuất hiện để tham dự lễ dâng hương tại Đài Tưởng niệm các Liệt sĩ, và cũng không dẫn đầu đoàn đại biểu quân uỷ trung ương đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lịch trình đã được loan báo trước đó.
Trong mấy năm qua, Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã giúp Việt Nam tăng cường khả năng kiểm soát hàng hải bằng cách huấn luyện cảnh sát biển Việt Nam.
Trong cuộc tiếp xúc giữa Đại sứ Mỹ và Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, hai bên bày tỏ hài lòng về sự tiến triển của các quan hệ hợp tác Mỹ-Việt. - VOA
No comments:
Post a Comment