Tin Thế Giới
1.
Bầu cử tổng thống Ba Lan: vòng chung kết bất định --- Cử tri Tây Ban Nha đi bầu chính quyền địa phương, khu vực
Chiếc ghế tổng thống Ba Lan được định đoạt trong ngày bầu cử vòng hai hôm nay 24/05/2015. Theo những kết quả thăm dò ý kiến sau cùng, Tổng thống mãn nhiệm Bronislaw Komorowski thuộc cánh trung hữu và đối thủ Andrzej Duda, ứng cử viên bảo thủ, sẽ có tỷ lệ khít khao.
Do phe tả Ba Lan chia rẽ và bị loại ra khỏi vòng một, cách nay hai tuần, cử tri còn hai sự lựa chọn ở vòng hai giữa hai ứng cử viên phe hữu: Tổng thống mãn nhiệm thuộc xu hướng trung-hữu và một ứng cử viên cánh hữu bảo thủ.
Những tranh cãi trên mạng cho thấy cử tri Ba Lan khá căng thẳng. Giới phân tích dự báo họ sẽ đi bầu rất đông. Hai trong ba kết quả thăm dò ý kiến ngày thứ Sáu vừa qua (22/05/2015), cho ứng cử viên Andrzej Duda chiến thắng, kết quả thứ ba nghiêng nhẹ về Tổng thống mãn nhiệm Bronislaw Komorowski.
Theo giới phân tích, dù ai thắng thì tỷ lệ cách biệt hai bên sẽ không xa nhau mấy. Mặc dù quyền hạn của Tổng thống Ba lan không rộng rãi nhưng cuộc bầu cử hôm nay sẽ có tác động đến bầu cử quốc hội vào mùa thu.
Theo AFP, không ít cử tri muốn lật qua trang sử đảng trung-hữu vì bị xem là “thần phục” Liên Hiệp Châu Âu và tỏ ra “bất tài” trong suốt 8 năm cầm quyền.
Tuy nhiên cũng có cử tri kỳ vọng vào chính phủ đương nhiệm vì không rõ “Andrzej Duda”, với chủ trương Ba Lan độc lập hơn đối với Bruxelles, thật sự là nhân vật như thế nào.
Ông Duda đã thắng vòng đầu phiếu thứ nhất hồi đầu tháng này.
Các nhà phân tích mô tả chiến thắng của ông Duda là một trong những bất ngờ lớn nhất trên chính trường Ba Lan trong những năm gần đây, trong khi các cuộc thăm dò trước bầu cử lại cho thấy đương kim tổng thống theo chủ trương trung dung sẽ giành thắng lợi tương đối dễ dàng.
Ông Komorowski, một sử gia và là cựu bộ trưởng quốc phòng, đắc cử tổng thống lần thứ nhất vào năm 2010. Vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai của ông phần lớn chú trọng vào những thách thức về an ninh quốc gia.
Ông Duda theo chủ trương bảo thủ hứa sẽ giảm tuổi hưu trí. Ông cũng chủ trương giảm thuế và cảnh báo về giá cả sẽ tăng, nếu Ba Lan tham gia sử dụng đồng euro.
Tại Ba Lan, Thủ tướng lãnh đạo chính phủ, nhưng tổng thống được bầu chọn cho nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo các lực lượng quân sự, và có tiếng nói về chính sách đối ngoại, và quyền thông qua luật pháp.
Trong khi đó ở một nước Âu Châu khác, cử tri Tây Ban Nha hôm nay, Chủ nhật, đi bỏ phiếu bầu chính quyền địa phương và khu vực trong cuộc bầu cử có thể sẽ định hình lại toàn cảnh chính trị của nước này.
Các đảng đang được kích thích bởi phong trào chống kiệm ước hy vọng có thể thách thức hệ thống hai đảng của nước này và sẽ làm lùi bước Thủ tướng Mariano Rajoy và khả năng chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai của Đảng Nhân dân đương quyền theo chủ trương bảo thủ của ông.
Đảng Nhân dân và đối thủ là Đảng Xã hội đã chiếm ưu thế chính trị tại Tây Ban Nha kể từ khi kết thúc chế độ độc tài Franco vào thập niên 1970.
Hai đảng mới là Podemnos và Ciudadanos muốn xen vào chính trường Tây Ban Nha một sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, và đã tìm cách thu hút cử tri bất mãn với trình trạng tham nhũng và khủng hoảng kinh tế của đất nước.
Các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ cử tri đi bầu sẽ cao, nhất là số cử tri bị lôi cuốn bởi các cử tri bất mãn trong giới trẻ.
Cuộc đầu phiều này sẽ bầu chọn các nhà lãnh đạo và các giới chức của 13 khu vực và hàng ngàn thành phố, thị xã trên cả nước. - RFI, VOA
|
|
2.
Chỉ huy hàng đầu của phiến quân Ukraine thân Nga thiệt mạng --- Lãnh tụ đối lập Burundi bị ám sát
Các phần tử đòi ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine nói một cấp chỉ huy hàng đầu và ít nhất 6 đồng đội khác đã thiệt mạng trong một vụ nổ xe bom tại một nước cộng hòa tự xưng của phiến quân gần biên giới Nga.
Một cơ quan báo chí của vùng lãnh thổ Luhansk nói Oleksiy Mozgovoy, chỉ huy một tiểu đoàn phòng vệ quan trọng của phiến quân và những người khác đã thiệt mạng trong một vụ nổ gần Alchevsk, cách Donetsk khoảng 120 kilômét về phía đông bắc.
Tin cho biết xe bị nổ bom sau đó bị các kẻ tấn công không rõ tung tích bắn vào. Tin mô tả các kẻ tấn công thuộc vào một tổ chức phá hoại và tình báo. Chưa có bình luận tức thì của chính phủ Ukraine về cuộc tấn công.
Trước đó đã có một vài âm mưu ám sát Mozgovoy, chỉ huy trưởng tiểu đoàn được gọi là tiểu đoàn ma của các phần tử đòi ly khai. Vào tháng 8 năm 2014 trong một cuộc phỏng vấn Mozgovoy nói đơn vị này gồm 1.000 binh sĩ và sẽ sớm bao gồm các chiến binh Bulgaria, Slovak và Đức.
Cuộc phỏng vấn trên trang mạng Slavyangrad của các phần tử đòi ly khai được thực hiện tại Moscow.
Việc giết hại này xảy ra chỉ vài ngày sau khi bà Victoria Nuland, một giới chức ngoại giao cao cấp của Mỹ kêu gọi chấm dứt ngay những vi phạm ngưng bắn tại miền đông Ukraine. Bà Nuland, phát biểu ngày 18 tháng 5 tại Moscow, nói thỏa thuận ngưng bắn vào tháng Hai năm nay được Nga, Ukraine, Pháp và Đức đồng ý bị vi phạm hàng ngày.
Quân đội Ukraine nói có khoảng 90 binh sĩ của nước này thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với phiến quân kể từ khi lệnh ngưng bắn được loan báo.
Lời kêu gọi ngưng bắn của bà Nuland được đưa ra cùng ngày nhà cầm quyền Kiev trình diện hai tù binh được xem như là binh sĩ Nga bị cáo buộc giết các binh sĩ Ukraine. Moscow sau đó nói hai tù binh này đã rời khỏi quân ngủ trước khi bị bắt bên trong lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó ở đông Phi Châu, giới hữu trách Burundi đang điều tra vụ lãnh tụ đảng đối lập bị sát hại tại thủ đô Bujumbura.
Các giới chức nói ông Zedi Feruzi, người đứng đầu đảng UPD, và ít nhất một cận vệ của ông đã bị các hung thủ chạy xe ngang qua xả súng bắn chết hôm thứ Bảy.
Vụ tấn công này là diễn biến mới nhất tại Burundi tiếp theo sau những ồn ào liên quan đến việc Tổng thống Pierre Nkurunziza dự định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. - VOA
|
|
3.
Malaysia phát hiện 30 hố chôn tập thể người nhập cư
Malaysia phát hiện nhiều hố chôn tập thể và lán trại của người nhập cư trái phép tại nhiều thành phố và làng mạc ở Malaysia, nằm sát biên giới với Thái Lan. Thông tin trên được Bộ trưởng Nội vụ Malaysia thông báo hôm nay, 24/05/2015.
Theo Reuters, bộ trưởng Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố chính quyền đang điều tra xem xác chết trong các hố chôn tập thể có phải là nạn nhân của các tổ chức buôn người hay không. Ông không đưa ra số lượng cụ thể các hố chôn tập thể và xác chết được tìm thấy. Tuy nhiên, theo ông, con số sẽ còn tăng thêm nữa. Ông cho biết các làng trại tập trung người nhập cư nằm ở khu vực Klian Intan và các làng gần biên giới và chắc được khai thác từ khoảng năm năm nay.
Theo thông tin của nhật báo Utusan Malaysia, cảnh sát đã phát hiện 30 hố chôn tại hai địa điểm thuộc bang Perlis, nằm giáp biên giới với Thái lan. Trang báo mạng The Star cũng cho biết cụ thể, chỉ riêng trong một hố chôn phát hiện vào 22/05 vừa qua, đã có khoảng 100 xác chết.
Từ khi chính quyền Thái Lan quyết tâm phá vỡ các đường dây buôn người, người nhập cư Rohingya Miến Điện và Bangladesh bị những kẻ dẫn đường đưa xuống tầu thả trôi trên biển. Sau một thời gian xua đuổi, trước sức ép của công luận thế giới, các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Miến Điện đã tổ chức cứu vớt.
Hôm qua, 23/05/2015, một bé gái ba tuổi người Rohingya, được dân chài Indonesia cứu vớt ngoài khơi tỉnh Aceh, cuối cùng đã chết sau một tuần lênh đênh trên biển. Trên chiếc tàu chở bé gái này, hàng trăm người đã tử vong do chém giết nhau để tranh thức ăn giữa hai cộng đồng người Rohingya và Bangladesh.
Cũng trong ngày hôm qua, nhân chuyến làm việc tại Hà Nội, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon đã thúc giục các nước trong khu vực ưu tiên cứu vớt hàng chục ngàn người nhập cư còn đang trôi dạt trên biển tại khu vực Đông Nam Á. Ông cũng hy vọng chính quyền các nước liên quan sẽ giải quyết tận gốc tình trạng thuyền nhân. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
71 người bị bắt trong vụ biểu tình ở Cleveland
Tổng cộng 71 người bị bắt tại thành phố Cleveland ở miền trung nước Mỹ trong các cuộc biểu tình tiếp theo sau vụ một cảnh sát viên có dính líu trong vụ bắn chết hai người da đen không vũ khí năm 2012 được tuyên trắng án.
Đường phố Cleveland yên tĩnh vào sáng Chủ nhật sau những cuộc biểu tình diễn ra đêm hôm trước.
Trước đó trong ngày thứ Bảy, một thẩm phán tuyên trắng án cho một cảnh sát viên Cleveland, người đã bắn 15 viên đạn cuối trong tổng số 137 phát đạn của cảnh sát nhắm bắn vào các nghi can trong một cuộc rượt đuổi xe tốc độ cao.
Cảnh sát tuần tra xa lộ Michael Brelo đứng trước xe của các nghi can và đã bắn xuyên kính trước trúng vào những người ngồi trong xe. Nhưng Thẩm phán John O'Donnell phán quyết rằng không rõ phát đạn nào đã làm chết Timothy Russell và Melissa Williams, hai người bị trúng đạn do Brelo hay do 12 cảnh sát viên khác tham gia trong cuộc rượt đuổi bắn.
Bất chấp bản án trong vụ án hình sự này, chính quyền Cleveland đã trả cho thân nhân của hai nạn nhân Russell và Williams, mỗi gia đình 1,5 triệu đôla, để dàn xếp vụ kiện nổ súng sai gây chết người này.
Ông Brelo bị lực lượng cảnh sát Cleveland đình chỉ công tác không được trả lương trong khi chờ phán quyết của tòa. 5 cảnh sát viên khác dính líu trong vụ này đối diện với cáo trạng xao lãng nhiệm vụ và không kiểm soát được vụ rượt đuổi.
Trong một thông báo phổ biến sau phán quyết của Thẩm phán O'Donnell, Văn phòng Chưởng lý, Cục Điều tra Liên bang, và Vụ Dân quyền của Bộ Tư pháp nói họ sẽ giám sát vụ án.
Bộ Tư pháp nói sẽ không duyệt lại những lời khai và bằng chứng đưa ra tại phiên xử, nhưng sẽ quyết định liệu nên có những bước kế tiếp thích hợp hay không.
Thẩm phán O'Donnell nói: “Bản án không nên được sử dụng như là một nguyên nhân để một xã hội văn minh đón mừng hay bạo động.”
Đây là vụ mới nhất tại Hoa Kỳ liên quan đến việc các cảnh sát viên người da trắng bị tố cáo sử dụng vũ lực thái quá trên đường phố giết chết những người da đen mà sau đó tìm ra là không có vũ khí. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Quốc tế kêu gọi thả ông Trần Huỳnh Duy Thức
Gần 20 tổ chức quốc tế hoạt động vì quyền con người đã ký tên vào một tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, người hiện đang thụ án tù về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Lời kêu gọi này được đưa ra nhân dịp tròn sáu năm ngày ông Thức bị bắt giữ và khởi tố – ngày 24/5 năm 2009.
Ông Thức đã bị đưa ra xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong một vụ án chính trị lúc đó được dư luận đặc biệt quan tâm.
Ông Thức là người nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế, trong khi các bị cáo trong cùng vụ án với ông bị tuyên án từ năm đến bảy năm tù.
Hiện tại, các ông Long, Trung và Định đều đã được trả tự do sau một thời gian thụ án.
‘Chỉ là viết blog’
Bản tuyên bố nói rõ ông Thức bị bắt và khởi tố ‘chỉ vì ông thực hiện quyền tự tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa’.
“Trái ngược với bản án tuyên tội hoạt động nhằm ‘lật đổ’ chính quyền, các hoạt động bị đưa ra truy tố của ông Thức và những người bị kết án cùng ông thực chất chỉ là viết blog kêu gọi cải cách chính trị và tôn trọng quyền con người,” bản tuyên bố viết.
“Các bị cáo đã không được đưa ra xét xử trong một phiên tòa công bằng, khi mà thân nhân của họ cũng như các ký giả nước ngoài không được cho vào phòng xử án.”
Bản tuyên bố cũng lưu ý việc trong phiên tòa xét xử vụ án này, ‘micro của các bị cáo thường xuyên ngưng hoạt động mỗi khi đến lượt trình bày của luật sư bào chữa cho ông Thức hay khi ông Long có ý định công khai trước tòa việc ông cùng các bị cáo khác đã bị bức cung để khai nhận tội’.
“Theo các nhân chứng có mặt tại phiên xét xử, các thẩm phán chỉ dành ra 15 phút nghị án trong khi lại mất đến 45 phút đọc bản tuyên án, qua đó cho thấy khả năng bản án đã được chuẩn bị trước thời điểm phiên tòa diễn ra,” bản tuyên bố nhận định.
Bản tuyên bố nhắc lại việc hồi cuối năm 2012 Nhóm Làm việc chống Giam giữ Tùy tiện của Liên hiệp Quốc đã kết luận việc kết án ông Thức là ‘vi phạm quyền tự do tư tưởng và biểu đạt vốn được đảm bảo tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị’.
“Chúng tôi kêu gọi nhà nước Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế lẫn trong nước của mình bằng cách trả tự do ngay lập tức cho ông Thức,” tuyên bố viết và yêu cầu ‘trả lại công lý’ cho ông Thức bằng cách hủy bỏ bản án dành cho ông.
Bản tuyên bố này được các tổ chức như Ân xá Quốc tế, Những người bảo vệ Quyền Dân sự, Căn nhà Tự do, Ủy ban Nhân quyền châu Á, Diễn đàn châu Á vì Nhân quyền và Phát triển, Công dân vì Công lý và Hòa bình... đồng ký tên.
Ngoài ra một số tổ chức xã hội dân sự, hội đoàn và các giáo hội tôn giáo không do Nhà nước kiểm soát ở Việt Nam cũng ký tên vào bản tuyên bố này.
‘Bị cầm tù oan sai’
Trao đổi với BBC, ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ ông Trần Huỳnh Duy Thức, nói trong bối cảnh hiện nay khi mà Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, thì ông hy vọng con trai ông cùng các tù nhân lương tâm khác sẽ được trả tự do trước thời hạn.
“Con tôi cũng mong muốn được như vậy và đã có đơn xin xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm,” ông Huỳnh cho biết, “Con tôi khẳng định là mình bị kết tội oan sai theo kết luận của Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm và hy vọng bản án sẽ được xem xét lại theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.”
Ông cho biết là lá đơn ông Thức gửi đến Quốc hội đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội chuyển sang cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao nhưng đến nay ‘vẫn chưa có câu trả lời’.
“Sáu năm con tôi bị cầm tù là oan sai. Tôi và gia đình luôn mong muốn có sự lắng nghe từ phía chính quyền Việt Nam,” ông Huỳnh nói thêm. - BBC
|
|
6.
3,000 thiếu niên Việt Nam bị đưa sang Anh làm nô lệ
Trung bình mỗi tháng, có khoảng 30 thiếu niên Việt Nam sang Anh Quốc qua các đường dây nhập cảnh bất hợp pháp. Các nạn nhân nô lệ mới bị cưỡng bách lao động trồng cần sa, giúp việc nhà hay rơi vào các tổ chức mãi dâm. Những con mồi béo bở này mang về cho các tổ chức xã hội đen khoảng 75 triệu bảng Anh.
Trong một bài điều tra dài đăng vào ngày hôm qua 23/05/2015, báo The Guardian cho biết đã gặp nhiều nhân chứng từ những người trong cuộc cho đến giới hoạt động nhân quyền. Ít nhất khoảng 3,000 lao động nhập cư người Việt Nam đến Anh từ lúc còn là trẻ thơ qua các đường dây tội ác.
Trung bình, mỗi trẻ em phải trả cho đường dây buôn người khoảng 25,000 bảng Anh để được đưa qua châu Âu và cuối cùng vượt biển Manche sang Anh Quốc. Để trả số nợ này, các trẻ em bất hạnh phải làm việc như nô lệ trong các ngôi nhà trồng cần sa, tiệm làm móng tay, xưởng may quần áo, giúp việc nhà hoặc làm nghề bán dâm.
Giới hoạt động nhân quyền cảnh báo chính phủ Anh Quốc là các băng đảng người Việt đang tuyển mộ và sử dụng trẻ em cho các hoạt động tội ác khác như buôn súng lậu, chế tạo thuốc kích thích và mãi dâm.
Theo ông Philip Ishola, cựu giám đốc Hiệp Hội Chống Buôn Người tại Anh Quốc, hiện có khoảng 3,000 trẻ em Việt Nam bị các băng đảng người Việt bóc lột. Còn theo Parosha Chandran, chuyên viên Liên hiệp quốc về nạn buôn người, con số này có thể cao hơn gấp bốn lần số liệu chính thức, lên tới 13,000 trẻ em Việt Nam tại Anh.
Một nhân chứng tên Hiền, trong bài báo của The Guardian kể lại em bị một người tự xưng là chú bắt đi lúc em lên năm tuổi. Sau 5 năm trôi nổi ở châu Âu, em qua tới Anh. Trong vòng nhiều năm dài, Hiền phải làm việc nhà, nấu ăn, giặt giũ cho một nhóm người Việt, thường bị chủ nhân đánh đập, ép uống rượu cho say và làm nhiều chuyện khác mà em “không thể nói ra”.
Trong thời gian này, Hiền gặp nhiều trẻ Việt Nam khác mà theo lời kể của những em bé này thì các em phải đi làm “để trả nợ cho gia đình”. Hiền đã bị bắt trong một vụ đột kích của cảnh sát Anh vào một “nông trại” trồng cần sa của các đường dây người Việt. - RFI
No comments:
Post a Comment