Thursday, May 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 28/5

Tin Thế Giới

1.
Giao tranh tiếp diễn tại tỉnh Anbar của Iraq

Các lực lượng thân chính phủ ở Iraq đang ra sức chiếm lại những phần đất của tỉnh Anbar đã bị rơi vào tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Thông tín viên Meredith Buel của đài VOA tường thuật.

Binh sĩ Iraq đã dùng súng cối và rocket bắn vào ngoại ô thành phố Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar ở miền tây Iraq.

Cuộc giao tranh diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi quân đội Iraq gặp phải sự thảm bại ở Ramadi, bỏ chạy khỏi thành phố sau những vụ tấn công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Ông Michael O’Hanlon, một nhà phân tích an ninh của Viện Brookings ở Washington, nhận định như sau về sự thất thủ của Ramadi.

"Tôi nghĩ rằng chúng vẫn còn đánh giá Nhà nước Hồi giáo quá thấp và rõ ràng là lẽ ra chúng ta nên xem xét tới việc gia tăng sự yểm trợ cho các vị trí của quân đội Iraq ở Ramadi."

Ngũ giác đài cho biết các lực lượng Iraq hiện nay đang có mặt ở phía nam, phía đông và phía đông bắc của thành phố Ramadi, nhưng các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tiếp tục nhận được tiếp tế từ phía tây.

Hiện chưa rõ cuộc tiến công toàn diện vào thành phố này sẽ bắt đầu vào lúc nào.

Các giới chức Mỹ tỏ ý lạc quan là thành phố có thể được các lực lượng Iraq chiếm lại trong nay mai.

Tuy nhiên, ông Michael O’Hanlon nói rằng đây là một trận chiến rất gay go.

"Tôi không biết chắc là Nhà nước Hồi giáo có trở nên tốt hơn và mạnh hơn hay không, nhưng khó mà đánh bật một nhóm như thế này ra khỏi phần đất mà họ đã nắm quyền kiểm soát, khi họ đã có được nguồn thu tương đối ổn định và khả năng để ép buộc và hăm doạ khối dân nằm dưới sự cai trị của họ."

Một số dân quân thuộc những bộ tộc của người Hồi giáo Sunni đã bắt đầu chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Anbar.

Các dân quân Hồi giáo Shia đang tham gia trận chiến này bên phía chính phủ, làm tăng mối lo ngại về sự căng thẳng giáo phái.

Ông Bill Roggio, một nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Bảo vệ Dân chủ ở Washington, cho biết như sau.

"Tôi nghĩ rằng có một sai lầm rất lớn đang xảy ra ở Iraq vào lúc này. Đó là sự can dự của dân quân Shia. Việc này chỉ làm cho phần lớn những người Sunni hoặc là từ bỏ vị trí trung lập để ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo hoặc là tiếp tục giữ vị trí trung lập và có thể ủng hộ Nhà nước Hồi giáo một cách thụ động."

Các lực lượng an ninh Iraq cùng với các chiến binh Sunni đồng minh của họ đã rút khỏi Ramadi hồi trung tuần tháng này sau khi xảy ra một loạt những vụ đánh bom tự sát của Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

2.
Tổng thống Nga chỉ trích Mỹ về vụ FIFA --- Báo chí Mỹ cho biết FBI có nội gián trong FIFA --- Chủ tịch FIFA từ chối từ chức

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay lên tiếng chỉ trích Mỹ đã truy tố các quan chức thuộc tổ chức quản lý bóng đá thế giới FIFA về tội tham nhũng.

Ông Putin cho rằng vụ việc cho thấy Hoa Kỳ mưu toan áp đặt quyền tài phán của Mỹ sang nước khác.

Phát biểu trên truyền hình, ông Putin cũng nói rằng Mỹ đang tìm cách ngăn cản Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tái tranh cử.

Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Sáu này, và ông Blatter đối mặt với một đối thủ trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ năm.

Nga là quốc gia sẽ tổ chức World Cup sắp tới vào năm 2018.

Phát biểu của ông Putin giống với một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng vụ này là một “sự áp đặt trái phép luật lệ Mỹ bên ngoài lãnh thổ”.

Hiện chưa có phản ứng ngay từ phía Mỹ đối với phát biểu của ông Putin.

Việc trao quyền đăng cai tổ chức World Cup 2018 cho Nga hiện đang bị Thụy Sĩ điều tra liên quan tới quản lý yếu kém và rửa tiền.

Trong khi đó, các nhà tài trợ kêu gọi FIFA tiến hành thay đổi sau khi Hoa Kỳ và Thụy Sĩ mở các cuộc điều tra tham nhũng lớn nhắm vào 14 quan chức của tổ chức này.

Công ty thẻ tín dụng Visa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất, bày tỏ thất vọng “sâu sắc”. Công ty này nói thêm rằng họ đang đánh giá lại việc tài trợ cho FIFA.

Còn Coca Cola cũng cho biết đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các cáo buộc, và kỳ vọng FIFA sẽ nghiêm túc xử lý các vấn đề, trong khi Adidas kêu gọi FIFA “tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch trong mọi hoạt động của tổ chức này”.

Trong khi đó, Liên đoàn Bóng đá Châu Á hôm nay kêu gọi tiếp tục tiến hành cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch FIFA vào ngày mai như theo kế hoạch và bày tỏ hậu thuẫn đối với Chủ tịch hiện thời là ông Sepp Blatter.

Vụ bê bối tham nhũng trên quy mô lớn trong Liên đoàn Bóng đá Thế giới – FIFA được phơi bày ra ánh sáng, ngày 27/05/2015, sau khi 7 lãnh đạo của tổ chức này bị bắt tại Zurich, Thụy Sĩ. Đây là kết quả điều tra trong nhiều năm của cảnh sát Hoa Kỳ. Thực vậy, theo báo chí Mỹ, mọi việc bắt đầu từ cuối năm 2011, khi Cục Điều tra Liên bang – FBI – đã thuyết phục được Chuck Blazer làm nội gián, cung cấp thông tin.

Ông Chuck Blazer là ủy viên Ban chấp hành FIFA từ năm 1996 đến 2013 và làm việc ngay tại trụ sở của Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF).

Vụ bê bối bị vỡ lở nhờ vào việc Chuck Blazer làm nội gián cho FBI trong 2 năm, nhưng nhân vật này không có gì đáng để ca ngợi. Trong vòng 21 năm làm việc tại CONCACAF, Chuck Blazer đã từng nổi tiếng là "Ngài 10%", tức là nhận hối lộ mỗi khi liên đoàn ký hợp đồng với đối tác bên ngoài. Bị nghi ngờ không khai thuế hơn 15 triệu đô la, ông ta chấp nhận làm việc cho cảnh sát Mỹ để tránh phải ngồi tù.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2013, Chuck Blazer đã mang theo một micro được cài trong chùm chìa khóa và đã ghi âm hàng trăm cuộc nói chuyện. Tất cả được đưa vào hồ sơ điều tra tư pháp do biện lý New York, bà Loretta Lynch phụ trách. Từ 27/04, bà Lynch đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ.

Nhờ vậy, 9 ủy viên Ban chấp hành và 5 đối tác của FIFA đã chính thức bị truy tố với tội danh tham nhũng, trong việc lựa chọn nước tổ chức Giải Vô địch bóng đá thế giới, các quyền tiếp thị, quảng cáo và truyền hình.

Mặc dù hợp tác với FBI, Chuck Blazer vẫn phải đối mặt với nhiều tội danh khác. Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, được công bố ngày 27/05, Chuck Blazer bị truy tố với các tội lừa đảo qua thư điện tử, tống tiền, rửa tiền và trốn thuế và có thể bị kết án tới 10 năm tù.

Với hy vọng được giảm án, Chuck Blazer đã thừa nhận các tội danh, hoàn trả cho cơ quan thuế vụ 2 triệu đô la và chấp nhận trả một khoản tiền phạt.

Trong một tin liên quan khác, ông Sepp Blatter từ chối từ chức Chủ tịch FIFA sau yêu cầu từ lãnh đạo UEFA Michel Platini.

Ông Blatter, người Thụy Sĩ, 79 tuổi, chủ trì một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức nòng cốt FIFA hôm thứ Năm sau các cáo buộc tham nhũng về tổ chức trong tuần này.

Sau đó, ông đã gặp riêng Platini, và lúc đó ông Platini thúc giục ông từ chức.

Ông Platini cho biết ông gặp ông Blatter "như một người bạn", nhưng Chủ tịch FIFA đã nói với ông rằng là "quá muộn" để từ chức.

Ông Platini nói thêm rằng cuộc khủng hoảng mới nhất làm ông “ngấy tới tận cổ” và nói rằng "mọi người thấy thế đã là quá đủ".

Ông Blatter đang cố kiếm ghế nhiệm kỳ thứ năm làm chủ tịch FIFA khi tranh phiếu với Hoàng thân Ali bin al-Hussein trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu.

Một số nhân vật có ảnh hưởng đã kêu gọi hoãn bỏ phiếu sau khi bảy quan chức FIFA bị bắt tại Zurich vào hôm thứ Tư.

Trong số này có, Jeffrey Webb, đứng đầu Liên đoàn bóng đá khu vực CONCACAF (Bắc và Trung Mỹ), Jack Warner, cựu phó chủ tịch FIFA, Eduardo Li, đứng đầu liên đoàn Costa Rica, Eugenio Figueredo, chủ tịch Hiệp hội bóng đá Nam Mỹ, Jose Maria Marin, một thành viên ban các câu lạc bộ FIFA.

Cảnh sát Thụy Sỹ hôm 27/05 bắt một số quan chức Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA vì cáo buộc tham nhũng ở Hoa Kỳ.

Chiến dịch truy bắt vừa được tổ chức tại một khách sạn ở thành phố Zurich vào sáng hôm thứ Tư.

Các cáo buộc đối với những người bị bắt bao gồm rửa tiền, lừa đảo và chuyển tiền gian lận trong thời gian 20 năm qua.

Các ủy viên FIFA đang có mặt tại Zurich để họp hàng năm vào thứ Sáu tuần này. Trong cuộc họp, Chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter sẽ tìm kiếm ủng hộ cho nhiệm kỳ thứ năm.

Tin cho hay có tới sáu quan chức FIFA bị bắt trong các vụ việc liên quan đến tiền hối lộ 100 triệu USD trong 20 năm.

Được biết ông Eduardo Li là người gốc Hoa tại Costa Rica và đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây cất Estadio Nacional, sân vận động quốc gia của Costa Rica bằng tiền Trung Quốc, trị giá 105 triệu USD.

Hồi 2013, sân vận động này được giới thân Trung Quốc ở Nam Mỹ gọi là "món quà của chủ tịch Hồ Cẩm Đào" cho Costa Rica.

Theo báo The New York Times, những người bị bắt sẽ bị dẫn độ về Mỹ. - VOA, RFI, BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích các hành động của TQ ở Biển Đông --- Bộ trưởng Mỹ thăm VN, phát thông điệp tới Trung Quốc?

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay những hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hoá những bãi cạn ở Biển Đông. Ông nói thêm rằng những hành động của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp này “không phù hợp” với các chuẩn mực quốc tế.

Phát biểu ngày hôm nay ở Hawaii trong buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, Bộ trưởng Carter hô hào cho việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho những vụ tranh chấp ở Biển Đông và kêu gọi các nước có yêu sách chủ quyền gấp rút ngưng chỉ trong thời gian dài những hoạt động lấp biển lấy đất trong vùng biển này.

"Chúng tôi cũng chống lại việc quân sự hoá thêm nữa các thực thể có tranh chấp. Điều thứ nhì và điều mọi người nên nhớ kỹ là Hoa Kỳ sẽ bay, lái tàu và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm như vậy ở khắp nơi trên thế giới. Và sau chót là, với những hành động của họ ở Biển Đông, Trung Quốc không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, những chuẩn mực làm nền tảng cho kiến trúc an ninh của khu vực Á Châu Thái Bình Dương, và sự đồng thuận trong khu vực là nên theo đuổi một phương pháp giải quyết không có tính chất cưỡng ép đối với vụ tranh chấp này và những vụ tranh chấp lâu đời khác."

Tuần trước Trung Quốc đã chính thức kháng nghị với Washington về việc một máy bay trinh sát của Mỹ bay trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự qui mô lớn. Hồi đầu tháng này, Ngũ Giác Đài cho biết Trung Quốc đã lấp biển để tạo ra 800 hécta đất tại 5 bãi cạn và hầu hết những đảo nhân tạo này được hoàn thành trong năm nay.

Trong bài phát biểu ngày hôm nay, người đứng đầu Ngũ Giác Đài cũng cho biết thái độ hung hãn của Trung Quốc nhất định sẽ gặp phải sự kháng cự.

"Những hành động của Trung Quốc đang đưa các nước lại gần với nhau trong những cách thức mới và họ đang gia tăng những yêu cầu đòi Hoa Kỳ chủ động giao tiếp ở Á Châu Thái Bình Dương. Và chúng tôi sẽ thỏa mãn những yêu cầu này. Chúng tôi sẽ tiếp tục là cường quốc an ninh chính yếu ở Á Châu Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới đây."

Bộ trưởng Carter đã họp tại Hawaii với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và tái khẳng định là cam kết của Mỹ đối với công cuộc phòng vệ của Philippines là vô cùng mạnh mẽ. Hai nước có một hiệp ước phòng chung và Manila đang kiện Trung Quốc trước toà án trọng tài quốc tế về những yêu sách của nước này ở Biển Đông.

Ông Ralph Cossa, một chuyên gia an ninh của Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng những phát biểu của bộ trưởng Carter không có gì mới. Ông nói rằng những phát biểu này phù hợp với Tuyên bố của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC, mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002. Ông Cossa nói thêm như sau.

"Phát biểu này đưa tất cả mọi thứ vào một tuyên bố khá thẳng thừng, và chắc chắn là rất mạnh mẽ, từ vị bộ trưởng quốc phòng để nêu bật sự thật là Hoa Kỳ muốn mọi người ngưng vi phạm DOC. Như quí vị đã biết, năm 2002, tất cả các bên đồng ý không làm gì để thay đổi hiện trạng nhưng sau đó mọi người đã làm những chuyện để thay đổi hiện trạng. Do đó, lập trường của Hoa Kỳ là “Chớ làm như vậy nữa!” Theo tôi, điều hợp lý duy nhất để làm là quay lại với năm 2002. Đó là lúc mọi người hứa sẽ hành động một cách tử tế, đàng hoàng và chúng ta cần đòi hỏi họ thể hiện lời hứa đó. Và dĩ nhiên Hoa Kỳ đang nói với mọi người “Phải ngưng thay đổi hiện trạng; thôi làm những việc khiến cho tình hình xấu đi.”

Ông Cossa cho biết ông cảm thấy thích thú khi nghe ông Carter nói về việc binh sĩ Iraq thiếu ý chí chiến đấu và thái độ mỗi ngày một hung hăng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Cossa cho rằng trong cả hai trường hợp sự bộc trực của ông Carter là cần thiết.

Ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Đông-Tây, cho rằng tuyên bố của ông Carter là một cách khác để nói là Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ mưu toan nào của Trung Quốc nhằm tạo ra một khu vực đặc quyền kinh tế hoặc hải phận quốc gia quanh những hòn đảo nhân tạo. Ông cho rằng Trung Quốc hầu như chắc chắn sẽ không ngưng những công trình lấp biển lấy đất ở Biển Đông và điều đó có thể gây phương hại cho mục tiêu của Mỹ là duy trì vị trí lãnh đạo trong khu vực. Ông Roy cũng cho rằng điều này làm tăng mối rủi ro xảy ra những vụ việc ngoài ý muốn giữa máy bay và tàu bè của Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Carter đang thực hiện chuyến công du thứ nhì tới vùng Á Châu Thái Bình Dương kể từ khi lên giữ chức bộ trưởng quốc phòng hồi tháng hai. Trong chuyến đi 10 ngày này, ông sẽ đến dự một hội nghị an ninh khu vực ở Singapore (Đối thoại Shangri-La) và tới thăm Ấn Độ và Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter dự kiến sẽ tới Việt Nam cuối tuần này, sau khi tham dự diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore, trong bối cảnh bùng ra khẩu chiến Mỹ-Trung về vấn đề biển Đông.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius vừa tiết lộ về chuyến công du của ông Carter với hãng tin Bloomberg, đồng thời nói thêm rằng những hành động tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông đã đẩy Mỹ và Việt Nam lại gần nhau hơn.

Chính quyền Hà Nội chưa có thông báo chính thức về chuyến thăm mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ Việt-Mỹ tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nói là có “tầm quan trọng khá đặc biệt” này.

Ông Hùng nhận định tiếp: "Ông Carter sang Shangri-La rồi mới tới Việt Nam. Trong khi đó, có một phái đoàn quốc hội của Thượng, Nghị viện Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban quốc phòng lại sang đó trước khi ông Carter sang. Dĩ nhiên hai người đó sẽ thảo luận ở Shangri-La rồi ông Carter mới sang Việt Nam".

Ông nói thêm: "Vấn đề gì đặt ra? Ông Bộ trưởng Quốc phòng sang thì chỉ nói chuyện quốc phòng thôi, và báo chí còn nói thêm là sẽ nói chuyện biển Đông. Chuyện đó nó quan trọng là bởi vì, thứ nhất, đang có chuyện biển Đông xảy ra, và thứ hai là cả hành pháp và lập pháp họ đều đến đó, để họ có lẽ có một lập trường thống nhất giữa hai bên, để họ thăm dò xem Việt Nam thế nào. Tôi nghĩ rằng ngoài việc báo chí nói biển Đông thì tôi chắc chắn là họ sẽ thảo luận những nội dung chuyến thăm của ông Trọng sắp sang đây".

Học giả này nhận định thêm rằng tình hình biển Đông hiện nay “rất căng thẳng”, và có thể tiến tới “nguy hiểm”, sau khi Bắc Kinh và Wasington lời qua tiếng lại về các hoạt động cấp tập lấp biển, xây đảo của Trung Quốc.

Tranh chấp trên biển được coi là một trong những vấn đề nằm cao trong nghị trình năm nay tại cuộc đối thoại Shangri-La kéo dài từ ngày 29 tới 31/5.

Tin cho hay, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tới tham dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực.

Trong khi đó, tới ngày 27/5, vẫn chưa rõ quan chức nào của Việt Nam tham dự diễn đàn, và hiện nay chỉ có ông Lương Lê Minh xác nhận tham gia trên cương vị Tổng thư ký ASEAN.

Tin cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ tới Việt Nam ngay sau khi dự Đối thoại Shangri-La.

Thông điệp mạnh mẽ

Dù Hà Nội và Washington đang xích lại gần nhau, Giáo sư Hùng nhận định về các trở ngại còn tồn tại trong quan hệ quân sự giữa hai nước.

Nhà nghiên cứu này nhận xét: "Việt Nam vẫn còn nghi ngờ Mỹ. Một số người vẫn sợ cái gọi là diễn biến hòa bình. Họ cho là Mỹ có thể sử dụng vấn đề nhân quyền để làm xói mòn chế độ của họ. Dạo này bớt đi nhưng vẫn còn một số người tin như vậy. Đó là một trở ngại chính".

Ông Hùng nói thêm: "Việt Nam muốn cộng tác với Mỹ nhiều hơn, nhưng một mặt lại phải nhìn đến Trung Quốc. Việt Nam lại không muốn mất lòng Trung Quốc. Một đằng thì bực tức vì nó bắt nạt mình, một đằng thì lại không muốn làm mất lòng nó. Cái đó là một trong những trở ngại chính để quốc phòng hai bên có thể tiến xa được".

Ông Hùng nói thêm rằng chuyến thăm của người đứng đầu Ngũ Giác Đài sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc về sự hợp tác quân sự giữa Hà Nội và Washington.

“Chính sách quyết liệt hay không nó sẽ thể hiện bằng hành động của Việt Nam trong chuyến thăm của ông Carter”, giáo sư này nói.

Trước khi ông Carter đặt chân tới Hà Nội, các thượng nghị sĩ Mỹ là John McCain và Jack Reed cũng sẽ tới thăm Việt Nam, và dự kiến sẽ gặp, thảo luận các vấn đề an ninh, kinh tế khu vực với quan chức chủ nhà.

Sau đó, đoàn thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện của Hoa Kỳ sẽ sang Singapore để dự Đối thoại Shangri-La.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đón tiếp nhiều phái đoàn cấp cao của cả hai ngành lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội hồi tháng Ba vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng “việc tiến hành thường xuyên các chuyến thăm quân sự cấp cao giúp cả hai bên hiểu và trở nên thoải mái với nhau hơn”, và “sự hiểu biết lẫn nhau này đang biến lời nói thành hành động”.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này nói thêm rằng quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Hà Nội và Washington “đóng vai trò quan trọng đối với sự trỗi dậy của Việt Nam là một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”. - VOA
|
|

4.
Quân đội Mỹ gửi nhầm vi khuẩn bệnh than gây chết người

Hơn 20 người đang được điều trị phòng ngừa bệnh than sau khi quân đội Mỹ vô tình gửi các mẫu vi khuẩn sống gây chết người này tới một phòng xét nghiệm dân sự tại 9 bang và 1 phòng xét nghiệm quân sự ở Hàn Quốc.

Các quan chức cho biết 4 nhân viên xét nghiệm ở Mỹ và 22 nhân viên tại Căn cứ Không quân Osan ở ngoại ô Seoul có khả năng đã bị phơi nhiễm bệnh than gửi đi từ một cơ sở quân sự Mỹ ở Utah.

Các cơ sở vừa kể đáng lẽ chỉ nhận được các bào tử bệnh than đã chết trong một chương trình phát triển cuộc thử nghiệm để nhận diện các mối đe dọa sinh học trên thực địa của Lầu Năm Góc.

Các phòng thí nghiệm nhận được các bào tử bệnh than sống nằm tại các tiểu bang California, Tennessee, Delaware, Maryland, New Jersey, New York, Texas, Virginia và Wisconsin.

Phòng thí nghiệm ở Maryland đã cảnh báo với chính quyền về các mẫu vi khuẩn sống mà họ nhận được vào cuối tuần trước. - VOA
|
|

5.
Phó TT Mỹ: Mỹ sát cánh cùng Ukraine chống lại sự gây hấn của Nga --- Mỹ, NATO lên án thái độ 'ngày càng gây hấn' của Nga

Mỹ sẽ sát cánh cùng Ukraine để chống lại hành động gây hấn của Nga, điều đã trở thành vấn đề nổi bật cần phải xem xét cho nền an ninh của châu Âu.

Phát biểu tại Viện Brookings hôm thứ Tư tại Washington, Phó Tổng thống Joseph Biden nói rằng ủng hộ Ukraine có ý nghĩa quan trọng cho tương lai của nước này, cho tương lai của nền an ninh châu Âu và cho tương lai của trật tự quốc tế.

"Chừng nào mà những nhà lãnh đạo của Ukraine vẫn giữ niềm tin vào công cuộc tự do thì Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ họ," ông Biden nói. Những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga phải và sẽ được giữ nguyên cho tới khi thỏa thuận Minsk được thực thi trọn vẹn, ông Biden nói thêm.

Thỏa thuận Minsk, được Pháp, Đức, Nga, Ukraine và thành phần ly khai thân Nga đạt được vào tháng 2, đề ra một lệnh ngừng bắn và việc rút quân đội nước ngoài và vũ khí hạng nặng, đưa tới một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Trọng tâm của Mỹ cũng sẽ nhắm trực tiếp vào việc giải quyết thảm kịch nhân đạo do hành vi gây hấn của Nga gây nên, ông Biden nói.

Đây là một trong số những bài phát biểu với ngôn từ mạnh mẽ nhất từ một quan chức hàng đầu của Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ nói rằng "Nga đang thực hiện những bước để làm suy yếu các nước láng giềng châu Âu và tăng cường vị thế bá chủ của mình," và Mỹ và phương Tây mạnh mẽ lên án điều này.

Kể từ khi nhậm chức tổng thống Nga, Vladimir Putin đã thay đổi đáng kể, ông Biden nói. "Thế giới ngày nay đã khác đi so với trước khi [Putin] tái nhậm chức tổng thống," Phó Tổng thống Mỹ nói, "khi ông ta thay đổi thì trọng tâm của chúng tôi cũng thay đổi." Chúng tôi sẽ tiếp tục phơi bày nước Nga ra trước thế giới."

Phó Tổng thống Mỹ cũng nói, "Viễn kiến của ông Putin chẳng thể đem lại gì nhiều cho người dân Nga, ngoại trừ những huyễn tưởng," một viễn kiến chắc chắn sẽ thất bại.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Ba nêu lên thái độ "ngày càng gây hấn" của Nga đối với vấn đề Ukraine trong cuộc thảo luận với Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, về các thử thách NATO đang đối mặt trong công cuộc bảo vệ các hội viên đồng minh. Thông tín viên Aru Pande của VOA tường trình từ Tòa Bạch Ốc.

Chuyến thăm của người đứng đầu NATO tới Tòa Bạch Ốc diễn ra cùng ngày mà hàng ngàn binh sĩ Nga cùng hàng trăm máy bay chiến đấu bắt đầu cuộc tập trận lớn ở vùng Tây Bắc trùng thời gian với các cuộc diễn tập hoạch định lâu nay của NATO trong khu vực Bắc cực. 

Hôm thứ Ba, Tổng thống Obama và Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã thảo luận về tình hình Ukraine liên quan tới Nga, bao gồm các bước NATO đã thực hiện để đảm bảo an ninh cho các nước đồng minh, đặc biệt là các quốc gia tiền tuyến. 

Tổng thống Obama nói: "Tôi vui mừng biết rằng không chỉ Mỹ mà các đồng minh khác trong khối NATO cũng đang làm những việc cần phải làm để đảm bảo chúng ta có các nguồn lực và của cải cần thiết hầu bảo vệ tất cả các thành viên NATO."

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ đối vói chủ quyền của Ukraine và kêu gọi thực thi thỏa thuận hòa bình đạt được ở Minsk. 

Tổng thư ký Stoltenberg thúc giục Nga ngưng hậu thuẫn các phần tử ly khai và rút tất cả lực lượng ra khỏi Đông Ukraine. 

Ông cũng lưu ý tới việc thành lập Lực lượng Phản ứng cực nhanh của NATO sau thượng đỉnh năm ngoái ở Wales và tuyên bố rằng NATO sẵn sàng đương đầu với các mối đe dọa  mới từ cả hai mũi phía Đông lẫn phía Nam. 

Ông Stoltenberg cho biết: "Đây là sự củng cố lớn nhất đối với nền quốc phòng chung của chúng ta kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Và chúng ta cũng đang lập ra các đơn vị chỉ huy-điều khiển tại tất cả các nước đồng minh phía Đông, nhấn mạnh rằng NATO đang hiện diện ở đó, rằng NATO có mặt ở đó để bảo vệ tất cả các đồng minh."

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, hôm thứ Ba tuyên bố rằng cuộc diễn tập quân sự mới đây nhất của Nga không phải là một điều ngạc nhiên nhưng Mỹ sẽ theo dõi sát vì tình hình hiện tại ở Đông Ukraine. 

Ông Earnest nói: "Đây là điều mà chúng tôi đang theo dõi sát bất kỳ tác động nào có thể có đối với an toàn và an ninh của các nước đồng minh trong NATO."

Cuộc thảo luận giữa Tổng thống Obama và Tổng thư ký NATO Stoltenberg không chỉ giới hạn trong đề tài Nga và Ukraine. 

Hai nhà lãnh đạo cũng tập trung tới các thách thức trên "mặt trận phía Nam," bao gồm công tác phối hợp trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, xây dựng năng lực ở Iraq, và bảo đảm cho lực lượng an ninh ở Afghanistan có được sự hậu thuẫn cần thiết để bảo vệ quốc gia. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Trung Quốc đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo, Việt Nam phải làm gì?

Tin cho hay Trung Quốc đã đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, một bước tiến thêm nữa sau khi Bắc Kinh ráo riết tiến hành các hoạt động xây dựng lấy đất lấp biển hầu thay đổi nguyên trạng vùng biển giàu tài nguyên này.

Báo chí Úc hôm nay dẫn nguồn tin từ các giới chức nước này bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc có thể đưa radar tầm xa, súng chống phòng không, cùng các chuyến bay giám sát thường xuyên để triển khai sức mạnh quân sự của mình trên khắp vùng biển rộng lớn ở Biển Đông.

Diễn tiến này xảy ra vài ngày sau khi Bắc Kinh lên tiếng khẳng định các hoạt động của họ ở Biển Đông chỉ là các hoạt động xây cất bình thường như xây dựng đường sá mà thôi trong khi báo cáo quốc phòng của Trung Quốc mới đây tái khẳng định đường hướng quả quyết hơn của Bắc Kinh trong việc bảo vệ quốc phòng.

Việt Nam và các nước có thể làm gì để ứng phó với động thái mới này của Trung Quốc? VOA Việt ngữ đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia để ghi nhận ý kiến của giới phân tích quốc tế.

VOA: Về khả năng Trung Quốc đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo, Giáo sư Thayer nhận xét thế nào?

GS Carl Thayer: Tin nói Trung Quốc đã đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhưng các bản tin không nói rõ đó là những loại vũ khí gì và họ cũng không nêu rõ các nguồn tin. Nhưng các bài báo có liên hệ tới phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson khi ông nói rằng sự thiếu minh bạch có thể dẫn tới kết luận rằng Trung Quốc có thể phát triển quân sự tại các nơi này bao gồm hệ thống radar tầm xa và rằng điều này có thể gây ra các vấn đề đối với quyền tự do hàng hải đặc biệt là đối với các tàu bè của Úc trong khu vực.

VOA: Nếu quả đúng như vậy, theo ông, chính phủ Úc và các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam chẳng hạn, có thể làm gì để ứng phó với bước tiến mới này của Trung Quốc?

GS Carl Thayer: Một vấn đề đang được thảo luận là vì Hoa Kỳ không phải là một bên đã ký kết vào Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển cho nên một số thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông có thể được thực hiện bởi các nước như Úc chẳng hạn, quốc gia đã ký Công ước này. Trung Quốc đã ngưng xây mới tại 4 trong số các địa điểm ở đó và hiện đang củng cố xây dựng các cao ốc, bến tàu, chỗ hạ neo cho các tàu có diện tích lớn. Họ không cần tiếp tục lấy đất lấp xung quanh các bãi cạn nữa. Việt Nam có thể làm gì trong khi Hà Nội luôn do dự khi đưa ra một phản kháng về mặt pháp lý đối với Trung Quốc.

Rõ ràng Việt Nam đang đi nước đôi trong khi Hà Nội vui mừng vì đã khắc phục được những rạn nứt với Trung Quốc sau vụ giàn khoan 981 năm ngoái, họ không muốn làm Bắc Kinh phật ý mà thể hiện rõ ràng nhất là báo chí nhà nước VIệt Nam đã giữ im lặng khá lâu mới trưng ra những hình ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đất đai của Trung Quốc ở Biển Đông cho công chúng trong nước biết và báo nhà nước cũng hạn chế các bài chỉ trích chính sách của Trung Quốc.

Một mặt, Việt Nam không muốn dính líu trực tiếp vào căng thẳng với Trung Quốc, nhưng một mặt họ muốn khuyến khích Hoa Kỳ can dự, với chuyến công du cấp cao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ sắp tới đây và ít nhất là 7 thành viên trong Bộ Chính trị Việt Nam thực hiện các chuyến thăm riêng rẽ khác tới Mỹ trong năm nay để đánh dấu kỷ niệm 2 thập niên bình thường hóa quan hệ song phương. Cho nên, VIệt Nam xem ra đang tìm cách vận động Mỹ đóng vai trò chủ động hơn trong vấn đề Biển Đông.

VOA: Về mặt pháp lý, theo ông, có thể làm gì để chặn đứng các bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông?

GS Carl Thayer: Phải có những hành động thách thức Trung Quốc. Thứ nhất là về vấn đề từ ngữ, nhiều người mô tả các hoạt động Trung Quốc là cải tạo đất, bị kẹt chỗ đó. Không phải vậy, những gì đang diễn ra là Bắc Kinh đang lấy đất cát từ dưới đáy biển lên, không phải là từ các vùng đất nổi mà từ các vùng đất chìm dưới mặt biển mà theo luật gọi là bãi nổi khi triều xuống. Do vậy, bất kể những gì Trung Quốc xây dựng trên đó cho dù là đảo nhân tạo đi nữa, theo luật quốc tế, họ cũng không đủ tư cách pháp lý đối với một vùng phòng không mà chỉ đủ tư cách pháp lý với vùng an toàn riêng của họ mà thôi. Mà Trung Quốc thì đang tìm cách nhận chủ quyền vượt hơn những thứ đó nữa, ngay cả vùng 12 hải lý của họ cũng chồng chéo với khu vực 12 hải lý của Việt Nam.

Kế hoạch về các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải do Mỹ nêu lên, dù chưa loan báo, là một cách để thách thức Trung Quốc bằng việc cho tàu bè qua lại các vùng biển để khẳng định quyền tự do hàng hải và thực hiện các chuyến bay ngang qua vùng biển mà Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nhận đó là không phận quân sự của mình. Trung Quốc hành xử vô trách nhiệm và vô luật lệ. Cho nên, một trong những cách phản ứng là phải đương đầu với họ bằng các thách thức, cho tàu bè qua lại đó và tìm cách chấm dứt các cuộc tuần tra của họ. Tương tự như đối với vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, phải điều máy bay B52 bay ngang qua đó để chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng họ không thể thực thi vùng ADIZ ở Biển Đông.

VOA: Theo ông có thể nhìn thấy gì liên hệ tới vấn đề Biển Đông sau chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

GS Carl Thayer: Trước chuyến đi Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ sang tham dự Đối thoại an ninh Shangri-La. Tôi nghĩ, các bộ trưởng của Mỹ, Nhật, và Úc sẽ gặp nhau trước đó và cùng đồng thanh trong bản hợp ca. Tôi có mặt ở cuộc Đối thoại năm ngoái khi Trung Quốc nói là họ bị công kích. Năm nay, ở sự kiện này chúng ta cũng sẽ thấy những yêu cầu, tố cáo được đưa ra và sẽ có một cuộc khẩu chiến nữa tại Shangri-La. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên đường sang Việt Nam. Có những chỉ dấu cho thấy quan hệ quân sự đôi bên sẽ tiến triển sâu hơn. Hai bên sẽ ký Tuyên bố về Tầm nhìn chung. Dù chưa rõ nội dung Tuyên bố này, nhưng có thể nó sẽ đưa quan hệ quân sự hai nước tiến sâu thêm một bước nữa. Có phần chắc chúng ta sẽ nhìn thấy một số bước đi tới và có thể là sau đó chúng ta sẽ nghe loan báo về việc bán một số thiết bị và kỹ thuật quân sự cho Việt Nam để hỗ trợ Hà Nội trong lĩnh vực tuần duyên và bảo vệ biển.

Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng bình luận hoặc cho biết sẽ ứng phó thế nào trước tin Trung Quốc đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo do chính Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông.

Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ hôm 27/5 vừa khởi xướng chiến dịch thỉnh nguyện thư kêu gọi chính phủ của Tổng thống Obama cương quyết bảo vệ Luật biển bằng các biện pháp quân sự và ngoại giao trước thái độ gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thỉnh nguyện thư gửi Tòa Bạch Ốc đang thu thập chữ ký trên trang WhiteHouse.gov lên án rằng các hành động khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông đe dọa an ninh khu vực và thế giới.

Thỉnh nguyện thư nhấn mạnh Mỹ, trong vai trò một quốc gia Thái Bình Dương, phải bảo vệ các lợi ích quốc gia và quốc tế, phải cho Trung Quốc thấy họ bắt buộc phải ngay lập tức chấm dứt kiểm soát hải phận và không phận ở Biển Đông, ngưng cải tạo đất cũng như thôi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng và tôn trọng luật quốc tế. - VOA


No comments:

Post a Comment