Thursday, May 21, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 21/5

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ trên biển Đông --- Việc nâng cấp đầu đạn phi đạn của Trung Quốc gây quan ngại

Hải quân Trung Quốc hôm qua đã cảnh cáo một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ bay trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở biển Đông, và 8 lần yêu cầu máy bay này phải rút đi.

Theo phóng viên của CNN có mặt trên chuyến bay, khi các phi công người Mỹ đáp lại rằng máy bay của họ đang bay ở không phận quốc tế, thì người phát tín hiệu của Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ là hải quân Trung Quốc và yêu cầu máy bay phải “đi chỗ khác”.

Lời cảnh báo được đưa ra khi chiếc P8-A Poseidon, máy bay trinh sát tối tân nhất của Mỹ, bay ở độ cao thấp nhất là 4.500 mét.

Vụ việc mới nhất này cộng với chuyện Trung Quốc mới đây yêu cầu máy bay quân sự Philippines rời khỏi các khu vực quanh đảo Trường Sa ở biển Đông cho thấy khả năng Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt vùng cấm bay quân sự trên các hòn đảo mới xây dựng.

Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ về diễn biến mới nhất này:

“Hơn ai hết, Mỹ hết sức là quan tâm, thậm chí là rất lo ngại vì tất cả các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là các căn cứ mà Trung Quốc đang xây dựng, mang tính chất tấn công và mang tính chất theo dõi, khống chế các hoạt động hàng hải, hàng không qua khu vực này, mà lợi ích của Mỹ là trực tiếp và rất là lớn. Chắc chắn là với một nước có nền quốc phòng phát triển thì Mỹ hơn ai hết hiểu rõ sự nguy hiểm và tính chất nghiêm trọng của các công trình mà Trung Quốc đang làm, cho nên phản ứng đó có lý do của nó”.

Phát biểu trong buổi họp báo ngày hôm nay, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông không hay biết về vụ việc.

Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi tuyên bố rằng Trung Quốc “có quyền tiến hành theo dõi vùng không phận và lãnh hải để bảo vệ chủ quyền quốc gia và ngăn chặn các tai nạn trên biển”.

CNN dẫn lời chỉ huy máy bay trinh sát của Mỹ ở châu Á cho biết rằng chiếc P8-A Poseidon đã bị “thách thức” 30 phút, và ông tin rằng lời cảnh báo xuất phát từ trạm radar trên các đảo mới xây của Trung Quốc.

Một số chuyên gia an ninh lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ, nhất là sau khi một quan chức Mỹ tuần trước nói rằng Ngũ Giác Đài đang cân nhắc triển khai chiến hạm và máy bay quân sự tới để bảo vệ tự do hàng hải quanh các đảo mà Trung Quốc xây dựng.

Về kế hoạch này, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng các bên cần phải “thận trọng”.

Ông nói thêm: “Nếu như không cẩn thận thì tình hình này sẽ dẫn tới đụng độ của các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ. Nếu như sự xuất hiện đó [của Mỹ] mà không tuân thủ pháp luật, không tuân thủ các quy định, nguyên tắc luật pháp quốc tế mà vì các lợi ích của mình thì rõ ràng nó sẽ dẫn đến sự đụng độ. Nếu không khống chế, không kiểm soát được, phân biệt rõ ràng trắng đen, thì có thể dẫn đến hậu quả rất lớn”.

Mỹ luôn tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp ở biển Đông, nhưng khẳng định quyền lợi quốc gia đối với tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới tại vùng biển này.

Những tuần qua, quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các hoạt động lấp biển, xây đảo của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở biển Đông.

Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Việt Nam trong tuần, Phó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc đã “đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng cách hành động lấp biển”.

Nhà ngoại giao này nói: “Các dự án lấn biển, xét về quy mô và khả năng quân sự hóa, có thể gây mất ổn định và gây thêm căng thẳng cho khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền kiềm chế, không gây ra các hành vi gây hấn và xử lý tranh chấp một cách hòa bình, và thông qua các cơ chế luật pháp”.

Trong khi đó, một bài bình luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo nói rằng Mỹ “đang đùa với lửa”. Tờ báo lá cải thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc coi đó là một hành động nguy hiểm, và là một cuộc chiến gián tiếp của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. 

Còn về phía Việt Nam, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 hôm 20/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói rằng nhiều cử tri “lo lắng” về việc Bắc Kinh xây đảo ở biển Đông.

Cũng tại phiên họp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Trước đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang được báo chí trong nước dẫn lời phát biểu tại một cuộc gặp cử tri ở TP HCM rằng “không có chuyện sợ hay không sợ” Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Trong một tin liên quan khác, một phúc trình của Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang nâng cấp khả năng phi đạn của mình bằng cách đặt nhiều đầu đạn hạt nhân thu nhỏ trên các phi đạn đạn đạo. Trung Quốc đã có khả năng làm việc này từ thập niên 1990, nhưng các động thái gần đây nhằm hiện đại hóa lực lượng phi đạn đã khơi ra những quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trạng khu vực ở châu Á. Ông Hans Kristensen là giám đốc của Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn Khoa học Mỹ nói:

“Đây là một trong những ảnh hưởng gián tiếp tai hại của việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, đó là xu hướng kích hoạt các mô hình hành động hay phản ứng trong việc hiện đại hóa trong tương lai. Do đó mọi người phải thật cẩn thận. Khi anh hỏi về bất cứ nước nào trong các nước này thì không có nước nào thật sự ấn tượng, không có nước nào là rất quan trọng, nhưng nó sẽ tăng lên theo thời gian."

Theo Ngũ Giác Đài, Trung Quốc đã tái thiết lực lượng 20 phi đạn DF-5 của họ để trang bị cho chúng các đầu đạn hạt nhân khó đánh chặn hơn. Trung Quốc hiện có khả năng nhắm mục tiêu tới Hoa Kỳ với hơn 40 đầu đạn, nhà phân tích Mỹ nói.

Sự gia tăng như thế về khả năng quân sự đã khơi ra những nghi ngờ về tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này tăng chi tiêu quân sự chỉ vì mục đích phòng vệ. Ông Vương Đông, một giáo sư tại đại học Bắc Kinh, phản bác rằng quân đội Trung Quốc vẫn còn chưa theo kịp các nước khác về mặt kỹ thuật và khả năng. Ông nói:

“Khả năng chiến lược của Trung Quốc thực sự không tương xứng với Hoa Kỳ hay Nga."

Việc nâng cấp lực lượng phi đạn của Trung Quốc nêu bật thái độ quả quyết của nước này ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), mà nhiều nước châu Á cũng tuyên bố chủ quyền. Hoa Kỳ từng nói sẽ gửi tàu và máy bay giám sát đến khu vực để đáp ứng lại các tranh chấp lãnh hải trên vùng nước có tiềm năng giàu tài nguyên này. Giáo sư Carl Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, cho biết:

“Trong các hoạt động khai hoang đất của mình Trung Quốc đã thực hiện điều mà tôi đã nói trong một báo cáo đưa ra trước đây là sự cắt bỏ trái tim của biển Đông Nam Á. Và thực tế hoạt động khai hoang đang diễn ra ở bảy đảo đã dừng lại ở bốn đảo bởi vì họ đã hoàn tất giai đoạn hiện nay và bây giờ họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng: tòa nhà ba tầng, một đường băng dài 1.000 met."

Kỹ thuật trang bị các phi đạn với nhiều đầu đạn đã bị hạn chế bởi hiệp ước vũ khí chiến lược được gọi là SALT II, được ký kết vào năm 1979. Tàu ngầm của Mỹ và Nga vẫn mang tên lửa nhiều đầu đạn. Pháp và Anh cũng có các phi đạn có khả năng này. - VOA
|
|

2.
Malaysia huy động hải quân cứu thuyền nhân --- Thuyền nhân Châu Á: Miến Điện dưới áp lực quốc tế

Tiếp theo quyết định không xô đuổi người tỵ nạn vượt biển, hôm nay 21/05/2015, chính quyền Malaysia thông báo huy động hải quân và tuần duyên vào chiến dịch cứu vớt hàng nghìn người cùng khổ – chạy khỏi Miến Điện và Bangladesh vì nghèo đói và bị đàn áp - lênh đênh trên biển Adaman từ nhiều tuần nay, trong tình trạng cạn kiệt thực phẩm và nước uống.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố trên trang Facebook cá nhân: "Chúng ta cần phải cứu sống những người đang trong nguy khốn". Hôm qua 20/05, Indonesia và Malaysia đã thay đổi thái độ, với thông báo sẽ không đẩy lùi tàu thuyền của những người tỵ nạn, theo quyết định đầu tuần trước, bị Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức nhân đạo đã lên án mạnh mẽ.

Quyết định của Malaysia đưa hải quân vào cuộc cho thấy quốc gia này đã thay đổi hoàn toàn lập trường trong cuộc khủng hoảng khu vực từ mười ngày nay. 

Hôm nay 21/05/2015, thêm hàng trăm thuyền nhân đến được Aceh (Indonesia), phần lớn trong tình trạng hết sức ốm yếu, và gần như tê liệt sau nhiều ngày trên biển, một nhà báo của AFP có mặt tại chỗ cho biết. 

Trước đó, trong lúc chính quyền các nước láng giềng Đông Nam Á có chính sách đẩy đuổi thuyền nhân, hàng trăm người tỵ nạn đã được ngư dân Indonesia cứu vớt. 

Theo Kuala Lumpur, có khoảng 7.000 người còn đang trôi dạt trên biển. Cho đến nay, khoảng 3.000 người tỵ nạn đã đến được Malaysia, Indonesia và Thái Lan. 

Hôm qua 20/05/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Marie Harf, hoan nghênh quyết định hỗ trợ nhân đạo người tỵ nạn của ba nước nói trên, và ý định tiếp nhận 7.000 thuyền nhân. Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định việc Malaysia và Indonesia đổi hướng chính sách nói trên là một bước tiến quan trọng để giải quyết khủng hoảng.

Cộng đồng quốc tế, nhất là Hoa Kỳ tiếp tục gây áp lực, buộc Miến Điện hôm nay (21/05/2015) phải tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng thuyền nhân tại Đông Nam Á. Washington đã phải cử Trợ lý Ngoại trưởng đến Naypyidaw để bàn về hồ sơ này, trong khi đó, Malaysia tiến hành chiến dịch quân sự để cứu vớt các thuyền nhân trên biển.

Theo AFP, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken cùng với các Ngoại trưởng Anifah Aman (Malaysia) và Retno Marsudi (Indonesia), có cuộc gặp gỡ đại diện các quan chức chính phủ Miến Điện tại Naypiydaw trong ngày hôm nay. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề cập đến tình trạng sắc tộc thiểu số Rohingya bị đối xử phân biệt, một trong những sắc tộc bị công kích nhiều nhất trên thế giới, theo như đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là một chủ đề cấm kỵ tại Miến Điện.

Trước khi đến Naypiydaw, tại Jakarta hôm qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố là sẽ nói chuyện “thẳng thắn” với chính quyền Miến Điện về “trách nhiệm của quốc gia này trong việc cải thiện điều kiện sống tại bang Rakhine, sao cho người dân ở đây không còn cảm giác là họ không còn lựa chọn nào khác là phải liều mình vượt biển”. Malaysia hôm nay bất ngờ thông báo huy động lực lượng tuần duyên và hải quân để xác định vị trí và cứu trợ các thuyền nhân.

Ngay trước cuộc họp, chính phủ Miến Điện nhắc lại lập trường của mình là không công nhận người Rohingya như là một sắc tộc tại nước này và coi họ là dân nhập cư bất hợp pháp đến từ Bangladesh láng giềng, mặc dù một số đông người Rohingya đã sinh sống qua nhiều thế hệ tại Miến Điện. Phát ngôn viên của phủ Tổng thống Miến Điện cảnh báo: “Nếu như họ muốn bàn về người Rohingya, thì như đã nói, chúng tôi sẽ không chấp nhận thuật ngữ này ”. 

Cho đến nay, tại Miến Điện có khoảng 1,3 triệu người Rohingya sống tập trung chủ yếu ở bang Rakhine, đông bắc, giáp với Bangladesh. Họ không được chính quyền Miến Điện cấp giấy tờ tùy thân, không được quyền đi học và hưởng các chăm sóc y tế cũng như quyền làm việc tại nước này. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ công bố những bức thư mật của Osama bin Laden

Chính phủ Mỹ vừa công bố hàng chục tài liệu mà họ nói là thu được trong cuộc đột kích khu nhà của trùm khủng bố al-Qaida, Osama bin Laden, ở Pakistan hồi năm 2011.

Văn phòng của Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) cho hay những tài liệu được công bố sau khi đã được các cơ quan chính phủ thẩm xét kỹ lưỡng, theo quy định của một đạo luật thông qua vào năm ngoái. Một phát ngôn viên cho biết quyết định công bố những tài liệu này đúng với lời kêu gọi của Tổng thống về việc tăng cường tính minh bạch phù hợp với những đặc quyền an ninh quốc gia.

Các tài liệu công bố hôm thứ Tư có nhiều tài liệu đã được giải mật, thư riêng gửi tới những người trong gia đình của bin Laden, một danh sách những đầu sách bằng tiếng Anh được tìm thấy trong khu nhà của trùm khủng bố, những nghiên cứu của những viện nghiên cứu chính sách, phần mềm, cùng những tài liệu hướng dẫn kỹ thuật do những nhóm chủ chiến khác ấn hành.

Những năm cuối đời của bin Laden được cho là bị ám ảnh với nỗi sợ về công nghệ tiên tiến được sử dụng để săn lùng ông ta. Với gia đình của mình, ông đã đưa ra những chỉ dẫn cặn kẽ làm thế nào để tránh bị những đặc vụ của Mỹ lần theo tới chỗ ông ta.

Bin Laden được cho là đã khuyến cáo một trong những người vợ của ông ta phải cực kỳ thận trọng khi du hành từ Iran, vì "một số con chip gần đây đã được chế tạo để nghe trộm, nhỏ tới mức có thể giấu dễ dàng bên trong một ống tiêm." Tin tức cho hay bản dịch bức thư hồi tháng 9 năm 2010 của ông ta được CIA dịch lại.

Bin Laden đã bảo vợ "để lại tất cả mọi thứ" phía sau, bởi vì, "do người Iran không đáng tin cậy, họ có thể để gắn một con chip vào một số đồ đạc mà bà có thể mang theo."

Bức thư này nằm trong những tài liệu tình báo mà biệt kích Mỹ thu giữ được khi đột kích khu nhà của bin Laden và bắn chết ông ta ở Abbottabad, một thành phố gần một căn cứ quân sự của Pakistan, vào ngày 2 tháng 5 năm 2011.

Trong những bức thư khác, bin Laden phải cố sức giải thích cho cấp dưới của ông ta hiểu vì sao an ninh lại là vấn đề tối quan trọng, ngay cả khi điều này khiến hoạt động thánh chiến toàn cầu trở nên khó khăn hơn nhiều.

"Về việc sử dụng Internet, trao đổi liên lạc chung chung thì được, nhưng sự bí mật của phong trào thánh chiến không cho phép sử dụng Internet, và người đưa tin là cách duy nhất," ông ta viết.

Atiyah Abd al Rahman, một chỉ huy al-Qaida được biết với cái tên Mahmud, người được cho là cánh tay mặt của bin Laden, tỏ ra ngần ngại về lối làm việc này.

"Vấn đề rất phức tạp. Làm thế nào chúng ta có thể liên lạc với các anh em ở Algeria, Iraq, Yemen và Somalia?" Rahman đặt câu hỏi trong một lá thư mà đã không thành công khi hối thúc bin Laden cho phép liên lạc trên mạng. "Đôi khi không còn phương tiện nào khác [ngoại trừ email hay Internet ], sau khi đã thực hiện những biện pháp đề phòng."

Dưới quyền bin Laden, mạng lưới khủng bố al-Qaida đã thực hiện nhiều cuộc tấn công trên toàn thế giới, đáng chú ý nhất là âm mưu lao những máy bay bị cướp vào thành phố New York và Washington – những vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 – khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng. Đáp lại, Mỹ đã đưa binh sĩ sang Afghanistan và lật đổ Taliban lúc bấy giờ đang kiểm soát phần lớn nước này, khởi sự cuộc chiến ở Afghanistan còn tiếp diễn tới tận ngày nay.

Mỹ và các nước đồng minh cũng lập một liên minh xâm chiếm Iraq vào năm 2003 và truất phế nhà độc tài Saddam Hussein.

Trong một thông cáo, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, dân biểu Devin Nunes, nói: "Đây là lợi ích của công chúng Mỹ để cho người dân, giới học thuật, báo chí, và sử gia có cơ hội đọc và tìm hiểu các tài liệu của bin Laden".

Dân biểu Nunes cho rằng ngành tình báo Hoa Kỳ hôm nay đã tiến đúng hướng khi công bố 86 báo cáo mới. Ông Nunes nói thêm rằng tổng số báo cáo đã tiết lộ về cuộc tấn công hạ sát bin Laden hiện là 120, và nhấn mạnh "Tôi trông chờ kết cục các nỗ lực hiện nay trong việc tiết lộ hàng trăm báo cáo về Abbottabad còn lại, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội". - VOA
|
|

4.
Fed chưa vội tăng lãi suất vào tháng 6

Các quan chức hàng đầu của ngân hàng trung ương Mỹ dường như sẽ không nâng lãi suất cơ bản vào tháng Sáu như một số nhà phân tích đã dự kiến.

Ghi chú từ cuộc họp gần đây nhất tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức đang cố gắng hiểu số liệu kinh tế đáng thất vọng mới đây cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, và lạm phát vẫn thấp hơn so với mức mà họ coi là lý tưởng.

Bản tóm tắt được công bố hôm thứ Tư sau khoảng thời gian chậm ba tuần.

Cuộc họp tiếp theo của ủy ban định mức lãi suất là vào ngày 16-17 tháng 6. Một số nhà phân tích được dẫn lời trong báo chí tài chính giờ cho rằng lãi suất sẽ tăng vào tháng 9 hoặc sau đó.

Fed đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2008 trong một nỗ lực nhằm chống lại suy thoái kinh tế. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay tiền cần có để mua hàng hóa, nhờ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế và tăng trưởng.

Với tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống gần mức bình thường, các quan chức đang đợi thời điểm thích hợp để chấm dứt gói kích thích kinh tế này. Ngưng hỗ trợ quá sớm thì nền kinh tế có thể trượt vào suy thoái trở lại. Duy trì gói kích thích kinh tế quá lâu có nguy cơ đẩy lạm phát lên mức có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.

Tình hình có thể được làm rõ vào ngày thứ Sáu, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen dự kiến sẽ có một bài phát biểu về triển vọng kinh tế của Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam học kinh nghiệm đổ bộ từ Mỹ --- Mỹ phô trương kỹ năng đổ bộ tại hội nghị với lãnh đạo quân sự châu Á

Một phái đoàn của quân đội Việt Nam mới vừa chứng kiến các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ thể hiện khả năng đổ bộ lên bờ biển ở Hawaii, trong khi Trung Quốc không được mời.

Các sĩ quan quân sự Việt Nam hôm 19/5 có cơ hội học hỏi các kỹ năng đổ bộ của các thủy thủ và binh sĩ thủy quân lục chiến tại một căn cứ hải quân của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Thiếu tá lục quân Mỹ Christina Henry cho biết:

“Chúng tôi học hỏi lẫn nhau và tìm hiểu các thách thức cũng như các cách hỗ trợ nhau. Từ số lượng các quốc gia tham dự, có thể thấy sự quan tâm của các nước”.

Việt Nam là một trong số 23 đoàn trong khu vực được Mỹ mời tới tham dự một hội nghị lần đầu tiên quy tụ các chỉ huy lực lượng đổ bộ của các quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài Việt Nam, còn có sự hiện diện của các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Philippines mà hiện có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và các nước đối tác khác như Malaysia và Singapore.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại không được mời tham dự sự kiện này vì theo tin tức, nước này là “đối thủ cạnh tranh” của Mỹ cũng như một số quốc gia khác.

Ngoài ra, theo phát ngôn viên của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, luật pháp Hoa Kỳ cấm các hình thức trao đổi với quân đội Trung Quốc tại các sự kiện như thế này.

Thủy quân lục chiến Mỹ có lực lượng đổ bộ được coi là lớn nhất trên thế giới với khoảng 80.000 binh sĩ.

Với 12.000 lính thủy quân lục chiến, Trung Quốc được coi là một đối thủ mạnh của Mỹ, trong khi các quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở biển Đông lại không có một lực lượng đổ bộ lớn.

Hội nghị nhằm thảo luận cách thức quân đội các nước phối hợp và tăng cường khả năng đổ bộ diễn ra trong bối cảnh vấn đề tranh chấp lãnh hải ở châu Á-Thái Bình Dương đang nóng lên.

Theo phát ngôn viên của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, nghị trình của hội nghị bao gồm chiến thuật tấn công đổ bộ, trong đó có các cuộc tấn công từ tàu đổ bộ vào bờ.

Thủy quân lục chiến và thủy thủ Mỹ hôm thứ Tư 20/5 trình diễn kỹ thuật đổ bộ binh lính lên bãi biển, trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo quân sự đến từ các nước ven Thái Bình Dương.

Chỉ huy quân đội của 23 nước đến dự Hội nghị tác chiến đổ bộ (PALS) đầu tiên do Hải quân Hoa Kỳ tổ chức tại Hawaii, quy tụ các vị chỉ huy lực lượng đổ bộ nước ngoài triển khai chủ yếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sáng sớm thứ Ba, các chỉ huy lực lượng đổ bộ nước ngoài được mời tham quan căn cứ không quân Hickam, gần Honolulu, trong một chuyến bay 20 phút trên vùng biển quanh đảo Oahu tới tàu tấn công đổ bộ USS Essex và các tàu khác, để xem quân lực Mỹ trình diễn kỹ năng.

Ban tổ chức nói mục tiêu nhắm tới là thảo luận về cách thức mà quân đội các nước có thể phát triển khả năng đổ bộ và phối hợp hoạt động. - VOA
|
|

6.
Tổng thống Obama 'mong' đón ông Trọng

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nói tại thành phố Hồ Chí Minh rằng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama 'rất mong' đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu tại Trung tâm Hoa Kỳ hôm 19/5 trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam, ông Blinken nói:

"Tổng thống Obama rất mong được đón tiếp Tổng bí thư [Nguyễn Phú Trọng] ở Washington.

"Đây là chuyến đi lịch sử. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng bí thư tới Washington và Hoa Kỳ.

"Tôi nghĩ nó sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ cho thế giới rằng các cựu thù, vốn đối đầu trong cuộc chiến khó khăn và gây biết bao đau khổ, có thể trở thành bạn."

Hiện chưa rõ chính xác thời gian ông Trọng sẽ tới Hoa Kỳ nhưng một số nguồn tin nói có thể trong tháng tới.

Trung Quốc có 'tiềm năng làm mất ổn định'

Trong họp báo chiều 19/5, ông Blinken cũng trả lời một loạt các câu hỏi của phóng viên.

Ông nói ông đã gặp đại diện xã hội dân sự ở Hà Nội và nói trong khi vẫn còn các thách thức thật sự đối với tự do bày tỏ, ngày nay số người dùng Facebook ở Việt Nam đã lên 22 triệu và số người kết nối mạng là 30 triệu.

Về tình hình trên Biển Đông, quan chức ngoại giao Mỹ nói tại cả Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra những tuyên bố chủ quyền hay đơn phương làm thay đổi hiện trạng bằng các dự án xây dựng.

Ông nói Hoa Kỳ có "lợi ích lớn" trong việc bảo vệ các tập quán và luật lệ quốc tế và những gì Trung Quốc làm đang đi ngược lại lợi ích của Washington.

Vị Thứ trưởng nói các dự án xây dựng, cả kích cỡ, quy mô và phạm vi, tiềm năng để quân sự hóa, đều có tiềm năng làm mất ổn định và gây căng thẳng trong khu vực. Đây không phải là điều Hoa Kỳ muốn.

Về quan hệ song phương sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Blinken nói kim ngạch thương mại hai bên đạt 35 tỷ đô la một năm và hiện có 17.000 sinh viên đang du học ở Hoa Kỳ.

Thứ trưởng nói ông thấy hài lòng khi một số khảo sát cho thấy 85% số người dưới 30 tuổi có cái nhìn tích cực đối với Hoa Kỳ. - BBC


No comments:

Post a Comment