Tin Thế Giới
1.
Sách trắng quốc phòng: Trung Quốc khẳng định tăng cường hải quân --- Đài Loan đề nghị giải pháp hòa bình tại Biển Đông
Hôm nay 26/05/2015, chính quyền Trung Quốc ra Sách trắng quốc phòng khẳng định chiến lược quân sự trong thời gian tới, chú trọng phát triển sức mạnh hải quân bên ngoài phạm vi lãnh hải. Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc được công bố đúng vào lúc nguy cơ đụng độ quân sự gia tăng tại khu vực xung quanh các đảo nhân tạo tranh chấp, Trung Quốc đang mở rộng tại Trường Sa, bị nhiều nước lên án.
Theo AFP, với chiến lược mới này, Hải quân Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào vùng biển khơi xa, nhiều hơn trước đây là chỉ vào các vùng biển ven bờ, và không quân nước này cũng sẽ chuyển trọng tâm từ việc "bảo vệ lãnh thổ quốc gia sang cùng lúc thực hành hai nhiệm vụ phòng ngự và tấn công". Cũng thông báo nói trên khẳng định quân đội Trung Quốc sẽ gia tăng khả năng cơ động và hỏa lực "tấn công tầm xa và tầm trung".
Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết Sách trắng mang tên "Chiến lược quân sự của Trung Quốc", gần 9.000 chữ, do cơ quan thông tin của chính phủ Trung Quốc công bố là một điều chỉnh chiến lược quân sự của nước này, nhấn mạnh đến việc "giành chiến thắng trong các xung đột được tin học hóa ở quy mô địa phương" trong bối cảnh các phương tiện quân sự được sử dụng ngày càng hiện đại, chiến tranh có thể diễn ra trên biển, trên không gian, trên mạng và trong lĩnh vực hạt nhân.
Trên thực tế, trước Sách trắng quân sự vừa được công bố, Trung Quốc đã có chủ trương gia tăng chi phí cho quân đội hiện được đầu tư hàng thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ), với tỷ lệ hơn 10% trong nhiều thập niên tới. Hải quân là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.
Sách trắng quân sự nói trên được Trung Quốc đưa ra đúng vào lúc nguy cơ đụng độ vũ trang gia tăng tại quần đảo Trường Sa, Biển Đông, nơi Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng các đảo nhân tạo, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng Đông Nam Á và quốc tế, trước hết là Hoa Kỳ. Thứ sáu tuần trước, Trung Quốc thông báo quân đội nước này đã "xua đuổi" một máy bay do thám của Hoa Kỳ, bay gần các hòn đảo tranh chấp. Về phía Hoa Kỳ, chuyến bay của chiếc Poseidon P-8 hoàn toàn nằm trong không phận quốc tế.
Truyền thông Trung Quốc hôm nay loan tin, chính quyền nước này sẽ xây thêm hai ngọn đèn biển cao 50 mét tại bãi Châu Viên (Cuarteron Reef) và đảo Gạc Ma (Johnson South Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là hai địa điểm mà Việt Nam và Philippines đều đòi hỏi chủ quyền. Năm 1988, Hải quân Trung Quốc đã tấn công đảo Gạc Ma, do quân đội Việt Nam quản lý, và chiếm đóng đảo này từ đó đến nay.
Theo văn bản chiến lược mới công bố Trung Quốc sẽ tập trung vào tăng cường sự hiện diện quân sự bên ngoài lãnh hải. Lực lượng hải quân sẽ tập trung vào “bảo vệ các vùng biển rộng” hơn là chỉ “phòng vệ vùng biển ven bờ”.
Trung Quốc cũng sẽ tăng tốc trong việc phát triển lực lượng mạng để giải quyết các “đe dọa an ninh nghiêm trọng”, theo văn bản của Quốc vụ viện cho biết.
Sách Trắng quân sự 2015 nhấn mạnh bốn lĩnh vực đặc biệt quan trọng: đại dương, vũ trụ, hạt nhân và không gian ảo. Chính sách hải quân gần đây cuả Trung Quốc gây ra tai tiếng nhất.
Trong vài năm qua, Trung Quốc cũng tập trung vào xây dựng lực lượng hải quân và cho phát triển tàu sân bay và đầu tư mạnh vào tàu ngầm và các loại tàu chiến khác.
Sách Trắng về chiến lược quân sự cũng đưa ra cảnh báo trước những đe dọa về quyền và lợi ích mà Trung Quốc phải đối mặt.
Trung Quốc “sẽ chỉ tấn công khi bị tấn công, nhưng sẽ phản công” và nhắc tới “những hành động khiêu khích của các láng giềng ngoài biển” và “các phe bên ngoài tự liên hệ vào vấn đề biển Nam Trung Hoa”.
Trong cuộc họp báo công bố văn bản, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân nói: “Nhìn từ góc độ chủ quyền, việc Trung Quốc phát triển xây dựng trên các đảo của mình hoàn toàn không khác gì so với các loại xây dựng khác trên khắp đất nước.”
Ông nói xây dựng trên đảo “có lợi cho toàn bộ cộng đồng quốc tế” vì giúp Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường.
Sách Trắng mang tựa đề ‘Chiến lược quân sự của Trung Quốc’ cũng nói lực lượng không quân sẽ chuyển ưu tiên từ phòng vệ không phận lãnh thổ thành tấn công và phòng vệ với khả năng quân sự rộng lớn hơn.
Trong cùng thời điểm, Chính quyền Đài Loan đưa ra một sáng kiến hòa bình trong nỗ lực ngăn chặn chiến tranh bùng nổ tại Biển Đông: Tất cả các bên tạm ngưng đòi hỏi chủ quyền để đàm phán.
Do tổng thống Mã Anh Cửu thông báo, sáng kiến hòa bình của Đài Loan yêu cầu tất cả các bên tạm ngưng đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông để tiến hành đàm phán phân chia tài nguyên tại vùng biển có nhiều dầu khí, hải sản và là tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới.
Đề nghị được đưa ra nhân Hội nghị Công pháp quốc tế tổ chức ngày hôm nay 26/05 tại Đài Bắc. Tổng thống Mã Anh Cửu nhấn mạnh đến nhu cầu "quyền tự do lưu thông trên không, trên biển và các vấn đề đang tranh chấp cần phải được giải quyết một cách ôn hòa trước khi xẩy ra chiến tranh".
Tiếp theo đó, trong cuộc tiếp xúc với báo chí, Ngoại trưởng David Lin tuyên bố "hy vọng Hoa lục thông hiểu tinh thần và nguyên tắc trong sáng kiến của Đài Loan".
Sáng kiến Biển Đông của Đài Loan cũng tương tự như "Sáng kiến Hoa Đông" đã mang lại kết quả tốt đẹp, cho phép Đài Bắc và Tokyo ký được thỏa thuận đánh cá vào năm 2012.
Trung Quốc xây hải đăng ở Trường sa
Tuy nhiên, theo Reuters, ít có cơ may đề nghị của Đài Loan được Bắc Kinh chấp thuận. Tân Hoa xã loan tin bộ trưởng Giao thông Trung Quốc chứng kiến lễ khởi công xây hai ngọn hải đăng tại đảo đá Cuateron Reef và Johnson South Reef mà Việt Nam gọi là Châu viên và Gạc ma bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988.
Hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn. Các động thái này, theo Reuters, sẽ làm tình hình căng thẳng tại Biển Đông leo thang
Tổng thống Đài Loan đưa ra sáng kiến hòa bình một ngày sau khi Hoàn Cầu Thời Báo, đại diện cho xu hướng diều hâu tại Hoa lục đe dọa, nếu Hoa Kỳ không từ bỏ đòi hỏi Trung Quốc ngưng xây dựng, cải tạo các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường sa thì "không thể tránh được chiến tranh".
Hoa Kỳ và Philippines khẳng định tiếp tục bay trên không phận Trường Sa. Washington điều thêm tàu chiến vào khu vực và tuyên bố không để cho Trung Quốc khống chế trên không và trên biển khu vực chiến lược, đặt quốc tế trước chuyện đã rồi.
Bắc Kinh xem Biển Đông là "ao nhà" theo một lằn ranh 9 đoạn như cái lưỡi bò lấn sâu tận bờ biển các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Đài Loan cũng kiểm soát một đảo lớn và thường xẩy ra xung khắc với Philippines. - RFI, BBC
|
|
2.
Malaysia không cho lãnh tụ phong trào sinh viên Hồng Kông nhập cảnh
Đến Malaysia để diễn thuyết về phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và kỷ niệm thảm sát Thiên An Môn, lãnh tụ phong trào sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã bị chính quyền Malaysia hôm nay (26/05/2015) từ chối cho nhập cảnh.
AFP dẫn nguồn tin xin dấu tên từ cơ quan di trú ở sân bay Penang xác nhận đã chặn Hoàng Chi Phong ngay cửa khẩu và sau đó đưa nhà hoạt động này trở lại máy bay để về Hồng Kông. Tuy nhiên vị quan chức đó từ chối cho biết lý do vì sao.
Sự việc đã được Hoàng Chi Phong khẳng định trên tài khoản Twitter của mình: "Chính quyền Malaysia đã không cho phép tôi vào cửa khẩu. Dẫn tôi trở lại máy bay về lại Hồng Kông". Hoàng Chi Phong viết thêm, nhân viên hải quan Malaysia chỉ giải thích là theo “lệnh của chính phủ”.
Trả lời phỏng vấn nhật báo South China Morning Post, lãnh tụ trẻ tuổi phong trào sinh viên ủng hộ dân chủ cho biết anh đến Malaysia theo lời mời của một nhóm nhà hoạt động tại đó để “chia sẻ kinh nghiệm, các quan điểm về phong trào Hoa Dù và sự cố Thiên An Môn 04/06/1989”.
Khi được hỏi về sự cố vừa xảy ra, phát ngôn viên cơ quan xuất nhập cảnh chính quyền Hồng Kông cho rằng việc nhập cảnh vào một quốc gia khác “không nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền”. Chính quyền Hồng Kông khẳng định không áp dụng một lệnh nghiêm cấm đi lại nào đối với Hoàng Chi Phong. - RFI
|
|
3.
Chiến thắng của Nhà nước Hồi giáo gây khủng hoảng ở Iraq, Syria
Những chiến thắng của Nhà nước Hồi giáo trong thời gian qua ở Iraq và Syria cho thấy rõ là chỉ không kích thôi thì không đủ để ngăn chặn đà tiến của nhóm chủ chiến cực đoan này. Trong khi đó, phương Tây, kể cả Hoa Kỳ, vẫn không muốn đưa quân đội vào khu vực, còn các lực lượng địa phương hình như đang có chiều hướng rút lui hơn là chiến đấu chống những kẻ xâm lăng tàn bạo. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường trình rằng cuộc tiến chiếm của nhóm Nhà nước Hồi giáo đang gây ra một cuộc khủng hoảng người chạy loạn nữa ở Trung Ðông.
Mấy vạn người trốn chạy bạo động của Nhà nước Hồi giáo ở Ramadi. Các lực lượng an ninh đang chặn dòng người chạy loạn này đổ vào thủ đô Baghdad.
Trung Tướng Abdul-Amir Al-Shamari, thuộc Bộ tư lệnh Hành quân Thủ đô Baghdad, cho biết:
"Bộ Tư lệnh Hành quân Baghdad không cho phép một số lượng lớn đến hàng trăm ngàn người thất tán hoảng loạn như vậy vào thủ đô. Cách thức vào thủ đô phải được tiến hành một cách có hệ thống."
Phó Thủ tướng Iraq Saleh Al-Mutlaq khiển trách các lực lượng chính phủ.
"Cách đối xử với người dân như thế này là không thể chấp nhận được và không được cho phép thực hiện bằng bất cứ cách nào. Tình hình này đã lên tới mức khiến chúng tôi không thể kiên nhẫn hơn được nữa khi chúng ta nhìn thấy người dân Iraq chết vì đói khát."
Trong khi đó, tin tức từ Syria cho hay các lực lượng của phe Nhà nước Hồi giáo đã giết hại hàng trăm thường dân sau khi phe này tiến vào thành phố cổ Palmyra, làm bùng ra những cuộc thảo luận trên khắp thế giới về những cách thức để ngăn chặn phe cực đoan này.
Ngoại trưởng Qatar Khalid Bin Mohammad Al Attiyah phát biểu:
"Từ trước tới nay chúng tôi luôn nói rằng chiến dịch không kích thôi là chưa đủ."
Đang có áp lực ở Hoa Kỳ đòi đưa thêm bộ binh đến Iraq và Syria, nhưng cả chính quyền Tổng thống Obama lẫn người dân Mỹ đều không ủng hộ cho việc tiến hành thêm một cuộc chiến tranh tốn kém nữa. Các nhà lập pháp Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Barack Obama về điều họ gọi là thiếu một chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain phát biểu:
"Tin tức từ Palmyra của Syria nói rằng bọn chúng giết hại người dân và phơi xác nạn nhân ngoài đường. Trong khi đó tổng thống của Hoa Kỳ thì nói rằng kẻ thù lớn nhất của chúng ta hiện nay là biến đổi khí hậu."
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ trích quân đội Iraq tháo chạy và bỏ lại nhiều vũ khí hạng nặng. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thề quyết sẽ đẩy lui Nhà nước Hồi giáo.
"Nhưng tôi cam đoan rằng chúng tôi sẽ sớm chiếm lại. Tôi đang nói là trong vòng vài ngày tới."
Có một sự nhất trí đang gia tăng ở phương Tây rằng hành động quân sự chỉ có thể là một phần của chiến dịch toàn diện chống Nhà nước Hồi giáo. Các chiến lược khác phải bao gồm việc đối thoại giữa các phe phái kình chống nhau ở Trung Ðông, nhất là tại Syria, nơi người dân đang bị kẹt giữa hai lằn đạn của một bên là chế độ tàn ác và bên kia là các phần tử chủ chiến cực đoan tàn bạo. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
TQ nói xây đảo nhân tạo ở Biển Đông không khác gì xây cầu, sửa đường --- Việt Nam bắt 4 tàu đánh cá TQ
Trung Quốc nói rằng hoạt động xây đảo nhân tạo qui mô lớn mà họ thực hiện tại các bãi cạn và đảo san hô ở Biển Đông đang có tranh chấp không khác gì những dự án công chánh như sửa chữa đường sá hay xây dựng cầu cống, chung cư. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường trình từ Bắc Kinh.
Vấn đề nước nào làm chủ những hòn đảo và những bãi cạn ở Biển Đông đã là một nguồn gây căng thẳng giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam cùng với Hoa Kỳ và các nước khác trong những năm vừa qua.
Nhưng vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này đã trở nên kịch liệt hơn trong vài tuần nay sau khi có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thực hiện những dự án lấp biển lấy đất qui mô lớn để xây dựng những cơ sở quân sự trong vùng biển có tranh chấp.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm nay cho báo chí biết rằng theo quan điểm của ông tình trạng này không liên hệ gì tới những hoạt động hay cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thay vào đó, ông nói rằng vụ này trở thành một vấn đề gây tranh cãi chỉ vì các nước khác cố tình thao túng vấn đề này.
"Một trong các lý do đó là một số người đang tìm cách bôi nhọ quân đội Trung Quốc và cố ý phóng đại những mối lo ngại về sự ổn định của khu vực. Chúng ta không thể loại bỏ khả năng là một số quốc gia đang làm việc này để tạo ra một cái cớ cho những hành động mà họ có thể sẽ thực hiện trong tương lai."
Ông Dương cho biết như vậy tại một cuộc họp báo ngày hôm nay 26/5 để công bố bản phúc trình quốc phòng hàng năm của Trung Quốc có tên là Chiến lược Quốc phòng Trung Quốc.
Ông Dương không cho biết ông muốn nói tới nước nào hay những loại hành động nào mà những nước đó có thể thực hiện, nhưng rõ ràng là những phát biểu của ông là đề cập trực tiếp tới Hoa Kỳ.
Các chuyến bay trinh sát của Mỹ gần những bãi cạn mà Trung Quốc đang cải tạo cho thấy mấy mươi chiếc tàu đang ráo riết tiến hành hoạt động lấy đất lấp biển và xây dựng sân bay, đài kiểm soát không lưu và những cơ sở quân sự khác.
Bạch thư quốc phòng Trung Quốc công bố hôm nay đề cập tới các kế hoạch để tăng cường sức mạnh quân sự ở những nơi nằm rất xa bờ biển của nước họ. Họ cho biết hải quân sẽ chuyển trọng tâm từ bảo vệ duyên hải sang bảo vệ biển cả. Phúc trình cũng nói rằng không quân Trung Quốc sẽ chuyển trọng tâm từ phòng vệ không phận lãnh thổ sang phòng thủ và tấn công.
Khi được hỏi phải chăng đây là một kế hoạch nhằm làm cho quân đội Trung Quốc có khả năng chiến đấu ở những nơi xa xôi, phát ngôn viên Dương Vũ Quân nói rằng chính sách tổng thể của Trung Quốc không có gì thay đổi.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi con đường phát triển trong hoà bình và duy trì tư thế phòng vệ về mặt quân sự. Trung Quốc không bao giờ muốn làm bá chủ hoặc theo đuổi chủ nghĩa bành trướng quân sự."
Các giới chức tại cuộc họp báo cho biết Trung Quốc hiện nay không có kế hoạch để thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài. Khi được hỏi về kế hoạch xây thêm tàu sân bay, một khí cụ vô cùng cần thiết để phát huy sức mạnh quân sự xa bờ, các giới chức nói rằng những quyết định như vậy sẽ được thực hiện dựa trên tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu quân sự tổng thể của Trung Quốc.
Trong một tin liên quan, Việt Nam mới bắt 4 tàu với 50 thuyền viên của Trung Quốc bị coi là đánh bắt trái phép trên vùng biển của Việt Nam, hơn một tuần sau khi Bắc Kinh đơn phương cấm đánh bắt cá trên biển Đông và cả Vịnh Bắc Bộ.
Theo lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Bình, các tàu trên bị phát hiện trên vùng đánh bắt cá chung thuộc Vịnh Bắc Bộ. Trong số đó, chỉ có một tàu có giấy phép đánh bắt hợp lệ.
Các tàu này sau đó đã bị lập biên bản và bị đuổi ra khỏi vùng biển mà giới hữu trách trong nước nói là “thuộc chủ quyền” của Việt Nam.
Ông Trịnh Thanh Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, cho VOA Việt Ngữ biết thêm chi tiết:
“Chúng tôi hoạt động, kiểm tra, giám sát trên vùng đánh cá chung. Nó ở trên vùng đánh bắt chung, vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ đấy. Nó ở trên vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng mà trong đó có một số lỗi. Một số tàu được cấp phép vào đây, nhưng có một số tàu quá hạn rồi một số tàu không có giấy phép, nhưng vẫn vào đánh.”
Phía Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức về vụ việc mà nhiều nhà quan sát cho là để trả đũa hành động cấm đánh bắt cá đơn phương hàng năm của Bắc Kinh.
Trung Quốc gần đây ra lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài nhiều tháng từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8 trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc trở lên, bao gồm cả vùng vịnh Bắc Bộ và vùng biển Hoàng Sa.
Chưa rõ là có ngư phủ nào của Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ hay không, trong lúc Hội Nghề cá Việt Nam gần đây kêu gọi ngư dân “bám biển”, bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc.
Vụ bắt và đuổi tàu cá của Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh tranh chấp trên biển đang nóng lên, và một tờ báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho rằng chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở biển Đông là "không thể tránh khỏi” nếu Washington không chấm dứt việc yêu cầu Bắc Kinh ngưng xây đảo nhân tạo.
Đây được coi là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam công khai thông báo về việc bắt tàu của Trung Quốc. Hồi tháng Ba vừa qua, sau khi nhận được tin báo của ngư dân về một chiếc tàu được gọi là “tàu lạ” xâm phạm lãnh hải Việt Nam, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đã triển khai hai chiếc tàu tới truy bắt.
Tuy nhiên, khi thấy lực lượng biên phòng Việt Nam, chiếc tàu mà truyền thông trong nước và các ngư phủ Đà Nẵng nói là tàu cá của Trung Quốc đã “bỏ chạy”.
Truyền thông trong nước từng đưa tin về nhiều vụ “tàu lạ” xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thời gian qua, “không chỉ khai thác trái phép hải sản, mà còn có dấu hiệu đưa phương tiện thăm dò, khiêu khích tàu cá ngư dân Việt Nam”. - VOA
|
|
5.
Blogger Trương Duy Nhất mãn hạn 2 năm tù
Hôm nay thứ Ba 26/05/2015, nhà báo blogger Trương Duy Nhất vừa mãn hạn hai năm tù giam với tội danh vi phạm điều 258 trong Bộ luật hình sự.
Hai năm về trước cơ quan an ninh điều tra, Bộ công an cùng với công an Đà Nẵng đã bắt khẩn cấp nhà báo, blogger Trương Duy Nhất tại nhà riêng với cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Vào ngày 4 tháng 3 Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tuyên phạt Trương Duy Nhất 2 năm tù về tội vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự. Sau đó trong phiên phúc thẩm ngày 26 tháng 6 Tòa án Nhân Dân tối cao Đà Nẵng vẫn giữ nguyên mức án này.
Ngay sau đó nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng kêu gọi Hà Nội phải thả ngay Trương Duy Nhất vì ông không vi phạm luật pháp Việt Nam mà chỉ thực thi quyền phát biểu của một công dân.
Sau khi ông bị bắt các báo lề phải cùng cho rằng ông đã đăng tải các bài viết phỉ báng, vu không và mạ lỵ các cấp cao nhất của chính phủ Việt Nam cũng như Đảng cộng sản Việt Nam từ ông Nguyễn Phú Trọng cho tới chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ý chí Trương Duy Nhất?
Sáng ngày hôm nay 26 tháng 5 chúng tôi may mắn liên lạc được với nhà báo Trương Duy Nhất tại Phi trường Vinh trước khi ông và gia đình bay về Đà Nẵng. Câu đầu tiên ông cho biết tình trạng sức khỏe của mình:
"Tôi bị cột sống thoái vị nặng mà. Nhưng nói chung không đến nỗi gì. Làm sao khuất phục được ý chí của Trương Duy Nhất?"
Khi chúng tôi hỏi cảm giác của ông thế nào khi ra khỏi trại giam với sự chào đón của gia đình, người thân lẫn bạn bè, ông nói:
"Đầu tiên không phải gia đình, gia đình và bạn bè tôi đi đón, và cái điều này chẳng có cảm xúc gì cả. Tới thời hạn trạ tự do thì họ phải buộc trả tự do cho tôi thôi và tôi đang muốn có một cái cảm xúc, cảm xúc mạnh nhất mà tôi mong nhất là khi Trương Duy Nhất vừa bước chân ra khỏi tù thì những thằng ích kỷ ăn tàn phá hoại đất nước những thằng đang bắt dân vô tội thì nó phải vào tù thay tôi và đó là điều tôi đang mừng thế thôi!"
Chúng tôi tỏ ý lo ngại cho ông vì mới ra khỏi nhà giam đã có thái độ rất quyết liệt như thế sẽ không tốt cho cuộc sống của ông về sau, Trương Duy Nhất dõng dạc nói trước khi lên máy bay:
"Tôi ngại gì? Tôi có tội đâu mà tôi ngại? Còn giả sử nó bỏ tù tôi tiếp chung thân hay tử hình đi nữa thì tôi có một câu tôi từng nói mà chắc bạn đã thuộc rồi. “Có thể cưỡng bức được hành vi chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng” (thôi tôi có vé rồi tôi phải vào lên máy bay) tôi chỉ gửi lời cảm ơn tất cả các bạn đọc của tôi đã quan tâm trong suốt thời gian hai năm tôi ở tù. Và Trương Duy Nhất đã vận động người chung lên tiếng một lần khi tất cả các người khác lên tiếng."
Nhà báo Trương Duy Nhất là ngòi bút cho nhiều tờ báo chính thống trong đó có tờ Đại Đoàn Kết và Công An Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 2011 ông tuyên bố bỏ viết báo để viết trên trang blog cá nhân của mình mang tên “Một góc nhìn khác”.
Từ trang blog này ông link hàng trăm bài đả kích thói xấu của cấp lãnh đạo và chế độ. Trang blog “Một góc nhìn khác” có số lượng truy cập nhất nhì Việt Nam và ngay sau khi bị bắt trang này đã bị chính quyền xóa tên trên mạng lưới Internet.
Bạn bè của ông Trương Duy Nhất cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông ra khỏi trại giam ở tỉnh Nghệ An, và đã đáp máy bay để về Đà Nẵng.
Các bức ảnh đăng trên các trang mạng xã hội cho thấy ông Nhất đứng giữa vợ, con và vẫn mặc chiếc quần có chữ “phạm nhân” khi tới sân bay Vinh để chuẩn bị về nhà.
Trang blog ‘Một góc nhìn khác’ của ông Nhất từng đăng tải nhiều bài viết chỉ trích quan chức chính phủ, trong đó có những bài như ‘chấm điểm thủ tướng’.
Blogger này bị cáo buộc đã ‘đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam’.
Trong khi đó, những người ủng hộ ông Nhất cho rằng ông đã bị bóp nghẹt quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình.
Hà Nội từng dẫn số người dùng Internet lên tới hàng chục triệu người làm bằng chứng cho quyền tự do sử dụng mạng của người dân.
Nhưng Việt Nam nhiều năm qua đã bị tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt vào danh sách các nước là ‘kẻ thù của Internet’. - VOA
|
|
6.
Hội Thảo: Hồi sinh Champa, từ quá khứ đến tương lai --- Lịch sử Champa là một phần của lịch sử Việt nam --- Cần nhìn lịch sử Champa một cách toàn vẹn hơn
Ngày 24/5/2015 tại Đại học UC Davis diễn ra một cuộc hội thảo của cộng đồng người Chăm tại hải ngọai. Sau đây là tường trình của Kính Hòa từ thành phố Davis, California.
Trong không gian yên tĩnh của khuông viên Đại học California tại thành phố Davis, một nhóm khỏang hơn 200 người làm xao động nhè nhẹ buổi sáng mùa xuân chủ nhật 24/5/2015. Đó là buổi hội thảo của một cộng đồng mà nước Mỹ còn khá lạ lẫm, cộng đồng người Chăm. Buổi hội thảo mang tên Hồi sinh Champa, từ quá khứ đi đến tương lai. Bà Julie Thi UnderHill một người trong ban tổ chức khai mạc buổi hội thảo.
“Buổi Hội thảo này mời những học giả, nhà họat động, nghệ sĩ người Chăm, bàn luận để chúng ta hồi sinh nền văn minh Champa, nhắc lại di sản của vương quốc Champa, cũng như nhìn về tương lai của một bản sắc mới của người Chăm, về một sự thay đổi và những quan hệ để mình là một người Chăm.”
Giai đọan người Chăm ở Việt Nam và Campuchia
Học giả đầu tiên là Tiến sĩ Po Dharma từ Pháp trình bài khái quát lịch sử Champa từ lúc lập quốc vào thế kỷ thứ hai cho đến lúc diệt vong một cách chính thức dưới triều Vua Minh Mạng vào thế kỷ 19.
Ông cũng nhấn mạnh đến những giai đọan sau của thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời Việt nam cộng hòa, những giai đọan mà người Chăm ở Việt nam có nhiều quyền tự trị một cách thực sự hơn giai đọan người cộng sản cầm quyền từ năm 1975 cho đến nay.
Tiếp theo là bà Farina So từ Đại học Massachusetts trình bài tình trạng của cộng đồng người Chăm dưới chế độ diệt chủng Polpot ở Cam Pu Chia. Dưới chế độ đó, người Chăm mà đại đa số theo Hồi giáo ở Cam Pu Chia bị đồng hóa một cách cưỡng bức về phong tục tập quán, tôn giáo và ngôn ngữ. Bà nói rằng có khỏang từ 100 ngàn đến 400 ngàn người Chăm ở Cam Pu Chia đã thiệt mạng.
Học giả thứ ba là bà Marimas Hosan Mostiller cung cấp những thông tin về cộng đồng người Chăm tại Hoa Kỳ. Bà đưa ra con số là có hơn 900 người Chăm sống tại các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ, nhiều nhất là ở California, và cộng đồng Chăm vẫn còn xa lạ trong đời sống xã hội Mỹ, khi mà những cuộc điều tra dân số vừa qua của Hiệp Chủng Quốc chưa liệt kê đến người nói tiếng Chăm như một sắc tộc.
Phần thứ hai của buổi hội thảo là phần trình bày của các nhà họat động người Chăm là bà Khaleelah Porome, bà Julie Thi Underhill, bà Rohany Karya, bà Yasmeen Cham Thanh. Những nhà họat động này nói về những họat động của mình ở Liên Hiệp quốc, Quốc hội Hoa kỳ để đấu tranh cho quyền của người Chăm tại Việt nam và Cam Pu Chia, trong đó bà Porome có nói đến cách ứng xử của chính quyền Việt nam là hay nói giảm nhẹ những bất bình đẳng mà cộng đồng người Chăm phải chịu đựng. Ngòai ra bà Julie Thi có nhấn mạnh đến nguy cơ của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt nam tại Ninh Thuận, khu vực có nhiều người Chăm sinh sống hiện nay.
Bà nói rằng khi tai nạn hạt nhân xảy ra thì cộng đồng người Chăm cũng như những di sản văn hóa Champa sẽ là những mục tiêu bị ảnh hưởng trước tiên.
Một trong những người đại diện cho Đại học California tại Davis bảo trợ cho buổi hội thảo là Giáo sư Caroline Kieu-Linh Valverde chuyên ngành Nghiên cứu châu Á cho chúng tôi biết nhận định của bà về tình trạng của cộng đồng người Chăm hiện nay tại Việt nam:
“Nhóm người này thực sự bị chính quyền Việt nam bỏ rơi trên nhiều phương diện như giáo dục, chuyện thực phẩm, điều kiện đi lại, họ trở thành giống như những công dân hạng hai của xã hội.”
Phần thứ ba của cuộc hội thảo là phần chia sẻ kinh nghiệm xã hội của các thành viên trẻ tuổi thành đạt của cộng đồng Chăm tại Hoa Kỳ. Đây là những người đang làm việc trong các cơ quan giáo dục và xã hội của các tiểu bang California, Washington, cũng như trong những lĩnh vực chuyên môn như y khoa, công nghệ thông tin và điện ảnh. Họ nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục cho thế hệ tương lai của người Chăm, và trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyện tương lai với những người trẻ tuổi tham dự hội thảo, với số lượng khỏang 50 người.
Kính Hòa tường trình từ Davis, California.
[LMN: Ông TS Po Dharma có trụ sở ở Pháp, có ngân sách hoạt động do Pháp và Trung Quốc tài trợ qua trường Viễn Đông Bác Cổ và Đại Học Bắc Kinh]
Tại cuộc hội thảo về Champa tại UC Davis ngày 24/5/2015 có một diễn giả chính đến từ Pháp là Tiến sĩ Po Dharma, một chuyên gia về lịch sử Champa. Ông dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn liên quan đến các vấn đề của dân tộc Chăm hiện nay. Trước tiên ông cho biết
Tiến sĩ PoDharma: Dân tộc Chăm hôm nay có hai vấn đề quan tâm nhất. Thứ nhất là người thanh niên Chăm sống tại hải ngọai này làm thế nào để họ có một vai trò trong di sản của họ, trong tiếng nói của họ. Hầu hết họ sang bên Mỹ hay bên Pháp đều không biết tiếng Việt, không biết tiếng Chăm, cho nên chúng tôi muốn làm cách nào đưa đến cho họ di sản văn hóa Champa, những tác phẩm về Champa bằng tiếng Anh. Người Chăm hôm nay có khỏang 100 ngàn người ở Việt nam, 400 ngàn người ở Cam Pu Chia, 5 hay 6 chục ngàn ở Mã Lai, vấn đề của họ là thế kỷ 21 này họ có còn sống được hay không. Kế đến là dân tộc Chăm hiện nay ở Việt nam với vấn đề dân tộc bản địa, có thể duy trì văn hóa của họ trong một chế độ mà chúng tôi gọi là độc tài đảng trị hay không.
Không phải họ muốn đòi lại độc lập quê hương, đó không phải là vấn đề của họ. Vấn đề duy nhất của họ là đòi hỏi chính phủ Việt nam công nhận họ là một phần của dân tộc Việt nam, lịch sử của họ là lịch sử Việt nam chứ không nằm bên lề lịch sử Việt nam.
Kính Hòa: Về mặt chính thức chính phủ Việt nam lúc nào cũng nói rằng Việt nam gồm 54 dân tộc trong đó có dân tộc Chăm. Ở đây có thể nói gì về điều đó?
Tiến sĩ Po Dharma: Chính phủ Việt nam cứ cho chúng tôi là một dân tộc phản động, đòi hỏi quá đáng, rồi tay sai bên ngòai. Không chúng tôi không đòi hỏi quá đáng. Dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, rồi Đệ nhất, Đệ nhị cộng hòa, nhà nước Việt nam công nhận dân tộc Chăm là dân tộc bản địa, hay là thổ dân, có đất đai riêng, phong tục tập quán riêng, có lãnh tụ riêng, do nhà nước Việt nam chỉ định nhưng phải đuợc sự đồng ý của nhân dân Chăm. Sau năm 1975 chế độ chính trị của Hà nội hòan tòan phủ nhận mọi qui chế đặc biệt đó.
Vậy nên chúng tôi yêu cầu nhà nước Việt nam hôm nay công nhận chủ quyền của người Chăm trên đất đai của họ, trên đền tháp của họ, trên di sản văn hóa của họ do người Chăm quản lý. Dân tộc Chăm có quyền mở cửa hành lễ trên đền tháp của họ, vậy mà mỗi lần hành lễ cũng phải xin phép. Đây là đền tháp của chúng tôi.
Kính Hòa: Về phía nhà nước Việt nam thì người ta cũng nói là có đại biểu quốc hội là đại diện cho người Chăm.
Tiến sĩ Po Dharma: Chúng tôi cám ơn nhà nước Việt nam đã cho chúng tôi một cái ghế gọi là dân biểu Chăm. Chúng tôi không phủ nhận cái đó. Vấn đề là họ đại diện cho chúng tôi để làm cái gì trong Quốc hội? Dân biểu của chúng tôi do nhà nước chỉ định làm theo nhà nước, chứ không có giai trò gì hết.
Kính Hòa: Thưa những suy nghĩ, kiến nghị, hay là những mong muốn đó từ những tổ chức người Chăm độc lập ở trong nước cũng như hải ngọai đã được đưa đến nhà nước Việt nam chưa?
Tiến sĩ Po Dharma: Nói thật ra cho đến hôm nay chúng tôi có tiếp xúc với dân biểu từ Hà nội xuống tiếp xúc cử tri, nhưng họ chỉ nói những gì đảng và nhà nước muốn. Trước khi nói thì chế độ bảo không được nói cái này, không được nói cái kia. Mặc dù cùng sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt nam nhưng chúng tôi như ở ngòai lề, không có tiếng nói gì hết.
Đó là những vấn đề chúng tôi muốn người Việt ở hải ngọai, người Việt trên tòan thế giới giúp đỡ chúng tôi, một dân tộc đang bị khó khăn trở ngại. Một mình chúng tôi không làm được, chúng tôi muốn người Việt ở cộng đồng hải ngọai lên tiếng giúp đỡ chúng tôi, một trong những dân tộc anh em.
Kính Hòa: Xin Tiến sĩ câu hỏi cuối là trở lại với lịch sử Champa thì có ý kiến cho rằng học sinh Việt nam ngày nay từ miền Bắc cho đến miền Nam, ngòai những triều đại ở Thăng Long cũng nên học các triều đại Simhapura, Indrapura (Quảng Nam.) Ý kiến đó cũng được nhiều trí thức Chăm trong nước ủng hộ, Tiến sĩ đánh giá thế nào về việc đó?
Tiến sĩ Po Dharma: Vấn đề hôm nay tôi thấy đối với người trí thức trẻ, không chỉ người Chăm mà còn cả người Việt, ai cũng thấy là có một dân tộc Chăm. Chính phủ Việt nam cũng cho xây một cái đền Chăm y hệt ngay tại Hà nội, một hành động công nhận dân tộc Chăm. Tiếc rằng nhà nước Việt nam không đề cập đến lịch sử Champa, hoặc chỉ có hai hàng thôi trong sách giáo khoa, trong khi đó nhà nước lại chuẩn bị đưa tiếng Tàu vào trường học. Cái điều đó người ta không hiểu. Mà khi nói đến lịch sử Việt nam thì phải có lịch sử Champa trong đó, từ Quảng bình, Quãng ngãi, Bình định,… Lịch sử Việt nam không thể tách rời khỏi lịch sử Champa.
Kế đến là hôm nay nhà nước Việt nam luôn chủ trương dân tộc đòan kết, Việt Chăm đòan kết. Vậy mà đòan kết thì đòan kết, nhà nước Việt nam quên mất lịch sử Champa trong sách Việt nam. Cái đó chúng tôi không hiểu là tại sao bỏ lịch sử Champa ra ngòai? Dân tộc Việt nam cần biết lịch sử Champa, người Chăm cần biết lịch sử Việt nam rõ rang. Như vậy cả hai mới sống với nhau được, không nghi ngờ, chia rẽ nhau. Lịch sử là một yếu tố quan trọng đối với con gười như một yếu tố tâm linh vậy, cần biết lịch sử để mà hiểu nhau.
Đó là một vấn đề mà chúng tôi mong muốn các trí thức người Việt lên tiếng để lịch sử Champa được giảng dạy trong trường học, đó là một vấn đề mà chúng tôi sẽ luôn luôn tranh đấu để đạt được.
Kính Hòa: Xin cảm ơn Tiến sĩ đã giành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Trong khi đó, ngày 13 tháng 5/2015 tại Đại sứ quán Thụy sĩ ở Hà nội có diễn ra một cuộc hội thảo về văn hóa và lịch sử Champa do nhà thơ Inrasara trình bày. Kết thúc buổi hội thảo nhà thơ dành cho Kính Hòa buổi phỏng vấn sau đây. Đầu tiên ông nói về buổi hội thảo.
Nhà thơ Inrasara: Có thể nói là buổi nói chuyện thành công. Thứ nhất là lượng người tham dự, phòng họp nhỏ chỉ khoảng 60 người hết chổ, có người phải đứng bên ngoài. Thứ hai là đề tài hấp dẫn đối với các nhà văn, nhà báo, những vị đại sứ, những nhà trí thức ở Hà nội, về những điều mới, những điều chưa biết. Thứ ba nữa là những câu hỏi người ta đặt ra rất trí tuệ.
Kính Hòa: Những điều mà nhà thơ nói là chưa được biết là những điều gì ạ?
Nhà thơ Inrasara: Tôi đặt tên cho buổi nói chuyện là: “Người Chăm đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt nam?” Đó là đề tài mà ít được sách báo nhắc đến, nhất là sách báo chính thống. Ví dụ như nền hải sử của Champa đã đóng góp, bổ khuyết vào lịch sử Việt nam. Hoặc là văn hóa biển của Champa nó làm cho văn hóa Việt nam đầy tràn. Hoặc là văn học của Chăm cũng vậy, nó có nhiều điều mà văn học Việt nam không có. Ngoài ra còn các đặc trưng văn hóa khác như giếng Chăm hình vuông, gốm Chăm, ngôn ngữ, thổ cẩm, đương nhiên không thể không nhắc tới các đền tháp, các lễ hội và điệu múa, đóng góp vào nền văn hóa đa dân tộc Việt nam.
Kính Hòa: Theo chiều hướng đó thì nhà thơ có thấy rằng việc học lịch sử Chăm, đặc biệt là lịch sử biển của dân tộc Chăm ở Việt nam hiện nay là chưa đầy đủ không ạ?
Nhà thơ Inrasara: Đúng rồi, lịch sử chính thống ở Việt nam chưa nhắc nhiều về người Chăm. Chưa in sách nhiều về lịch sử Chăm, nhất là nền hải sử của Champa xưa cũ. Người Chăm đi biển sớm và đi xa, trong khi người Việt chưa có truyền thống viễn dương. Cho nên điều đó rất là cần thiết đối với lịch sử Việt nam. Nhưng mà theo tôi biết thì những trí thức lớn, những chuyên gia cũng chưa nhận diện được hết sự đóng góp của nền hải sử Champa đóng góp vào sự toàn vẹn của lịch sử Việt nam. Đó là một điều đáng tiếc.
Kính Hòa: Cũng có ý kiến cho rằng là thế hệ trẻ Việt nam hiện nay nên học ngoài các triều đại ở Thăng Long cũng nên học về các triều đại ở Đồng Dương, Bình định…
Nhà thơ Inrasara: Cái đó là hoàn toàn đúng vì nước Việt nam ngày nay được hình thành từ hai Vương quốc cổ là Đại Việt và Champa, và một phần Thủy Chân lạp. Và mỗi Vương quốc có một nền văn minh riêng, chính điều đó làm cho nền văn minh của Việt nam nó giàu sang hơn. Cho nên nếu học lịch sử Việt nam mà chỉ học các triều đại ở đồng bằng Bắc bộ, của Đại Việt, thì nó không đầy đủ và nó thiếu sót rất lớn. Bởi vậy, sinh viên Việt nam sẽ hỏi là nước Việt nam hiện hình chữ S đầy như vậy, từ đâu ra? Thì giáo sư sẽ trả lời như thế nào? Nếu mà trong sách giáo khoa, trong giáo trình không có những triều đại ở miền Trung như Đồng Dương, Vijaya, hoặc các triều đại ở miền Nam, thì nền sử học đó thiếu sót rất là lớn. Và nó tạo một lỗ hổng về sự nhận diện của thực tại Việt nam hôm nay.
Kính Hòa: Thế thì cái gì trở ngại làm cho chương trình sử Việt nam chưa bao gồm các triều đại Champa hay Chân Lạp?
Nhà thơ Inrasara: Thứ nhất, quan trọng nhất là người ta sợ sự thật. Đó là một điều rất quan trọng. Tại sao lại sợ sự thật lịch sử? Lịch sử đã qua rồi, và khi Việt nam bây giờ tạo thành một đất nước thống nhất như thế này, thì chúng ta học quá khứ để có thể nhận diện được thực tại hôm nay nó chính xác hơn và nó toàn vẹn hơn. Đó là tâm lý sợ hãi, một sự sợ hãi hoàn toàn không cần thiết. Nếu chúng ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, mà chúng ta giấu đi, thì chỉ thiệt hại cho chúng ta. Chẳng những chúng ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn mà chúng ta còn lừa dối thế hệ trẻ, theo tôi đó là điều đáng tiếc.
Kính Hòa: Vài ngày tới đây tại California sẽ diễn ra một cuộc hội thảo về cộng đồng Champa trên toàn thế giới, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Với tư cách một thành viên của cộng đồng Champa trong nước, nhà thơ nhận xét như thế nào về sự phát triển và sức sống của cộng đồng Cham trên toàn thế giới?
Nhà thơ Inrasara: Cộng đồng người Chăm lưu vong là có suốt trong quá trình lịch sử, đi rất xa. Người Chăm có sống ở Hải nam bên Trung quốc, ở Thái Lan, Campuchia, Mã Lai, và sau 75 thì còn sống ở Mỹ và các quốc gia Tây phương, Người Chăm vẫn nhớ về cội nguồn, vẫn tổ chức được đại hội toàn thế giới thì đó là một điều đáng mừng. Tôi có theo dõi nhiều đại hội khác nhau, mặc dầu ở những đại hội trước có nhiều trục trặc không nên, nhưng điều mà người Chăm vẫn nhớ về nhau, để đoàn kết, để tạo thành một đại hội, hướng về nơi mà họ từng ra đi thì đó là điều rất vui sướng đối với tôi.
Kính Hòa: cám ơn nhà thơ đã giành cho chúng tôi thời gian tực hiện cuộc phỏng vấn này. - RFA
No comments:
Post a Comment