Tin Thế Giới
1.
TT Obama nghiêm khắc cảnh báo TQ về hành động ỷ mạnh hiếp yếu ở Biển Đông
Hôm nay 02/06/2015, trong buổi đón tiếp và trao đổi với đại diện giới trẻ hoạt động xã hội của Đông Nam Á tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi chính quyền Trung Quốc hãy tôn trọng luật pháp và "ngưng ngay những hành động thúc cùi chỏ" hiếp đáp láng giềng để bành trướng thế lực tại biển Đông.
"Nếu các ông không từ bỏ cách tiếp cận này, dùng sức mạnh của một nước lớn để tranh giành chủ quyền và dựa vào lực lượng hải quân thay vì pháp luật thì kinh tế Á Châu sẽ không còn thịnh vượng nữa". Trên đây là thông điệp cảnh cáo của Tổng thống Mỹ gửi đến chế độ Trung Quốc khi đề cập đến tình hình căng thẳng tại biển Đông với 75 thanh niên, sinh viên trong mạng lưới Sáng kiến Thủ lãnh Trẻ Đông nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiatives Fellows Program) tại Nhà Trắng.
Theo Tổng thống Mỹ, nếu đòi hỏi của Trung Quốc là chính đáng thì sẽ được mọi người công nhận. Nhưng Trung Quốc lại ỷ thế nước lớn, thúc cùi chỏ, gây hấn với các nước trong vùng, hất người khác ra ngoài. Tổng thống Mỹ vừa nói vừa "đánh cùi chỏ" để minh họa hành động của Trung Quốc.
Tổng thống Obama nhắc lại là Hoa Kỳ không có tham vọng biển đảo trong khu vực nhưng yêu cầu các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp ôn hòa và ngoại giao.
Cuối tuần qua, qua các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Hoa Kỳ kêu gọi các nước Đông Nam Á nhưng đặc biệt hơn cả là Trung Quốc "phải chấm dứt xây dựng căn cứ quân sự, tôn tạo các đảo nhân tạo tại Trường sa".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết với Philippines sẽ hết sức "kiên quyết" bảo vệ đồng minh và sau đó hứa viện trợ 18 triệu đôla cho Việt Nam để mua tàu tuần duyên của Mỹ.
Tổ chức Sáng kiến Thủ lãnh Trẻ Đông Nam Á là một mạng lưới bao gồm các nhà hoạt động trẻ có hoài bảo khuyến khích công dân và các chính quyền Đông Nam Á trao dồi khả năng lãnh đạo, hợp tác với đối tác ở Hoa Kỳ hầu phát huy tinh thần tự chủ dành lấy quyền lực kinh tế, xây dựng một chính quyền trong sạch, bảo vệ môi trường ngay trong đất nước của mỗi thành viên.
Tổng thống Obama nghiêm khắc cảnh báo Trung Quốc rằng các dự án cải tạo đất ở Biển Đông phản tác dụng và là mối đe dọa cho sự thịnh vượng trong vùng Đông Nam Á.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói với một nhóm các nhà lãnh đạo trẻ rằng “Có thể có một số” tuyên bố chủ quyền lãnh hải nào đó của Trung Quốc là hợp pháp. Tuy nhiên họ không nên tìm cách xác lập bằng cách đẩy người ta ra ngoài, ông vừa nói vừa hích khuỷu tay ra phía ngoài bục.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói Hoa Kỳ không có tuyên bố bố chủ quyền nào trong vùng, nhưng muốn các cuộc tranh chấp những vùng lãnh hải mà Trung Quốc và các nước đang đưa ra tuyên bố chủ quyền được giải quyết trong hoà bình. Ống nói:
“Chúng tôi không nằm trong các bên tranh chấp, nhưng chúng tôi quả có quan tâm trong việc bảo đảm các tranh chấp được giải quyết một cách hoà bình, theo đường lối ngoại giao phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Và vì lý do đó chúng tôi nghĩ rằng hành động hung hăng cải tạo đất của bất cứ bên liên quan nào trong khu vực đều phản tác dụng.”
Ông nói Hoa Kỳ sẽ làm việc với bất cứ nước nào sẵn sàng “thiết lập và thực thi những chuẩn mực và luật lệ có thể duy trì tăng trưởng và thịnh vượng trong khu vực.”
Nhà lãnh đạo Mỹ nói, “Sự thực là Trung Quốc sẽ thành công. Đó là nước lớn, hùng mạnh. Người dân có tài và chăm chỉ làm việc.”
Sự va chạm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng trong những ngày gần đây vì việc Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo, biến các bãi đá ngầm thành các sân bay.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói trước cử toạ hội nghị thượng đỉnh an ninh quốc tế ở Singapore hôm thứ Bảy rằng Hoa Kỳ phản đối bất kỳ hành động “quân sự hóa nào thêm nữa” tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, sau khi phát hiện 2 khẩu đại pháo Trung Quốc bố trí trên một trong các đảo nhân tạo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Hoa Kỳ đang đưa ra những tuyên bố phi lý về quyền và chủ quyền cố hữu của Trung Quốc, khơi lên rắc rối và những tố cáo liên quan đến các hoạt động xây dựng thích đáng và hợp lý của Trung Quốc trên các đảo của mình. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này.”
Tổng thống Obama đã trả lời nhiều câu hỏi về Đông Nam Á và về triết lý điều hành đất nước của ông cho khoảng 75 nhà lãnh đạo trẻ từ 18 đến 35 tuổi, đang thăm Hoa Kỳ trong 5 tuần lễ. Họ đến thăm Mỹ theo chương trình tài năng lãnh đạo do ông lập ra cho những người trẻ từ 10 quốc gia trong khối ASEAN nhằm phát huy dân chủ và tăng trưởng kinh tế trong vùng.
Một trong những người khách này hỏi Tổng thống Hoa Kỳ rằng ông muốn lịch sử nhớ về nhiệm kỳ tổng thống của ông như thế nào.
Ông nói đùa, “Tôi hy vọng là được quý mến.”
Những người chỉ trích Tổng thống Obama thường cho rằng ông làm suy yếu quyền lực của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Nhưng ông nói: “Chúng tôi đặt quan hệ quốc tế vào một vị thế rất vững chắc.”
Ông nói cộng đồng thiểu số người Rohingya Hồi giáo bị chính phủ Myanmar phân biệt đối xử, đã dẫn đến việc ông có 2 lời khuyên đối với những nước ở Đông Nam Á và trên khắp thế giới.
Ông Obama nói rằng các quốc gia chỉ thành công nếu họ không chia rẽ tôn giáo và sắc tộc và không phân biệt đối xử với nữ giới. - RFI, VOA
|
|
2.
Trung Quốc: Hàng trăm người chết trong vụ đắm tàu trên sông Dương Tử
Giới hữu trách Trung Quốc đang gấp rút đến với những người sống sót còn bị kẹt bên dưới một tàu chở khách bị lật trên sông Dương Tử hồi khuya hôm qua 1/6. Hơn 450 hành khách và thủy thủ đoàn có mặt trên tàu vào lúc xảy ra tai nạn.
Cho đến nay, theo đài truyền hình nhà nước CCTV, chỉ có 15 người được phát hiện từ đống đổ nát của chiếc phà mang tên Ngôi Sao Phương Đông được cho là còn sống sót. Nhân viên cứu hộ đang chống chọi với các dòng nước xoáy và thời tiết xấu gây trở ngại cho công tác cứu hộ trên và dưới mặt nước. Đa số hành khách đi trên phà là du khách cao niên Trung Quốc.
CCTV chiếu hình ảnh nhân viên cứu hộ gõ lên thân tàu nhấp nhô trên mặt nước. Đài truyền hình nói nhân viên nghe thấy tiếng gõ đáp lại để xác định vị trí những người có thể còn sống sót và bị kẹt bên trong chiếc phà.
Ngay sau giữa trưa hôm nay, một phụ nữ cao niên đã được kéo ra khỏi đống đổ nát và người ta thấy bà này được nhân viên cứu hộ đưa lên khỏi mặt nước. Các cơ quan truyền thông nhà nước nói người phụ nữ được cứu 65 tuổi và ở trong tình trạng ổn định. Một người nữa được lôi ra sau đó và truyền thông nhà nước nói thợ lặn đã xác định được vị trí của 5 hành khách khác bên dưới đống đổ nát, và nói các nỗ lực đang được tiến hành để đưa họ đến nơi an toàn.
Thuyền trưởng và kỹ sư tàu nằm trong số những người đầu tiên thoát nạn. Cả hai đang bị cảnh sát câu lưu trong khi giới hữu trách tìm hiểu điều gì đã xảy ra cho chiếc tàu. Phà Ngôi Sao Phương Đông đã hoạt động hơn 20 năm và thuộc quyền sở hữu của Công ty Phà Đông Phương ở Trùng Khánh, một xí nghiệp quốc doanh đang chật vật vì nợ nần chồng chất, theo tin của giới truyền thông Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc quy trách vụ việc là do thời tiết xấu khi phà Ngôi Sao Phương Đông đi từ Nam Kinh đến Trùng Khánh. Tân Hoa Xã tường thuật rằng cả thuyền trưởng lẫn kỹ sư trưởng đều nói chiếc phà bất chợt bị cơn lốc xoáy và bị lật.
Giới hữu trách Trung Quốc đã nhanh chóng hành động, và nhấn mạnh đến các nỗ lực cứu những người có thể còn sống sót.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh “dốc toàn lực vào nỗ lực cứu hộ” và cánh tay phải của ông là Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến hiện trường tai nạn. Truyền thông được nhà nước hậu thuẫn đã tập trung phần tường thuật vào những gì các giới chức đang làm và cách thức các nguồn lực chính phủ được dành cho việc cứu các mạng người.
Cũng như hầu hết các tai nạn về an toàn ở Trung Quốc, có phần chắc chính phủ sẽ siết chặt việc tường thuật tai nạn để giảm thiểu tối đa mọi đả kích có thể nhắm vào chính quyền.
Hồi sớm hôm nay, đã có tin các ký giả Trung Quốc bị ngăn không được đến hiện trưởng tai nạn. Các ký giả ở Trung Quốc cũng được lệnh chỉ được sử dụng hình ảnh của Tân Hoa Xã và CCTV.
Tàu du ngoạn Dongfangzhixing – Đông Phương Chi Tinh (Ngôi Sao Phương Đông) xảy ra tai nạn vào lúc 9 giờ 28 tối giờ địa phương ngày hôm qua 01/06/2015. Trên tàu có 458 hành khách và thủy thủ đoàn.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết các toán cứu hộ đã tìm thấy thi hài của ít nhất 5 nạn nhân. Thông tín viên đài RFI từ Thượng Hải, Delphine Sureau cho biết thêm chi tiết:
"Hình ảnh được chiếu trên đài truyền hình CCTV cho thấy, một phần vỏ tàu hãy còn nổi trên mặt nước sông Dương Tử. Nhân viên cứu hộ cho biết là khi gõ vào vỏ tàu, vẫn có tiếng người hồi âm. Điều đó có nghĩa là hãy còn một số người sống sót đang bị kẹt ở bên trong.
Theo lời khai của thuyền trưởng và thợ máy, cả hai đã được cứu hộ và đang bị tạm giam, tàu bị lật vì gió lớn, và đã chìm rất nhanh tại khu vực Giản Lịch (Jianli), tỉnh Hồ Bắc.
Chỉ biết rằng con tàu mang tên Phương Đông Chi Tinh đã bị chìm vào quãng 9 giờ rưỡi tối ngày hôm qua, nhưng thông tin này chỉ được công bố vào sáng nay. Các giới chức Hải quân Trung Quốc khẳng định, tàu không bị quá tải.
Hành khách trên tàu là các du khách Trung Quốc, phần đông là những người đã về hưu, trong độ tuổi từ 50 đến 80. Họ đi du lịch trên dòng sông Dương Tử và tham quan vùng Tam Hiệp. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. - VOA, RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Thượng Viện Mỹ sắp biểu quyết dự luật cải tổ NSA
Sau hai ngày tranh luận và đấu đá nội bộ, Thượng viện Hoa Kỳ hôm nay sẽ biểu quyết về một dự luật mà nếu được thông qua, sẽ cải cách chương trình theo dõi dân chúng trong nước của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).
Thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu quyết về 3 điều khoản tu chính của Đạo luật Tự Do Hoa Kỳ, chấm dứt việc thu thập trên quy mô lớn các dữ liệu về điện thoại của công dân Mỹ.
Các khoản tu chính, do Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện Mỹ Richard Burr đề nghị, bao gồm việc gia hạn chương trình thu thập dữ liệu từ 6 tháng tới 1 năm, dài gấp đôi thời gian trong dự luật đã được Hạ Viện thông qua với đa số áp đảo hồi tháng trước.
Nhưng hai thành viên cấp cao của Uỷ ban Tư Pháp Hạ viện, là Chủ tịch Bob Goodlatte, thuộc đảng Cộng hoà, và thành viên cấp cao của Đảng Dân Chủ trong tiểu ban này, là Dân biểu John Conyaers, đã ra thông báo hôm qua, bác bỏ các điểm tu chính.
Hai ông Goodlatte và Conyers viết rằng “Những sự sửa đổi đó chỉ làm suy giảm thêm dự luật đã được Hạ viện thông qua, và hoãn lại việc thi hành đạo luật bảo vệ an ninh quốc gia một cách có trách nhiệm”.
Hai ông Goodlatte và Conyers cảnh báo rằng Hạ viện sẽ không chấp nhận những điểm tu chính nếu chúng được Thượng viện thông qua, và như thế sẽ vĩnh viễn chấm dứt nhiều điều khoản trong Đạo luật Yêu nước do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, cho phép thực hiện chương trình theo dõi trong nước. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Nga nói Mỹ gây áp lực lên Việt Nam
Thứ trưởng Quốc phòng Nga mới lên tiếng cho rằng việc Washington công khai gây áp lực buộc các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, ngưng hợp tác với Moscow, làm xấu đi tình hình ở khu vực này và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang.
Phát biểu tại diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore cuối tuần trước, ông Anatoly Antonov bày tỏ quan ngại về chính sách của Mỹ trong khu vực, đồng thời cho rằng Mỹ đang tìm cách “cô lập có hệ thống” cả Nga và Trung Quốc.
Quan chức này nói: “Chúng tôi đang chứng kiến việc Mỹ công khai gây áp lực lên các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương, yêu cầu các nước này ngưng trao đổi với chúng tôi, trong cả lĩnh vực hải quân. Mục đích của hành động này là giảm bớt cơ hội sử dụng các cảng biển và phi trường của nước ngoài của Hải quân và không lực Nga. Một ví dụ gần đây là việc Hoa Kỳ gây sức ép với Việt Nam với mục đích cản trở các máy bay tầm xa của Nga sử dụng các phi trường của Việt Nam”.
Cả Hà Nội và Washington chưa lên tiếng bình luận về lời cáo buộc của phía Nga.
Hồi tháng Hai, Mỹ đã yêu cầu Việt Nam ngừng cho phép Nga sử dụng căn cứ trước đây của Mỹ ở Vịnh Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho máy bay có khả năng ném bom hạt nhân của Nga đang phô trương sức mạnh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chưa rõ là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có thảo luận với Hà Nội về vấn đề này trong chuyến thăm Việt Nam hay không.
Ngoài cáo buộc Hoa Kỳ, ông Antonov cũng mới thông báo rằng Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ tiến hành cuộc thao diễn quân sự song phương ở biển Đông vào năm sau, với sự tham gia của một số đồng minh và đối tác của Moscow ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Nga không cho biết thêm thông tin chi tiết về việc nước nào sẽ dự cuộc diễn tập hải quân này. - VOA
|
|
5.
'1.000 trang mạng VN bị tấn công'
Một diễn đàn của công ty an ninh mạng Việt Nam Bkav nói khoảng 1.000 website Việt Nam và 200 website Philippines bị tấn công cùng thời điểm diễn ra Đối thoại Shangri-La 2015.
Cuộc họp quốc phòng tại Singapore từ 29 đến 31/5 đã bàn nhiều chủ đề, đặc biệt là tranh chấp Biển Đông.
Trang diễn đàn WhiteHat, do công ty an ninh mạng Việt Nam Bkav quản lý, dẫn lại nguồn từ trang 1937cn. net nói cùng thời điểm này, các trang mạng Việt Nam và Philippines đã bị tin tặc tấn công.
Trong đó có 15 trang của cơ quan chính phủ gov. vn và 50 trang giáo dục edu. vn.
Ông Tạ Đức Thiện, Chuyên gia phụ trách mảng Web Security của Bkav, nói: “Tin tặc tấn công vào các website qua khai thác lỗ hổng trên phương thức PUT của WebDAV và Fckeditor, phần mềm cho phép upload file lên máy chủ web.”
“Hình thức tấn công này cũng tương tự với đợt tấn công vào hàng trăm website của Việt Nam năm 2014.”
Theo Bkav, tháng Năm năm ngoái, hơn 200 trang web của Việt Nam bị các hacker tự nhận là "tin tặc Trung Quốc" tấn công.
Đó là lúc xảy ra các cuộc biểu tình ở Việt Nam phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trên Biển Đông.
Còn vào dịp Quốc khách Việt Nam 2/9 năm ngoái, 450 trang web Việt Nam cũng bị “tin tặc Trung Quốc” làm tê liệt, theo Bkav. - BBC
|
|
6.
Việt Nam phải làm gì trong tình hình Biển Đông hiện nay?
Tình hình Biển Đông và khu vực trước sự leo thang của Trung Quốc, là hết sức nghiêm trọng. Việt Nam cần có thái độ và sách lược thế nào cho phù hợp?
Anh Vũ phỏng vấn TS. Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng Nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao VN về vấn đề này.
Anh Vũ: Thưa ông, hội nghị Shangri – La lần thứ 14 ở Singapore vừa kết thúc, xin ông đánh giá kết quả của hội nghị này?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Trong 2-3 ngày vừa qua tại phiên đối thoại Shangri-La, người ta nói nhiều về hành động của TQ gây ra đã trở thành hiểm họa đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực, nó vi phạm các nguyên tắc về tự do đi lại trong lĩnh vực hàng hải. Và đặc biệt là, các đoàn đều đưa ra những biện pháp và đỏi hỏi đòi TQ phải dừng ngay các hành động như thế. Tôi cho rằng, nhìn về khung cảnh chung của hội nghị đó thì đây là một diễn đàn cực kỳ quan trọng đối với an ninh và phát triển của khu vực.
Anh Vũ: Tình hình Biển Đông trước sự leo thang của TQ, đến lúc này là nghiêm trọng. Tướng Vịnh, được Reuters dẫn lời cho rằng, đây có thể là dấu hiệu rất xấu cho một tình huống rất phức tạp ở Biển Đông. Theo ông, lúc này VN nên có thái độ thế nào?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Thái độ của VN thì bao giờ cũng phản ảnh một chính sách chung và những chiến lược tổng thế của VN, mà cái chính sách và chiến lược đó như hai mặt như hai mặt của đồng tiền. Thứ nhất là nó phải bảo vệ được chủ quyền của biển đảo, mà cái này không phải là bảo vệ xuông, mà phải bằng hành động, việc làm và sự hiệu triệu dân chúng và cái mặt thứ 2 là phải đảm bảo được một môi trường hòa bình, không chỉ nhất thời mà phải là hòa bình bền vững.
Nhưng do sự phức tạp của tình hình, đặc biệt là do cái sự nói và làm của TQ là nó không bao giờ đồng nhất cả. Cộng với cái tương quan lực lượng về mọi mặt của VN và TQ, đôi khi nó còn do cả cái quán tính của tư duy đối ngoại cũ của VN còn rơi rớt lại nữa. Cho nên có thể nói, VN gặp khá nhiều khó khăn, khá vất vả trong việc thực hiện chiến lược tổng thể nói trên. Tuy nhiên cũng may, quan hệ quốc tế ngày nay nó đã khác xa, ngày nay thì trong khu vực cũng như góc độ toàn cầu thì cái hệ thống đối tác chiến lược và hệ thống đối tác toàn diện của VN đã được định hình và đã phát huy tác dụng. Đó chính là cơ sở nền tảng để thái độ của VN ngày càng bắt nhịp với những chuyển hóa của thời đại.
Anh Vũ: Hôm nay (31/5), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tới thăm VN. Được biết Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ ký một thoả thuận hợp tác Quốc phòng (đầu tiên) về thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa 2 nước một cách thực chất. Ông có đánh giá gì về chuyến đi này?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Hai bên sẽ ký kết một văn kiện, gọi là tuyên bố hay thông cáo về “Tầm nhìn chung”, đây có thể là một cái đánh giá về việc hợp tác hiện nay và cũng có thể là một cái lượng định về viễn cảnh về quan hệ quốc phòng giữa 2 nước trong thời gian tới. Tất nhiên, theo thông tin sơ bộ thì khả năng phía Mỹ sẽ chính thức thông báo việc bán các vũ khí quân sự để hỗ trợ cho VN trong lĩnh vực tuần duyên và tiếp nối. Nếu tuyên bố đó được bạch hóa trong bối cảnh TQ đang ráo riết bồi đắp và thổ hóa các đảo đá của VN, thì nó sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó nó cho thấy, VN đã chuyển sang một tâm thế chủ động hơn trong việc đối phó với những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của VN từ phía TQ.
Thứ 2 là việc xích lại gần hơn với Hoa kỳ trong thời điểm hiện nay cho thấy đây là một đòi hỏi khách quan và tất yếu, mà khó có ai hay thế lực nào có thể đẩy lùi. Và cái thứ 3 nữa là, việc ký kết này diễn ra giữa 2 chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo VN sau chuyến thăm Bắc kinh và trước chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư VN cho thấy, VN đang cố gắng kiến tạo một thế quân bình động trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ với các nước lớn nói riêng
Anh Vũ: VN luôn khẳng định không liên minh với một bên nào để chống lại bên thứ 3. Trong khi đó, ông Ashton Carter Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng “Tại Châu Á, vẫn có môt số nước nghiêng về phía Trung Quốc, một số khác thì nghiêng về phía Hoa Kỳ, nhưng hầu hết thì không muốn phải có một sự lựa chọn dứt khoát nào, và tôi nghĩ rằng điều này cần thiết để giữ sự đa dạng trong quan hệ ngoại giao ngay tại khu vực, trong thời gian tới”. Theo ông, điều đó có ý nghĩa gì?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Vâng, đây là một vấn đề liên quan đến triết lý an ninh không chỉ là riêng VN, mà còn của nhiều nước trong khu vực Asian. Như lời của Tổng trưởng Quốc phòng Ashton Carter là hầu hết các nước châu Á không muốn và họ không thể có một sự lựa chọn nhất nguyên nào cả, vì bản thân nước Mỹ cũng thấy duy trì cái sự đa dạng về quan hệ ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á hiện nay là điều cần thiết. Nó cần thiết không chỉ cho Đông Nam Á, mà nó còn cần thiết cho cả chiến lược xoay trục và chính sách tái cân bằng của Mỹ. Tuy nhiên, mọi lý thuyết về chính trị, an ninh nhiều khi cũng là màu xám và nó không phải là bất biến.
Anh Vũ: Thưa ông, ông có cho rằng một lúc nào đó chính sách quốc phòng “ba không” của VN sẽ buộc phải thay đổi?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Đa dạng hóa hay đa phương hóa hay hội nhập toàn diện thì chính cái ấy để hướng về một thế quân bình, nhưng cái quân bình bao giờ cũng chỉ là tạm thời và trong quá trình duy trì chính sách ba không, thì một khi môi trường an ninh thay đổi thì tôi nghĩ mọi việc và mọi sự nó có thể khác. Ở đây vấn đề không phải là theo ai để chống ai, vì cái này VN đã có một bài học đắt giá trong chiến tranh lạnh rồi. Mà vấn đề đặt ra ở đây là, VN có thể và cần phải làm gì?
Phải tập hợp lực lượng, lấy lợi ích quốc gia làm hệ quy chiếu, lấy lợi ích tối cao của đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền khi chính những quyền lợi tối cao của đất nước bị xâm phạm. Đấy là bình luận của tôi về cái khả năng thay đổi của chính sách “ba không”.
Anh Vũ: Trong bối cảnh tình hình khu vực hết sức phức tạp, theo ông VN cần có một sách lược thế nào cho phù hợp?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Một trong những vấn đề nhận thức quan trọng, là phải phân biệt thế nào là sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế đối với các căng thẳng trên Biển Đông hiện nay và thế nào là những nguy hiểm thực sự đối với VN do việc TQ bồi đắp và đảo hoá các bãi đá. Bởi vì các căng thẳng trên Biển Đông, nói như Tổng trưởng Quốc phòng Nhật bản vừa rồi nói tại Đối thoại Shangri-La là, TQ đang liều lĩnh đưa cả khu vực trên bờ vực hỗn loạn.
Riêng về phía VN, thì các ĐBQH đang họp ở Hà nội cũng rất quan ngại, có đại biểu đã bày tỏ quan ngại khi cho rằng nếu TQ lặp lại kịch bản như việc đánh chiếm Gạc ma vào năm 1988. Vì vậy, cần lượng định cái tầm vóc nghiêm trọng của các hoạt động đơn phương do TQ gây ra trong vùng quần đảo HS-TS của VN thì mới phân biệt được cái sách lược và chiến lược. Đương nhiên là bây giờ nó đã khác với trước đây 2-3 năm, chúng ta ở trong nước đã gọi sự vật đúng tên của nó, không buộc phải gọi ám chỉ tàu lạ, nước lạ… xâm phạm vùng biển của VN nữa. Nhưng đừng chú ý quá về sách lược, mà nhiều khi vấn đề Biển Đông lại như vấn đề ở Ucraina hay vấn đề ở tận Trung Đông chẳng hạn. Cho nên kết luận của tôi khi trả lời câu hỏi này là, mọi sách lược chỉ là nhất thời, nhưng nguy cơ của TQ đối với độc lập chủ quyền và lãnh thổ của VN cái nguy cơ đó là nguy cơ vĩnh viễn.
Anh Vũ: Xin cảm ơn TS. Đinh Hoàng Thắng đã dành cho RFA cuộc trao đổi này. - RFA
No comments:
Post a Comment