Tin Thế Giới
1.
Động đất Nepal: Hơn 2.000 người chết, chính quyền kêu gọi quốc tế hỗ trợ
Hôm qua, 25/04/2015, một vụ động đất với cường độ 7,9 độ Richter tại Nepal đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, và gần 5.000 người bị thương, theo thông tin gần nhất. Đây là vụ động đất nghiêm trọng nhất tại quốc gia Nam Á này kể từ hơn 80 năm nay. Cứu trợ quốc tế đang bắt đầu được huy động. Hiện tại nhiều khu vực bị cô lập và rất ít thông tin về tình hình tại các làng gần tâm chấn động đất, cách thủ đô Katmandou 80 km.
Theo cảnh sát Nepal, ít nhất 1.953 người chết tại Nepal. 53 người thiệt mạng tại miền bắc Ấn Độ, và 17 người tại Tây Tạng, theo các thông tin chính thức. Con số tổn hại nhân mạng chắc chắn sẽ còn tăng lên. Theo ông Gilbert Potier, giám đốc điều hành của Tổ chức Y sĩ Thế giới (Medecins du Monde), "với các vụ động đất có cùng cường độ, sẽ có khoảng từ 5.000 đến 20.000 người chết, và số người bị thương gấp từ hai đến năm lần".
Các ê kíp nhân đạo tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn để ước lượng được mức độ hủy diệt và các nhu cầu cứu trợ. Theo người phụ trách cấp cứu của tổ chức Y sĩ Không biên giới, Laurent Sury, việc quan trọng hiện nay là "khẩn trương chăm sóc người bị thương. Còn trên thực tế, phần lớn việc tìm kiếm người bị nạn do các cư dân địa phương thực hiện là chính, với các phương tiện rất ít ỏi của họ". Theo một người phụ trách tìm kiếm, hiện còn rất nhiều người đang bị vùi lấp trong các đống đổ nát.
Hàng nghìn người dân ở thủ đô Katmandou phải qua đêm bên ngoài, dưới trời mưa giá lạnh, vì sợ nhà cửa sụp đổ do các dư chấn. Chỉ riêng tại Katmandou, đã có ít nhất 700 người chết hôm qua. Sáng nay, đã xảy ra nhiều dư chấn, trong đó trận mạnh nhất là 6,7 độ Richter, làm rung chuyển cả New Delhi.
Chính quyền Nepal dự kiến lập các lều tạm cư, mở trường học và công sở để đón tiếp những người bị nạn. Hiện tại các bệnh viện đã quá tải, rất nhiều hoạt động chăm sóc người bị thương phải làm ở bên ngoài.
Động đất còn gây tuyết lở gần đỉnh Everest, khiến ít nhất 17 người leo núi thiệt mạng.
Hôm qua, Bộ trưởng Thông tin Nepal tuyên bố "chúng tôi cần một sự ủng hộ lớn và rất nhiều cứu trợ". Nhiều quốc gia ngay lập tức đã đáp ứng. Hoa Kỳ hứa giải ngân một triệu đô la cho các nhu cầu khẩn cấp, và sẽ gửi một ê kíp cứu nạn. Sáng nay, Úc tuyên bố khoản viện trợ đặc biệt 5 triệu đô la. Nhiều chuyên gia Liên Hiệp Châu Âu đang đến các vùng bị nạn. Các quốc gia Châu Âu như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha sẽ gửi đoàn cứu trợ trong những ngày tới. Các tổ chức phi chính phủ như Oxfam, Chữ thập đỏ và Y sĩ Thế giới cũng đã đưa nhiều ê kíp đến nơi. Ấn Độ đã đưa 2 phi cơ vận tải quân sự hỗ trợ, còn Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đóng góp một ê kíp cứu nạn với chó chuyên nghiệp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, để xác định các nhu cầu hỗ trợ tài chính. - RFI
|
|
2.
Australia và New Zealand kỷ niệm 100 năm Ngày ANZAC
Số người Australia và New Zealand đông kỷ lục đã tụ tập vào tảng sáng hôm Thứ Bảy để đánh dấu kỷ niệm 100 năm cuộc đổ bộ bất thành trong thời thế chiến thứ nhất ở Gallipoli, là nơi giờ đây thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Vài giờ sau đó tại Gallipoli, Thái tử Charles của Anh cùng với các vị thủ tướng của Australia và New Zealand đã nói tới sự anh dũng của các quân nhân trong lúc những khách viếng thăm tụ tập gần các chiến trường xưa.
Mục đích của cuộc tấn công do Anh dẫn đầu ngày 25 tháng Tư, 1915 là mở một con đường tới Hắc Hải cho hải quân đồng minh và chiếm Constantinople, thủ đô của Đế quốc Ottoman, đồng minh của Đức trong đệ nhất thế chiến. Chiến dịch này kéo dài 8 tháng, gây tử vong cho hơn 45.000 binh sĩ của phe đồng minh trước khi bị thất bại. Số binh sĩ của Ottoman bị thiệt mạng cao khoảng gấp đôi.
Kể từ đó, Ngày ANZAC (Australia, New Zealand Army Corps) được dùng làm ngày truy điệu cho tất cả các binh sĩ Australia và New Zealand hy sinh trong mọi cuộc chiến tranh và xung đột.
Ngày này được kiều dân Australia và New Zealand trên thế giới tưởng niệm với những buổi lễ trang nghiêm và những cuộc tuần hành vào tảng sáng, khi cuộc đổ bộ lúc đầu được thực hiện. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Tổng thống Obama pha trò tại Dạ tiệc Thông tín viên Tòa Bạch Ốc
"Chào mừng qúy vị đến với hiệp bốn của nhiệm kỳ tổng thống của tôi," Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói đùa như vậy hôm thứ Bảy tại Dạ tiệc Thông tín viên Tòa Bạch Ốc.
Dạ tiệc được tổ chức hàng năm này là dịp để tổng thống tham gia những chuyện đùa và tự chế giễu về những chỉ trích gay gắt nhất mà ông gặp phải.
"Đã qua 6 năm làm tổng thống, dân chúng vẫn nói tôi là kiêu ngạo. Xa lánh. Hạ mình," ông Obama nói. "Dân chúng thật là không biết nói. Đó là lý do vì sao tôi không tiếp xúc với họ."
Dạ tiệc năm nay do diễn viên hài Cicely Strong của chương trình truyền hình Saturday Night Live dẫn chương trình.
Nữ diễn viên Cicely Strong nói với Tổng thống Obama rằng ông rất giống ca sĩ Madonna, "cả hai đã cống hiến cho đất nước rất nhiều, nhưng hình như còn khoảng một năm rưỡi nữa, là ông phải ngưng lại."
Dạ tiệc của Tòa Bạch Ốc dành cho các thông tín viên bắt đầu được tổ chức vào năm 1914 để tạo điều kiện cho giới ký giả tiếp cận nhiều hơn với Tòa Bạch Ốc và để bày tỏ ủng hộ đối với việc loan tin mạnh mẽ của truyền thông báo chí về tổng thống. - VOA
|
|
4.
Tin tặc Nga xâm nhập hộp thư điện tử của Tổng thống Mỹ
Báo New York Times hôm qua, 25/04/2015, tiết lộ các tin tặc Nga đã xâm nhập được vào một số mạng tin học quan trọng của Phủ Tống thống Mỹ, và có thể đã đọc được nhiều thư từ quan trọng của Tổng thống Barack Obama, nhưng không thuộc loại thông tin được bảo mật.
New York Times thuật lại, theo một số giới chức Nhà Trắng, một số trao đổi của ông Obama đã bị chiếm đoạt, tuy nhiên, bản thân tài khoản thư điện tử của Tổng thống Mỹ thì không bị hacker.
Cho dù không mạng tin học nào của Phủ Tổng thống bị hư hại, các giới chức cũng thừa nhận rằng các mạng bị xâm nhập có chứa nhiều dữ liệu rất nhạy cảm, như thư từ với giới ngoại giao, các dữ liệu liên quan đến việc điều chuyển nhân sự, lĩnh vực lập pháp, lịch làm việc của tổng thống và một số trao đối về chính trị.
Người phát ngôn Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin nói trên. Trước đó, trong tháng 4/2015, Phủ Tổng thống Mỹ đã thừa nhận có một cuộc tấn công như vậy, và khẳng định không có bất cứ thông tin mật nào bị đánh cắp.
Theo New York Times, trên thực tế vụ tấn công có thể là "nghiêm trọng hơn và đáng ngại hơn là những gì được công khai chấp nhận". Vẫn theo tờ báo, các giới chức Nhà Trắng không nói rõ số lượng thư điện tử của Tổng thống có thể đã bị xem trộm, cũng như mức độ quan trọng của chúng.
Hôm 22/04, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết mạng tin học của Lầu Năm Góc cũng bị tin tặc Nga tấn công gần đây, nhưng chỉ trong vòng 24 giờ, "vấn đề đã được xác định và một nhóm chuyên gia hàng đầu đã đẩy lùi đối phương". Theo một tài liệu mà Reuters có được, "chiến lược tin học" mới của Bộ Quốc phòng Mỹ coi Nga và Trung Quốc là các đối thủ có những phương tiện và chiến lược hết sức tân tiến, trong khi đó Iran và Bắc Triều Tiên – sở hữu các phương tiện "ít phát triển hơn", nhưng lại thường công khai chống lại các lợi ích của Hoa Kỳ. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
Linh mục gốc Việt ở Mỹ đối mặt với tội trốn thuế, lừa đảo
Một linh mục ở giáo phận San Jose, California, mới bị một bồi thẩm đoàn liên bang truy tố về tội trốn thuế và lừa đảo ngân hàng.
Các công tố viên đầu tuần này nói rằng ông Nguyễn Minh Hiền đã nạp các tấm séc đóng góp của các giáo dân vào tài khoản ngân hàng riêng và không khai báo hơn 1 triệu đôla thu nhập cho Sở Thuế vụ.
Ông Hiền đã làm linh mục tại giáo xứ trên trong hơn 20 năm qua, và nắm giữ nhiều vị trí, trong đó có Giám đốc Trung tâm Công giáo Việt Nam.
Theo cáo trạng, từ năm 2005 tới 2008, ông Hiền đã yêu cầu các giáo dân đóng góp cho trung tâm này, nhưng sau đó lại nạp ít nhất 14 tấm séc tổng cộng 19 nghìn đôla vào tài khoản cá nhân.
Vị linh mục 55 tuổi còn không khai thuế 1,1 triệu đôla thu nhập cá nhân cho Sở Thuế Vụ trong khoảng thời gian từ năm 2008 tới 2011.
Ông David Cohen, luật sư của ông Hiền, nói thân chủ của mình đã được các giáo dân đặt lòng tin và trao tiền cho ông cho tới khi ông tìm được một quỹ từ thiện phù hợp để đóng góp.
Ông Cohen nói rằng vì tiền được trao cho ông Hiền nên không phải khai báo đó là tiền thu nhập.
Ông Hiền đã ngưng làm linh mục giáo phận San Jose kể từ cuối năm 2013 vì lý do cá nhân.
Ông bị bắt ở Florida và sẽ phải đối mặt với án tù 35 năm nếu bị kết án. - VOA
|
|
6.
Ít nhất 20 người bị bắt khi tuần hành “Vì một Hà Nội xanh”
Sáng hôm nay hơn ba trăm người tiếp tục tuần hành nhằm phản đối chặt hạ cây xanh lại diễn ra tại bờ hồ và tượng đài Lý Thái Tổ nhưng đã bị công an và lực lượng an ninh ngăn cản, một số người bị bắt. Từ Bangkok, Mặc Lâm của Ban Việt Ngữ chúng tôi trình bày chi tiết vụ việc sau đây.
Cuộc tuần hành diễn ra vào lúc 9 giờ 30 tập trung khoảng 3 trăm người nơi bờ hồ. Trong các biểu ngữ cầm tay ghi những câu chữ giống ba tuần vừa qua như “Vì một Hà Nội xanh” hay “Chúng tôi yêu cầu minh bạch trong việc chặt hạ cây xanh”, “Cứu lấy cây xanh Hà Nội” “Phản đối hành động đê hèn chặt cây xanh Hà Nội”…người tuần hành rất ôn hòa đi theo trật tự và không hề có cuộc chen lấn hay xô đẩy nào.
Chị Hà, một cư dân Hà Nội tham gia tuần hành cho biết:
-Những cái phản đối, phản ứng về vấn đề chặt hạ cây xanh của UBND thành phố vẫn tiếp tục tuần hành để đề nghị sự minh bạch, giải trình đề án chặt hạ cây xanh của thành phố đấy là mục đích của cuộc đi bộ tuần hành hôm nay là như vậy. Mọi người thì cũng như các tuần trước thôi ạ.
Đến 10 giờ hàng chục phụ nữ mặc áo dài đi trong đoàn cùng với các bạn trẻ và cả những người lớn tuổi bất ngờ bị dân phòng, công an và lực lượng an ninh thường phục xông vào dùng sức mạnh đẩy lên xe. Chị Hà cho biết:
-Cuộc tuần hành được một lúc thì công an họ có chặn lại và không cho cuộc tuần hành này tiếp diễn nữa với lý do là làm mất an ninh trật tự công cộng, ảnh hưởng đến giao thông, vì lý do như thế nên chặn lại. Bà con vẫn cứ xuôi rồi lại đi ngược thì đi được một quãng cũng bị chặn rồi quay lại đi ngược một quãng khác cũng bị chặn. Sau đó có một sự chặn quyết liệt rồi có bắt một số người lên xe. Thấy nói rằng mang vể chỗ của quận ủy Long Biên điều đấy có chính xác hay không thì không chắc nhưng thông tin là như vậy.
Một trong những người bị bắt là chị Trần Thị Nga, nổi tiếng do tranh đấu cho nhân quyền trả lời chúng tôi từ nơi tạm giữ:
-Chúng tôi đi rất là ôn hòa một số phụ nữ mặc áo dài nhưng bị lực lượng công an và an ninh mặc thường phục họ bắt, họ dùng bạo lực khống chế chúng tôi và họ bắt đưa lên xe bus và họ đưa về công an của quận Long Biên. Trên xe có cả trẻ con là một cháu bé 4 tuổi rồi có cả người già 7-80 tuổi. Trên xe có mấy chú mặc thường phục mấy chú đánh đập hai phụ nữ bây giờ họ đưa chúng tôi vào công an và tách hơn hai mươi người chúng tôi mỗi người ra một phòng để làm việc.
Hai ngày trước đây UBND quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội đã ra thông tư nghiêm cấm tập trung tuần hành vì vấn đề cây xanh nhằm giữ gìn an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn Hoàn Kiếm. Song song với lệnh cấm là các cuộc sách nhiễu, tấn công những người từng được xem là đầu tàu trong việc kêu gọi tuần hành. Anh Trịnh Anh Tuấn, tức Gió Lang thang, một bạn trẻ trong nhóm “Vì một Hà Nội xanh” bị côn đồ tấn công với thương tích đầy người. Ông Tô Oanh, một nhà tranh đấu nhân quyền, tham gia tích cực phong trào vì cây xanh cũng bị tấn công dưới hình thức tông xe vào ngày 24 tháng 4 vừa qua.
Tin lúc 3 giờ chiều cùng ngày cho biết công an đã trả tự do cho tất cả những người mà họ đã bắt giữ hồi sáng.
Trong lúc bị bắt, họ được chia ra làm việc với công an từng người một. Chúng tôi liên lạc được với chị Tuyết, một trong khoảng 20 người bị công an bắt, chị Tuyết cho chúng tôi biết như sau:
“Tôi không biết trong các phòng khác thì như thế nào nhưng trong phòng của tôi thì cậu công an tên là Hiệp rất ôn hòa, và tôi cũng ôn hòa. Nhưng khi các cậu ấy vặn vẹo chuyện sai luật pháp, hay qui định này khác thì tôi thẳng thắn phản đối rằng những qui định đó là qui định sai, qui định vi hiến, và Quốc hội Việt nam và Bộ Công an vẫn đang nợ người dân một cái luật biểu tình. Chúng tôi không làm gì sai trái cả, tôi không ký một biên bản nào cả. Họ yêu cầu lăn tay thì tôi nói là tôi không phải là đối tượng vi phạm pháp luật, tôi không phải là đối tượng đang bị điều tra, thế nên tôi sẽ không lăn tay và sẽ không bao giờ lăn được tay tôi. Tôi ra khỏi đồn công an khoảng 2h kém 15, các anh em ở bên ngoài đã đứng đợi và đòi người ở công an quận Long Biên.” - RFA
No comments:
Post a Comment