Tin Thế Giới
1.
Mỹ hứa giúp Iraq chiếm lại Ramadi
Hoa Kỳ hứa giúp các lực lượng Iraq chiếm lại thành phố Ramadi từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Thủ phủ của tỉnh Anbar này chỉ cách thủ đô Baghdad 125 kilomét và các giới chức e rằng cuộc giao tranh sắp diễn ra sẽ có lợi cho nhóm khủng bố này, bất kể là họ thắng hay bại. Thông tín viên Jeff Seldin của đài VOA tường thuật từ Ngũ giác đài.
Những đoạn phim video do nhóm Nhà nước Hồi giáo phổ biến trên mạng ca tụng chiến thắng của họ ở Ramadi.
Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Ngũ giác đài, vội vã giải thích như sau về việc Ramadi thất thủ.
"Đây là một việc mà từ lâu chúng tôi đã biết là một việc có thể xảy ra. Ramadi bị bao vây có lẽ đã một năm rồi."
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói thêm như sau.
"Điều này có nghĩa là bây giờ chúng tôi phải cùng với các đối tác Iraq chiếm lại Ramadi."
Vì các lực lượng Iraq từ bỏ hầu hết các vị trí của họ bên trong thành phố, Hoa Kỳ và liên minh phải dựa vào không lực để tìm cách đẩy lui các chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Họ đã tiến hành 8 vụ không kích nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo hôm thứ hai.
Nhưng các giới chức Mỹ thừa nhận rằng chỉ oanh kích không thôi thì không thể đạt được mục tiêu. Họ nói rằng chiến trường nơi thành thị ở Ramadi “tạo ra những thách thức đặc thù.”
Bên cạnh đó, một số người đã nêu nghi vấn về tinh thần chiến đấu của các lực lượng Iraq trong khu vực. Một giới chức quân sự cao cấp của Mỹ cho đài VOA biết rằng có dấu hiệu cho thấy lính Iraq đã bỏ chạy mặc dù quân số đông hơn.
Giờ đây, sự trợ giúp có thể đến từ các dân quân Shia, trong đó có những người trung thành với Iran. Các dân quân đã bắt đầu tập kết ở ngoại ô Ramadi theo lời kêu gọi của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi.
Diễn tiến này có thể có lợi cho Nhà nước Hồi giáo. Các giới chức tình báo Mỹ cho rằng nhóm khủng bố này có thể lợi dụng sự hiện diện đông đảo của các lực lượng Shia tại một khu vực của người Sunni “để khích động những mối căng thẳng giáo phái.”
Ông Michael Pregent, cựu nhân viên tình báo Mỹ và cố vấn quân sự ở Iraq, cho biết như sau.
"Nhà nước Hồi giáo tiến gần tới Baghdad chừng nào, thì Baghdad trông có vẻ có tính chất giáo phái và không ủng hộ phe Sunni nhiều chừng đó. Điều này có thể tạo ra một cuộc kháng chiến vũ trang của người Sunni, không phải để chống lại Nhà nước Hồi giáo mà là một cuộc kháng chiến vũ trang chống lại chính phủ và dân quân Shia, nhưng không liên minh với Nhà nước Hồi giáo."
Các giới chức tình báo cũng lo ngại là Nhà nước Hồi giáo sẽ lợi dụng tình trạng hỗn loạn để tuyên truyền và tuyển mộ thêm chiến binh trong lúc sắp tới dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập quốc gia Hồi giáo.
Các giới chức Mỹ tin rằng lực lượng trên bộ của Iraq cộng với sức mạnh trên không của liên minh rốt cuộc sẽ giúp Iraq giành lại Ramadi.
Nhưng các giới chức Ngũ giác đài thừa nhận là những người còn bị mắc kẹt ở thành phố này đang chịu đựng rất nhiều đau khổ. Đại tá Warren phát biểu như sau về việc này.
"Chúng tôi thấy những vụ xử tử. Chúng tôi thấy những vụ giết người. Chúng tôi thấy hành vi man rợ tiêu biểu của nhóm Nhà nước Hồi giáo." - VOA
|
|
2.
Bắc Kinh muốn đầu tư 30 tỷ đô la cho tuyến đường sang Nam Mỹ
Hôm nay, 19/05/2015, Thủ tướng Trung Quốc có cuộc hội kiến với Tổng thống Brazil trong chuyến công du Nam Mỹ. Nhiều khoản đầu tư lớn, với tổng trị giá 50 tỷ đô la sẽ được ký kết với phía Brazil, trong đó 30 tỷ sẽ được dành cho việc xây dựng "một hành lang hàng hải và đường sắt", để phục vụ cho việc vận chuyển tài nguyên từ Nam Mỹ sang Trung Quốc.
Thông tin nói trên được Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Brazil Armando Monteiro đưa ra trong cuộc phỏng với AFP vào hôm qua. Theo Bộ trưởng Brazil, toàn bộ dự án khổng lồ này sẽ phải hoàn thành trong thời gian từ ba đến bốn năm.
AFP cho biết, trong dự án xuyên Thái Bình Dương nói trên, 10 tỷ đô la dự kiến sẽ được đầu tư cho con đường xuyên qua rừng Amazon, nối liền cảng Santos của Brazil với cảng Ilo của Peru, nhìn ra Thái Bình Dương.
Trước đó, vào thứ Năm tuần trước 14/05, một giới chức Bộ Ngoại giao Brazil cho biết Trung Quốc dự kiến đầu tư khoảng 50 tỷ đô la vào Brazil, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp nặng và các cơ sở hạ tầng.
Trong chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bắc Kinh cũng hoàn thành thủ tục mua 22 máy bay của hãng Brazil Embraer, phần đầu tiên trong hợp đồng mua tổng cộng 60 máy bay của hãng này. Bắc Kinh cũng cam kết mở cửa thị trường Trung Quốc cho thịt bò Brazil.
Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Brazil, trao đổi mậu dịch song phương năm 2013 là 83 tỷ đô la (theo Brasilia), so với 3,2 tỷ năm 2001. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ là nước đầu tư thứ 12 vào nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ.
Theo một báo cáo của Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và vùng vịnh Caribbean (Cepal) của Liên Hiệp Quốc, gần 90% đầu tư của Trung Quốc tại Nam Mỹ – từ năm 2010 đến 2013 - là để khai thác tài nguyên. Báo cáo Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: Trung Quốc coi Châu Mỹ Latinh trước hết là một nguồn cung cấp tài nguyên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có kế hoạch gặp Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hôm nay, và tối nay lãnh đạo Trung Quốc sẽ đi Rio de Janeiro để xem xét một số dự án Trung Quốc tại thành phố chủ nhà Thế Vận Hội 2016. - RFI
|
|
3.
Trước tòa, cựu Thủ tướng Thái Yingluck khẳng định vô tội
Cựu Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra trong phiên tòa khai mạc hôm nay 19/05/2015 khẳng định mình vô tội. Anh bà, cựu Thủ tướng Thaksin đang lưu vong, kêu gọi "tôn trọng pháp luật".
"Yingluck, hãy đấu tranh!" Khoảng mấy chục người biểu tình ủng hộ cựu Thủ tướng trước Tòa án tối cao hô vang. Một điều mỉa mai là ngày khai mạc phiên tòa trùng hợp với ngày quân đội lật đổ chính phủ của bà Yingluck đúng một năm trước. Đây là cuộc biểu tình hiếm hoi trong một đất nước cấm đoán các cuộc tụ họp mang tính chính trị, và bầu cử thì bị hoãn vô thời hạn.
Bà Yingluck tuyên bố: "Tôi vô tội, và hy vọng tòa sẽ mang lại công lý cho tôi". Cựu Thủ tướng bác bỏ cáo buộc về những sai sót trong chương trình trợ giá gạo rất tốn kém của chính phủ, bị cho là có những trường hợp tham nhũng. Bà có nguy cơ bị kết án đến 10 năm tù.
Bà Yingluck không muốn ra nước ngoài để khỏi bị xét xử, như người anh là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã làm để tránh hình phạt nhiều năm tù vì tham nhũng, sau khi ông bị đảo chánh năm 2006.
Vào lúc em gái kêu oan trước tòa, nhà tỉ phú Thaksin từ Seoul lên tiếng đòi hỏi độc lập tư pháp, tuy không nêu trực tiếp trường hợp bà Yingluck. Tại một diễn đàn đầu tư, ông Thaksin nói: "Chìa khóa của quản lý giỏi là dân chủ và tìm được sự thăng bằng giữa tư pháp, lập pháp và hành pháp. Cần phải tôn trọng pháp luật, đó là ưu thế hết sức quan trọng cho uy tín của mỗi quốc gia".
Theo ông Thaksin: "Trong mỗi nước luôn có hai xã hội, một của người giàu và một của người nghèo, người có cơ hội người không. Chúng ta cần phải diệt trừ nạn nghèo đói, nhất là tại các nước đang phát triển, để nhân dân có thể chọn lựa người đại diện đúng đắn và duy trì nền dân chủ".
Nhiều nhà phân tích coi phiên tòa xử bà Yingluck là đòn mới nhất đánh vào gia tộc Shinawatra đã ngự trị trên chính trường Thái Lan từ 15 năm qua, bị giới tinh hoa bảo thủ và bảo hoàng chống đối.
Puanthong Pawakapan thuộc trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho rằng: "Một phe diều hâu của chế độ cũ muốn trừng phạt tối đa gia đình Shinawatra. Nhưng việc bỏ tù bà Yingluck sẽ gây phẫn nộ cho phe Áo Đỏ".
Cho đến nay, những người Áo Đỏ ủng hộ phe Shinawatha vẫn tôn trọng chỉ thị của các lãnh đạo phe này là không xuống đường và kiềm chế.
Phiên tòa lần tới xử bà Yingluck được ấn định vào ngày 21/07/2015. Trong khi chờ đợi, bà được tại ngoại hầu tra sau khi đóng số tiền 30 triệu baht (780,000 euro), nhưng nếu muốn xuất ngoại thì phải được lệnh của tòa án.
Phe quân đội đưa lý do bảo vệ Hoàng gia để biện minh cho vụ đảo chính, trong khi Quốc vương Thái 87 tuổi sức khỏe rất yếu. Mọi cuộc bầu cử đều bị hoãn vô thời hạn, mà theo đối lập là để có thời gian thiết lập các cơ chế cản trở gia tộc Shinawatra trở lại nắm quyền. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Mỹ bảo lãnh cho Ukraine vay 1 tỉ đô la
Hoa Kỳ hôm qua 18/05/2015 loan báo đã bảo lãnh món tín dụng 1 tỉ đô la cho Ukraine, để hỗ trợ cho đất nước đang bị đe dọa phá sản và đang vất vả thương lượng trả nợ.
Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh "sự hỗ trợ liên tục của Hoa Kỳ cho chương trình cải cách kinh tế của Ukraine". Hồi tháng 4/2014, Washington đã từng bảo lãnh món vay 1 tỉ đô la cho Kiev. Như vậy tuy không trực tiếp cho vay tiền, nhưng các nước đi vay có được nguồn bảo đảm chắc chắn.
Hành động hỗ trợ mới này của Mỹ đã đóng góp vào kế hoạch trợ giúp tài chính 40 tỉ đô la được cộng đồng quốc tế thông báo vào tháng Ba, đổi lấy một chính sách kinh tế khắc khổ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew khẳng định: "Ukraine đã tiến hành các cải cách chủ yếu, và có quyết tâm rõ ràng nhằm chấm dứt nạn tham nhũng cũng như sức ì trong quá khứ".
Loan báo của Hoa Kỳ được đưa ra vào một thời điểm quan trọng đối với Kiev. Ukraine đang phải thương lượng gay go với các chủ nợ để tái cơ cấu món nợ 15 tỉ đô la – điều kiện mấu chốt để Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho vay thêm món tín dụng mới.
Bị tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến với quân nổi dậy thân Nga tại miền đông chuyên về công nghiệp, và bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nợ nần của Ukraine đã lên đến cận mức 100% tổng sản phẩm nội địa. - RFI
|
|
5.
Hội đàm Mỹ-Cuba tập trung vào việc mở lại sứ quán
Hoa Kỳ và Cuba nối lại các cuộc họp cấp cao trong tuần này để bàn về tiến trình khôi phục các mối quan hệ. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những bước cần thiết để mở lại sứ quán và thiết lập lại các mối quan hệ ngoại giao. Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA tường trình từ Bộ Ngoại giao.
Trong một dấu hiệu tan băng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, các nhà đua thuyền xuất phát từ Mũi Key West ở tiểu bang Florida đã đến đích ở Havana trong cuộc đua thuyền được hai chính phủ lần đầu tiên cho phép kể từ hơn 50 năm qua.
Các nhà ngoại giao Mỹ và Cuba sẽ tìm cách mở rộng các mối quan hệ tại các cuộc đàm phán trong tuần này ở Washington, được xem là cuộc gặp gỡ cấp cao lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ châu hồi tháng 4.
Cả hai bên đều mong muốn đạt thêm tiến bộ, theo nhận định của ông William LeoGrande, giáo sư khoa chính trị Châu Mỹ La tinh ở Đại học American University.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ được nghe thông báo về ngày mở lại sứ quán vào lúc kết thúc cuộc thương thảo trong tuần này."
Đến ngày 29 tháng 5, Quốc hội Hoa Kỳ mới cân nhắc quyết định của Tổng thống Obama về việc loại Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Giáo sư LeoGrande nói rằng nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro đã đưa ra dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng thảo luận về việc bổ nhiệm đại sứ một khi lệnh này được tháo dỡ.
"Chủ tịch Castro nói ngay sau khi tên Cuba được đưa ra khỏi danh sách khủng bố, hai nước sẽ có thể trao đổi đại sứ, hàm ý rằng những vấn đề khác đã giải quyết xong."
Một trong những thách thức lớn còn tồn đọng là giữ cho các kênh liên lạc được rộng mở, theo nhận định của cựu giới chức ngoại giao Thomas Pickering.
"Kênh liên lạc mở là cần thiết để nói chuyện với Cuba một cách thẳng thắn về những gì chúng ta không đồng ý, và họ cũng có một kênh liên lạc như vậy để nói chuyện với chúng ta. Đó không phải là kênh liên lạc một chiều."
Ông Pickering nói rằng các nhà thương thuyết sẽ cần phải hình thành một kế hoạch ngoại giao có thể đứng vững dưới sự quan sát chặt chẽ và được người dân Mỹ chấp thuận như là một cơ sở hợp lý và vững vàng cho việc tái lập các mối quan hệ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị cấm xuất cảnh --- Lời chứng của một nữ tù nhân lương tâm
Vào lúc 12 giờ kém 15 khuya hôm qua, 18 tháng 5 năm 2015 Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã bị công an cửa khẩu sân bay Tân Sân Nhất tịch thu hộ chiếu và không cho xuất cảnh mà không cho biết lý do cụ thể ông vi phạm điều gì của pháp luật Việt Nam. Nói với chúng tôi vào sáng sớm hôm nay ngày 19 tháng 5 Giáo sư Huệ Chi cho biết:
"Họ giữ lại cái hộ chiếu còn họ nói rất ân cần là không hiểu lý do bởi vì đây là theo quyết định của công an Hà Nội mà tôi thì lại xuất cảnh từ Thành phố Hồ Chí Minh, từ sân bay Tân Sơn Nhất của Sài Gòn và họ không đụng bất kỳ cái gì trong hành lý".
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã từng sang Hoa Kỳ theo lời mời của đại học Massachusetts, khi được hỏi lần này ông xuất cảnh với tư cách cá nhân hay tham dự một hội thảo hay cuộc họp quốc tế nào đó khiến chính quyền quan ngại và đưa ra quyết định này hay không, Giáo sư Huệ Chi cho biết:
"Con gái tôi về dự cái hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh của ông nội nó tức là ông bố của tôi, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Nó mua vé cho bố và mẹ sang chỗ nó chơi ba tháng để mà nghỉ hè thì bị giữ lại chứ còn trước đây đi ra nước ngoài không bao giờ tôi đi hội thảo hay vì bất kỳ cái gì cả trừ phi là được trường đại học Massachusetts mời sang thì tôi mới sang thôi chứ chưa hể dự hội thảo hay cuộc họp gì cả."
Giáo sư Huệ Chi cho biết sẽ làm mọi cách để đòi hỏi quyền công dân của ông phải được tôn trọng:
"Nhất định là tôi phải làm vì đó là quyền công dân của tôi mà, chứ tôi có mất quyền công dân đâu? Tôi là một công dân tự do trên đất nước mình và tự do trên phạm vi quốc tế. Nhất định tôi phải khiếu nại để biết được lý do vì sao lại sợ hãi một người bình thường. Tôi cũng không nói năng gì mà không cho tôi ra nước ngoài chì vì thăm gia đình con gái tôi mà lại do con gái tôi đưa đi nữa".
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là một trí thức rất được kính trọng. Cha ông là Giáo Sư Nguyễn Đổng Chi vừa được vinh danh nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông do các đóng góp lớn lao cho văn hóa Việt Nam.
Giáo sự Huệ Chi là người cùng khởi xướng thành lập trang web Bauxit.vn rất nổi tiếng chuyên đăng tải các bài viết quan trọng của trí thức trong và ngoài nước được hàng triệu người theo dõi.
Chính quyền Hà Nội rất quan ngại trang web này và từng nhiều lần mời GS Huệ Chi làm việc nhưng ông chưa hề bị bắt giữ lần nào.
Trong một sự kiện khác, chị Lê Thị Phương Anh bị bắt trong lần công nhân Đồng Nai nổi lên biểu tình chống lại Trung Quốc mang dàn khoan HD-981 vào Việt Nam. Sau một năm bị giam giữ với bản án vi phạm luật 258 chị Phương Anh kể lại những gì đã xảy ra cho một nữ tù nhân lương tâm.
Mặc Lâm: Xin chúc mừng chị đã được tự do. Chị có thể kể lại câu chuyện mà một năm trước đây chị và hai người bạn bị bắt tại khu công nghiệp Biên Hòa để thính giả hiểu thêm về những gì đã xảy ra lúc ấy hay không?
Chị Lê Thị Phương Anh: Thưa anh lúc xảy ra biểu tình thuộc khu vực Đồng Nai em muốn tìm hiểu từ đâu mà công nhân có cuộc biểu tình như vậy. Lúc đó em và hai người bạn nữa từ Sài Gòn đến khu vực Amata, đang đứng trước cổng chào của Amata thì công an cơ động tới bắt và kiểm tra tất cả đồ đạc trong người em và yêu cầu em xóa hết những hình ảnh đã chụp được. Em nghe theo và em xóa hết nhưng công an cơ động vẫn đánh em. Em chống cự lại thì bị đánh chảy máu miệng luôn. Họ kéo em vào khu vực giam giữ các công nhân đang biểu tình, sau đó em bị đẩy lên xe công an cơ động giao cho công an điều tra của công an tỉnh Đồng Nai.
Lúc ấy em bị đánh em gào lên tại sao lại bắt chúng tôi thì nó chửi nó bảo “Lũ phản động chúng mày to mồm to miệng. Sao mày không ngậm miệng mày lại đi? Nó tát vào miệng em lúc đó em đau quá không nói gì được nữa nó mang lên xe thùng luôn.
Mặc Lâm: Khi vào cơ quan điều tra họ lấy lời khai của chị như thế nào và thái độ hỏi cung của điều tra viên có gì đáng nói không?
Chị Lê Thị Phương Anh: Sau khi bị bắt họ in các tài liệu trong Facebook của em, nó ghép em tội gây rối trật tự công cộng và nó bắt em ký. Lúc đầu em không ký, em không thừa nhận vì nó bắt ép mình, nó chửi bới mình thậm chí nó đánh mình nữa. Những người đánh em có người tên là Nam, họ tên em không rõ nhưng mặc áo thường chứ không mặc quần áo của an ninh. Lúc đó em chưa ký vào giấy dưới hình thức gì cả thì ông Nam đó ký trên đầu em, đánh trên đầu em. Cầm đầu em đập dưới bàn làm việc. Ông Nam này chắc chị Lê Thị Kim Thu biết rõ vì trước đó chị Kim Thu bị bắt và ông Nam là công an điều tra như bọn em. Chỗ đó là trại giam B5 giam giữ nữ tù nhân.
Trong thời gian hai tháng liên tục từ lúc 7 giờ sáng, có hôm 7 giờ có hôm 8 giờ cho tới 7-8 giờ tối em mới được đưa trả về lại trại tạm giam trở lại. Họ cứ hỏi đi hỏi lại hỏi đi hỏi lại trong những trang Facebook của em và họ không chấp nhận lời khai của em viết tay. Khi em khai người ta không đồng ý mà bảo em vu khống bịa đặt cho người khác. Họ không chấp nhận lời khai bản tường trình của em, họ dựa trên biên bản lấy khẩu cung.
Mặc Lâm: Chị có cho rằng bản án một năm tù giam với cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự đối với chị là tương đối nhẹ hơn những người khác hay không?
Chị Lê Thị Phương Anh: Em nói thẳng nói thật luôn: em là mẹ của ba đứa con còn nhỏ quá cho nên nếu hôm đó nó xử em ba năm thì em cũng sẵn sàng lật bài ngữa và kháng án tới cùng. Họ xử em một năm và khởi tố tội của em quá oan. Em không có tội mà họ khởi tố em về tội 258 đó. Ngay những lời cuối cùng họ hỏi em có nói gì không thì em không nói gì cả vì em chẳng con gì để nói cả, lúc đó em rất khùng hoảng, xin lỗi anh em đang run quá (khóc)
Mặc Lâm: Khi bị chuyển vào trại giam B5 chị được đối xử ra sao và sinh hoạt hàng ngày có khắc nghiệt lắm hay không?
Chị Lê Thị Phương Anh: Trại giam B5 đó thật sự em không có từ ngữ nào diễn tả được nỗi kinh sợ của em trong thời gian giam cầm em trong đó một căn phòng nhỏ có 3 mét vuông nhưng 4 người ở. Chỉ có một lổ thông gió lớn bằng hai ô gạch cho chúng em thở. Lúc đó em bị bệnh không thở nỗi thì em ngất người ta lại đưa em về khu vực bệnh xá. Ăn uống thì cực kỳ không có gì cả và thiếu thốn rất nhiều, kể cả nước sinh hoạt cũng vậy. Nước sinh hoạt thì người ta cho mình vào buổi sáng cho tới bữa cơm chiều thì cho mình lại. Sinh hoạt của 4 người trong một cái thùng 7 hay 8 lít gì đấy từ 1 giờ cho tới sáng hôm sau. Ăn uống thì các trại khác em không biết thế nào nhưng đối với B5 thì người ta dã man lắm.
Mặc Lâm: Chị là mẹ của ba con còn rất nhỏ, tình trạng kinh tế gia đình lại rất khó khăn, sau một năm kinh khủng trong trại giam như vậy chị có nghĩ rằng đã quá đủ cho việc lên tiếng đòi hỏi công bằng cho người dân mà chị đã theo đuổi bấy lâu nay hay không?
Chị Lê Thị Phương Anh: Trước tiên xin gửi lời xin lỗi tất cả mọi người trong thời gian em ngồi tù em đã có một lúc bỏ cuộc em ký vào lời khai mặc dù lời khai đó không phải là lời khai của em. Em bị ép ký, em bị ép khai. Có những lần họ bảo em là nên bỏ cuộc và bán đứng các anh em. Em sẽ im lặng và em sẽ không thanh minh gì cả em sẽ để cho thời gian làm chứng cho mình tất cả, còn thật sự bỏ cuộc thì em sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Một năm trôi qua đối với em là một bài học, em học tập rất nhiều trong một năm tù đó. Người ta không tra tấn đánh đập em nhưng người ta dùng những người tù để đánh em, tra tấn em, chèn ép em, đánh đập em, khủng bố em trong thời gian bắt em phải sống chung với những người tù đó.
Bây giờ con người em đã bắt đầu chai sạn, chai lì hơn. Em sẽ không bỏ cuộc đấu tranh này đâu. Em sẽ tiếp tục và nếu bị bắt nữa thì em chấp nhận. Cả một năm tù giờ em đã mạnh mẽ quyết tâm đi đến cùng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn chị Lê Thị Phương Anh. - RFA
No comments:
Post a Comment