Thursday, June 11, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 11/6

Tin Thế Giới

1.
Bà Aung Sang Suu Kyi gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh --- Chu Vĩnh Khang bị án tù chung thân

Lãnh tụ đối lập Myanmar Aung Sang Suu Kyi hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay trong chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của nhân vật là biểu tượng thúc đẩy dân chủ trên thế giới.

Theo Tân Hoa Xã, bà Suu Kyi gặp ông Tập tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm nay, nhưng không cho biết chi tiết về cuộc gặp gỡ này.

Lãnh tụ đối lập Myanmar bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc hôm qua nhằm tăng cường mối quan hệ ngoại giao đã gặp sóng gió vì các cuộc cải cách dân chủ của nước bà.

Trung Quốc là đồng minh quan trọng của cựu chính quyền quân nhân Myanmar từng quản thúc tại gia bà Aung Sang Suu Kyi trong nhiều năm trước khi phóng thích bà năm 2010.

Bà hiện là nhân vật đối lập chính của Myanmar, và hiện lãnh đạo Liên minh Dân chủ Toàn quốc, đảng dự kiến sẽ giành thêm ghế trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.

Mối quan hệ kinh tế giữa Myanmar và Trung Quốc đã vấp phải các thách thức kể từ khi chính quyền quân nhân trao quyền cho một chính phủ mang danh nghĩa dân sự năm 2010, và bắt đầu tiến hành một loạt các cải cách dân chủ.

Đáp lại, Hoa Kỳ và châu Âu đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar, và vì thế, quốc gia Đông Nam Á này đã thu hút nhiều nguồn đầu tư nước ngoài từ phương Tây.

Tiến trình cải cách dân chủ của nước này được thực thi trong bối cảnh tinh thần bài Trung Quốc gia tăng ở Myanmar, mà điển hình là các cuộc biểu tình chống các dự án kinh tế gây tranh cãi được Trung Quốc hậu thuẫn.

Một trong các dự án gây tranh cãi đó là Đập Myitsone trên sông Irrawaddy, do Trung Quốc cấp vốn. Nhưng dự án này đã bị ngưng lại năm 2011 sau khi dân chúng lên tiếng phản đối vì khả năng gây ra các tác động tiêu cực về môi trường và xã hội của đập này.

Trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, bà Aung San Suu Kyi dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường. - VOA

***
Một điều khó tin nhưng có thực đang diễn ra tại Trung Quốc: lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đang được Trung Quốc trải thảm đỏ nghênh tiếp. Đây quả là một nghịch lý vì Đảng Cộng sản Trung Quốc chào đón một biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ, trong lúc mà họ đang ra sức dập tắt bất kỳ nguyện vọng tương tự bên trong lãnh thổ của mình. Đối với giới phân tích, đằng sau sự kiện này, chính là ý đồ của Bắc Kinh, muốn dùng bà Aung San Suu Kyi để "dằn mặt" chính quyền Miến Điện hiện tại đang có dấu hiệu thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong một bài phân tích công bố hôm qua 10/06/2015, nhân ngày công du Trung Quốc đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, một chuyến thăm kéo dài 5 ngày, hãng tin Mỹ AP đã cho rằng việc Bắc Kinh nghênh tiếp lãnh tụ đối lập phản ảnh quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc với chính quyền dân sự đang cầm quyền tại Miến Điện. Sự kiện này đồng thời là một bước mới trong chiến lược của Bắc Kinh muốn ngăn chặn không cho Washington mở rộng ảnh hưởng tại vùng Đông Nam Á.

Phải nói là dưới thời tập đoàn quân sự trước đây, Miến Điện hầu như chỉ có Trung Quốc là chỗ dựa về mặt ngoại giao cho nên đã giành cho Bắc Kinh mọi ưu đãi về mặt kinh tế, thương mại.

Miến Điện dần dần trở thành một láng giềng có một tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, vừa là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho nền kinh tế Trung Quốc, từ khoáng sản cho đến gỗ hay dầu mỏ, vừa là cửa ngõ giúp Trung Quốc mở đường ra Ấn Độ Dương. Đề án mang tính chiến lược chẳng hạn, chính là đường ống dẫn dầu khí xuyên ngang Miến Điện để cung cấp cho miền Vân Nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ khi tập đoàn quân sự nhường chỗ cho một chính quyền dân sự tại Miến Điện, tình hình đã có thay đổi, với những cải cách dân chủ được Tổng thống Thein Sein thận trọng tiến hành. Trong quan hệ đối ngoại, tân chính quyền Miến Điện không che giấu ý định giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Chính quyền của ông Thein Sein đã không ngần ngại đình chỉ hai dự án của Trung Quốc bị dân Miến Điện phản đối. Đó là công trình xây đập thủy điện Myitsone và một công trình khai thác mỏ đồng.

Ngoài các hồ sơ kinh tế, mới nổi cộm gần đây là vấn đề biên giới, với việc quân đội Miến Điện tấn công vào lực lượng nổi dậy Kokang ở vùng giáp giới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là một hồ sơ phức tạp vì lẽ phiến quân Kokang có gốc tích là dân tộc Hán, và trước năm 1897, vùng của người Kokang thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Sự cố đã nẩy sinh với việc 5 người Trung Quốc thiệt mạng vì trúng bom của quân đội Miến Điện. Để phản ứng, Bắc Kinh đã cho tập trận bắn đạn thật gần vùng biên giới.

Chính trong bối cảnh như kể trên mà Trung Quốc quyết định dùng đến "lá bài" Aung San Suu Kyi. Theo hãng AP, đánh giá của Bắc Kinh là đảng đối lập hiện nay của bà có thể thắng nhân cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây, và cho dù không được làm Tổng thống, bà vẫn có một vai trò quan trọng trên chính trường Miến Điện.

Một chuyên gia Trung Quốc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đã xác định với hãng AP rằng: "Tôi nghĩ rằng khi mời bà Suu Kyi, Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới chính phủ Miến Điện", để nhắc nhở rằng họ muốn có quan hệ thân thiện hơn và một giải pháp cho vấn đề biên giới.

Đối với chuyên gia này, Trung Quốc hy vọng là bà Aung San Suu Kyi có thể góp phần vào việc cải thiện trở lại bang giao Miến-Trung. Trong thời gian gần đây, bà Aung San Suu Kyi đã có những đánh giá rất thân thiện về Trung Quốc, xem Bắc Kinh là một láng giềng quan trọng và một nguồn đầu tư to lớn giúp Miến Điện.

Bên cạnh đó, khi nghênh tiếp lãnh đạo của phe đối lập, rõ ràng là chính quyền Trung Quốc muốn biểu lộ thái độ bực bội, mất kiên nhẫn của mình đối với chính quyền Miến Điện. - RFI
***
Cựu lãnh đạo an ninh Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang đã bị án tù chung thân, truyền thông nước này cho biết.

Ông bị kết tội nhận hối lộ, lạm quyền và "cố ý làm lộ bí mật nhà nước", Tân Hoa Xã tường thuật.

Cho tới khi nghỉ hưu hồi 2012, ông là một trong những gương mặt quyền lực nhất Trung Quốc.

Ồng bị điều tra sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền một năm sau đó và rồi có chiến dịch chống tham nhũng lớn.

Ông Chu đã nhận tội trong phiên tòa xử kín tại thành phố Thiên Tân ở miền bắc. Theo Tân Hoa Xã, ông nói ông sẽ không kháng cáo.

Đã không hề có thông báo chính thức gì về phiên xử cho tới khi việc kết tội được đưa ra hôm thứ Năm.

Ông Chu đã bị cáo buộc từ tháng Tư, chín tháng sau khi có thông báo về việc điều tra chính thức. Sau đó, ông đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.

Ông từng là người đứng đầu Bộ Công an, và là thành viên trong cơ quan cao nhất ra quyết sách của Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị. - BBC

***
Hôm nay, 11/06/2015, theo AFP, một tòa án tại Trung Quốc đã kết án tù chung thân ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang). Ông Chu trở thành lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc bị thanh trừng trong vòng vài chục năm trở lại đây. Nhiều nhà quan sát ghi nhận, phán quyết nói trên khẳng định quyền lực bao trùm của ông Tập Cận Bình.

Phần tuyên án đã được đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV truyền đi một cách long trọng. Bị cáo Chu Vĩnh Khang 72 tuổi, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ mùa thu 2013, nói trước tòa: "Tôi hối hận đã gây hại cho Đảng". Cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận toàn bộ các cáo buộc, và không khiếu nại phúc thẩm.

Ngược lại với phiên tòa xử Bạc Hy Lai (một cựu lãnh đạo cao cấp khác), phiên tòa xử Chu Vĩnh Khang đã diễn ra hết sức kín đáo. Theo một số nhà bình luận, đây là minh họa rõ ràng nhất cho "sự mờ tối của hệ thống tư pháp Trung Quốc". Không có bất cứ thông tin nào lọt ra bên ngoài, trước bản án hôm nay. Chắc chắn là, ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không muốn mạo hiểm trước khả năng ông Chu Vĩnh Khang có thể dùng cơ hội này để đưa ra những cáo giác gây rắc rối cho chế độ.

Vụ án Chu Vĩnh Khang cho thấy những quan hệ mờ ám của nhà nước Trung Quốc, giữa các thế lực cầm quyền với các tập đoàn kinh tế lớn. Sự thăng tiến của Chu Vĩnh Khang gắn liền với ngành công nghiệp dầu mỏ hái ra tiền, nổi tiếng với các khoản hối lộ hậu hĩnh.

Ông Chu Vĩnh Khang đặc biệt bị cáo buộc đã nhận khoảng 731.000 yuan (tương đương 105.000 euro) từ Tương Khiết Mẫn (Jiang Jiemin), nguyên Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc. Số tiền nói trên không đáng kể so với khoản 130 triệu yuan tiền biển thủ vào túi con trai cựu lãnh đạo, ông Chu Bân (Zhou Bin) và vợ ông Chu Vĩnh Khang, bà Giả Hiểu Diệp (Jia Xiaoye).

Chu Vĩnh Khang từng là nhân vật quyền uy bậc nhất trong chế độ cộng sản Trung Quốc, với chức vụ đứng đầu Ủy ban kiểm tra chính trị và tư pháp của đảng Cộng sản, tức cơ quan quản lý hai ngành an ninh và tư pháp. Bê bối kéo dài từ hai năm nay liên quan đến tên tuổi Chu Vĩnh Khang và những người thân cận cho thấy những tệ nạn trầm kha của giai tầng lãnh đạo Trung Quốc. Việc loại trừ Chu Vĩnh Khang và một loạt các lãnh đạo cao cấp khác là nằm trong chủ trương tuyên chiến với tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, bộ máy cầm quyền Trung Quốc không thể tự tẩy rửa khỏi tham nhũng, nếu không có những cải cách thực sự về thể chế.

Theo nhà Trung Quốc học Lâm Lập Hòa (Willy Lam), bản án chung thân dành cho Chu Vĩnh Khang cho thấy sự thỏa hiệp của ông Tập Cận Bình: một bản án nặng hơn có thể biến nhiều cựu lãnh đạo cao cấp trở thành đối thủ với ông Tập. - RFI
|
|

2.
Thủ Tướng Úc cảnh báo về mối đe doạ khủng bố quốc tế --- Ngoại trưởng Úc nói Bắc Kinh không nên lập vùng phòng không ở Biển Đông

Thủ tướng Australia Tony Abbott hôm nay lên tiếng cảnh báo về điều ông gọi là “tham vọng toàn cầu” của nhóm Nhà nước Hồi giáo và nói rằng cần phải làm nhiều hơn để chống lại những luận điệu tuyên truyền của tổ chức cực đoan này. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.
Thủ tướng Abbott lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa của nhóm Nhà nước Hồi giáo trong bài diễn văn khai mạc một hội nghị khu vực ở Sydney ngày hôm nay. Ông nói rằng cần phải thuyết phục cho mọi người hiểu rằng chủ nghĩa cực đoan khủng bố là sai lầm.

"Rốt cuộc thì sự phòng vệ duy nhất thật sự hữu hiệu để chống lại chủ nghĩa khủng bố là thuyết phục mọi người để họ biết rằng chủ thuyết này là cực kỳ vô lý. Chúng ta phải làm cho mọi người hiểu rằng Thượng Đế không đòi hỏi phải giết những người ngoại đạo. Chúng ta phải thuyết phục mọi người là con người có quyền lầm lẫn. Chúng ta cần phải làm cho mọi người hiểu rằng giết hại người khác chỉ vì họ có tín ngưỡng khác với chúng ta là một việc hoàn toàn sai. Và quan trọng hơn hết, chúng ta cần phải làm sao để cho những người trẻ có đầu óc lý tưởng nhận thức được là việc gia nhập nhóm tà đạo giết người này là một cách thức hết sức sai lầm để bày tỏ ước muốn hy sinh."

Nhà lãnh đạo Australia cho biết nước ông đang xem xét tới những phương thức để trừng trị đích đáng những công dân chiến đấu bên cạnh các nhóm khủng bố ở nước ngoài, một hành động mà ông gọi là “hình thức hiện đại của tội phản quốc”.

Giới hữu trách tin rằng hơn 100 người Australia đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo. Việc này làm cho Australia dự định ban hành những luật lệ nghiêm khắc để tước bỏ quốc tịch của những người có quốc tịch đôi nếu họ gia nhập một tổ chức khủng bố.

Hội nghị cấp cao diễn ra trong hai ngày có sự tham dự của các giới chức của khoảng 30 quốc gia cùng với đại diện của các đại công ty kỹ thuật cao, trong đó có Facebook, Twitter và Google.

Truyền thông xã hội đã có một vai trò quan trọng trong việc giúp cho Nhà nước Hồi giáo chiêu dụ hàng ngàn chiến binh nước ngoài gia nhập điều họ gọi là quốc gia Hồi giáo ở Iraq và Syria. VOA

***
Các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông tiếp tục bị quốc tế tố cáo, trong đó có nước Úc. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop vào hôm nay, 11/06/2015, đã không ngần ngại nhắc lại lập trường của Úc chống lại việc Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Phát biểu tại viện nghiên cứu Lowy Institute tại Sydney, Ngoại trưởng Úc xác định Canberra rất quan ngại trước nguy cơ bất kỳ một hành động đơn phương nào trong khu vực đều "có thể gây căng thẳng, gây ra những tính toán hay xét đoán sai lầm để cuối cùng kết thúc bằng một hình thức xung đột nào đó".

Ngoại trưởng Úc đã gợi lên tình hình Biển Đông, nơi căng thẳng bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền đã gia tăng hẳn lên trong những năm gần đây giữa Trung Quốc và các láng giềng xung quanh Biển Đông, đặc biệt là với Philippines và Việt Nam.

Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ vùng biển này, kể cả nhưng nơi rất xa bờ biển Trung Quốc, và đang rầm rộ bồi đắp những bãi đá họ kiểm soát tại Trường Sa thành những hòn đảo nhân tạo, bên trên có những cơ sở bị tình nghi là sẽ được dùng vào mục đích quân sự. Bắc Kinh cũng không loại trừ khả năng tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không – tiếng Anh gọi tắt là ADIZ - tại Biển Đông.

Theo bà Julie Bishop, Úc sẽ lên tiếng phản đối nếu một vùng phòng không được đơn phương tuyên bố tại Biển Đông. Vào năm 2013, Trung Quốc đã làm một việc tương tự trên Biển Hoa Đông, và quyết định đó đã bị nhiều nước đồng loạt lên án, từ Úc, Mỹ, Nhật Bản, cho đến một số nước Đông Nam Á.

Vào khi ấy, bà Bishop đã từng khiến Bắc Kinh nổi giận với những lời chỉ trích vùng phòng không của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không ngần ngại đả kích đồng nhiệm Úc một cách thô bạo.

Cho dù vây, trong phát biểu tại Viện Lowy hôm nay, bà Bishop vẫn khẳng định lại rằng nước Úc hoàn toàn đúng đắn trong việc nêu bật quan ngại về một vùng phòng không trên Biển Đông, và Canberra sẽ tiếp tục lên tiếng cho dù Úc có thể bị tác hại về phương diện kinh tế.

Trong bối cảnh 60% xuất khẩu và 40% nhập khẩu của Úc đều đi qua ngã Biển Đông, Ngoại trưởng Úc đã kêu gọi tất cả các quốc gia có lợi ích trong việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông nên xác định rõ lập trường của mình đối với Bắc Kinh.

Lập trường của Úc đối với các hành động bị cho là nhằm mục tiêu thay đổi hiện trạng Biển Đông mà Bắc Kinh đang tiến hành tại vùng Trường Sa trong những ngày qua có dấu hiệu khá cứng rắn.

Nhật báo Úc The Australian vào tuần trước tiết lộ rằng Canberra đang xem xét việc cho một phi cơ trinh sát hàng hải P-3 bay vào bên trong vùng 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trong vùng Trường Sa.

Sau khi thông tin này được tiết lộ, báo Anh ngữ China Daily của Trung Quốc mới đây đã cho đăng một bài bình luận, nội dung khuyên nhủ Úc là nên tránh xa Biển Đông, và đừng nên theo đuôi Mỹ. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
TQ kêu gọi Mỹ ngưng 'ngoại giao micro,' về những bất đồng

Một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc hôm thứ Tư phát biểu rằng những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông và an ninh mạng không nên giải quyết bằng đường lối "ngoại giao micro" mà bằng "một cách thích hợp" để cho chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ trong năm nay được thành công.

Bà Ngô Tỉ, Phó sứ quán trưởng Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, nói rằng những vấn đề riêng không được phép làm lu mờ mối quan hệ tổng thể Mỹ-Trung và rằng lợi ích chung, bao gồm khối lượng thương mại song phương 550 tỉ đôla vào năm ngoái, "vượt xa" những khác biệt giữa hai nước.

“Dùng tới đường lối ngoại giao micro, hay chỉ tay đổ lỗi lẫn nhau, sẽ không giải quyết được vấn đề,” bà Ngô phát biểu trong một cuộc gặp gỡ ở Điện Capitol kỷ niệm 10 năm thành lập Nhóm Công tác Mỹ-Trung của Quốc hội Mỹ.

"Sự lựa chọn đúng là nhìn nhận những khác biệt của chúng ta, tôn trọng lẫn nhau và tham gia vào các cuộc đối thoại thực sự,” bà nói. “Sự lựa chọn đưa ra ngày hôm nay sẽ quyết định tương lai của hai nước lớn chúng ta mai này, cũng như toàn bộ thế giới.”

Phát biểu này của bà đề cập đến những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh về những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, làm dấy lên mối lo ngại về đối đầu quân sự, và một vụ tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào chính phủ Mỹ mà các quan chức Mỹ quy trách cho các tin tặc Trung Quốc.

Trung Quốc gọi những cáo buộc tin tặc này là vô trách nhiệm và nói rằng họ có quyền xây dựng những đảo nhân tạo trong lãnh thổ tranh chấp.

Dân biểu Mỹ Rick Larsen, một người đồng sáng lập Nhóm Công tác lưỡng đảng, cho biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới "không thể không giao tiếp với nhau."

Đồng thời, ông gọi vấn đề Biển Đông, và "những chỉ dấu" cho thấy các cuộc tấn công mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc là những vấn đề "rất khó khăn" mà không thể bị gạt sang một bên. - VOA
|
|

4.
Mỹ ủng hộ Ukraine trên 'hai mặt trận'

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng Washington ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm chiếm của Nga cũng như hậu thuẫn Kiev thành lập một chính phủ cởi mở.

Bà Samantha Power tới thủ đô của Ukraine hôm qua để hội đàm với các quan chức cấp cao nước chủ nhà, và theo dự kiến, bà sẽ có bài phát biểu quan trọng tại đây.

Viết trên trang Twitter từ Kiev, nữ đại sứ nói rằng thông điệp của bà gởi tới nhân dân Ukraine là Hoa Kỳ sát cánh với họ “trên hai mặt trận, đó là chống lại sự xâm chiếm của Nga cũng như việc thành lập một chính phủ cởi mở, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân”.

Bà Power, một người mạnh mẽ ủng hộ Ukraine tại Hội đồng Bảo an, đã gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Các quan chức cho biết họ đã thảo luận về việc thực thi thoả thuận ngừng bắn giữa các lực lượng Ukraine và phiến quân thân Nga ở miền đông Ukraine trong bối cảnh lại xảy ra tình trạng bạo lực giữa hai phe giao chiến.

Thỏa thuận đạt được hồi tháng Hai ở Minsk yêu cầu cả phiến quân và các lực lượng Ukraine phải rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến, nhưng các quan sát viên quốc tế cho biết vẫn thường xẩy ra các vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam bị tác hại môi trường vì hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

Việt Nam và Philippines là các nước chịu tác động môi trường trước nhất từ hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc ở Biển Đông, theo khuyến cáo từ một khoa học gia cấp cao của Philippines.

Truyền thông Philippines ngày 11/6 dẫn lời cựu Bộ trưởng Môi trường Angel Alcala cảnh báo rằng các dự án xây dựng Bắc Kinh đang tiến hành ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể gây ra những tổn thất nặng nề về mặt đa dạng sinh học và làm ảnh hưởng tới nguồn cá trong dài hạn.

Ông lưu ý Việt Nam và Philippines, hai trong số các nước có tranh chấp chủ quyền tại đây, nằm gần các công trình xây dựng của Bắc Kinh nhất.

Ông Alcala nói tác động rõ ràng có thể trông thấy từ các dự án này là sự sút giảm quan trọng về đa dạng sinh học, cản trở việc sinh sản của các nguồn tôm cá, và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của các cộng đồng cư dân duyên hải. 

Trung Quốc đang nhanh chóng triển khai các kế hoạch khai hoang tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông trong nỗ lực khẳng định các tuyên bố chủ quyền bành trướng của họ.

Chính phủ Philippines cũng đã lên tiếng khuyến cáo rằng Bắc Kinh đang gây ra những thiệt hại to lớn không thể tránh cho môi trường và cân bằng sinh thái Biển Đông.

Manila nói các công trình xây dựng của Trung Quốc ít nhất đã phá hủy 300 mẫu san hô tại đây, dẫn tới thiệt hại kinh tế mỗi năm hàng trăm triệu đô la.

Việt Nam chưa lên tiếng phản hồi chính thức về việc này.

Trung Quốc phớt lờ các lời chỉ trích từ quốc tế, một mực khẳng định hoạt động của họ trên Biển Đông nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia. - VOA
|
|

6.
Campuchia: người Việt nhập cư với mưu đồ cướp đất?

Vấn đề đất đai giữa Việt Nam và Kampuchia lại được đề cập đến nhân dịp người Khmer Krom tại Xứ Chùa Tháp tổ chức 66 năm ngày mà họ cho là mất quyền quản lý vùng đất Nam Bộ.

Cũng như những năm trước, lễ kỷ niệm ngày Pháp cắt đất Kampuchea Krom cho Việt Nam quản lý được tổ chức vào ngày 4 tháng 6, với sự tham dự của gần 3000 người, trong đó có tu sĩ, học sinh sinh viên, thanh niên, đại diện các hội đoàn Khmer Krom, các đảng phái chính trị và hoàng gia Campuchia.

Âm mưu của người Việt Nam?

Phát biểu trong buổi lễ, Hoàng thân Sisovath Thomico nhắc lại các sự kiện lịch sử liên dẫn đến việc mất đất, ông còn cho rằng hiện nay Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện chính sách bành trướng, thâu tóm Campuchia và người Việt tại Campuchia là một phần của chính sách này. Ông nói:

“Nếu chúng ta nghiên cứu các chiến lược mà họ sử dụng để chiếm đất Kampuchea Krom. Họ mượn đất để làm căn cứ huấn luyện binh lính trong thời hạn 5 năm, thế nhưng trong thời hạn 5 năm đó, họ đưa dân của họ vào sinh sống, sau đó họ thành lập bộ máy hành chính để quản lý dân của họ. Chúng ta hãy quay lại hiện tại, chúng ta thấy rõ rằng người nhập cư có mặt ở khắp đất nước. Rõ ràng là chính sách được thực hiện hồi thế kỷ thứ XVIII và chính sách ở thế kỷ XX, XXI là như nhau. Cho dân vào ở, bước tiếp theo là thành lập bộ máy quản lý hành chính. Bộ máy hành chính quản lý này chính là Hội người Việt, họ có mặt ở khắp 25 tỉnh thành. Hệ thống hội này chính là bộ máy hành chính quản lý người dân của họ”.

Hoàng thân Sisovath Thomico thuộc dòng họ Sisovath, cùng với họ Norodom là nhánh của hoàng gia theo Hiến pháp của Campuchia. Ông từng là trợ lý trực tiếp của cố hoàng Norodom Sihanouk, sau khi vua Sihanouk băng hà, ông bắt đầu bước vào sự nghiệp chính trị, và hiện là một nhà hoạt động chính trị thuộc đảng Cứu quốc đối lập. Hồi cuối năm 2014, hoàng thân này từng tuyên bố rằng mọi hoạt động chính trị của ông đều thực hiện theo di chúc của cố hoàng Sihanouk.

Cũng theo Hoàng thân Thomico, ngoài hệ thống Hội người Campuchia gốc Việt là hệ thống quản lý dân sự, người Việt còn có cả hệ thống kinh tế, quân sự hoạt động ngầm trên lãnh thổ Campuchia. Ông cho rằng chính quyền Việt Nam âm thầm viện trợ tiền cho người Việt để sống được và chi phối xã hội Campuchia. Hoàng thân Thomico:

“Kinh tế, họ cũng có mặt ở đây. Việt Nam thành lập nhiều ngân hàng, đưa hằng trăm triệu đô la Mỹ để giúp người Việt làm ăn sinh sống tốt. Họ đã có hệ thống hành chính, hệ thống kinh tế, và cả hệ thống quân sự nữa. Chúng ta có dám khẳng định rằng không có lực lượng quân sự của người Việt ở Vương quốc Campuchia?”

Cáo buộc không có cơ sở

Trước những cáo buộc trên, ông Châu Văn Chi, Tổng hội trưởng Hội Việt kiều tại Campuchia không đưa ra bình luận gì, nhưng ông khẳng định Hội người Việt tại Campuchia của ông là một tổ chức xã hội hoạt động bình thường như các tổ chức xã hội dân sự khác tại Campuchia. Ông Chi:

“Cái đó (phát biểu của hoàng thân Thomico) là việc của ổng, tôi không bình luận về vấn đề đó. Tôi chỉ nói là đa số cộng đồng người Việt ở Campuchia sống đã rất nhiều đời. Tổ chức hội chúng tôi cũng giống tất cả các hội, các cộng đồng khác ở Campuchia thôi”.

Riêng ông Sovanna Rith, đại diện Tổ chức Bảo vệ quyền người dân tộc thiểu số tại Campuchia gọi tắt là MIRO thì cho rằng phát biểu của Hoàng thân Sisovath Thomico là thể hiện quan điểm cá nhân của ông. Hơn nữa là một chính trị gia, rất có thể ông này phải có những hành động để tranh thủ lợi ích chính trị của mình. Riêng bản thân ông thì người Việt đến Campuchia chỉ đơn thuần là tìm một nơi để được tiếp tục sống, còn vấn đề người Việt nhập cư để thực hiện mưu đồ chiếm đất thì ông không có căn cứ khẳng định hay phủ nhận. Ông Sovanna Rith:

“Phát biểu của hoàng thân phần lớn là liên quan đến vấn đề chính trị. Ta phải thừa nhận rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có người nhập cư cả, quan trọng là biện pháp quản lý của chính quyền. Nếu theo kết quả điều tra của chúng tôi thì cho đến nay người Việt đến Campuchia là để làm ăn sinh sống vì Campuchia có tài nguyên phong phú và nhiều triển vọng phát triển hơn, riêng việc họ đến để cướp đất Campuchia thì chúng tôi không dám kết luận là có hay không vì chúng tôi không có cơ sở để kết luận và chúng tôi cũng chưa bao giờ hỏi họ”.

Cho đến nay, hội người Campuchia gốc Việt (trước đây là Hội người Việt tại Campuchia) là tổ chức lớn nhất của người Việt tại Campuchia với mạng lưới phân bố khắp các xã phường thuộc 25 tỉnh thành của Campuchia. Theo thông tin từ báo chí trong nước thì hội này cũng có nhiều hoạt động liên kết chặt chẽ với chính quyền đảng cộng sản Việt Nam như việc tổ chức kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, mừng Quốc khánh 2 tháng 9. Hồi tháng 9 năm 2014, Ông Châu Văn Chi, Tổng hội trưởng Tổng hội người Campuchia gốc Việt cũng được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII. - RFA


No comments:

Post a Comment