Tin Thế Giới
1.
Tokyo tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục để đối phó với Bình Nhưỡng
Bộ Quốc Phòng Nhật Bản hôm nay, 31/08/2017, đề nghị một ngân sách kỷ lục cho quốc phòng năm tới, nhằm hoàn thiện hệ thống lá chắn chống tên lửa, để đối phó với nguy cơ bị hỏa tiễn Bắc Triều Tiên tấn công.
Theo AFP, tổng ngân sách mà bộ Quốc Phòng Nhật Bản đề nghị cho năm tài chính – bắt đầu từ tháng 04/2018 đến tháng 04/2019 – là 5.255 tỉ yen (tương đương 40 tỉ đô la), tăng 2,54% so với năm ngoái. Nếu yêu cầu này được chấp thuận, đây sẽ là năm thứ sáu liên tiếp Tokyo tăng ngân sách quân sự.
Bộ Quốc Phòng Nhật khẳng định nguồn kinh phí bổ sung sẽ giúp cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản có khả năng nâng cấp hệ thống lá chắn tên lửa, trong bối cảnh Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa. Ngân sách bổ sung dự kiến dùng để trang bị thêm nhiều tổ hợp tên lửa SM-3, các hệ thống radar và dò tìm hỏa tiễn mới, cũng như các phương tiện thuộc hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo tầm trung Aegis trên bộ.
Các quan chức bộ Quốc Phòng cho biết Nhật Bản cần được trang bị đầy đủ phương tiện để có thể bắn hạ mọi hỏa tiễn Bắc Triều Tiên lọt vào lãnh thổ nước này.
Nguy cơ từ láng giềng Bắc Triều Tiên đối với Nhật Bản ngày càng hiện hữu, đặc biệt với vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa hôm thứ Ba, 29/08. Việc hỏa tiễn bay qua lãnh thổ Nhật gây chấn động. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án đây là «đe dọa nghiêm trọng, chưa từng thấy», và quyết định dành nhiều phương tiện hơn cho quốc phòng.
Donald Trump và James Mattis bất đồng về chiến lược xử lý hồ sơ Bắc Triều Tiên
Vào lúc căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên lên cao do việc Bình Nhưỡng liên tục bắn thử tên lửa, tổng thống Donald Trump và bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis lại bất đồng với nhau trong hồ sơ này.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
"Lại có bất đồng bên trong chính quyền Mỹ, Lầu Năm Góc nói ngược với Nhà Trắng. Sau khi Bắc Triều Tiên bắn tên lửa bay qua không phận Nhật Bản, Donald Trump không còn đe dọa sẽ đổ bão lửa và căm hờn lên đầu Bình Nhưỡng nữa mà chỉ tuyên bố ôn hòa hơn là Hoa Kỳ không loại trừ bất kỳ giải pháp nào. Tuy nhiên, hôm thứ Tư, 30/08, trên mạng xã hội Twitter, nguyên thủ Mỹ lại lên giọng cứng rắn : Từ 25 năm qua, Mỹ thảo luận với Bắc Triều Tiên và kết quả là chúng ta trở thành nạn nhân của sự bắt bí của Bình Nhưỡng. Ông kết luận : Thảo luận không phải là một giải pháp.
Thế nhưng, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ không chia sẻ ý kiến này. Trước mặt bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc, ông James Mattis tuyên bố rằng vẫn có khả năng đàm phán. Ông nói : Chúng tôi không bao giờ cạn kiệt các sáng kiến ngoại giao. Chúng tôi tiếp tục cùng nhau làm việc ; ngài bộ trưởng và tôi cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân và các lợi ích của hai nước.
Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng chủ trương một giải pháp ngoại giao. Điều này không có nghĩa là Mỹ sao nhãng việc chuẩn bị đối phó nếu như Kim Jong Un trở nên hung hăng hơn. Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đã bắn chặn thành công một tên lửa cùng loại với hỏa tiễn mà Bắc Triều Tiên đã bắn hồi cuối tuần qua.
Theo truyền hình CBS, nếu như bộ Quốc Phòng Mỹ loại bỏ khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự truyền thống, thì Lầu Năm Góc dường như tính tới một cuộc tấn công tin học có sức tàn phán mạnh mẽ hơn nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng. "
Căng thẳng giữa Tokyo và Bình Nhưỡng tăng thêm một nấc. Một bài xã luận được cơ quan thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, đăng tải hôm qua, 31/08, cảnh báo Nhật Bản đang « nhanh chóng trên đường đi đến chỗ tự hủy diệt ». Bình Nhưỡng tố cáo Nhật hậu thuẫn « ông chủ » Hoa Kỳ để chống lại Bắc Triều Tiên. Trước đó, Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ còn tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa khác, và hướng bắn ra Thái Bình Dương. - RFI
|
|
2.
Úc kêu gọi Trung Quốc cắt xăng dầu cho Bắc Triều Tiên
Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, thúc giục Trung Quốc gia tăng kìm chế Bắc Triều Tiên về kinh tế kể cả cắt nguồn cung cấp xăng dầu cho chế độ này.
Đẩy mạnh các biện pháp ngoại giao của Bắc Kinh, Thủ tướng Australia nói với chương trình phát thanh John Laws tại Sydney rằng cơ may tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên mà không xảy ra xung đột là đảm bảo chế độ Bình Nhưỡng bị hoàn toàn cô lập về kinh tế.
Thủ tướng Turbull nói Trung Quốc cần có quyết tâm trong việc dùng các biện pháp kinh tế chống lại nước láng giềng, và nếu có những hành động quyết liệt, chế độ Bình Nhưỡng “sẽ gặp nhiều khó khăn để sống còn”.
“Cho tới nay Trung Quốc là một lực đẩy rất lớn,” Thủ tướng Turnbull ngày 31/8 nói. “Trung Quốc phải thực sự tăng cường áp lực ngay bây giờ để làm cho chế độ Bình Nhưỡng biết điều hơn.”
“Trung Quốc cam kết ngưng mua than đá, quặng sắt, hải sản và những sản phẩm khác của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có thể tiến xa hơn nữa bằng cách cắt nguồn cung cấp xăng dầu chẳng hạn.”
Ông Turnbull nói ông tin là những chế tài kinh tế thêm nữa cần phải áp đặt lên Bắc Triều Tiên, nếu không, một cuộc xung đột toàn diện tại bán đảo Triều Tiên bùng nổ sẽ là một đại họa.
Ông nói nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thiếu thận trọng và nguy hiểm, và hành động như một tay mafia, do đó những cường quốc trong vùng cần phải chứng tỏ cho chế độ Kim biết là có những hậu quả đối với hành động của họ.
“Cuối cùng là cần phải cô lập hoàn toàn Bắc Triều Tiên về phương diện kinh tế,” Thủ tướng Australia nói.
“Nếu cắt đứt mọi lợi tức của nước này, nếu cắt việc tiếp cận năng lượng, chế độ đó sẽ gặp nhiều khó khăn để sống còn—và đó là việc Trung Quốc phải làm.”
Ông Turnbull nói “không có giải pháp nào tốt” cho bán đảo Triều Tiên và thế giới đang đối phó với “một tình hình rất khó khăn và khó uốn nắn đã phát triển trong một thời gian dài”.
Ông Turnbull nói tiếp “những biện pháp chế tài rất quyết liệt là cơ may tốt nhất để giải quyết tình hình này mà không xảy ra xung đột”.
Ông Turnbull cho biết ông chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ sau hội nghị G20 tại Hamburg.
Thủ tướng Australia đã diện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 30/8, và hai nhà lãnh đạo đang phối hợp những nỗ lực để gia tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc nhằm cô lập Kim Jong Un.
Các cuộc tấn công ngoại giao đã tăng cường mạnh mẽ kể từ khi Bắc Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo bay ngang miền bắc Nhật Bản hôm 28/8.
Ngày 30/8, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí lên án việc phóng phi đạn và nhắc lại những đòi hỏi là Bình Nhưỡng ngưng chương trình phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân của nước này. - VOA
|
|
3.
Mỹ trả đũa, đóng cửa tòa lãnh sự Nga
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Hoa Kỳ yêu cầu Nga đóng cửa tòa lãnh sự tại San Francisco và các cao ốc tọa lạc phái bộ thương mại của Nga ở Washington lẫn New York, đáp lại việc Moscow cắt giảm nhân sự ngoại giao của Mỹ tại Nga.
Thời hạn chót Nga phải đóng cửa các cơ sở vừa kể được quy định là trước ngày 2/9.
Loan báo này là diễn tiến ‘ăn miếng trả miếng’ mới nhất giữa hai nước, làm giảm hy vọng rằng đôi bên sẽ cải thiện quan hệ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đầu năm nay.
Tháng trước, Moscow yêu cầu Mỹ cắt nhân viên ngoại giao và kỹ thuật ở Nga hơn phân nửa, để đồng đều với số nhân viên ngoại giao Nga tại Mỹ sau khi Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận các biện pháp chế tài mới với Nga vốn trả đũa việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Một giới chức cấp cao của chính quyền Trump cho hay Ngoại trưởng Mỹ đã gọi điện thông báo với người đồng cấp phía Nga về yêu cầu đóng cửa tòa lãnh sự ở San Francisco và hai cao ốc ở Washington và New York. Đôi bên dự tính gặp nhau bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên hiệp quốc vào tháng 9 này.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov lấy làm tiếc về quyết định của Washington, Bộ Ngoại giao Nga nói và cho biết thêm rằng ‘Moscow sẽ điều nghiên kỹ các biện pháp của người Mỹ và sau đó sẽ có phản ứng.
Tuần rồi, Mỹ loan báo sẽ giảm mạnh các dịch vụ cấp visa tại Nga và hành động này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới du học sinh, khách du lịch, và doanh nhân Nga. - VOA
|
|
4.
Interpol ra lệnh bắt tỉ phú Trung Quốc, Quách Văn Quý
Trung Quốc vừa mở một cuộc điều tra về cáo buộc liên quan đến việc tỷ phú Quách Văn Quý hiếp dâm người trợ lý của ông này.
Cơ quan chức năng Trung Quốc nói với hãng AP rằng cảnh sát Bắc Kinh đã đề nghị Interpol ra lệnh bắt giữ lần hai đối với tỷ phú 50 tuổi này.
Ông Quách bị cáo buộc hiếp dâm người trợ lý 28 tuổi từ năm 2015. Người phụ này nói rằng trong suốt hai năm qua, cô liên tục bị ông Quách hãm hiếp nhiều lần tại New York, London và Bahamas. Cô cho biết là ông Quách luôn đòi hỏi tình dục từ những nhân viên nữ để kiểm tra lòng trung thành của họ.
Tài liệu cảnh sát tiết lộ rằng có lần cô này bị các nhân viên khác của ông này tịch thu điện thoại, máy tính, hộ chiếu, chìa khóa và cấm cô ra khỏi căn hộ của ông này. Đầu năm nay cô đã đến gặp luật sư để khai báo sự việc, đồng thời giữ lại đồ lót, que thử thai và thuốc nạo phá thai để làm bằng chứng.
Cô nói muốn ông Quách phải đối mặt với pháp luật vì những gì ông đã làm với cô.
Hiện tại Trung Quốc và Hoa Kỳ chưa có hợp đồng dẫn độ nhưng phía Bắc Kinh mong muốn Washington sẽ không gia hạn visa cho ông Quách sau khi visa của ông này hết hạn vào tháng 10 tới đây.
Tỷ phú Quách Văn Quý là một công dân Trung Quốc đã bỏ trốn và hiện đang sống ở New York, Hoa Kỳ. Ông được biết vì liên tục đe dọa giới quan chức trong Đảng Cộng sản Trung Hoa là ông sẽ công bố mọi bí mật về họ. Ông từng bị Trung Quốc điều tra với nhiều cáo buộc khác nhau như hối lộ, bắt cóc, rửa tiền,… - RFA
|
|
5.
Trung Quốc ‘tăng cường tuần tra’ dọc biên giới với Ấn Độ
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 31/8 cho biết sẽ tăng cường tuần tra dọc theo đoạn biên giới có tranh chấp với Ấn Độ, nhưng cũng sẽ "điều chỉnh" các đợt triển khai quân, sau khi hai nước chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài hơn hai tháng.
Quân Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu nhau tại cao nguyên Doklam gần biên giới giữa Ấn Độ, Bhutan – đồng minh của Ấn Độ, và Trung Quốc. Đây là cuộc đối đầu nghiêm trọng và kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, theo Reuters.
Vụ rắc rồi này bắt đầu vào tháng 6 khi Ấn Độ đưa quân tới ngăn Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực Doklam, vùng lãnh thổ xa xôi và không có người ở mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều tuyên bố chủ quyền.
Ấn Độ nói họ đưa binh lính đến vì hoạt động quân sự của Trung Quốc ở đó là một mối đe dọa đối với an ninh của khu vực đông bắc Ấn Độ.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói tại một cuộc họp báo hàng tháng: "Quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm của mình, tăng cường tuần tra và các doanh trại ở ở khu vực Doklam và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.
Ông cho biết thêm rằng "trong bối cảnh có thay đổi tình hình tại thực địa, lực lượng biên phòng Trung Quốc sẽ thực hiện những điều chỉnh về việc triển khai", nhưng ông không nói cụ thể hơn.
Cả hai quốc gia đều đã không đưa ra những chi tiết rõ ràng về việc họ rút khỏi cuộc đối đầu ở khu vực, vốn đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn giữa cường quốc ở châu Á. Hai nước này từng có chiến tranh biên giới ngắn vào năm 1962.
Cuộc đối đầu kết thúc ngay trước hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần tại Trung Quốc của các nước BRICS, nhóm này gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ dự hội nghị. - VOA
|
|
6.
Máy bay Mỹ, Nhật, Hàn vần vũ trên bán đảo Triều Tiên
Hai chiếc máy bay siêu thanh B-1B cùng 4 chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Mỹ với các chiến đấu cơ của Nhật và Hàn Quốc hôm 31/8 đã bay trên bán đảo Triều Tiên, hai ngày sau khi Bắc Hàn phóng một quả tên lửa qua xứ sở mặt trời mọc, làm leo thang căng thẳng ở khu vực.
Reuters đưa tin rằng đây là một phần của cuộc diễn tập quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc mà chủ yếu tập trung vào các tình huống giả định trên máy tính.
CNN dẫn lời một quan chức trong không lực Hàn Quốc cho biết rằng việc thể hiện sức mạnh này nhằm thể hiện “phản ứng mạnh mẽ trước các vụ thử nghiệm liên tiếp tên lửa đạn đạo cũng như việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn”.
Kênh truyền hình này đưa tin thêm rằng các chiếc máy bay ném bom của Mỹ xuất phát từ Guam, nơi Bắc Hàn từng dọa sẽ tấn công tên lửa, còn các chiến đấu cơ cất cánh từ một căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.
Tin cho hay rằng các máy bay thực hiện một cuộc ném bom giả định nhắm vào “các cơ sở của kẻ thù”.
Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng vụ bay ngang bán đảo Triều Tiên là một “phản ứng trực tiếp trước vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung của Bắc Hàn”.
Các hãng tin nói rằng việc triển khai máy bay ném bom bay trên bán đảo Triều Tiên là phản ứng thường làm đối với các hành động của Bắc Hàn mà Mỹ và các đồng minh cho là “thù nghịch”.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc nói rằng quả tên lửa của Bắc Hàn được phóng đi từ vị trí gần thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 6 giờ sáng 29/8, bay khoảng 2.700km và đạt độ cao khoảng 500km.
Theo Reuters, dưới thời kỳ lãnh đạo của lãnh tụ Kim Jong Un, Bắc Hàn đã thực hiện hàng chục vụ thử tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng việc phóng hỏa tiễn qua lãnh thổ Nhật là chuyện hiếm. - VOA
|
|
7.
Ecuador bỏ tù ngư dân Trung Quốc ‘đánh bắt 6.000 cá mập’
Một thẩm phán của Ecuador đã kết án 20 ngư dân Trung Quốc với mức cao nhất lên đến 4 năm tù về tội đánh cá bắt bất hợp pháp ngoài khơi quần đảo Galapagos, nơi họ đã bị bắt với 6.600 con cá mập.
Con tàu mang cờ Trung Quốc có tên Phúc Viễn Ngư Lãnh 999 bị chặn bắt vào giữa tháng 8 với khoảng 300 tấn là các loài gần hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó có cả cá mập búa.
Thủy thủ đoàn phải nhận án tù giam từ 1 đến 4 năm, thẩm phán công bố vào tối 27/8. Họ cũng bị phạt tổng cộng 5,9 triệu đôla, theo Reuters.
Bộ ngoại giao của Ecuador cho biết họ đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Trung Quốc về việc con tàu hiện diện gần Galapagos.
Quần đảo này cách bờ biển bên Thái Bình Dương của Ecuador khoảng 1.000 km về phía tây.
Bộ Môi trường cho biết rằng tàu của Trung Quốc đã đánh bắt trong khu bảo tồn biển Galapagos.
Con tàu sẽ được Ecuador tiếp quản và người ta sẽ đổ các động vật bị chết xuống biển, chính phủ cho hay hôm 28/8.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hôm 29/8 rằng không có bằng chứng nào cho thấy con tàu đã đánh cá ở vùng biển của Ecuador, mà con tàu đã đi qua khu vực bảo tồn Galapagos dù không được phép vì không hiểu các quy định của Ecuador.
Bà Hoa nói rằng Trung Quốc hy vọng Ecuador có thể xử lý vụ việc một cách công bằng và bảo vệ các quyền hợp pháp của những công dân Trung Quốc. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
8.
Luật siết chặt quản lý di dân của Texas bị chặn
Một thẩm phán liên bang cuối ngày 30/8 tạm thời chặn phần lớn luật mới của Texas nghiêm khắc với các thành phố ‘chứa chấp’ di dân không giấy tờ.
Luật mới vừa kể cho phép cảnh sát, khi chặn người trên đường, có thể tra hỏi họ xem họ nhập cảnh Mỹ có giấy tờ hợp lệ hay không. Ngoài ra, luật này còn đe dọa các cảnh sát tư pháp sẽ bị tù nếu không hợp tác với nhà chức trách di trú liên bang.
Luật mang tên Senate Bill 4 được chính quyền của Tổng thống Donald Trump hoan nghênh và có hiệu lực vào ngày 1/9.
Đây được xem là luật di trú nghiêm khắc nhất tại Mỹ kể từ khi Arizona thông qua đạo luật mà các nhà chỉ trích đặt tên là luật “Trình giấy tờ” vào năm 2010, vốn đã bị Tối cao Pháp viện Mỹ bác bỏ một phần.
Phán quyết của Thẩm phán Liên bang Orlando Garcia tại San Antonio được đưa ra giữa lúc bùng nổ lo ngại về việc thực thi luật di trú tại Texas sau cơn bão Harvey. Các giới chức Houston đã tìm cách đảm bảo các gia đình sơ tán lụt rằng các trung tâm tạm trú sẽ không hỏi về tình trạng di trú của họ. - VOA
|
|
9.
Texas, tinh thần hào sảng không suy suyển
Tính hào sảng của người Texas dường như đã lưu truyền trong văn hóa tiểu bang này, và truyền cảm hứng cho cả người gốc Việt sinh sống tại đây. Bão Harvey, cũng như nhiều cơn thiên tai trước, là dịp minh chứng cho đặc tính này.
“Tôi được phân vào nhóm 1 – Tier 1 – đứng đầu sóng ngọn gió, vào trực tại bộ phận công nghệ thông tin, và được chỉ định lưu lại cho đến khi cơn bão đi qua.” V.L.H.C., kỹ sư làm việc cho văn phòng dữ liệu thành phố Houston, nói với VOA. Công việc của V.L.H.C. là trực tại một trong ba trung tâm dữ liệu của Houston, “bảo đảm duy trì mạng và thông tin liên lạc giữa các ban, ngành trong thành phố.”
“Lúc đầu, tưởng cơn bão nhỏ, tôi chỉ mang theo hai bộ quần áo, kem đánh răng, một ít đồ ăn khô, vào chỗ làm.” Kỹ sư này trình diện nhận việc lúc 3 giờ chiều, thứ Sáu, 25 tháng Tám. Harvey đánh vào Houston tối cùng ngày.
“Mặc dầu ‘kẹt’ ở trong này, mặc dầu không có quần áo để thay, tôi biết mình vẫn may mắn hơn nhiều người ngoài kia, chỉ có một bộ, mà là bộ quần áo bị ướt.” V.L.H.C. dí dỏm, và lòng tự nhủ, “sẽ sang trại tạm cư bên kia đường giúp người chạy bão gốc Việt đang tạm trú sau khi xong công việc tại sở.”
Cùng thời điểm này, ở thành phố Cypress phía Tây Bắc quận Harris, bao gồm cả thành phố Houston, kỹ sư Bảo Trương cũng bị “kẹt” trong nhà, vì nước lụt dâng lên khắp nơi.
Thật vậy, kể từ thứ Sáu, 25 tháng Tám, Houston trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập,” theo mọi ý nghĩa của cụm từ này. Người ta không vào hay ra được khỏi thành phố. Người ta không vào hay ra được khỏi ngay cả căn nhà của mình.
Bão Harvey đổ hơn 30 tỷ mét khối nước vào Houston, trong trận hồng thủy chưa từng có trong lịch sử thành phố. Ba ngày mưa như cầm chĩnh đổ, Houston hứng chịu 300 mm, rồi 500 mm, rồi 1000 mm nước mưa, cao hơn cả một năm vũ lượng của Việt Nam, một xứ mưa nhiều.
“Bà con ngạc nhiên, không ngờ mưa lớn như vậy.” Bảo Trương nói với VOA. “Thế rồi bão lớn dần, bắt đầu thấy lo.”
Gia đình đi mua nước, mì gói, trứng… những vẫn chưa nghĩ đến chuyện “di tản.” Điều bất ngờ nhất lại đến, tạo nên thiên tai chưa từng có trong lịch sử tiểu bang: “Bão Harvey cứ xà quần một chỗ trên đầu Houston, tạo mưa lớn, đổ xuống thành phố.” Bảo Trương kể lại.
Thế là cả gia đình kẹt trong nhà, Bảo Trương, vợ - Hà Lê Mai Trinh, và cô con gái 11 tuổi. Từ thứ Sáu trở đi, kỹ sư Bảo “đợi hãng email gọi đi làm khi an toàn.”
Sang đến Thứ Hai, 28 tháng Tám, Bảo bắt đầu ra khỏi nhà, lội đến gần các kênh nước, “phụ người ta cứu người.”
Trong khu xóm, nhiều người mang theo tàu, kayak – một loại xuồng - để cứu người bị kẹt trong nhà bị bao vây bởi lũ. “Cá nhân tôi không có tàu thì mình phụ đẩy tàu xuống nước, hay mang người từ tàu lên chỗ khô.” Bảo kể lại.
Ai cũng góp một tay, không phân biệt nhiều, ít, không phân biệt điều kiện. “Tai ương không phân biệt người giàu, người nghèo. Tôi ngạc nhiên trước sự đoàn kết của mọi người.”
Bảo bày tỏ, rồi thêm: “Và hãnh diện làm người Texas.”
Không chỉ Bảo mang niềm hãnh diện ấy.
Ở phía Bắc Houston, nơi thành phố Conroe, ông Sơn Đặng, làm việc tại hãng dầu Energy Transfer, nói với VOA: “Đúng là có rất nhiều người tham gia cứu nạn. Tinh thần Texas trong những ngày này, là bị nạn xong, được giúp xong, thì đi cứu người khác.”
Ông Sơn sang Mỹ năm 1978, định cư tại Conroe từ năm 1981, và đã “trải qua nhiều cơn bão.”
“Harvey là trường hợp đặc biệt.” Ông Sơn giải thích. “Các cơn bão trước cường độ rất mạnh, đi qua rất nhanh, Harvey thì ‘đứng lại.’” Chính vì “đứng lại,” “xà quần” trên đầu thành phố mà Harvey trở nên đáng sợ, tạo thành thiên tai lịch sử.
Bão đến, thành phố ngập lụt. Bão qua, mưa tạnh, nước chưa kịp rút đi, thì nước lại dâng lên: Lũ xả từ các đập trữ nước. Một phần thành phố “lụt đến hai lần.”
Trong khi nhiều người kẹt ở nhà vì không thể ra đường đi làm, thì kỹ sư network Trần Trí Hoàng, làm việc cho Cisco, lại vẫn có thể làm việc hàng ngày.
Trí Hoàng làm việc nhàn nhã, vì được … làm việc tại nhà. Vừa làm việc, Hoàng vừa liên lạc với các thành viên trong nhóm Hoa Lư, kêu gọi đóng góp làm thiện nguyện.
Kỹ sư Hoàng sống tại Houston 37 năm nay, biết thành phố “như lòng bàn tay,” đã nhận đưa phóng viên VOA đi tác nghiệp trong ngày đầu nhóm này có mặt tại Houston.
Trần Trí Hoàng đồng ý với mọi người, rằng “Harvey thật đáng sợ. Mưa lớn gấp 5, 10 lần các cơn bão trước.”
Vừa làm việc ngay trên xe, vừa đưa phóng viên đến các trại tạm cư Việt Nam, Trần Trí Hoàng vừa liên lạc với đại diện cộng đồng Việt Nam tại Atlanta, Georgia.
“Các anh chị bên ấy lúc đầu định mang hai xe hàng cứu trợ sang Houston, nay với thông tin mới, sẽ mang thẳng sang Port Arthur.”
Harvey, vừa rút khỏi Houston là lâng dần vào Port Arthur, khuya thứ Ba, 29 tháng Tám! - VOA
|
|
10.
Một nhà máy hóa chất bị rò rỉ vì bão Harvey
Rò rỉ hóa chất và khói được báo cáo tại một nhà máy hóa chất bị ngập ở một thị trấn nhỏ bên ngoài Houston, theo văn phòng Cảnh sát Tư pháp Quận Harris.
Nguồn tin này cho hay một nhân viên cảnh sát được đưa vào bệnh viện sau khi hít phải khói này và 9 người khác đã tự đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe để đề phòng.
Các giới chức công ty cho biết khói bị hít phải không độc.
Nhà máy Arkema Inc. tại Crosby, Texas, nằm cách Houston 25 dặm về phía đông bắc, bị mất điện và máy điện dự phòng không hoạt động trong cơn lụt kéo dài nhiều ngày do bão Harvey, khiến những hóa chất đông lạnh bốc hơi do nhiệt độ gia tăng.
“Sẽ xảy ra hỏa hoạn, giống như cháy do xăng dầu. Sẽ là vụ cháy nổ nghiêm trọng,” bà Janet Smith, phát ngôn viên nhà máy nói với Thông tấn xã AP vào cuối ngày 30/8 rằng hiện không làm gì được vì một số khu vực của nhà máy đang bị chìm dưới hơn một mét nước.
“Không cách nào ngăn vụ cháy nổ”, giám đốc điều hành Rich Rowe tuyên bố sáng ngày 30/8.
Nhà máy Arkema sản xuất chất peroxide hữu cơ, một hợp chất dùng trong các ngành từ sản xuất dược phẩm đến vật liệu xây dựng.
Công ty đóng cửa nhà máy ở Crosby trước khi bão Harvey đổ bộ vào đất liền trong tuần trước nhưng 11 nhân viên vẫn ở lại. Toán này sau đó được di dời và cư dân trong vòng 1,5 dặm được lệnh sơ tán vào ngày 29/8 sau khi nhà máy mất điện.
Trong một phúc trình vào năm 2014, nhà máy Arkema nói khoảng 1,1 triệu cư dân có thể bị ảnh hưởng trong vòng 23 dặm trong trường hợp tệ hại nhất, theo thông tin do một tổ chức bất vụ lợi soạn thảo và được đưa lên trang mạng của tờ Houston Chronicle. - VOA
|
|
11.
Dân Mỹ rời Bắc Triều Tiên trước lệnh cấm du hành
Một số ít người Mỹ ngày 31/8 rời khỏi Bình Nhưỡng trên một chuyến bay đến Bắc Kinh, một ngày trước khi lệnh cấm công dân Mỹ đến Bắc Triều Tiên có hiệu lực.
Trong số những người có mặt trên chuyến bay rời khỏi thủ đô Bắc Triều Tiên có những nhân viên cứu trợ. Những người này hy vọng được phép trở lại để tiếp tục làm công việc nhân đạo.
Tháng trước, chính quyền Trump loan báo cấm công dân Mỹ đến Bắc Triều Tiên từ ngày 1/9 vì lo ngại việc bắt giữ người Mỹ.
Trước đây trong năm, công dân Mỹ Otto Warmbier được Bình Nhưỡng trả về Mỹ sau 1 năm giam giữ trong tình trạng bất tỉnh và qua đời không lâu sau đó.
Trong thập niên qua, có ít nhất 16 người Mỹ bị giam cầm tại Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|
12.
TT Trump sẽ hiến tặng nạn nhân bão Harvey $1 triệu
Tổng Thống Donald Trump dự trù sẽ hiến tặng $1 triệu cho nạn nhân cơn bão Harvey tại Texas, báo mạng The Hill trích lời bà Sarah Huckabee Sanders, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, cho biết hôm Thứ Năm.
Tuy nhiên, tổng thống chưa quyết định số tiền này sẽ đưa cho tổ chức nào, và Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ tham khảo ý kiến của giới truyền thông.
“Tổng thống thực ra có hỏi tôi thăm dò quý vị trong phòng họp báo này xem, bởi vì quý vị rất tốt trong việc nghiên cứu xem nhóm nào hoặc tổ chức nào nên được nhận số tiền này. Tổng thống rất muốn biết một số đề nghị của quý vị và tôi sẽ rất vui nhận những đề nghị này,” bà Sanders nói trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.
Bà Sanders cũng cho biết bà không chắc số tiền $1 triệu này là tiền cá nhân của tổng thống hay lấy từ Trump Foundation.
“Tôi biết rằng tổng thống nói ông sẽ tặng tiền, tôi không biết chính xác phần pháp lý trong chuyện này, nhưng tổng thống có nói đó là tiền cá nhân, thành ra, tôi nghĩ số tiền này xuất phát trực tiếp của ông,” bà Sanders nói.
Tổng Thống Donald Trump và Đệ Nhất Phu Nhân Melania sẽ thăm hai tiểu bang bị bão Harvey hoành hành, Texas và Louisiana, vào Thứ Bảy này, bà Sanders cho biết. - nguoiviet
|
|
13.
Thăm dò cử tri Mỹ: Tổng Thống Trump ‘làm đất nước tan hoang’
Kết quả một thăm dò mới gần đây nhất của đài truyền hình Fox News cho thấy đa số cử tri Mỹ cho rằng Tổng Thống Donald Trump đang làm cho đất nước tan hoang.
Số cử tri hài lòng với mọi sự ở trong nước giảm 10% tính từ hồi Tháng Tư và đứng yên ở tỉ lệ chỉ 35%, chưa từng thấp như vậy kể từ năm 2013. Ðồng thời sự bất mãn vọt lên đến 64%, tức tăng 11%.
Tuy nhiên thay đổi này lại trái ngược đối với vấn đề kinh tế, với sự đánh giá cao trong hơn một thập niên. Trong số 36% hài lòng về kinh tế, 6% cho là “tuyệt vời” và 30% còn lại đánh giá “tốt đẹp.” Lần sau cùng có được sự đánh giá cao như vậy là vào Tháng Tám 2004.
Trong khi đó thành quả làm việc của tổng thống bị đánh giá ngày càng tệ hơn, với 56% cảm thấy ông Trump “đang làm tan hoang đất nước” so với 33% cho là ông đang đưa cả nước về một mối.
Một con số kỷ lục 55% cử tri không hài lòng về thành quả làm việc của ông Trump trong cương vị một tổng thống, trong khi 41% khác hài lòng, khác biệt đến 14%, so với chỉ 3% hồi Tháng Tư, thời gian đánh dấu 100 ngày đầu tiên của tân chính phủ, với tỉ lệ (45-48 phần trăm).
Thăm dò này được thực hiện vào các đêm từ Chủ Nhật đến Thứ Ba vừa qua.
Hôm Thứ Ba, ông Trump viếng thăm Texas để xem xét thiệt hại do lụt lội từ bão Harvey mang lại, và trước đó trong cùng ngày, Bắc Hàn bắn một hỏa tiễn bay ngang qua lãnh thổ nước Nhật.
Về vấn đề Bắc Hàn, 42% cử tri đánh giá ông Trump chưa cứng rắn đủ, giảm đáng kể từ 56% của lần thăm dò hồi Tháng Sáu.
Ông được đánh giá cao về thành quả kinh tế (49% hài lòng, 43% chống). Ông cũng được điểm cao về việc đối phó với khủng bố (47%-45%) và bão Harvey (44%-26%). - nguoiviet
|
|
14.
Người Mỹ gốc thiểu số có thể bị thiệt thòi nhiều sau thống kê dân số 2020
Tổ chức New America Media (NAM) phối hợp với các cơ quan dân quyền tổ chức buổi thông tin báo chí lúc 9 giờ sáng Thứ Năm, 24 Tháng Tám, để cảnh báo rằng kết quả của Cơ Quan Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ (USCB) trong năm 2020 có thể không chính xác.
Lý do của sự có thể không chính xác này là do không đủ ngân sách, dẫn đến bất công cho công dân thiểu số.
Sự việc bắt đầu khi Tổng Thống Donald Trump yêu cầu ngân sách cho việc kiểm tra dân số và số tiền này thấp hơn so với ước tính của USCB.
Ông yêu cầu chỉ có 10% nhiều hơn ngân sách năm 2010 ($13 tỷ).
Việc này cộng với ngân sách thiếu thốn của USCB trong những năm trước đây sẽ dẫn đến kết quả sai lệch trong việc thống kê, nhất là đối với những cộng đồng thiểu số Latino, Phi Châu, và Á Châu.
Bà Vanita Gupta, chủ tịch và giám đốc điều hành Hội Nghị Lãnh Đạo cho Dân quyền và Nhân Quyền, nói: “Tôi rất lo ngại cuộc thống kê dân số kỳ này sẽ không thành công. Sự thiếu chính xác sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, nhất là cho người nghèo và trẻ em.”
Bà lo vì USCB vừa thiếu ngân sách, vừa thiếu lãnh đạo. Cho đến giờ, Thượng Viện Hoa Kỳ vẫn chưa bổ nhiệm giám đốc USCB.
“Đầu năm 2018 là USCB phải bắt đầu những cuộc thống kê thử nghiệm mà đến giờ vẫn chưa có người chính thức. Mà đâu phải chỉ thử nghiệm một lần ở một nơi. Phải có nhiều thử nghiệm ở nhiều nơi mới có thể chỉnh đốn được cuộc kiểm kê thật,” bà nói. “Chỉ còn một năm rưỡi thôi. Không kịp rồi.”
Bà Terri Ann Lowenthal, cựu giám đốc House Census, nói: “USCB đang gặp nhiều khó khăn. Đây là cuộc thống kê dân số lần đầu tiên qua Internet, họ phải đối phó với những mối đe dọa về an ninh Internet mà lại không đủ ngân sách.”
Mối lo của bà là ngân sách thống kê năm 2020 chỉ hơn ngân sách năm 2010 có 10% trong lúc dân số gia tăng rất nhiều.
Ông Arturo Vargas, giám đốc điều hành Hội Người Latino, nói: “Đây là lần đầu trong 30 năm, USCB bị thiếu hụt ngân sách.”
Để có kết quả chính xác về sắc dân Latino hay những cộng đồng thiểu số khác, cơ quan cần có nhân viên lặn lội đến những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh.
Ông chia sẻ băn khoăn: “Không làm vậy thì không có được số đếm chính xác và có địa chỉ thật.”
Ông cũng tin rằng phải làm đi, làm lại nhiều cuộc thử nghiệm để rút tỉa kinh nghiệm thì khi thực sự bắt tay vào việc kiểm kê, con số mới chính xác được.
Nhất là khi muốn biết số di dân chính thức và bất hợp pháp.
Trách nhiệm của USCB là phải có tổng số của tất cả mọi người đang sống tại Mỹ, mà ông không tin là thống kê năm 2020 sẽ có được con số đúng.
Ông John C. Yang, chủ tịch và giám đốc điều hành Asian Americans Advancing Justice, cũng có những quan tâm tương tự.
Ông nói: “USCB phải cập nhật thường xuyên tất cả mọi cộng đồng trên toàn quốc. Không thể chấp nhận bất cứ sự thiếu xót nào, nhất là về những người nghèo, không nói tiếng Anh được.”
Việc này sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm khi chính quyền liên bang cung cấp ngân sách cho giao thông công cộng và y tế.
Ông thêm: “Nếu không được tăng ngân sách đáng kể vào đầu năm 2018, USCB sẽ không thể chính xác trong việc kiểm tra dân số và người thiểu số sẽ không được quan tâm đúng mức. Để có công bằng, con số này cần phải chính xác.”
Ông Vargas lo âu rằng sẽ có nhiều chương trình trợ giúp người nghèo bị cắt bỏ một cách oan uổng và nhiều cộng đồng bị gạt bỏ chỉ vì thống kê không chính xác.
Ông nói: “Vấn đề quan trọng nhất, ảnh hưởng đến dân quyền của một nước dân chủ, là quyền đi bầu của công dân.”
Bà Lowenthal bày tỏ quan tâm: “Hậu quả của việc thống kê dân số không chính xác rất nghiêm trọng.”
Bà nhấn mạnh rằng theo Hiến Pháp Mỹ, cứ mỗi 10 năm là phải có một cuộc thống kê dân số chính xác.
Và hiện giờ, USCB đang gặp một cuộc “khủng hoảng Hiến Pháp” và không ai có thể lường được tai hại của việc này đối với công dân Mỹ trong tương lai sẽ ra sao. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
15.
Đức sa thải nhân viên, trả chiếc xe 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh'
Một nhân viên người Việt làm việc cho Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn (viết tắt là BAMF) của Đức chính thức bị cho nghỉ việc từ ngày 1/9/2017.
Báo chí Đức tường thuật về mối liên hệ giữa vị trí công tác của ông Hồ Ngọc Thắng với vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, thậm chí còn đặt nghi vấn về 'cuộc sống nhị trùng' của ông, người mà báo DW coi là 'ban ngày làm việc cho Đức, ban đêm phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam'.
Tuy nhiên, BAMF hôm 31/8 cho BBC Tiếng Việt biết rằng cho đến thời điểm này, việc điều tra cho thấy "chưa có mối liên hệ trực tiếp nào giữa nhân viên đó với vụ bắt cóc".
Ông Hồ Ngọc Thắng làm việc tại BAMF kể từ năm 1991 tới nay, nhưng không được giao nhiệm vụ đánh giá hồ sơ tị nạn của người Việt Nam, BAMF nói.
Ông Thắng đã bị tạm đình chỉ công tác kể từ 7/8, ngay khi BAMF nhận được những thông tin về việc ông có những bài viết và thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Hồ Ngọc Thắng hồi đầu tháng Tám đăng bài "Quan hệ ngoại giao Đức - Việt sẽ ra sao trong vụ Trịnh Xuân Thanh?"
Trong bài viết có những đoạn như: "Cho đến nay, các cơ quan Đức không có thể đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh bị 'bắt cóc'", hay "tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh trong thủ tục xét tị nạn", và "bọn phản động trong và ngoài nước còn khai thác đề tài này lâu hơn".
Sau khi việc điều tra kết thúc, BAMF đã "ngay lập tức chấm dứt quan hệ lao động" với ông Hồ Ngọc Thắng, BAMF nói với BBC.
Tuy không nêu lý do khiến ông Thắng bị cho nghỉ việc, nhưng BAMF nói với BBC rằng tất cả các nhân viên của cơ quan này "đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ trung thành và trung lập", và rằng các nhân viên "luôn được cấp trên liên tục nhắc nhở về tầm quan trọng của nghĩa vụ này trong các khóa tập huấn".
"Nhân viên này có thể đệ đơn khiếu nại lên tòa án lao động về việc bị sa thải," BAMF nói thêm.
Czech nghi ngờ về công an và tình báo VN?
Cũng liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh, truyền thông Czech nói cơ quan điều tra tội phạm có tổ chức của nước này (NCOZ) hiện đang điều tra bên cạnh giới chức Đức.
Phía Đức tin là ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc bởi một số người sống hoặc từng sống tại Czech.
Nay, truyền thông Czech cho rằng trong số những người tham gia vụ việc có thể là công an Việt Nam.
Trang domaci.ihned.cz trong bài viết cập nhật lần cuối hôm 29/8 dẫn nguồn tuần báo Respekt và nhật báo Aktualne.cz nói rằng một trong những hướng điều tra tập trung vào khả năng những người này thuộc nhóm công an từng được Czech mời sang hồi hai năm trước để phối hợp phát hiện các hoạt động tội phạm có tổ chức của người Việt, chủ yếu ở Trung tâm Thương mại Sa Pa, thủ đô Prague.
Cảnh sát cũng xem xét khả năng là có một số điệp viên Việt Nam đã có mặt trong nhóm đó từ ban đầu mà phía Czech không biết.
Cho đến nay, có một người mang quốc tịch Việt Nam đã bị dẫn độ từ Czech sang Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Hôm 24/8, Tổng công tố Liên bang Đức ra thông cáo nói ông N. H. Long, 46 tuổi, quốc tịch Việt Nam đã được di lý sang Đức.
Thông cáo nói nghi can đã lái một chiếc xe thuê từ Prague đến Berlin vào ngày 20/7, 3 ngày trước khi có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Chủ chiếc xe Multivan VW (Volkswagen) bảy chỗ mang biển số 2AB-3140 nói với BBC rằng khách thuê xe là ông Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram tại chợ Sa Pa.
"Cảnh sát lấy xe vào lúc 17 giờ 41 phút ngày 28/7/2017" để điều tra việc sử dụng xe trong thời gian từ 20 đến 23/7, chủ xe Bùi Quang Hiếu nói với BBC Tiếng Việt hôm 10/8.
Ông Bùi Quang Hiếu hôm 31/8 cho BBC Tiếng Việt biết ông được cảnh sát Đức thông báo việc điều tra đối với chiếc xe đã xong, và ông sẽ được nhận lại xe vào sáng 1/9.
Chuyến công tác gần đây của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn chưa đạt kết quả gì trong đối thoại với phía Đức, một nguồn tin từ Hà Nội cho biết. - BBC
|
|
16.
Các nhà đối lập Việt Nam thách thức chính quyền trên Facebook
Nếu trên 700 cơ quan truyền thông chính thức luôn bị Nhà nước kiểm duyệt chặt chẽ, thì không gian mạng vẫn là nơi cất lên những tiếng nói phản biện tại Việt Nam. Một nhà hoạt động ở Hà Nội nói với Reuters : « Ở đây không giống như Trung Quốc, chính quyền không thể chặn Facebook ».
Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi siết chặt internet để đối phó với các «thế lực thù địch» - không chỉ đe dọa an ninh mạng mà còn « bôi nhọ uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước». Tuy nhiên khống chế internet tại một quốc gia có dân số trẻ và đang phát triển nhanh chóng không phải là điều dễ dàng, nhất là khi các tập đoàn cung cấp dịch vụ mang tính toàn cầu.
Việt Nam nằm trong top 10 nước có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Theo số liệu do các cơ quan We Are Social và Hootsuite cung cấp cho Reuters, hiện có đến 52 triệu tài khoản đang hoạt động, từ cá nhân cho đến các nhà quảng cáo. YouTube cũng rất thịnh hành, còn Twitter ít hơn.
Cũng giống như ở các nước Đông Nam Á khác, mạng xã hội vừa hỗ trợ cho kinh doanh, quảng bá đồng thời là phương tiện để chỉ trích chính phủ. Một số nhà ly khai thường xuyên hoạt động trên các mạng xã hội đã bị bắt giữ, trong chiến dịch trấn áp gần đây. Hiện có ít nhất 15 người đã bị bắt. Một trong số đó là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm đã lãnh án 10 năm tù giam. Bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động ở Hà Nội cũng đã bị kết án 9 năm tù.
Tuy nhiên khoảng mấy chục nhà hoạt động khác hàng ngày vẫn tiếp tục đăng tải những bài viết chỉ trích chính phủ trên Facebook. Nhiều người có đến trên 100.000 «follower» (người theo dõi), có fabooker còn thu hút số lượng người theo dõi trên 400.000, gấp đôi các trang Facebook của chính phủ và bằng 1/10 số lượng đảng viên trên toàn quốc!
Ông Nguyễn Chí Tuyến, 43 tuổi, vốn là giáo viên và phiên dịch, chủ tài khoản «Anh Chí» có 40.000 người theo dõi, cho biết: «Chúng tôi tận dụng bất cứ cơ hội nào có được để cất lên tiếng nói: từ vấn đề môi trường, đất đai cho đến chủ quyền lãnh thổ».
Việt Nam hồi tháng Ba cố gắng gây áp lực lên Facebook và Google để gỡ xuống hàng ngàn bài viết chống chính quyền, thông qua các nhà quảng cáo, nhưng thành công của nỗ lực này khá hạn chế.
Một trong những lý do khiến khó thể siết chặt hơn, là đối với các nhà sản xuất bia, xe gắn máy cho đến công ty bảo hiểm, mạng xã hội là kênh tiếp thị chính để tiếp xúc với những người tiêu thụ trẻ tuổi, vốn ngày càng có ảnh hưởng hơn trong một nền kinh tế có tỉ lệ tăng trưởng trên 6% một năm, thuộc loại nhanh nhất châu Á. Còn đối với các nhà kinh doanh nhỏ thì Facebook lại càng thiết yếu. Một cửa hàng hoa vải mới mở ở Hà Nội nói với Reuters là đến 95% khách hàng đến từ Facebook và Instagram.
Cho dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong thu nhập của Facebook và Google, nhưng Việt Nam là một điểm nóng đối với các thương hiệu mang tính toàn cầu. Châu Á-Thái Bình Dương cũng là khu vực mà Facebook có mức tăng trưởng nhanh nhất về doanh số, gần 60% trong năm ngoái. Theo ông Jeff Paine, giám đốc Asia Internet Coalition, mà trong số các thành viên có Facebook, Google và Twitter, thì nếu siết chặt việc kiểm soát internet, có thể làm giảm đi tính sáng tạo, tác động đến sự tăng trưởng và tính cạnh tranh của nền kinh tế mạng Việt Nam.
Facebook không trả lời Reuters, còn Google từ chối bình luận. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói rằng chính quyền ủng hộ internet nhưng cố giảm thiểu «các hành vi gây tổn hại cho người sử dụng và những hành động bất hợp pháp như kích động bạo lực và lối sống đồi bại».
Ngược với Việt Nam, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa Facebook năm 2009. Bắc Kinh chỉ cho phép các mạng xã hội trong nước như WeChat và Vi Bác hoạt động, với các luật lệ khắt khe, cấm đoán mọi chỉ trích đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhiều từ khóa tìm kiếm bị cho vào danh sách đen, đã vậy chính quyền còn cho điều tra những trang web thu hút nhiều người truy cập nhất để tìm ra các vi phạm.
Facebook thỉnh thoảng chỉ bị chặn một thời gian ngắn tại Việt Nam trong những thời điểm nhạy cảm, nhưng chưa bao giờ kéo dài. Ông Shawn Crispin, đại diện Ủy ban Bảo vệ Nhà báo khu vực Đông Nam Á nhận định: «Chính quyền Việt Nam trong nhiều năm qua cố gắng ngăn chận các nhà báo độc lập và blogger sử dụng internet, nhưng đã thất bại trong cuộc chiến».
Tuy vậy, các nhà đối lập vẫn là mục tiêu có nguy cơ bị bắt giữ. Trước loạt trấn áp vừa qua, một số facebooker đã tuyên bố rút lui. Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, khi facebooker Hoàng Dũng của Con Đường Việt Nam thông báo ngưng đấu tranh, đã viết: «Chúng ta đã đi quá xa để có thể từ bỏ tất cả». Bà nói với Reuters: «Tự do có một quy luật rất kỳ lạ. Một khi đã biết đến giới hạn của tự do, người ta sẽ không bao giờ quay lui". - RFI
|
|
17.
Gián điệp mạng Trung Quốc mở rộng tấn công Việt Nam
Các gián điệp mạng làm việc cho chính phủ Trung Quốc đã mở rộng tấn công vào các trang web của chính quyền và doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng. Reuters hôm nay 31/08/2017 dẫn nguồn tin từ công ty an ninh mạng FireEye loan báo như trên.
FireEye nói với hãng tin Anh là các cuộc tấn công đã diễn ra trong những tuần lễ gần đây, và công ty này đã truy ra được thủ phạm là các gián điệp mạng Trung Quốc, nhờ nhận diện cơ sở hạ tầng tương tự đã từng được sử dụng.
Ông Ben Read, lãnh đạo nhóm chống gián điệp của FireEye cho biết : « Nếu trước đây tin tặc Trung Quốc nhắm vào các mục tiêu chính phủ, thì nay họ đánh vào lãnh vực thương mại đầy tiềm năng của Việt Nam, và cố gắng thu thập được một lượng thông tin quy mô ».
Theo FireEye, cách thức tấn công là gởi cho những người đang tìm kiếm các thông tin về tài chính những tài liệu bằng tiếng Việt. Khi người sử dụng mở ra, mã độc sẽ xâm nhập máy tính và gởi toàn bộ thông tin cho gián điệp mạng. Một số lớn công ty tại Việt Nam là mục tiêu của tin tặc Trung Quốc, trong đó có các định chế tài chính.
Công ty an ninh mạng FireEye xác định thủ phạm là một nhóm được gọi là Conimes, vì trong quá khứ chúng từng sử dụng tên miền conimes.com. Phương pháp tấn công tương đối đơn giản, nạn nhân thường là những người sử dụng Microsoft Word phiên bản trước 2012. Nhóm gián điệp mạng này tập trung vào Đông Nam Á, nhưng mục tiêu chính là Việt Nam, và càng tăng cường hoạt động khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.
Là tiếng nói gay gắt nhất chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Hà Nội hồi tháng 07/2017 đã phải cho ngưng hoạt động thăm dò dầu khí tại lô 136-3 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam, do bị Bắc Kinh đe dọa. Trung Quốc cũng bực tức trước các nỗ lực của Việt Nam nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á trong hồ sơ này, đồng thời tăng cường quan hệ về quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ. - RFI
|
|
18.
Bụi nano trong không khí ở Việt Nam nguy hiểm như thế nào?
Kết quả quan trắc bụi mịn ở Việt Nam gần đây đã phát hiện ra bụi nano trong không khí. Điều này được các chuyên gia khoa học và môi trường đặc biệt quan tâm vì khả năng gây hại đến sức khỏe của con người.
Bụi nano là gì và tác hại ra sao?
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cho báo giới biết rằng mấy năm trở lại đây các chuyên gia đã quan trắc được bụi nano ở Việt Nam. Theo ông, điều đáng nói là khi cân loại bụi này, phải cần một khối lượng nhất định mới cân được. Với khối lượng này, Nhật Bản cần 3 ngày đến 1 tuần mới gom đủ thì ở Việt Nam hàm lượng lớn tới mức chỉ cần một ngày.
Nói với đài RFA, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, làm việc tại Trung tâm Công nghệ môi trường phân tích rằng tên gọi bụi nano thực ra chỉ thể hiện kích thước của loại bụi này:
Bụi nano là loại bụi rất mịn, kích thước nano mét. Trong bụi nào cũng có kích thước bụi kích thước lớn, kích thước nhỏ, kích thước trung bình, thì nano là bụi có kích thươc siêu nhỏ.
Khoảng chục năm về trước, các nhà khoa học thế giới cho rằng bụi nano không nguy hiểm vì nó nhỏ bé như phân tử khí, theo luồng hít thở vào phổi rồi đi ra. Tuy nhiên bây giờ họ đã có cái nhìn khác. Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, bụi nano nguy hiểm hơn các loại bụi khác vì kích cỡ siêu nhỏ của nó:
Bụi kích thước càng nhỏ thì càng dễ vào cơ thể và hệ hô hấp của con người. Bụi nhỏ có thể vào sâu cơ thể con người, còn bụi to thì khi thở vào có thể lông mũi, dịch nhầy, nước bọt giữ lại. Bụi siêu nhỏ không được giữ lại bên ngoài hệ hô hấp mà nó đi thẳng vào phổi, cho nên gây độc cho con người hơn. Bụi càng nhỏ thì mức độ độc hại càng lớn cho sức khỏe con người.
Một chuyên gia khác là GS.TS Đặng Kim Chi, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội đồng tình với quan điểm rằng bụi nano chỉ là tên gọi chung cho các hạt bụi kích thước nhỏ hơn 10-6. Theo bà, các hạt kích thước nano có cả hai mặt tích cực và tiêu cực đến sức khỏe con người:
Ngoài khả năng tích cực là dẫn thuốc đến bộ phận cần điều trị của cơ thể. Nhưng nếu những hạt đó là kim loại nặng thì với kích thươc nhỏ như vậy nó có thể xâm nhập qua thành mạch máu, màng tế bào, đi vào máu và các bộ phận của cơ thể sống và có lưu trữ những hạt này và sinh ra các tác động không có lợi. Không phải tất cả các hạt nano đều có tính độc mà chỉ những hạt nano có nguồn gốc từ kim loại nặng như đồng, kẽm, chì, thủy ngân,…
Thạc sĩ Vũ Xuân Đán, Trung Tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TPHCM từng nói với báo chí trong nước rằng những loại bụi nhỏ mịn như nano dễ đi sâu vào hệ hô hấp, có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA do sự mất cân bằng oxy khiến các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại, tác động đến sự chuyển hóa chất hữu cơ của DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây ung thư phổi.
Theo số liệu thống kê của ngành y tế, bệnh ung thư phổi xếp thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, khẩu trang thông thường của người dân không thể ngăn chặn được bụi nano đi vào cơ thể.
Chưa có giải pháp cho riêng bụi nano
PGS.TS Phùng Chí Sĩ nói rằng bụi nano vẫn luôn có trong không khí ở Việt Nam từ trước đến nay, có điều là mấy năm trở lại đây mới có phương tiện để phát hiện loại bụi này. Khi được hỏi về các nguyên nhân chính phát sinh ra bụi mịn trong đó có bụi nano trong bầu khí quyển ở Việt Nam, ông cho biết:
Bụi mịn có thể phát sinh từ rất nhiều nguồn khác nhau, có thể do khí thải giao thông, nhiên liệu cháy không hết sinh ra bụi than do khí thải đốt nhiên liệu của xe cộ. Thứ hai là do hoạt động công nghiệp sản xuất các sản phẩm các nhau thì cần đốt các loại nhiên liệu khác nhau. Rồi ở ngoài đường gió và xe cộ cuốn theo cũng có loại bụi này.
Ngoài ra các chuyên gia cũng đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí liên tỉnh, xuyên biên giới cũng là một nguyên nhân làm tăng hàm lượng bụi trong đó có bụi nano, thậm chí có thời gian những vùng sâu vùng xa lượng bụi dày đặc hơn cả thành phố lớn.
Theo quan điểm của GS.TS Đặng Kim Chi thì không thể khẳng định được là ngành nào sản sinh ra lượng bụi nano nhiều nhất, mà nó phụ thuộc vào quy trình, công nghệ trong quá trình sản xuất. Theo bà, không thể đưa ra một phương pháp giảm thiểu bụi nano chung cho mọi nguyên nhân sinh ra nó, cũng khó đưa ra giải pháp giảm lượng nano trong không khí mà phải tìm hiểu và ngăn chặn từng nguồn phát sinh riêng:
Mỗi một nguồn thải sinh ra bụi nano khác nhau phải có biện pháp xử lý khác nhau. Tức là phải ngăn chặn ngay từ nguồn phát sinh ra hạt nano có khả năng gây hại cho sức khỏe, chứ đợi đến lúc phát thải ra rồi mới xử lý trong môi trường xung quanh thì rất khó khả thi. Vấn đề là phải ngăn chặn các nguồn có khả năng phát sinh nano kim loại nặng.
Còn PGS.TS Phùng Chí Sỹ thì cho rằng không có biện pháp nào để giảm riêng lượng bụi nano, mà chỉ có những biện pháp làm giảm hàm lượng bụi nói chung trong không khí, mà một khi lượng bụi giảm thì bụi nano ắt sẽ giảm theo. Ông phân tích:
Ngoài đường thì làm vỉa hè đàng hoàng. Đường giao thông thì cán nhựa và quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Các nhà máy, xí nghiệp thì cần xử lý khí thải đạt yêu cầu, đừng đổ ra môi trường. Không được sử dụng xe quá cũ và chất lượng không tốt. Trồng thêm cây xanh, tưới nước đường thường xuyên,…
Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn ở Việt Nam đang ở mức báo động. Tháng 6 vừa qua, tổ chức phi chính phủ GreenID cung cấp số liệu cho thấy hàm lượng bụi ở Hà Nội cao gấp nhiều lần quy chuẩn quốc gia và quốc tế.
Kết quả quan trắc tiến hành bởi Trung tâm quan trắc môi trường Việt Nam cũng cho thấy trong năm 2016, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đều có 20% số ngày trong năm là có lượng bụi PM10, PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. Cho tới 3 tháng đầu 2017, Hà Nội có 37 ngày có nồng độ PM2.5 trung bình trong 24 giờ vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của Việt Nam và 78 ngày vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. - RFA
|
|
19.
Người Việt vùng thủ đô phản đối kế hoạch phát triển kinh tế của Virginia với Việt Nam
Cộng đồng người Việt quanh vùng thủ đô Washington đang vận động chống lại một kế hoạch phát triển kinh tế giữa chính quyền bang Virginia với sáu tỉnh thành của Việt Nam, và nỗ lực này có thể gia tăng cường độ vào lúc các chính trị gia Virginia bước vào chặng cuối của mùa bầu cử trong những tháng tới.
Thống đốc Virginia, Terry McAuliffe, hôm 11 tháng 7 loan báo đã ký Bản Ghi nhớ với các nhà lãnh đạo của thành phố Hà Nội và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Trị và Thái Nguyên về việc thành lập một nhóm công tác chung nhằm “mở rộng thương mại và hợp tác đầu tư, củng cố trao đổi liên lạc, tăng cường niềm tin, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm.”
"Virginia có mối quan hệ thương mại tuyệt vời với Việt Nam, và với số lượng dân nhập cư người Việt đông đảo sinh sống trong Khối thịnh vượng chung Virginia, đây là một bước quan trọng hướng tới việc phát triển quan hệ đối tác,” ông McAuliffe nói trong một bữa trưa giao lưu với doanh nghiệp do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức hồi tháng 7.
“Khi chúng ta tiếp tục những nỗ lực này, tôi trông đợi thiết lập những cơ hội phát triển kinh tế mới tạo nên đầu tư mới và công ăn việc làm, bắc những cây cầu giữa Virginia và Việt Nam," Thống đốc bang Virginia nói.
Nhưng phát biểu của ông McAuliffe nhắc tới người nhập cư gốc Việt khiến nhiều người Việt ở vùng thủ đô Washington, Virginia và Maryland bất bình vì nó ngụ ý rằng thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng ở đây, điều mà Chủ tịch Cộng đồng Đinh Hùng Cường phủ nhận.
“Ông ấy không hề tham khảo một khối người Việt đông đảo ở đây tới năm sáu chục ngàn người,” ông Cường nói với VOA. “Tôi không nghĩ là ai ở đây lại đồng ý để mà thương thảo với một đất nước hiện giờ không có tự do, không có dân chủ, không bảo vệ quyền lợi của người làm ăn ở bên đó. Nhưng mà nếu những người ở bên đó mà sang đây làm ăn thì nước Mỹ và chính quyền Virginia họ bảo vệ đầy đủ.”
Ông Cường dẫn ra trường hợp của doanh nhân người Hà Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình, người hai lần đệ đơn kiện chính phủ Việt Nam chiếm đoạt tài sản khi ông về nước đầu tư và làm ăn trong những năm 1990. Vụ kiện của ông Bình, với số tiền đòi bồi thường lên tới hơn 1 tỉ đôla, được đưa ra phân xử tại Tòa án Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế ở Paris hôm 21 tháng 8 và đang chờ phán quyết chung cuộc.
Trong một bức thư gửi cho Thống đốc McAuliffe vào cuối tháng 7, ông Cường nêu ra những “quan ngại sâu xa” về mặt pháp lý đối với cư dân Virginia trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và yêu cầu đình chỉ Bản ghi nhớ này cho đến khi những quan ngại đó được giải quyết. Đến giờ ông vẫn chưa nhận được hồi âm từ Văn phòng Thống đốc, ông nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ủy ban cứu Người vượt biển BPSOS chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam, cho biết tổ chức của ông đã gửi một thông cáo tới Văn phòng Thống đốc kêu gọi ngưng triển khai Bản ghi nhớ này, “để có thời gian tìm hiểu về các chính sách của chính quyền Việt Nam mà có ảnh hưởng trực tiếp tới cư dân của Virginia, mà đặc biệt là chính sách tịch thu nhà và đất của người dân Việt Nam mà bây giờ đã là công dân Mỹ.”
Ông Thắng nói:
“Một trường hợp rất điển hình là những người trước đây sống ở giáo sứ Cồn Dầu và sau này họ đã sang Mỹ và có quốc tịch Mỹ nhưng họ vẫn còn sở hữu tài sản, bất động sản ở Cồn Dầu. Năm 2010 chính quyền Đà Nẵng đã cướp trắng của họ mà không bồi thường gì hết, chưa kể đánh đập, tra tấn, bắt bớ thân nhân của họ nữa khi mà những người này bảo vệ cho đất đai của giáo xứ Cồn Dầu.
“Chúng tôi nêu ra những điều ấy để cho Văn phòng Thống đốc hiểu rằng có những quyền lợi của cư dân Virginia đã bị ảnh hưởng và Thống đốc nên tận dụng cơ hội để khi tiếp xúc với giới chức chính quyền Việt Nam thì hãy nêu lên vấn đề ấy và yêu cầu bồi thường trước khi nói đến vấn đề giao dịch, mậu dịch, Mỹ đầu tư thêm vào Việt Nam mà không có sự bảo vệ gì hết.”
Tiến sĩ Thắng cho VOA xem một email mà Bộ trưởng Mậu dịch và Thương Mại Virginia, Todd Haymore, gửi cho ông hồi đáp về yêu cầu gặp gỡ những người hữu trách tại văn phòng của ông Haymore nhằm thảo luận những cách thức mà Thống đốc có thể đạt được một thỏa thuận với chính phủ Việt Nam để trả lại những tài sản của cư dân Virginia “bị tịch thu bất hợp pháp.”
Ông Haymore nói trong email đề ngày 11 tháng 8 rằng sau khi thảo luận với cố vấn pháp lý của Văn phòng Thống đốc, ông cảm thấy chính quyền Virginia khó lòng giải quyết được những yêu cầu này bởi vì điều này thuộc độc quyền của chính phủ liên bang Hoa Kỳ tiến hành chính sách đối ngoại, và chính quyền tiểu bang chỉ có thể theo đuổi những cơ hội phát triển kinh tế mà thôi.
Ông Haymore cũng tái khẳng định Bản ghi nhớ sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho đầu tư nước ngoài và cơ hội mậu dịch giữa Việt Nam và Virginia trong khi ca ngợi cộng đồng Việt Nam ở Virginia là “năng động.”
Văn phòng Thống đốc Virginia không hồi đáp ngay tức thì những câu hỏi của VOA về sự phản đối của cộng đồng người Việt đối với Bản nghi nhớ này.
Cho rằng phản hồi của chính quyền Virginia là thiếu thỏa đáng, Chủ tịch Cộng đồng Đinh Hùng Cường và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói họ đã quay sang vận động sự ủng hộ của các chính trị gia dân cử địa phương để lên tiếng cho những lo ngại của họ. Họ tin rằng vấn đề này sẽ được chú ý đặc biệt vào lúc mùa vận động tranh cử ở Virginia đang bước vào chặng cuối.
“Một người đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc mạnh nhất là ông [Ed] Gillespie,” ông Cường nói, nhắc tới ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang tranh ghế Thống đốc trong cuộc bầu cử toàn bang vào tháng 11 này. “Ông ấy có viết cho tôi một cái thư nói rằng khi ông ấy đắc cử ông ấy sẽ là Thống đốc của cả tiểu bang Virginia. Và ông ấy coi [vấn đề] này là quan trọng mà ông ấy có thể gặp và giúp đỡ.”
“Những lời hứa hẹn đó làm chúng tôi rất phấn khởi,” ông Cường nói thêm.
Ông Thắng cho biết dân biểu viện lập pháp bang, Bob Marshall, đã chính thức yêu cầu Văn phòng Thống đốc công khai những giấy tờ, hồ sơ và danh sách của những người đã họp trước đây giữa Văn phòng với phía Việt Nam, và đã được hồi đáp là Văn phòng sẽ cung cấp những tài liệu đó.
Hai nhà lãnh đạo cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh họ không phản đối mở rộng thương mại để mang tới sự thịnh vượng cho cư dân Virginia, nhưng điều này phải được thực hiện với cam kết rõ ràng từ chính phủ Việt Nam về thương mại công bằng và tự do cũng như tôn trọng nhân quyền và pháp trị.
Năm 2016, Việt Nam là một trong 15 điểm đến hàng đầu cho nông sản và lâm sản xuất khẩu của bang Virginia với kim ngạch gần 65,5 triệu đôla, theo thông cáo của Văn phòng Thống đốc.
Thống kê của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2010 xếp Virginia ở vị trí thứ năm trong số những bang có người gốc Việt tập trung đông nhất với gần 54.000 người.
Thống đốc Dân chủ Terry McAuliffe, một trong những người thân tín nhất của cựu ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton, sẽ mãn nhiệm vào tháng 1 năm 2018. Thông tấn xã Việt Nam, trong một bản tin về sự kiện ký bản ghi nhớ này, cho hay ông sẽ sang thăm Việt Nam vào “mùa thu tới.” - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
Thursday, August 31, 2017
Tin Cập Nhật Thứ Tư 30/8
Tin Thế Giới
1.
Ấn-Nhật đưa ra dự án kết nối Á-Phi để kiềm chế Trung Quốc? --- Trung Quốc bác bỏ tin châu Phi đứng về phía Nhật trên Biển Đông
Dự án “Hành lang tăng trưởng Á-Phi” (AAGC) mà Ấn Độ và Nhật Bản thúc đẩy là nhằm mục đích đối trọng với ý tưởng “Một Vành đai, Một Con đường”(OBOR) của Trung Quốc, và do đó Bắc Kinh không nên xem nhẹ mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc nhận định trong một bài xã luận hôm 28/8.
Tờ báo này cho biết hồi tháng 11 năm 2016, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ mạnh mẽ thúc đẩy AAGC. Dự án này là một nỗ lực nhằm tạo ra một hành lang trên biển để kết nối các nước châu Á-Thái Bình Dương với các nước châu Phi bằng một loạt dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi và đông nam Á.
Trong khuôn khổ “Hành lang tăng trưởng Á-Phi”, Nhật Bản sẽ cùng với Ấn Độ tham gia dự án mở rộng cảng Chabahar của Iran cũng như kế hoạch phát triển khu kinh tế đặc biệt liền kề. Còn ở phía đông Sri Lanka, hai nước sẽ phối hợp với nhau trong dự án mở rộng cảng Trincomalee vốn có tầm quan trọng về chiến lược. Nhật-Ấn cũng sẽ cùng nhau xây dựng cảng nước sâu Dawei ở biên giới Thái Lan-Myanmar.
Tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng cả Tokyo và New Delhi đều có lợi ích trong việc kiềm chế Trung Quốc. “Từ góc độ địa chính trị, kinh tế và an ninh, Nhật Bản và Ấn Độ chắc chắn sẽ hợp tác để thúc đẩy kế hoạch AAGC.”
Tờ báo của Trung Quốc nhận định rằng cho đến nay, ảnh hưởng của Ấn Độ ở châu Phi không thể sánh bằng Trung Quốc, nhưng nước này đã qua mặt Nhật Bản và Hoa Kỳ để trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi.
Không lâu sau khi Trung Quốc tung ra ý tưởng “Một Vành đai, Một Con đường” thì Nhật cũng giới thiệu kế hoạch “Hành lang tăng trưởng Á-Phi” (AAGC) để đầu tư khoảng 110 tỷ đô la Mỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Dự án AAGC vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Nhật và Ấn đã có các cuộc gặp riêng rẽ với các quốc gia thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Phi tại một hội nghị của ngân hàng này để thảo luận kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng năng lực cho khu vực, tờ báo này cho biết.
Ấn Độ nghi ngờ động cơ phía sau “Một Vành đai, Một Con đường (OBOR), và cho rằng dự án này là nhằm đẩy mạnh chính sách bá quyền của Trung Quốc và do đó, đã từ chối tham gia.
Trong một bài bình luận hôm 18/8, báo Bangalore Deccan Herald Online nhận định rằng với OBOR thì “Trung Quốc đã áp dụng thành thục chiến lược của Tôn Tử là dùng ngoại giao và sức ép quân sự - tức là cả biện pháp cứng và mềm – để thúc đẩy lợi ích toàn cầu.”
Tờ báo này dẫn lời ông Brahma Chellaney, một nhà phân tích chiến lược, nhận định về lý do Ấn Độ không ủng hộ OBOR:
“Tại sao à? Ấn Độ xem đây là một dự án mờ ám theo kiểu tân thực dân để buộc chặt các nước nhỏ thiếu thốn tài chánh trong các bẫy nợ. Đối với Trung Quốc, việc Ấn Độ rơi vào quỹ đạo của Hoa Kỳ là điều mà họ thấy ‘không thoải mái’ vì cho rằng điều đó gây hại cho tham vọng thiết lập một trật tự châu Á mới, lấy Trung Quốc làm trung tâm”. - VOA
***
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tin cho rằng các nước châu Phi đang đứng về phía Nhật Bản trong nỗ lực của nước này nhằm bảo vệ vùng biển quốc tế trước cách hành xử ngày càng hung hãn của Trung Quốc.
Phát biểu tại một họp báo thường kỳ hôm 28/8, bà Hoa Xuân Oánh nói thông tin đó ‘sai lệch một cách nghiêm trọng so với sự thật’. Trước đó, một bản tin của hãng thông tấn Kyodo, và tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói rằng các quốc gia châu Phi đứng về phía Nhật Bản trong các vấn đề liên quan tới luật lệ hàng hải trong một cuộc gặp ở Mozambique hồi tuần trước.
Bà Hoa nói vấn đề này đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận tại cuộc họp tiếp nối Hội nghị Quốc tế về Phát triển châu Phi cấp bộ trưởng ở thành phố Maputo, nhưng “chưa bao giờ vượt qua cái gọi là thông cáo của chủ tịch.”
“Đó chỉ là việc ghi lại nội dung các cuộc thảo luận dưới hình thức biên bản cuộc họp. Các nội dung liên quan đến các vấn đề trên biển là do Nhật đơn phương bịa đặt ra. Không chỉ không có quốc gia châu Phi nào đồng ý với lập trường của Nhật mà nhiều nước châu Phi còn lần lượt công khai phản đối,” bà Hoa nói.
Bà Hoa lưu ý rằng khi ngoại trưởng hai nước Nhật Bản và Mozambique xuất hiện cùng nhau tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mozambique Oldemiro Julio Marques Baloi nói rằng diễn đàn Hội nghị Quốc tế về Phát triển châu Phi không thể bị chính trị hóa.
Nữ phát ngôn nhân của Trung Quốc nói bất cứ cuộc thảo luận nào về các vấn đề trên biển đều được giới hạn ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, và điều này có nghĩa là Biển Đông và Thái Bình Dương, là vùng biển đang làm Tokyo ngày càng quan ngại, không nằm trong các nội dung được thảo luận tại diễn đàn này và cũng không có liên quan gì tới các nước châu Phi.
“Nhật Bản cần phải thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với các nước châu Phi và phải dành cho họ sự giúp đỡ chân thành. Nhật Bản không nên áp đặt ý muốn của họ lên các nước châu Phi hay tìm cách chia rẽ các nước này với nước khác,” bà Hoa nói.
Hôm 25/8, hãng tin Kyodo đưa tin rằng tại Maputo, ngoại trưởng Nhật và các nước châu Phi khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật lệ trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói duy trì trật tự trên biển dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như tự do hàng hải, là thiết yếu để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nhật Bản sẽ “làm việc hết lòng để tăng cường kết nối giữa châu Á và châu Phi,” Ngoại trưởng Kono hứa. Ông cho biết Tokyo sẽ cố gắng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Phi. - VOA
|
|
2.
Mỹ-Trung hoàn tất đối thoại về luật hàng hải
Giới chức của Mỹ và Trung Quốc vừa tiến hành vòng đàm phán song phương thường niên lần thứ 8 tại Washington bàn về các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hải và thăm dò vùng cực, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 30/8.
Thông cáo không cho biết nhiều chi tiết, chỉ nói rằng đôi bên ‘trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề liên quan đến hải dương, luật biển, và các vùng cực.’
Hoa Kỳ chưa ký kết Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển UNCLOS dù Mỹ tuân thủ các điều lệ của hiệp ước.
Trung Quốc thông qua UNCLOS vào năm 1996.
Mỹ và các nước khác xem Biển Đông là một vùng biển quốc tế và bất chấp tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng cách tham gia các cuộc diễn tập quân sự liên quan đến tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu trên tuyến vận chuyển hàng hải trọng yếu thông qua Đông Nam Á.
Trung Quốc cũng tích cực thăm dò Biển Arctic, một sự hiện diện không được hoan nghênh bởi các nước xung quanh như Canada, Nauy, Nga, Đan Mạch, Mỹ, là những nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại khu vực giàu khoáng chất này. - VOA
|
|
3.
Mỹ kêu gọi quốc tế phối hợp chế tài Bình Nhưỡng --- Trump: Nói suông không là giải pháp cho Bắc Triều Tiên --- Hội Đồng Bảo An lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên
Hoa Kỳ ngày 30/8 kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động phối hợp áp lực Bắc Triều Tiên hủy bỏ chương trình phi đạn và hạt nhân, đồng thời cho biết đang hoạch định các biện pháp chế tài mới đối với Bình Nhưỡng.
Các giới chức quân sự cao cấp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đã trình bày rõ ràng về chương trình võ khí Bắc Triều Tiên trước Hội nghị về Giải giới Võ khí do Mỹ bảo trợ.
Đại sứ Mỹ chuyên trách về giải trừ võ khí, Robert Wood, cho biết cuộc họp đã đưa tới một sự lên án thẳng thắn của thế giới đối với Bắc Triều Tiên vì đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
“Thời điểm tranh cãi đã qua lâu rồi, các mối nguy hiểm rất rõ ràng, và đã tới lúc phải hành động phối hợp,” đại sứ Wood tuyên bố trong bài phát biểu khai mạc hội thảo ở Geneva.
“Mục đích sử dụng các chế tài nhằm áp lực chính phủ Bắc Triều Tiên bỏ chương trình và hoạt động võ khí chứ không nhằm trừng phạt người dân hay nền kih tế của Bình Nhưỡng hay của các nước khác.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng tất cả các nước cần phải thực thi đầy đủ các biện pháp chế tài đó.
Nhà ngoại giao của Bắc Triều Tiên, Ju Yong Chol nhắc lại nước ông có quyền tự vệ và bênh vực vụ phóng phi đạn mới đây nhất bay qua Nhật Bản. Ông Chol phát biểu trước hội thảo rằng hành động này nhằm chống lại các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn.
Đại sứ Mỹ cho biết đang có các cuộc thảo luận giữa các cường quốc để quyết định nên tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt nào nữa.
Ông Wood cũng kêu gọi Trung Quốc, nước có ảnh hưởng đặc biệt với Bình Nhưỡng, tăng cường áp lực với Bắc Triều Tiên.
Đáp lại, nhà ngoại giao của Bắc Triều Tiên, Ju Yong Chol, tuyên bố: “Bất kỳ biện pháp chế tài nào hay áp lực nào hầu cô lập Bắc Triều Tiên đều sẽ thất bại. Tôi muốn kết thúc phần phát biểu của mình bằng việc trích dẫn một ngạn ngữ thông dụng rằng ‘Chó cứ sủa và đoàn người cứ đi.’” - VOA
***
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/8 nhấn mạnh “ngôn từ không phải là đáp án” cho bế tắc căng thẳng với Bắc Triều Tiên về chương trình phát triển phi đạn hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Mỹ vẫn còn các phương án ngoại giao.
Phát biểu của ông Trump xuất hiện 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn một phi đạn đạn đạo ngang qua Nhật Bản khiến Liên hiệp quốc và thế giới lên án.
Tổng thống Trump chia sẻ trên Twitter rằng Mỹ đã dùng lời lẽ với Bắc Triều Tiên, tốn tiền cho Bình Nhưỡng trong 25 năm qua và như vậy “Ngôn từ không phải là giải pháp,” ông Trump viết. Chuyện tốn tiền mà ông Trump đề cập có lẽ là nhắc tới các khoản viện trợ trước đây của Mỹ dành cho Bắc Triều Tiên.
Vài giờ sau, trả lời câu hỏi báo giới liệu Mỹ đã cạn giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng hay chăng, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đáp rằng “Không.”
“Chúng ta không bao giờ cạn giải pháp ngoại giao,” Bộ trưởng Mattis tuyên bố trước cuộc họp với người đồng nhiệm phía Hàn Quốc tại Ngũ Giác Đài. “Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và tôi cùng chung trách nhiệm bảo vệ hai quốc gia, nhân dân hai nước, và lợi ích song phương.”
Với cam kết không để Bình Nhưỡng phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng lục địa Mỹ, Tổng thống Trump thứ ba tuần này nhấn mạnh: “Tất cả mọi phương án đang được đặt lên bàn.”
Bắc Triều Tiên tuyên bố vụ phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm trung hôm thứ ba là nhằm chống lại các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn và là bước đầu tiên trong hành động quân sự tại Thái Bình Dương “chế ngự” lãnh thổ Guam của Mỹ.
15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án việc Bình Nhưỡng bắn phi đạn ngang qua Nhật là đáng ‘phẫn nộ’ và yêu cầu Bắc Triều Tiên ngưng chương trình võ khí hạt nhân.
Thông cáo do Mỹ soạn thảo dù không đe dọa ban hành thêm chế tài với Bắc Triều Tiên nhưng kêu gọi tất cả các nước thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc nhắm vào quốc gia cộng sản cô lập này. Thông cáo đề nghị Bình Nhưỡng phải có hành động tức thì, cụ thể giảm căng thẳng.
Bắc Triều Tiên đã tiến hành hàng chục vụ thử phi đạn đạn đạo bất chấp trừng phạt của Liên hiệp quốc, nhưng bắn một phi đạn ngang qua lục địa Nhật là một hành động khiêu khích hiếm thấy.
Vụ phóng hôm thứ ba sử dụng cùng phi đạn Hwasong-12 mà Bắc Triều Tiên dọa bắn sang Guam nhưng đã bay theo hướng khác, ngang đảo Hokkaido của Nhật và rơi xuống biển. - VOA
***
Hôm qua, 29/08/2017, sau 3 giờ thảo luận, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một bản tuyên bố « cực lực lên án » vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngang qua Nhật Bản.
Bản tuyên bố của Hội Đồng Bảo An kêu gọi toàn thể các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thi hành « nghiêm chỉnh và đầy đủ » các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong đó có nghị quyết ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên.
Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã tuyên bố rằng « mọi phương án đang nằm trên bàn ». Thế nhưng, việc Hội Đồng Bảo An chỉ thông qua một tuyên bố cho thấy Liên Hiệp Quốc hiện chưa có phương án nào khác để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên.
Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường trình :
« Trong Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc và Nga thường có lập trường khác với những quốc gia thành viên khác. Nhưng hiện giờ, các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân diễn ra ngày càng thường xuyên của Bắc Triều Tiên khiến toàn bộ các thành viên Hội Đồng đều chống Bình Nhưỡng.
Việc tên lửa Bắc Triều Tiên được bắn ngày 29/08 bay ngang qua không phận Nhật Bản, lần đầu tiên từ năm 2009, đã khiến cộng đồng quốc tế vô cùng phẫn nộ. Tuy đại sứ Mỹ tại New York cho rằng Bình Nhưỡng đã đi quá xa và phải làm một cái gì đó để ngăn chận, nhưng Liên Hiệp Quốc thật sự không có nhiều phương án.
Các biện pháp trừng phạt mới đã được thông qua từ đầu tháng 8 nhắm vào xuất khẩu than, sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng mất đi nhiều tỷ đôla thu nhập.
Bắc Kinh và Matxcơva đã chấp nhận những biện pháp trừng phạt đó sau những cuộc thương lượng gay go. Nhưng sau đó, Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt các công ty và cá nhân của Nga và Trung Quốc bị cáo buộc là vẫn tiếp tục làm ăn với Bắc Triều Tiên.
Tuy vậy, Hội Đồng Bảo An đã đạt được mục tiêu qua bản tuyên bố lên án Bình Nhưỡng một cách cứng rắn và kêu gọi một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị cho bán đảo Triều Tiên. »
Vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An thông qua tuyên bố nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua tuyên bố là Bắc Kinh sẽ thảo luận với các thành viên khác của Hội Đồng về « một phản ứng » trước vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý với nhau là sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo An ban hành các biện phạt trừng phạt nặng nề hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng. - RFI
|
|
4.
Mỹ buộc tội cận vệ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn với Hoa Kỳ về cáo trạng đối với các nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ ẩu đả trong chuyến công du của Tổng thống Tayyip Erdogan tới thủ đô Washington năm nay.
Ngày 29/8, một đại bồi thẩm đoàn buộc tội 19 người, trong đó có 15 giới chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, trong vụ chạm trán giữa người biểu tình tại Mỹ phản đối ông Erdogan và các nhân viên cận vệ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ vì cáo trạng thiên lệch như thế lại được chấp nhận. Phản ứng của chúng tôi về vụ việc đã và đang được chuyển tải tới đại sứ Mỹ tại Ankara,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.
11 người bị thương trong vụ mà cảnh sát trưởng thủ đô Washington mô tả là tấn công dã man vào người biểu tình ôn hòa bên ngoài tư gia đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ nhân chuyến công du của Tổng thống Erdogan tới Mỹ. - VOA
|
|
5.
Anh giục Trung Quốc áp lực Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh phản pháo
Trung Quốc ngày 30/8 phản pháo Thủ tướng Anh, Theresa May, sau khi bà May kêu gọi Bắc Kinh tăng áp lực buộc Bắc Triều Tiên ngưng phóng thử phi đạn.
Phát biểu trong chuyến thăm thành phố Osaka, Nhật, bà May nhấn mạnh Bắc Kinh đóng vai trò then chốt trong vấn đề này và cần phải nỗ lực hơn nữa.
Trước đó một ngày, hôm 29/8, Bình Nhưỡng phóng thử phi đạn đạn đạo bay ngang đảo Hokkaido của Nhật và rơi xuống biển, thêm một hành động phô trương lực lượng.
Phản hồi trước phát biểu của Thủ tướng Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, đáp trả rằng một số bên liên quan chỉ thực hiện nghị quyết Liên hiệp quốc một cách có chọn lọc bằng cách thúc đẩy chế tài mà làm ngơ với việc thúc đẩy tái tục đàm phán.
Vẫn theo lời bà Hoa, đó không phải là thái độ cần có của các nước có trách nhiệm khi mùi đạn pháo vẫn còn nồng nặc tại bán đảo Triều Tiên. - VOA
|
|
6.
Bắc Hàn tuyên bố sẽ phóng thêm tên lửa, sau khi bị LHQ lên án
LHQ hôm thứ Tư 30/8 lên án việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản, và yêu cầu Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình vũ khí của họ, tuy nhiên không đưa ra lời đe dọa nào sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Bắc Triều Tiên cho hay vụ phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) hôm thứ Ba 29/8 là nhằm trả đũa các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc, đồng thời nói rằng đây được xem là bước đi đầu tiên trong hành động quân sự ở Thái Bình Dương để "bao vây" đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Hãng tin KCNA của Bắc Triều Tiên hôm 30/8 tường thuật rằng đây là lần đầu tiên lãnh tụ Kim Jong Un hạ lệnh phóng tên lửa từ thủ thô Bình Nhưỡng và tuyên bố sẽ phóng thêm tên lửa vào Thái Bình Dương khi cần thiết.
KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un nói:
"Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo vừa rồi như trong một cuộc chiến tranh thực sự, là bước đầu tiên trong chiến dịch quân sự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) ở Thái Bình Dương, đây là một bước đầu có ý nghĩa để vây hãm đảo Guam."
Bắc Triều Tiên trong tháng này doạ bắn bốn tên lửa về vùng biển gần đảo Guam, hòn đảo có sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump nói Bắc Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "lửa thịnh nộ", nếu Bắc Triều Tiên đe doạ Hoa Kỳ.
Về phần mình, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ loan báo đã thực hiện thành công một vụ phóng thử nghiệm tên lửa chắn phi đạn “phức tạp” ở Hawaii vào sáng sớm thứ Tư 30/8, đánh chặn được mục tiêu là một phi đạn đạn đạo tầm trung.
Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên nói "điều quan trọng thiết yếu" là Bắc Triều Tiên phải có hành động cụ thể, tức thì, để giảm căng thẳng, đồng thời kêu gọi tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an phải thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ.
Tuy nhiên, bản tuyên bố do Mỹ soạn thảo và được các thành viên nhất trí đồng thuận không đe dọa sẽ áp đặt thêm các các biện pháp chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|
7.
Mỹ dọa hủy NAFTA, Mexico tìm cách ứng phó
Mexico thấy rõ nguy cơ nghiêm trọng khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định NAFTA và đang lên kế hoạch cho kịch bản này, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo tuyên bố ngày 29/8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua đã 3 lần đe dọa hủy bỏ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA, nói rằng Hoa Kỳ có thể sẽ phải khởi động tiến trình rút lui khỏi NAFTA để đạt được một thỏa thuận công bằng cho quốc gia.
Ông Trump đã cam kết sẽ mang lại một thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động Mỹ và hai nước đã ‘lời qua tiếng lại’ trước vòng thương thuyết thứ nhì khởi sự vào thứ sáu tại Mexico City để đàm phán lại hiệp định 1994 ràng buộc Mỹ, Canada, và Mexico.
Ông Guajardo cùng Ngoại trưởng Mexico, Luis Videgaray, ngày 29/8 tới Washington DC để họp với các giới chức thương mại Mỹ và giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc.
Lâu nay, Bộ trưởng Kinh tế Mexico kêu gọi cần phải có kế hoạch phòng hờ trường hợp Mỹ rút khỏi NAFTA, vốn là điều mà ông cho là có khả năng rất cao.
Một phần trong kế hoạch đó là tìm kiếm các cơ hội và những thị trường khác.
Song song với các cuộc đàm phán về tái thương thuyết NAFTA, Mexico cũng sẽ có các cuộc họp thương mại riêng với Australia và New Zealand ở Peru và cuối tuần này, Tổng thống Enrique Pena Nieto sẽ công du Trung Quốc.
Trong khi đó Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, cho hay chính phủ Canada, một bên trong NAFTA, sẽ tiếp tục làm việc hết sức cẩn trọng để cải thiện Hiệp ước này. - VOA
|
|
8.
Cựu thủ tướng Thaksin chỉ trích chính quyền quân sự Thái
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra nói rằng không có sự bạo ngược nào tệ hại hơn là sự bạo ngược núp dưới bóng luật pháp và công lý.
Ông Thaksin dẫn lời nhà triết học Pháp Montesquieu như vừa nêu trong bình luận twitter đưa ra nhằm đả kích chính quyền quân nhân Thái Lan hiện đang cầm quyền tại Xứ Chùa Vàng sau khi lật đổ chính phủ của em gái ông năm 2014; cũng như chính phủ do ông đứng đầu năm 2006.
Đây là bình luận đầu tiên của ông Thaksin sau khi em gái của ông cựu nữ thủ tướng Yingluck không xuất hiện tại tòa hôm 25 tháng 8 và được nói đã trốn ra nước ngoài. Một học giả Thái Lan tại Nhật Bản, từng là nhân viên ngoại giao, nói rằng có lẽ ông Thaksin đang rất tức giận.
Vị học giả Thái Lan tại Nhật nói rằng anh em hai vị cựu thủ tướng sẽ tìm cách trở lại tác động chính trường Thái Lan từ hải ngoại, trả mối hận bị lật đổ.
Gia đình Shinawatra được xem như đại diện cho phong trào chính trị dân túy được nhiều nông dân nghèo ở miền quê đất nước Chùa Vàng ủng hộ. - RFA
|
|
9.
Trung Quốc gia tăng triển khai máy bay không người lái ở Biển Đông
Nghiên cứu của một viện tư vấn của Mỹ, vừa được công bố, cho hay Trung Quốc có kế hoạch triển khai hàng loạt máy bay không người lái (UAV), trong những năm tới, để bành trướng thế lực và gia tăng khả năng kiểm soát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia trong khu vực cần có cẩm nang ứng xử, nhằm đối phó kịp thời với các UAV của Trung Quốc, “tránh căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát”.
Báo mạng Washington Free Beacon trích lại một báo cáo của Project 2049, một viện tư vấn về Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Á, có trụ sở tại Hoa Kỳ, được đưa ra hôm thứ Hai, 29/08/2017. Theo đó, trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ đầu tư nhiều vào lĩnh vực máy bay không người lái.
Cụ thể là từ nay đến 2023, Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 10.000 máy bay không người lái, với số tiền tương đương 10 tỉ đô la. Một bộ phận trong số này sẽ được sử dụng tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, như tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi nhiều quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Đài Loan cũng đòi chủ quyền.
Báo cáo của viện tư vấn Mỹ nêu lên bốn loại UAV mà Quân Đội Trung Quốc đang sử dụng, bao gồm ba loại tự chế trong nước ASN-209, BZK-005 và GJ-1. Riêng máy bay S-100 do công ty Schiebel của Úc chế tạo. BZK-005 có tầm hoạt động 2.400 km, có thể bay liên tục 40 giờ. GJ-1 có tầm hoạt động khoảng 4.000 km. Chỉ cần cất cánh tại các sân bay trên đất liền, hai máy bay này đã có khả năng kiểm soát trọn Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.
Theo báo cáo của Project 2049, việc máy bay không người lái xâm nhập các vùng tranh chấp để làm công việc do thám, đã trở thành chuyện phổ biến đến mức mà vấn đề này “không còn là lĩnh vực riêng” của các chuyên gia hay các quan chức cao cấp. Có thái độ ứng xử phù hợp với các vật thể không người lái là một vấn đề quan trọng, bởi đây là một mảng khuyết trong hệ thống luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến các vùng tranh chấp.
Washington Free Beacon nhắc lại cuộc khủng hoảng cuối 2016, khi Hải Quân Trung Quốc bắt giữ một tàu ngầm không người lái của Hoa Kỳ, đang làm nhiệm vụ khảo sát đại dương tại vùng biển cách không xa bờ Philippines.
Báo cáo của Project 49 nhấn mạnh là giới quân sự và các lực lượng chấp pháp, của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc, cần kiểm tra xem xem các lực lượng tại chỗ “đã chuẩn bị đầy đủ” để đối phó với các máy bay không người lái của Trung Quốc hay chưa, đặc biệt là khi họ mất liên lạc với chỉ huy, và tình huống cụ thể đòi hỏi phải phản ứng kịp thời.
Theo Project 49, một cẩm nang ứng xử sẽ cho phép các lực lượng này có biện pháp phù hợp trước các máy bay không người lái Trung Quốc, có vũ trang hay không, hoạt động tại vùng tranh chấp trong khu vực mà các lực lượng này kiểm soát, giúp họ phản ứng tốt hơn trước các đe dọa tiềm tàng và tránh tình hình “vượt tầm kiểm soát”. - RFI
|
|
10.
Nga tập trận, Mỹ đưa phi cơ bảo vệ các nước Baltic
Hai tuần trước cuộc tập trận của Nga tại vùng biên giới phía tây, giáp với các nước Baltic, Hoa Kỳ đưa nhiều chiến đấu cơ bảo vệ không phận các quốc gia thành viên NATO.
AFP dẫn nguồn tin của bộ Quốc Phòng Litva hôm 29/08/2017 cho hay 7 máy bay tiêm kích F-15 của Mỹ đã hạ cánh tại sân bay quân sự Siaulia, để thay thế bốn phi cơ Ba Lan, tiếp tục nhiệm vụ tuần tra, được tiến hành từ bốn tháng nay.
Cơ quan tình báo Litva cảnh báo là cuộc tập trận, mang mã số Zapad-2017 mà Nga tổ chức cùng với Belarus, mô phỏng “một cuộc xung đột vũ trang với phương Tây”. Theo Litva, sẽ có khoảng 100.000 quân tham gia vào cuộc tập trận quy mô lớn nói trên. Trong khi đó, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Belarus Alexandre Fomine, thì tuyên bố cuộc tập trận nhằm đối phó với kịch bản gây bất ổn đến từ một “liên minh các nước phía Tây”.
Về phần mình, Nga bác bỏ các cáo buộc, và khẳng định đây chỉ là một cuộc tập trận “chống khủng bố”, mang tính tự vệ thuần túy, và không nhằm vào một đối tượng cụ thể nào. Và số lượng binh sĩ tham gia chỉ là 12.700 người.
Kể từ năm 2004, tức từ khi gia nhập khối NATO, ba nước Baltic – Litva, Estonia và Latvia – thường xuyên yêu cầu NATO hỗ trợ bảo vệ không phận, do sự hiện diện của không quân Nga ngay sát vùng trời quốc gia. Theo bộ Quốc Phòng Litva, hồi tuần trước, các phi công NATO đã bốn lần ngăn chặn máy bay Nga.
Để trấn an các nước Baltic trước đe dọa từ Nga, năm nay NATO triển khai thêm tại các nước này một tiểu đoàn đa quốc gia, với khoảng 1.000 binh sĩ. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
11.
Trump: ‘cải cách thuế là cách giúp người lao động’
Tổng thống Donald Trump sẽ quay sang đề tài cải cách thuế với những lập luận có tính cách dân túy đặc trưng của ông vào hôm 30/8 với một bài phát biểu mà các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ mô tả biện pháp cắt giảm thuế như một cách để giúp các công nhân và tầng lớp trung lưu trong một nền kinh tế "gian lận", bất lợi cho họ.
Các giới chức này yêu cầu không nêu tên trong một cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên.
Trong bối cảnh nghị trình về chính sách đối nội của ông đang dậm chân tại chỗ, trong nội bộ đảng Cộng hòa có đấu đá, và tỉ lệ ủng hộ ông ở mức rất thấp, chỉ tới 35%, Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên nói riêng về chính sách thuế, một vấn đề mà ông đã hứa hẹn trong nhiều tháng là sẽ có kết quả.
Nhắc lại một chủ đề khi vận động tranh cử năm 2016 trong chuyến thăm Springfield, bang Missouri, dự kiến ông Trump sẽ lập luận rằng nền kinh tế Mỹ đã bị uốn nắn méo mó một cách gian lận để có lợi cho một số ít người có đặc quyền, và ông thúc giục hãy bịt lại những kẽ hở dành cho thành phần giàu có và các nhóm lợi ích đặc biệt, để giúp cho phần đông người dân.
Các giới chức cho biết bài phát biểu sẽ nêu lên những lý do "vì sao" cần cải cách luật thuế vụ, chứ không phải là "làm thế nào" để cải cách luật này.
Ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, một phần là nhờ chiếm được sự ủng hộ của những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động cho một loạt các quan điểm về chính sách kinh doanh của ông, kể cả việc giảm thuế suất cho các doanh nghiệp Mỹ, từ 35% xuống còn 15%. - VOA
|
|
12.
Điện Kremlin: Có nhận thư về dự án xây cao ốc Trump, nhưng bỏ qua
Phát ngôn viên Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Tư xác nhận là hồi Tháng Giêng có nhận được điện thư từ một cố vấn của ông Donald Trump liên quan tới dự án xây cao ốc ở Mosccow, nhưng nói rằng ông không trả lời mà cũng không thảo luận với ông Putin.
Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho hay tờ báo Washington Post hồi tuần này cho biết ông Michael Cohen, một trong những cố vấn làm ăn thân cận nhất của ông Trump, gửi email cho ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, để nhờ giúp đỡ thúc đẩy một dự án xây cao ốc Trump Tower ở Moscow.
Ông Trump lúc đó đang tranh cử tổng thống Mỹ.
Ông Peskov, khi trả lời câu hỏi báo chí hôm Thứ Tư, nói có thấy thư đó trong nhiều điện thư nhận được mỗi ngày nhưng không trả lời vì yêu cầu này không nằm trong nhiệm vụ của ông là phát ngôn viên điện Kremlin.
Ông Peskov cho biết ông Cohen viết về “một công ty Nga và một số người” muốn xây cao ốc ở Moscow, và muốn có giúp đỡ để thúc đẩy tiến trình này.
Nhưng ông Peskov nói lời yêu cầu không liên quan đến nhiệm vụ của ông, bản tin Reuters cho hay.
Ông Peskov nói điện Kremlin sau đó không nhận được yêu cầu nào về vấn đề này và ông cũng không nói lại việc này với ông Putin. - nguoiviet
|
|
13.
Dân Mỹ chi tiêu nhiều, kinh tế tăng trưởng 3%
Kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ trong mùa Xuân vừa qua, tăng trưởng ở mức nhanh nhất trong vòng hai năm qua, nhờ vào sức chi tiêu của người dân Mỹ cho xe hơi và các món hàng khác.
Trị giá tổng sản lượng nội địa (GDP), một cách đo lường thông thường nhất về tình hình kinh tế, cho thấy có mức gia tăng 3% trong thời gian từ Tháng Tư cho tới Tháng Sáu, theo bản báo cáo của Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra hôm Thứ Tư. Đây là con số tốt đẹp nhất kể từ khi có mức tăng trưởng 3.2% trong quý 1 của năm 2015.
Con số này là sự điều chỉnh ước tính lúc đầy của chính phủ, đưa ra trước đây ở mức 2.6%. Mức phát triển của quý 1, từ Tháng Giêng cho tới Tháng Ba, chỉ 1.2%.
Paul Ashworth, trưởng kinh tế gia về thị trường Mỹ ở Capital Economics, nói rằng ông tin là sức tiêu thụ của người dân Mỹ sẽ cho mức phát triển còn mạnh hơn đối với quý 3 hiện nay, thời gian từ Tháng Bảy cho tới Tháng Chín.
Trong quý 2, chính phủ Mỹ ước tính là mức chi tiêu của người dân tăng ở mức 3.3%, con số cao nhất trong một năm và được điều chỉnh sau ước tính lúc đầu là 2.8%. Phần lớn sự tăng trưởng này là nhờ mức chi tiêu vào xe cộ, vốn là lãnh vực chính phủ lúc đầu ước tính sẽ sút giảm.
Mức đầu tư của giới doanh gia tăng lên tới 6.9%, phản ánh chi tiêu nhiều hơn vào xây cất cơ sở, máy móc và tài sản trí tuệ.
Chi tiêu của chính phủ, vốn tăng 0.7% theo ước tính lúc đầu, được điều chỉnh lại và cho thấy xuống còn 0.3%. Mức chi tiêu của các chính quyền cấp tiểu bang và địa phương nói chung giảm 1.7%.
Đây là lần ước tính thứ nhì trong ba lần ước tính mà chính phủ Mỹ sẽ công bố cho tăng trưởng của quý 2. Ngay cả với sự điều chỉnh cao hơn, sự kiện có sự yếu kém trong quý 1 cho thấy mức tăng trưởng trong sáu tháng qua chỉ đạt trung bình là 2.1%, mức độ khiêm nhường cho cuộc phục hồi kinh tế khởi sự từ giữa năm 2009 tới nay.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm ngoái, Tổng Thống Donald Trump tấn công các thành quả kinh tế của chính phủ Obama, hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi mức tăng trưởng GDP lên 4% hay cao hơn nữa.
Trong bản ngân sách đầu tiên gửi tới quốc hội hồi đầu năm nay, ông tiên đoán mức tăng trưởng thường niên sẽ lên tới 3% , một mục tiêu mà nhiều kinh tế gia tư nhân vẫn coi là quá lạc quan.
Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) ước tính mức phát triển trung bình cho cả thập niên tới đây là 1.9%.
Một số kinh tế gia cũng cho rằng mức phát triển của quý 3, dự trù là 3%, sẽ bị ảnh hưởng bởi bão Harvey và giảm 0.5%. Tuy nhiên, mức phát triển sẽ bùng trở lại khi việc tái thiết khởi sự và các nhà máy lọc dầu hoạt động bình thường, đưa giá nhiên liệu xuống. - nguoiviet
|
|
14.
California sẽ trưng cầu dân ý về việc sử dụng ‘nấm thần kỳ’
Một trong những dự luật có thể được đưa ra trưng cầu ý kiến cử tri California trong cuộc bầu cử năm 2018 là việc cho phép sử dụng loại nấm có tác dụng gây ảo giác, tương tự như cần sa (marijuana), theo nhật báo The Sacramento Bee.
“Psilocybin mushroom” hay “Psychedellic mushroom” thuộc một họ nấm đa nguyên, thường được gọi là “nấm thần kỳ” do tính chất được thảo của nó.
Theo một số nghiên cứu, nấm này có thể có lợi ích cho sự điều trị ung thư và những bệnh nhân suy nhược thần kinh mà dùng những loại thuốc khác không có hiệu quả.
Tuy nhiên, “psilocybin” có tác động kích thích và gây nghiện nên thuộc loại bị cấm.
Theo đề nghị của một dự luật mới, việc sử dụng, trồng trọt, chuyên chở, và tàng trữ “nấm thần kỳ” sẽ không còn bị coi là bất hợp pháp nữa.
Dự luật vừa được đệ trình văn phòng bộ trưởng thường vụ tiểu bang hôm 25 Tháng Tám và nếu thu thập đủ ít nhất 365,880 chữ ký thì sẽ được đưa vào lá phiếu trong kỳ bầu cử Tháng Mười Một, 2018.
Ông Kevin Saunders, cựu ứng cử viên thị trưởng Marina, thành phố duyên hải Bắc California, giữa Monterey và Santa Cruz, là người đề xuất dự luật.
Ông nói: “Cho phép dùng nấm ‘psilocybin’ là bước tiến tự nhiên sau khi cử tri California đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa năm 2016.” - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
15.
Liệu Việt Nam nên theo Mỹ rút khỏi TPP?
Mong muốn của Việt Nam thay đổi quy định về bảo hộ dược phẩm có thể nhận được sự ủng hộ của TPP-11, tức là các nước còn lại trong Hiệp ước Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ, nhưng các chuyên gia mới đây nhận định rằng Việt Nam có thể trở thành “mắt xích yếu nhất” trong triển vọng cứu vãn hiệp ước thương mại tự do này.
11 nước còn lại trong hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương, sau khi Mỹ rút lui, đang hy vọng sẽ đúc kết lại thỏa thuận mậu dịch đa quốc gia này. Một trong những thay đổi được cân nhắc tại vòng đàm phám 3 ngày kết thúc hôm thứ Tư 30/8 tại Sydney, theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (CEPR) ở Washington, là sẽ loại bỏ điều kiện đòi các nước TPP phải tăng cường bảo vệ bản quyền dược phẩm. Các quy định bảo hộ đó đẩy giá dược phẩm có bác sĩ kê toa lên rất cao. Bản quyền và các quy định bảo hộ có liên quan tương đương với mấy ngàn phần trăm thuế nhập khẩu đánh trên các mặt hàng được bảo hộ.
Nỗ lực thúc đẩy bãi bỏ hàng rào bảo hộ này hình như xuất phát từ Việt Nam. Nhưng nay công nghiệp dược phẩm Mỹ không còn hiện diện tại bàn đàm phán nữa, các nước còn lại trông có vẻ thuận theo xu hướng đó.
Việt Nam là một trong những nước theo trông đợi sẽ hưởng lợi kinh tế lớn nhất từ TPP nguyên thủy nhờ được được tiếp cận lớn hơn vào thị trường Hoa Kỳ.
Thế nhưng, ngay sau khi lên nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP như ông đã hứa hẹn trong lúc tranh cử -- một phần của nghị trình “nước Mỹ trên hết” của tân lãnh đạo Tòa Bạch Ốc.
Ông Matthew Goodman, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, một cựu quan chức trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, được hãng thông tấn AP trích lời nói rằng rằng hiệp ước TPP mới có những chỗ khó tháo gỡ.
Ông nói với các phóng viên báo chí tại Canberra hôm 29/8 rằng: "Đối với Việt Nam, họ nhất thiết phải thực hiện những cải cách khó khăn đối với các doanh nghiệp nhà nước và cải cách về lao động và các lãnh vực khác... để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Mỹ nhiều hơn, đặc biệt là ngành dệt may và giày dép."
"Nếu không có những điều khoản này,” chuyên gia Goodman nói, “người ta có thể hỏi tại sao Việt Nam cần phải tham gia TPP?"
Tin nói cũng có những thách thức trong việc giữ Malaysia tham gia TPP.
Ông Goodman nhận định tiếp rằng hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ và Việt Nam, hay TPP-10, sẽ là lựa chọn tốt thứ ba, nhưng còn hơn là để TPP tắt dần.
Ông Goodman tin rằng Hoa Kỳ khuyến khích Australia, Nhật Bản và New Zealand khôi phục hiệp ước thương mại đa quốc gia này, và "giữ chỗ" để Mỹ sẽ quay lại.
Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo của nước chủ trì cuộc đàm phán nói rằng nhìn chung các nước TPP-11 mong muốn đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 sắp tới tại Việt Nam. - VOA
|
|
16.
Phát biểu đầu tiên của Việt Nam về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình
Một đại diện của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, khi được hỏi về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình hôm 30/8, khẳng định quan điểm của Thủ tướng Việt Nam là “tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam”.
Đây là phát biểu chính thức đầu tiên của một đương chức chính phủ Việt Nam liên quan đến vụ kiện đang gây chấn động dư luận này.
Theo báo Dân Trí, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, một phóng viên đã đặt câu hỏi với ông Mai Tiến Dũng về vụ kiện của doanh nhân Hà Lan gốc Việt, Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ Việt Nam tại Tòa trọng tài Quốc tế tại Paris, Pháp, đòi bồi thường ít nhất 1,25 tỷ đôla vì đã chiếm đoạt tài sản và nhốt tù ông oan sai.
“Trong vụ này thì Tòa quốc tế đang xem xét, chúng ta cũng phải đợi thôi. Nhưng quan điểm của Thủ tướng là chúng ta tạo môi trường minh bạch, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài”, báo Dân Trí dẫn lời ông Mai Tiến Dũng.
Cuộc họp báo diễn ra 3 ngày sau khi phiên xử đầu tiên kết thúc tại Paris hôm 27/8.
Trước đó (18/8), VOA cũng nhận được trả lời tương tự từ Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà đối với gần 10 câu hỏi liên quan đến vụ kiện này rằng: “Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật”.
Đây là lần thứ hai ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế.
Hiện chưa có kết quả chính thức của vụ kiện này.
Theo thủ tục thông thường, Tòa án Quốc tế đôi khi phải mất đến vài tháng để nghị án và đưa ra phán quyết.
Ông Trịnh Vĩnh Bình là một doanh nhân thành công ở Hà Lan với biệt danh “Vua Chả Giò”. Đầu năm 1990, ông Bình mang gần 2,5 triệu đôla và 96 kg vàng về Việt Nam đầu tư theo chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam.
Sau những thành công nhanh chóng trong kinh doanh, năm 1996, ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”. Sau đó, ông Bình bị kết án 11 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ”, bị phạt 400 triệu đồng và bị tịch thu tất cả tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.
Trong lần kiện đầu tiên, ông Trịnh Vĩnh Bình và Chính phủ Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa ngay trước phiên xử dự kiến sẽ diễn ra ở Stockholm, Thụy Điển, vào tháng 12/2006.
Theo thỏa thuận này, phía Việt Nam đồng ý bồi thường cho ông Bình 15 triệu đôla, miễn án, tạo điều kiện cho ông Bình về Việt Nam tiếp tục kinh doanh và trả lại toàn bộ tài sản cho ông, với điều kiện ông Trịnh Vĩnh Bình phải yêu cầu dừng vụ kiện và không tiết lộ tin tức cho truyền thông.
Phía Việt Nam sau đó đã thực hiện việc bồi thường, miễn án và cho phép ông Bình ra vào Việt Nam dễ dàng, nhưng không hoàn trả bất cứ tài sản nào cho ông. Đây là lý do mà ông Bình khởi kiện Chính phủ Việt Nam lần thứ hai.
VOA sẽ cập nhật thông tin ngay khi có kết quả chính thức từ những người trực tiếp tham gia trong phiên xử kín của vụ kiện này. Mời quý vị theo dõi thêm trên Facebook và website: voatiengviet.com/trinhvinhbinh - VOA
|
|
17.
Giới bất đồng trên Facebook thử thách giới hạn của nhà nước VN
"Ở đây không giống như Trung Quốc", nhà hoạt động Việt Nam ‘Anh Chí’ nói tại một quán bar ồn ào trên một trong những con phố hẹp của khu phố cổ Hà Nội. "Họ không thể chặn Facebook ở đây."
Với 40.000 người theo dõi Facebook của ông, ‘Anh Chí’ là một trong những người chỉ trích nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng chắc chắn không phải là người có đông người theo dõi nhất tại nước cộng sản Việt Nam. Những nỗ lực của nhà nước nhằm trấn áp giới bất đồng chính kiến đã va vào sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội nước ngoài.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong tháng này kêu gọi phải kiểm soát internet nghiêm ngặt vì theo lời ông "các thế lực thù địch" không chỉ đe dọa đến an ninh mạng mà còn "phá hoại uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước".
Nhưng kiểm soát internet ở một quốc gia phát triển nhanh có dân số trẻ không hề dễ, đặc biệt là khi các công ty cung cấp dịch vụ lại có tầm cỡ toàn cầu. Trái lại, Trung Quốc chỉ cho phép các công ty internet trong nước hoạt động theo các quy định nghiêm ngặt.
Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu về số lượng người sử dụng Facebook. Theo kết quả nghiên cứu mà Reuters nhận được từ các tổ chức truyền thông xã hội We Are Social và Hootsuite, Việt Nam có hơn 52 triệu tài khoản đang hoạt động. YouTube thuộc Google và Twitter cũng rất phổ biến.
Giống như các nơi khác ở Đông Nam Á, truyền thông xã hội giúp sức cho kinh doanh và truyền thông cũng như những người chỉ trích chính phủ.
Một số nhà bất đồng chính kiến đăng bài trên truyền thông xã hội đã bị bắt trong một cuộc trấn áp lớn tiếp sau những thay đổi trong bộ máy đảng cầm quyền. Ít nhất 15 người đã bị bắt năm nay.
Các blogger nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là "Mẹ Nấm", và Trần Thị Nga đã bị kết án tù lần lượt là 10 và 9 năm. Những người chỉ trích chính phủ cũng kêu ca về việc bị những kẻ không rõ danh tính hành hung và và hăm dọa.
LƯỢNG NGƯỜI THEO DÕI LỚN
Nhưng hàng chục nhà hoạt động vẫn đăng những lời chỉ trích hàng ngày.
Một số nhà hoạt động có hơn 100.000 người theo dõi và ít nhất một người có trên 400.000 - gấp đôi so với trang Facebook của chính phủ và gần bằng 1/10 số đảng viên cộng sản trên cả nước.
"Chúng tôi sử dụng bất kỳ cơ hội nào có được để lên tiếng: về vấn đề môi trường, vấn đề lãnh thổ, vấn đề đất đai", ‘Anh Chí’ nói. Nhà hoạt động Việt Nam này tên thật là Nguyễn Chí Tuyến, 43 tuổi, ông còn là một nhà giáo, một dịch giả và nhà xuất bản.
Tháng 3 năm nay, Việt Nam đã cố gây áp lực với Facebook và Google để gỡ hàng ngàn nội dung bị cho là chống chính phủ bằng cách dựa vào các nhà quảng cáo, các bài viết tiếp tục được phổ biến, cho thấy thành công của chính phủ vẫn hạn chế.
Một lý do rất khó hành động mạnh hơn là vì kinh doanh: từ các hãng bia đến các hãng bảo hiểm cho đến các hãng sản xuất xe máy ở Việt Nam, truyền thông xã hội là một con đường tiếp thị quan trọng đến với người tiêu dùng trẻ và ngày càng giàu có hơn trong một nền kinh tế có đà tăng trưởng hơn 6%, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, điều này rất quan trọng: một cửa hàng hoa lụa mới ở Hà Nội nói với Reuters rằng 95% khách hàng biết đến cửa hàng qua Facebook hoặc Instagram.
Simon Kemp, người sáng lập công ty tư vấn tiếp thị Kepios, nói: "Chúng ta thấy các bạn trẻ đang mở doanh nghiệp trên những nền tảng này và đạt những thành công đáng kể”.
Jeff Paine, giám đốc điều hành của Liên minh Internet Châu Á, có các thành viên bao gồm Facebook, Google và Twitter, nói kiểm soát internet chặt chẽ hơn có thể chặn đường đổi mới và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam, cũng như khả năng cạnh tranh của nó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với Reuters rằng chính phủ ủng hộ internet, nhưng cố giảm thiểu "các hành vi gây hại cho người sử dụng và các hành vi bất hợp pháp như kích động bạo lực và lối sống đồi trụy".
BÀI HỌC TRUNG QUỐC
Trung Quốc đã chặn Facebook vào năm 2009 và chỉ cho phép các trang web trong nước như WeChat và Weibo hoạt động theo những luật cấm các nội dung khiêu dâm, bạo lực hoặc xúc phạm Đảng Cộng sản.
Facebook thỉnh thoảng bị chặn ở Việt Nam - đôi khi vào những thời điểm nhạy cảm - nhưng không bao giờ kéo dài.
Shawn Crispin, đại diện tại Đông Nam Á của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo, nói: "Chính quyền Việt Nam đã cố gắng trong nhiều năm và cho đến nay vẫn không ngăn được các nhà báo và blogger độc lập sử dụng internet. Đó là một trận đánh nghiêng về phần thua".
Điều đó không ngăn việc bắt bớ các nhà hoạt động.
Blogger Phạm Đoan Trang viết trên Facebook rằng một số nhà hoạt động dường như đã rút lui trong bối cảnh có những trấn áp, nhưng bà nói sẽ không nản chí.
Nhà hoạt động này nói với Reuters:
"Tự do có một quy tắc rất thú vị. Một khi người ta biết được giới hạn tự do, họ sẽ không bao giờ quay lại". - VOA
|
|
18.
Em chồng Bộ trưởng Tiến có ghế ở VN Pharma
Truyền thông Việt Nam đưa tin em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Hoàng Quốc Dũng, từng là phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư của công ty VN Pharma.
Ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma, người vừa bị tuyên án 12 năm tù vì tội 'Buôn lậu và Làm giả con dấu để nhập lậu hàng ngàn lô thuốc chữa ung thư giả' nói với báo Tuổi Trẻ rằng hình như không có ký quyết định bổ nhiệm ông Dũng, em chồng bà Tiến, vào vị trí này.
"Vì lâu quá rồi nên cũng không nhớ và cũng không nhớ lương trả bao nhiêu. Ông [Dũng] có vô ra làm việc nhưng lo về mấy việc xây dựng, nhưng do chưa có xây dựng gì hết nên người ta đâu có làm gì đâu, ngồi văn phòng vậy thôi".
Được biết ông Dũng vẫn còn làm việc vào thời điểm khi nhà chức trách tiến hành khởi tố và điều tra bê bối, nhưng sau đó đã nghỉ việc.
Hôm 28/08/2017, báo VietnamNet của Bộ Thông tin Truyền thông, có bài phỏng vấn Bộ trưởng Tiến để làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm sau khi bà Tiến trước đó ngày 24/08 mô tả các thông tin trên mạng về việc em chồng và con trai bà làm cho VN Pharma là "bịa đặt và vu khống".
"Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào đến khi vụ việc nhập thuốc có nhiều nghi vấn được Cục Quản lý dược báo cáo và Bộ đã chủ động đề nghị với cơ quan có thẩm quyền ở Bộ Công an làm rõ.
"Còn thông tin tôi được tặng căn biệt thự liền kề phía sau nhà tôi là dựng chuyện vu khống cho tôi và gia đình tôi.
"Căn nhà ở đường Nguyễn Văn Hưởng gia đình tôi mua đất đã 20 năm trước và cất nhà ở gần 10 năm nay rồi. Thông tin tôi được bị cáo Hùng tặng biệt thự trị giá 60 tỉ đồng là rất hoang đường, vớ vẩn, bịa đặt.
"Thông tin này trên mạng cũng đã dựng chuyện vu khống tôi trước đây rồi, giờ nhân vụ xét xử họ lại tiếp tục loan truyền để gây mất niềm tin, có ác ý… Thật là tôi không hiểu vì sao người ta có thể bịa đặt như vậy mãi như thế được," bà Tiến nói với VietnamNet.
'Không nói khác với nói không'
Trong khi đó một thứ trưởng Bộ Y tế nói việc Bộ trưởng Tiến không nói [em chồng làm cho VN Pharma] và nói "không có" là hai việc mà ông gọi là "hoàn toàn khác nhau".
"Theo quy định, cán bộ làm ở vị trí này thì không được là vợ, chồng, con, hoặc bố mẹ còn luật không nói đến là anh/em chồng. Ban cán sự Đảng có hỏi không thì tôi xin trả lời là cá nhân tôi chưa bao giờ hỏi Bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng không báo cáo việc này tại các cuộc họp ở Bộ," Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói tại buổi họp báo Chính phủ hôm 30/8/2017.
Bình luận được đưa ra sau một thời gian cư dân mạng bàn tán về khả năng có 'xung đột lợi ích' trong vụ án VN Pharma, với cáo buộc người nhà Bộ trưởng Y tế Việt Nam làm trong công ty này,
Cây bút Huy Đức viết trên Facebook cá nhân: ''Báo chí, Thanh tra và Ủy ban điều tra độc lập cũng nên điều tra làm rõ: Nếu VN Pharma đưa ông Dũng vào làm PGĐ ở đây chỉ để "thu hút hỏa lực dư luận" thì cũng nên minh oan cho bà Tiến; Nếu trong thời gian làm việc ở đây, ông Dũng có "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn"(bà Tiến) thì cũng cần, vừa xem xét trách nhiệm của bà Tiến, vừa truy cứu trách nhiệm hình sự ông Dũng."
Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân: "Vụ thuốc ung thư giả gần đây cùng nhiều sự việc khác trước đó khiến dư luận càng lên án bà Bộ trưởng Y tế Kim Tiến và đòi bà từ chức. Điều này không sai, vì chúng ta đều giả định (và mơ mộng) rằng chức vụ công quyền đó do người dân giao phó thông qua bầu cử tự do...Tuy nhiên, bà Kim Tiến sẽ không từ chức...." - BBC
|
|
19.
Tài sản ông Quý: ‘Thanh tra đang làm, sẽ công bố’
Hạn công bố kết luận thanh tra khối tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã quá một tháng nhưng hiện còn "đang trong quá trình hoàn thiện để kết luận và công bố," theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Ông Phạm Sỹ Quý sinh năm 1971, là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và được chị mình ký quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Yên Bái vào tháng 9/2016, khi bà đang là Chủ tịch UBND tỉnh.
Truyền thông trong nước cho biết bản kê khai tài sản năm 2016 của ông Phạm Sỹ Quý nói ông đang sở hữu một ngôi nhà 600 m2 tại thành phố Yên Bái, một căn hộ tại khu chung cư Mandarin Garden, Cầu Giấy, Hà Nội, rộng 130 m2, một mảnh đất 1.000 m2 trị giá 500 triệu đồng, một trang trại 2 ha trị giá 1 tỷ đồng đã có giấy chủ quyền và một xe hơi Camry.
Ông Quý từng nói để có được khối tài sản được xây trên diện tích đất 13.000 m2 tại Yên Bái, ông đã phải vay ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng và vay của bạn bè, người dân, số còn lại là do ông tích góp từ thời trẻ, thu nhập từ những hoạt động như buôn chổi đót, lá chít.
Ông kê khai tổng thu nhập trong năm 2016 tăng 1 tỉ đồng là "thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối tháng Bảy nói ông rất 'trăn trở' vì cán bộ 'sống phô trương' và 'gây phản cảm'.
Hôm 17/7/2017, tờ Thanh Niên online dẫn lời lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại một hội nghị ở tỉnh miền núi Sơn La, nói:
"Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta".
Ngày 17/7, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho hay một đoàn thanh tra của Cục đã hoàn tất 15 ngày thanh tra trực tiếp ở tỉnh Yên Bái về khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cũng như về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình ông và nói "khoảng đầu tháng Tám sẽ công bố rộng rãi cho dư luận".
"Trách nhiệm của thanh tra là sẽ xác minh và có kết luận cụ thể. Việc vay ngân hàng phải có cơ sở, giấy tờ đầy đủ chứ không thể giải trình bừa được".
Được biết trước đó, Thanh tra tỉnh Yên Bái cũng đã tiến hành thanh tra tài sản của ông Quý, tuy nhiên, do ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Tra nên Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc. BBC
|
|
20.
Trung Quốc tập trận sát Việt Nam: Hù dọa trên bộ để áp lực trên biển?
Trong hơn một tháng gần đây, báo giới quốc tế đã bình luận rất nhiều về căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, với sự kiện Bắc Kinh dọa tấn công các cơ sở Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội không đình chỉ việc cho khoan dò tìm trong khu vực lô 136-06 gần bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Việt Nam đã tuyên bố có toàn quyền trong vùng biển của mình, nhưng trong thực tế thì một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol được giao phó việc thăm dò đã cho tàu khoan của mình rút ra khỏi vùng khai thác và trở lại Malaysia hôm 14/08/2017. Đối với giới quan sát, dù Việt Nam không chính thức nói gì về vụ này, nhưng đã phải lùi bước trước sức ép quá mạnh của Trung Quốc, và nhất là khi Bắc Kinh đe dọa dùng võ lực.
Khả năng Bắc Kinh dùng võ lực đối với Việt Nam mới đây đã được trang blog Pháp East Pendulum chuyên về Trung Quốc, gợi lên trong một bài phân tích về một tháng tập trận rầm rộ của Trung Quốc trong tháng 8 gần biên giới trên bộ với Việt Nam. Bài viết đăng ngày 22/08/2017 mang tựa đề : « Sắp tròn một tháng tập trận đổ bộ ngay trước cửa ngõ Việt Nam - Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam ».
Bài viết của tác giả Henri Kenhmann trước hết phân tích về thời gian và địa điểm của cuộc tập trận do lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc tiến hành: Đó là từ đầu tháng 8, ở khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, với một loạt bài tập đổ bộ, bắn đạn thật.
Phân tích các thông báo từ phía giới chức hữu trách Trung Quốc, quy định thời hạn mà một số khu vực trên biển được dành riêng cho quân đội nước này, cấm mọi tàu thuyền không phận sự qua lại, tác giả bài viết cho rằng cuộc tập trận đổ bộ này có dấu hiệu là đã bắt đầu vào ngày 01/08 và có lẽ kéo dài ít ra là cho đến ngày thứ Tư 23/08 vừa qua, tức là hai hôm sau khi bài báo được công bố.
Huy động lực lượng rầm rộ, thị uy sát bờ Việt Nam
Về địa điểm, người ta có thể ghi nhận là các vùng tập trận di chuyển từ từ về phía Tây, nghĩa là về hướng Việt Nam. Thoạt đầu là ở khu vực đảo Tà Dương ở chếch về phía đông, gần bán đảo Lôi Châu, sau đó chuyển qua phía tây, vượt quá đảo Vi Châu, đến khu vực gần thành phố Bắc Hải ở Quảng Tây, rồi đi xa hơn nữa về vùng biển ngoài khơi Phòng Thành Cảng, một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, trước khi ngược đường trở lại khu vực phía đông.
Cho dù Quân Đội Trung Quốc không muốn tiết lộ vị trí chính xác của các cuộc tập trận,nhưng theo tính toán của East Pendulum, vùng diễn tập của Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 cây số!
Theo hình ảnh và tài liệu công bố chính thức của Quân Đội Trung Quốc, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của họ đã triển khai những đơn vị phòng không, trọng pháo và xe thiết giáp, như loại súng cối PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05, và cả loại chiến xa lội nước của bộ binh ZBD-05.
Theo bình luận trong một bài phóng sự trên đài truyền hình CCTV-7, thì đó là một “chiến dịch tập luyện đổ bộ” xoay quanh khoảng 30 đề mục khác nhau, trong đó có việc phá hủy tàu ngầm đối phương, tấn công đổ bộ, tấn công những mục tiêu trên biển và đất liền.v...v…
Theo East Pendulum, ngoài lực lượng Thủy Quân Lục Chiến và các đơn vị cơ giới bọc thép của họ, Hải Quân và Lục Quân Trung Quốc có dấu hiệu cũng tham gia thao diễn, nhưng cho dù thông tin này cần xác minh thêm.
Tác giả bài viết giải thích: Những hình ảnh đăng hôm 21/08 cho thấy một lữ đoàn không quân của Lục Quân Trung Quốc, thuộc Bộ Tư Lệnh Miền Đông, được đưa đến một chiếc tàu chở phương tiện đổ bộ trong một chiến dịch hổn hợp.
Một cách cụ thể, người ta thấy loại trực thăng chiến đấu Z-10, xuất hiện bên cạnh chiếc 998 Côn Lôn Sơn (Kunlun Shan), chiếc tàu đổ bộ cực lớn đầu tiên của lớp 071, trực thuộc Hạm Đội Nam Hải.
Đối với tác giả bài viết trên trang blog Pháp, cho đến giờ này, người ta không biết là đó quả đúng là một chiến dịch tập huấn bình thường như phóng sự trên đài truyền hình Trung Quốc cho thấy, hay là đó là loạt tập trận có liên hệ đến việc Việt Nam thăm dò dầu khí ở trên Biển Đông với sự hợp tác của các tập đoàn nước ngoài.
Trung Quốc : Quan ngại ở đâu thì tập trận Hải Quân ở đó
Trong những tuần lễ gần đây, Trung Quốc đã liên tục tổ chức những cuộc tập trận quy mô tại khu vực Hoàng Hải. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của báo giới. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post có bài phân tích ngày 18/08/2017 mang tựa đề “Trung Quốc đang lo ngại điều gì? Đáp án nằm ở nơi Trung Quốc tập trận hải quân - What’s China worried about? Clue lies in where it’s holding navy drills”, tờ báo này đã cho rằng nỗi lo của Trung Quốc được thấy rõ qua việc chuyển trọng tâm chú ý từ Biển Đông lên Hoàng Hải.
Trung Quốc đã chuyển hướng thao diễn Hải Quân từ vùng Biển Đông ở phía nam, lên vùng biển Hoàng Hải ở phía đông bắc, trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân Bắc Triều Tiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự.
“Căng thẳng ở Biển Đông đã giảm do quan hệ Trung Quốc Philippines đã cải thiện” như nhận định của Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), một bình luận gia về quân sự ở Thượng Hải. Theo chuyên gia này, dù có thắng ở Tòa Trọng Tài La Haye vào năm ngoái trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng giờ đây Manila quan tâm hơn đến hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.
Đầu tuần trước, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano thông báo là Trung Quốc đảm bảo với Philippines sẽ không chiếm thêm vùng biển đảo mới nào nữa ở Biển Đông, theo một thỏa thuận giữ ‘nguyên trạng’mà Manila đã chuẩn bị.
Tuy nhiên, theo lời ông Nghê Nhạc Hùng, “khu vực đông bắc đang gặp nguy hiểm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng [đối với Bắc Triều Tiên] súng ống của quân đội Mỹ giờ đã “lên nòng”.
“Nếu Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên, Trung Quốc sẽ khó xử, vì cả hai quốc gia [Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ] đã ký Hiệp Định Hữu Nghị, Hợp Tác và Hỗ Tương năm 1961, qua đó Bắc Kinh cam kết trợ giúp Bình Nhưỡng trong trường hợp bị tấn công.”
Vào đầu tháng này Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành 4 ngày thao diễn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên ở biển Bột Hải và Hoàng Hải, huy động tàu chiến, tàu ngầm, cũng như Thủy Quân Lục Chiến của 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải, cũng như lực lượng bộ binh thuộc Quân Khu Phương Bắc. Đây là cuộc tập trân bắn đạn thật lớn nhất được tiến hành trong khu vực này, theo truyền thông Trung Quốc, với hàng chục loại hỏa tiễn được phóng đi.
Một tuần trước đó,khi tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Giải Phóng Quân Trung Quốc, Hải Quân Trung Quốc cũng đã thực hiện 3 ngày tập trận ở Hoàng Hải. Cuộc thao diễn được tiến hành ở phía tây bán đảo Triều Tiên, ở vùng biển nằm giữa Thanh Đảo và Sơn Đông và Liên Vân Cảng, ở tỉnh Cam Túc ở phía đông.
Chuyên gia về Hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh, cho rằng việc chuyển trọng tâm thao diễn từ Biển Đông lên Hoàng Hải là câu trả lời của Trung Quốc trước loạt tập trận chung tiến hành từ năm 2013 giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Lý Kiệt: “Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thấy sức mạnh hải quân của mình và cảnh báo đối thủ là đừng gây hấn với Bắc Triều Tiên với nhiều đợt tập trận như vậy và không được phá vỡ hiệp định đình chiến của cuộc chiến tranh Triều Tiên’’. Bắc Kinh cũng muốn nhắc nhở Hoa Kỳ là ‘‘không nên tổ chức tập trận quá gần Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên.’’
Tần số tập trận Mỹ, Nhật, Hàn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên gia tăng theo nhịp độ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên và từ khi ông Moon Jae In lên nắm quyền vào tháng 5.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc còn cho biết là họ vẫn tiếp tục các cuộc tập trận ở quy mô lớn, trên biển; trên bộ và trên không vào hạ tuần tháng này.
Bắc Kinh dĩ nhiên không thể để yên cho tiến hành những hành động quân sự kiểu này mà không phản ứng. - RFI
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
1.
Ấn-Nhật đưa ra dự án kết nối Á-Phi để kiềm chế Trung Quốc? --- Trung Quốc bác bỏ tin châu Phi đứng về phía Nhật trên Biển Đông
Dự án “Hành lang tăng trưởng Á-Phi” (AAGC) mà Ấn Độ và Nhật Bản thúc đẩy là nhằm mục đích đối trọng với ý tưởng “Một Vành đai, Một Con đường”(OBOR) của Trung Quốc, và do đó Bắc Kinh không nên xem nhẹ mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc nhận định trong một bài xã luận hôm 28/8.
Tờ báo này cho biết hồi tháng 11 năm 2016, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ mạnh mẽ thúc đẩy AAGC. Dự án này là một nỗ lực nhằm tạo ra một hành lang trên biển để kết nối các nước châu Á-Thái Bình Dương với các nước châu Phi bằng một loạt dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi và đông nam Á.
Trong khuôn khổ “Hành lang tăng trưởng Á-Phi”, Nhật Bản sẽ cùng với Ấn Độ tham gia dự án mở rộng cảng Chabahar của Iran cũng như kế hoạch phát triển khu kinh tế đặc biệt liền kề. Còn ở phía đông Sri Lanka, hai nước sẽ phối hợp với nhau trong dự án mở rộng cảng Trincomalee vốn có tầm quan trọng về chiến lược. Nhật-Ấn cũng sẽ cùng nhau xây dựng cảng nước sâu Dawei ở biên giới Thái Lan-Myanmar.
Tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng cả Tokyo và New Delhi đều có lợi ích trong việc kiềm chế Trung Quốc. “Từ góc độ địa chính trị, kinh tế và an ninh, Nhật Bản và Ấn Độ chắc chắn sẽ hợp tác để thúc đẩy kế hoạch AAGC.”
Tờ báo của Trung Quốc nhận định rằng cho đến nay, ảnh hưởng của Ấn Độ ở châu Phi không thể sánh bằng Trung Quốc, nhưng nước này đã qua mặt Nhật Bản và Hoa Kỳ để trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi.
Không lâu sau khi Trung Quốc tung ra ý tưởng “Một Vành đai, Một Con đường” thì Nhật cũng giới thiệu kế hoạch “Hành lang tăng trưởng Á-Phi” (AAGC) để đầu tư khoảng 110 tỷ đô la Mỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Dự án AAGC vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Nhật và Ấn đã có các cuộc gặp riêng rẽ với các quốc gia thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Phi tại một hội nghị của ngân hàng này để thảo luận kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng năng lực cho khu vực, tờ báo này cho biết.
Ấn Độ nghi ngờ động cơ phía sau “Một Vành đai, Một Con đường (OBOR), và cho rằng dự án này là nhằm đẩy mạnh chính sách bá quyền của Trung Quốc và do đó, đã từ chối tham gia.
Trong một bài bình luận hôm 18/8, báo Bangalore Deccan Herald Online nhận định rằng với OBOR thì “Trung Quốc đã áp dụng thành thục chiến lược của Tôn Tử là dùng ngoại giao và sức ép quân sự - tức là cả biện pháp cứng và mềm – để thúc đẩy lợi ích toàn cầu.”
Tờ báo này dẫn lời ông Brahma Chellaney, một nhà phân tích chiến lược, nhận định về lý do Ấn Độ không ủng hộ OBOR:
“Tại sao à? Ấn Độ xem đây là một dự án mờ ám theo kiểu tân thực dân để buộc chặt các nước nhỏ thiếu thốn tài chánh trong các bẫy nợ. Đối với Trung Quốc, việc Ấn Độ rơi vào quỹ đạo của Hoa Kỳ là điều mà họ thấy ‘không thoải mái’ vì cho rằng điều đó gây hại cho tham vọng thiết lập một trật tự châu Á mới, lấy Trung Quốc làm trung tâm”. - VOA
***
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tin cho rằng các nước châu Phi đang đứng về phía Nhật Bản trong nỗ lực của nước này nhằm bảo vệ vùng biển quốc tế trước cách hành xử ngày càng hung hãn của Trung Quốc.
Phát biểu tại một họp báo thường kỳ hôm 28/8, bà Hoa Xuân Oánh nói thông tin đó ‘sai lệch một cách nghiêm trọng so với sự thật’. Trước đó, một bản tin của hãng thông tấn Kyodo, và tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói rằng các quốc gia châu Phi đứng về phía Nhật Bản trong các vấn đề liên quan tới luật lệ hàng hải trong một cuộc gặp ở Mozambique hồi tuần trước.
Bà Hoa nói vấn đề này đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận tại cuộc họp tiếp nối Hội nghị Quốc tế về Phát triển châu Phi cấp bộ trưởng ở thành phố Maputo, nhưng “chưa bao giờ vượt qua cái gọi là thông cáo của chủ tịch.”
“Đó chỉ là việc ghi lại nội dung các cuộc thảo luận dưới hình thức biên bản cuộc họp. Các nội dung liên quan đến các vấn đề trên biển là do Nhật đơn phương bịa đặt ra. Không chỉ không có quốc gia châu Phi nào đồng ý với lập trường của Nhật mà nhiều nước châu Phi còn lần lượt công khai phản đối,” bà Hoa nói.
Bà Hoa lưu ý rằng khi ngoại trưởng hai nước Nhật Bản và Mozambique xuất hiện cùng nhau tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mozambique Oldemiro Julio Marques Baloi nói rằng diễn đàn Hội nghị Quốc tế về Phát triển châu Phi không thể bị chính trị hóa.
Nữ phát ngôn nhân của Trung Quốc nói bất cứ cuộc thảo luận nào về các vấn đề trên biển đều được giới hạn ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, và điều này có nghĩa là Biển Đông và Thái Bình Dương, là vùng biển đang làm Tokyo ngày càng quan ngại, không nằm trong các nội dung được thảo luận tại diễn đàn này và cũng không có liên quan gì tới các nước châu Phi.
“Nhật Bản cần phải thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với các nước châu Phi và phải dành cho họ sự giúp đỡ chân thành. Nhật Bản không nên áp đặt ý muốn của họ lên các nước châu Phi hay tìm cách chia rẽ các nước này với nước khác,” bà Hoa nói.
Hôm 25/8, hãng tin Kyodo đưa tin rằng tại Maputo, ngoại trưởng Nhật và các nước châu Phi khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật lệ trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói duy trì trật tự trên biển dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như tự do hàng hải, là thiết yếu để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nhật Bản sẽ “làm việc hết lòng để tăng cường kết nối giữa châu Á và châu Phi,” Ngoại trưởng Kono hứa. Ông cho biết Tokyo sẽ cố gắng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Phi. - VOA
|
|
2.
Mỹ-Trung hoàn tất đối thoại về luật hàng hải
Giới chức của Mỹ và Trung Quốc vừa tiến hành vòng đàm phán song phương thường niên lần thứ 8 tại Washington bàn về các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hải và thăm dò vùng cực, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 30/8.
Thông cáo không cho biết nhiều chi tiết, chỉ nói rằng đôi bên ‘trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề liên quan đến hải dương, luật biển, và các vùng cực.’
Hoa Kỳ chưa ký kết Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển UNCLOS dù Mỹ tuân thủ các điều lệ của hiệp ước.
Trung Quốc thông qua UNCLOS vào năm 1996.
Mỹ và các nước khác xem Biển Đông là một vùng biển quốc tế và bất chấp tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng cách tham gia các cuộc diễn tập quân sự liên quan đến tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu trên tuyến vận chuyển hàng hải trọng yếu thông qua Đông Nam Á.
Trung Quốc cũng tích cực thăm dò Biển Arctic, một sự hiện diện không được hoan nghênh bởi các nước xung quanh như Canada, Nauy, Nga, Đan Mạch, Mỹ, là những nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại khu vực giàu khoáng chất này. - VOA
|
|
3.
Mỹ kêu gọi quốc tế phối hợp chế tài Bình Nhưỡng --- Trump: Nói suông không là giải pháp cho Bắc Triều Tiên --- Hội Đồng Bảo An lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên
Hoa Kỳ ngày 30/8 kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động phối hợp áp lực Bắc Triều Tiên hủy bỏ chương trình phi đạn và hạt nhân, đồng thời cho biết đang hoạch định các biện pháp chế tài mới đối với Bình Nhưỡng.
Các giới chức quân sự cao cấp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đã trình bày rõ ràng về chương trình võ khí Bắc Triều Tiên trước Hội nghị về Giải giới Võ khí do Mỹ bảo trợ.
Đại sứ Mỹ chuyên trách về giải trừ võ khí, Robert Wood, cho biết cuộc họp đã đưa tới một sự lên án thẳng thắn của thế giới đối với Bắc Triều Tiên vì đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
“Thời điểm tranh cãi đã qua lâu rồi, các mối nguy hiểm rất rõ ràng, và đã tới lúc phải hành động phối hợp,” đại sứ Wood tuyên bố trong bài phát biểu khai mạc hội thảo ở Geneva.
“Mục đích sử dụng các chế tài nhằm áp lực chính phủ Bắc Triều Tiên bỏ chương trình và hoạt động võ khí chứ không nhằm trừng phạt người dân hay nền kih tế của Bình Nhưỡng hay của các nước khác.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng tất cả các nước cần phải thực thi đầy đủ các biện pháp chế tài đó.
Nhà ngoại giao của Bắc Triều Tiên, Ju Yong Chol nhắc lại nước ông có quyền tự vệ và bênh vực vụ phóng phi đạn mới đây nhất bay qua Nhật Bản. Ông Chol phát biểu trước hội thảo rằng hành động này nhằm chống lại các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn.
Đại sứ Mỹ cho biết đang có các cuộc thảo luận giữa các cường quốc để quyết định nên tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt nào nữa.
Ông Wood cũng kêu gọi Trung Quốc, nước có ảnh hưởng đặc biệt với Bình Nhưỡng, tăng cường áp lực với Bắc Triều Tiên.
Đáp lại, nhà ngoại giao của Bắc Triều Tiên, Ju Yong Chol, tuyên bố: “Bất kỳ biện pháp chế tài nào hay áp lực nào hầu cô lập Bắc Triều Tiên đều sẽ thất bại. Tôi muốn kết thúc phần phát biểu của mình bằng việc trích dẫn một ngạn ngữ thông dụng rằng ‘Chó cứ sủa và đoàn người cứ đi.’” - VOA
***
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/8 nhấn mạnh “ngôn từ không phải là đáp án” cho bế tắc căng thẳng với Bắc Triều Tiên về chương trình phát triển phi đạn hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Mỹ vẫn còn các phương án ngoại giao.
Phát biểu của ông Trump xuất hiện 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn một phi đạn đạn đạo ngang qua Nhật Bản khiến Liên hiệp quốc và thế giới lên án.
Tổng thống Trump chia sẻ trên Twitter rằng Mỹ đã dùng lời lẽ với Bắc Triều Tiên, tốn tiền cho Bình Nhưỡng trong 25 năm qua và như vậy “Ngôn từ không phải là giải pháp,” ông Trump viết. Chuyện tốn tiền mà ông Trump đề cập có lẽ là nhắc tới các khoản viện trợ trước đây của Mỹ dành cho Bắc Triều Tiên.
Vài giờ sau, trả lời câu hỏi báo giới liệu Mỹ đã cạn giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng hay chăng, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đáp rằng “Không.”
“Chúng ta không bao giờ cạn giải pháp ngoại giao,” Bộ trưởng Mattis tuyên bố trước cuộc họp với người đồng nhiệm phía Hàn Quốc tại Ngũ Giác Đài. “Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và tôi cùng chung trách nhiệm bảo vệ hai quốc gia, nhân dân hai nước, và lợi ích song phương.”
Với cam kết không để Bình Nhưỡng phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng lục địa Mỹ, Tổng thống Trump thứ ba tuần này nhấn mạnh: “Tất cả mọi phương án đang được đặt lên bàn.”
Bắc Triều Tiên tuyên bố vụ phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm trung hôm thứ ba là nhằm chống lại các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn và là bước đầu tiên trong hành động quân sự tại Thái Bình Dương “chế ngự” lãnh thổ Guam của Mỹ.
15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án việc Bình Nhưỡng bắn phi đạn ngang qua Nhật là đáng ‘phẫn nộ’ và yêu cầu Bắc Triều Tiên ngưng chương trình võ khí hạt nhân.
Thông cáo do Mỹ soạn thảo dù không đe dọa ban hành thêm chế tài với Bắc Triều Tiên nhưng kêu gọi tất cả các nước thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc nhắm vào quốc gia cộng sản cô lập này. Thông cáo đề nghị Bình Nhưỡng phải có hành động tức thì, cụ thể giảm căng thẳng.
Bắc Triều Tiên đã tiến hành hàng chục vụ thử phi đạn đạn đạo bất chấp trừng phạt của Liên hiệp quốc, nhưng bắn một phi đạn ngang qua lục địa Nhật là một hành động khiêu khích hiếm thấy.
Vụ phóng hôm thứ ba sử dụng cùng phi đạn Hwasong-12 mà Bắc Triều Tiên dọa bắn sang Guam nhưng đã bay theo hướng khác, ngang đảo Hokkaido của Nhật và rơi xuống biển. - VOA
***
Hôm qua, 29/08/2017, sau 3 giờ thảo luận, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một bản tuyên bố « cực lực lên án » vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngang qua Nhật Bản.
Bản tuyên bố của Hội Đồng Bảo An kêu gọi toàn thể các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thi hành « nghiêm chỉnh và đầy đủ » các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong đó có nghị quyết ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên.
Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã tuyên bố rằng « mọi phương án đang nằm trên bàn ». Thế nhưng, việc Hội Đồng Bảo An chỉ thông qua một tuyên bố cho thấy Liên Hiệp Quốc hiện chưa có phương án nào khác để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên.
Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường trình :
« Trong Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc và Nga thường có lập trường khác với những quốc gia thành viên khác. Nhưng hiện giờ, các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân diễn ra ngày càng thường xuyên của Bắc Triều Tiên khiến toàn bộ các thành viên Hội Đồng đều chống Bình Nhưỡng.
Việc tên lửa Bắc Triều Tiên được bắn ngày 29/08 bay ngang qua không phận Nhật Bản, lần đầu tiên từ năm 2009, đã khiến cộng đồng quốc tế vô cùng phẫn nộ. Tuy đại sứ Mỹ tại New York cho rằng Bình Nhưỡng đã đi quá xa và phải làm một cái gì đó để ngăn chận, nhưng Liên Hiệp Quốc thật sự không có nhiều phương án.
Các biện pháp trừng phạt mới đã được thông qua từ đầu tháng 8 nhắm vào xuất khẩu than, sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng mất đi nhiều tỷ đôla thu nhập.
Bắc Kinh và Matxcơva đã chấp nhận những biện pháp trừng phạt đó sau những cuộc thương lượng gay go. Nhưng sau đó, Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt các công ty và cá nhân của Nga và Trung Quốc bị cáo buộc là vẫn tiếp tục làm ăn với Bắc Triều Tiên.
Tuy vậy, Hội Đồng Bảo An đã đạt được mục tiêu qua bản tuyên bố lên án Bình Nhưỡng một cách cứng rắn và kêu gọi một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị cho bán đảo Triều Tiên. »
Vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An thông qua tuyên bố nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua tuyên bố là Bắc Kinh sẽ thảo luận với các thành viên khác của Hội Đồng về « một phản ứng » trước vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý với nhau là sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo An ban hành các biện phạt trừng phạt nặng nề hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng. - RFI
|
|
4.
Mỹ buộc tội cận vệ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn với Hoa Kỳ về cáo trạng đối với các nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ ẩu đả trong chuyến công du của Tổng thống Tayyip Erdogan tới thủ đô Washington năm nay.
Ngày 29/8, một đại bồi thẩm đoàn buộc tội 19 người, trong đó có 15 giới chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, trong vụ chạm trán giữa người biểu tình tại Mỹ phản đối ông Erdogan và các nhân viên cận vệ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ vì cáo trạng thiên lệch như thế lại được chấp nhận. Phản ứng của chúng tôi về vụ việc đã và đang được chuyển tải tới đại sứ Mỹ tại Ankara,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.
11 người bị thương trong vụ mà cảnh sát trưởng thủ đô Washington mô tả là tấn công dã man vào người biểu tình ôn hòa bên ngoài tư gia đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ nhân chuyến công du của Tổng thống Erdogan tới Mỹ. - VOA
|
|
5.
Anh giục Trung Quốc áp lực Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh phản pháo
Trung Quốc ngày 30/8 phản pháo Thủ tướng Anh, Theresa May, sau khi bà May kêu gọi Bắc Kinh tăng áp lực buộc Bắc Triều Tiên ngưng phóng thử phi đạn.
Phát biểu trong chuyến thăm thành phố Osaka, Nhật, bà May nhấn mạnh Bắc Kinh đóng vai trò then chốt trong vấn đề này và cần phải nỗ lực hơn nữa.
Trước đó một ngày, hôm 29/8, Bình Nhưỡng phóng thử phi đạn đạn đạo bay ngang đảo Hokkaido của Nhật và rơi xuống biển, thêm một hành động phô trương lực lượng.
Phản hồi trước phát biểu của Thủ tướng Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, đáp trả rằng một số bên liên quan chỉ thực hiện nghị quyết Liên hiệp quốc một cách có chọn lọc bằng cách thúc đẩy chế tài mà làm ngơ với việc thúc đẩy tái tục đàm phán.
Vẫn theo lời bà Hoa, đó không phải là thái độ cần có của các nước có trách nhiệm khi mùi đạn pháo vẫn còn nồng nặc tại bán đảo Triều Tiên. - VOA
|
|
6.
Bắc Hàn tuyên bố sẽ phóng thêm tên lửa, sau khi bị LHQ lên án
LHQ hôm thứ Tư 30/8 lên án việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản, và yêu cầu Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình vũ khí của họ, tuy nhiên không đưa ra lời đe dọa nào sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Bắc Triều Tiên cho hay vụ phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) hôm thứ Ba 29/8 là nhằm trả đũa các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc, đồng thời nói rằng đây được xem là bước đi đầu tiên trong hành động quân sự ở Thái Bình Dương để "bao vây" đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Hãng tin KCNA của Bắc Triều Tiên hôm 30/8 tường thuật rằng đây là lần đầu tiên lãnh tụ Kim Jong Un hạ lệnh phóng tên lửa từ thủ thô Bình Nhưỡng và tuyên bố sẽ phóng thêm tên lửa vào Thái Bình Dương khi cần thiết.
KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un nói:
"Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo vừa rồi như trong một cuộc chiến tranh thực sự, là bước đầu tiên trong chiến dịch quân sự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) ở Thái Bình Dương, đây là một bước đầu có ý nghĩa để vây hãm đảo Guam."
Bắc Triều Tiên trong tháng này doạ bắn bốn tên lửa về vùng biển gần đảo Guam, hòn đảo có sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump nói Bắc Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "lửa thịnh nộ", nếu Bắc Triều Tiên đe doạ Hoa Kỳ.
Về phần mình, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ loan báo đã thực hiện thành công một vụ phóng thử nghiệm tên lửa chắn phi đạn “phức tạp” ở Hawaii vào sáng sớm thứ Tư 30/8, đánh chặn được mục tiêu là một phi đạn đạn đạo tầm trung.
Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên nói "điều quan trọng thiết yếu" là Bắc Triều Tiên phải có hành động cụ thể, tức thì, để giảm căng thẳng, đồng thời kêu gọi tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an phải thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ.
Tuy nhiên, bản tuyên bố do Mỹ soạn thảo và được các thành viên nhất trí đồng thuận không đe dọa sẽ áp đặt thêm các các biện pháp chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|
7.
Mỹ dọa hủy NAFTA, Mexico tìm cách ứng phó
Mexico thấy rõ nguy cơ nghiêm trọng khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định NAFTA và đang lên kế hoạch cho kịch bản này, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo tuyên bố ngày 29/8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua đã 3 lần đe dọa hủy bỏ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA, nói rằng Hoa Kỳ có thể sẽ phải khởi động tiến trình rút lui khỏi NAFTA để đạt được một thỏa thuận công bằng cho quốc gia.
Ông Trump đã cam kết sẽ mang lại một thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động Mỹ và hai nước đã ‘lời qua tiếng lại’ trước vòng thương thuyết thứ nhì khởi sự vào thứ sáu tại Mexico City để đàm phán lại hiệp định 1994 ràng buộc Mỹ, Canada, và Mexico.
Ông Guajardo cùng Ngoại trưởng Mexico, Luis Videgaray, ngày 29/8 tới Washington DC để họp với các giới chức thương mại Mỹ và giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc.
Lâu nay, Bộ trưởng Kinh tế Mexico kêu gọi cần phải có kế hoạch phòng hờ trường hợp Mỹ rút khỏi NAFTA, vốn là điều mà ông cho là có khả năng rất cao.
Một phần trong kế hoạch đó là tìm kiếm các cơ hội và những thị trường khác.
Song song với các cuộc đàm phán về tái thương thuyết NAFTA, Mexico cũng sẽ có các cuộc họp thương mại riêng với Australia và New Zealand ở Peru và cuối tuần này, Tổng thống Enrique Pena Nieto sẽ công du Trung Quốc.
Trong khi đó Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, cho hay chính phủ Canada, một bên trong NAFTA, sẽ tiếp tục làm việc hết sức cẩn trọng để cải thiện Hiệp ước này. - VOA
|
|
8.
Cựu thủ tướng Thaksin chỉ trích chính quyền quân sự Thái
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra nói rằng không có sự bạo ngược nào tệ hại hơn là sự bạo ngược núp dưới bóng luật pháp và công lý.
Ông Thaksin dẫn lời nhà triết học Pháp Montesquieu như vừa nêu trong bình luận twitter đưa ra nhằm đả kích chính quyền quân nhân Thái Lan hiện đang cầm quyền tại Xứ Chùa Vàng sau khi lật đổ chính phủ của em gái ông năm 2014; cũng như chính phủ do ông đứng đầu năm 2006.
Đây là bình luận đầu tiên của ông Thaksin sau khi em gái của ông cựu nữ thủ tướng Yingluck không xuất hiện tại tòa hôm 25 tháng 8 và được nói đã trốn ra nước ngoài. Một học giả Thái Lan tại Nhật Bản, từng là nhân viên ngoại giao, nói rằng có lẽ ông Thaksin đang rất tức giận.
Vị học giả Thái Lan tại Nhật nói rằng anh em hai vị cựu thủ tướng sẽ tìm cách trở lại tác động chính trường Thái Lan từ hải ngoại, trả mối hận bị lật đổ.
Gia đình Shinawatra được xem như đại diện cho phong trào chính trị dân túy được nhiều nông dân nghèo ở miền quê đất nước Chùa Vàng ủng hộ. - RFA
|
|
9.
Trung Quốc gia tăng triển khai máy bay không người lái ở Biển Đông
Nghiên cứu của một viện tư vấn của Mỹ, vừa được công bố, cho hay Trung Quốc có kế hoạch triển khai hàng loạt máy bay không người lái (UAV), trong những năm tới, để bành trướng thế lực và gia tăng khả năng kiểm soát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia trong khu vực cần có cẩm nang ứng xử, nhằm đối phó kịp thời với các UAV của Trung Quốc, “tránh căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát”.
Báo mạng Washington Free Beacon trích lại một báo cáo của Project 2049, một viện tư vấn về Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Á, có trụ sở tại Hoa Kỳ, được đưa ra hôm thứ Hai, 29/08/2017. Theo đó, trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ đầu tư nhiều vào lĩnh vực máy bay không người lái.
Cụ thể là từ nay đến 2023, Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 10.000 máy bay không người lái, với số tiền tương đương 10 tỉ đô la. Một bộ phận trong số này sẽ được sử dụng tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, như tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi nhiều quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Đài Loan cũng đòi chủ quyền.
Báo cáo của viện tư vấn Mỹ nêu lên bốn loại UAV mà Quân Đội Trung Quốc đang sử dụng, bao gồm ba loại tự chế trong nước ASN-209, BZK-005 và GJ-1. Riêng máy bay S-100 do công ty Schiebel của Úc chế tạo. BZK-005 có tầm hoạt động 2.400 km, có thể bay liên tục 40 giờ. GJ-1 có tầm hoạt động khoảng 4.000 km. Chỉ cần cất cánh tại các sân bay trên đất liền, hai máy bay này đã có khả năng kiểm soát trọn Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.
Theo báo cáo của Project 2049, việc máy bay không người lái xâm nhập các vùng tranh chấp để làm công việc do thám, đã trở thành chuyện phổ biến đến mức mà vấn đề này “không còn là lĩnh vực riêng” của các chuyên gia hay các quan chức cao cấp. Có thái độ ứng xử phù hợp với các vật thể không người lái là một vấn đề quan trọng, bởi đây là một mảng khuyết trong hệ thống luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến các vùng tranh chấp.
Washington Free Beacon nhắc lại cuộc khủng hoảng cuối 2016, khi Hải Quân Trung Quốc bắt giữ một tàu ngầm không người lái của Hoa Kỳ, đang làm nhiệm vụ khảo sát đại dương tại vùng biển cách không xa bờ Philippines.
Báo cáo của Project 49 nhấn mạnh là giới quân sự và các lực lượng chấp pháp, của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc, cần kiểm tra xem xem các lực lượng tại chỗ “đã chuẩn bị đầy đủ” để đối phó với các máy bay không người lái của Trung Quốc hay chưa, đặc biệt là khi họ mất liên lạc với chỉ huy, và tình huống cụ thể đòi hỏi phải phản ứng kịp thời.
Theo Project 49, một cẩm nang ứng xử sẽ cho phép các lực lượng này có biện pháp phù hợp trước các máy bay không người lái Trung Quốc, có vũ trang hay không, hoạt động tại vùng tranh chấp trong khu vực mà các lực lượng này kiểm soát, giúp họ phản ứng tốt hơn trước các đe dọa tiềm tàng và tránh tình hình “vượt tầm kiểm soát”. - RFI
|
|
10.
Nga tập trận, Mỹ đưa phi cơ bảo vệ các nước Baltic
Hai tuần trước cuộc tập trận của Nga tại vùng biên giới phía tây, giáp với các nước Baltic, Hoa Kỳ đưa nhiều chiến đấu cơ bảo vệ không phận các quốc gia thành viên NATO.
AFP dẫn nguồn tin của bộ Quốc Phòng Litva hôm 29/08/2017 cho hay 7 máy bay tiêm kích F-15 của Mỹ đã hạ cánh tại sân bay quân sự Siaulia, để thay thế bốn phi cơ Ba Lan, tiếp tục nhiệm vụ tuần tra, được tiến hành từ bốn tháng nay.
Cơ quan tình báo Litva cảnh báo là cuộc tập trận, mang mã số Zapad-2017 mà Nga tổ chức cùng với Belarus, mô phỏng “một cuộc xung đột vũ trang với phương Tây”. Theo Litva, sẽ có khoảng 100.000 quân tham gia vào cuộc tập trận quy mô lớn nói trên. Trong khi đó, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Belarus Alexandre Fomine, thì tuyên bố cuộc tập trận nhằm đối phó với kịch bản gây bất ổn đến từ một “liên minh các nước phía Tây”.
Về phần mình, Nga bác bỏ các cáo buộc, và khẳng định đây chỉ là một cuộc tập trận “chống khủng bố”, mang tính tự vệ thuần túy, và không nhằm vào một đối tượng cụ thể nào. Và số lượng binh sĩ tham gia chỉ là 12.700 người.
Kể từ năm 2004, tức từ khi gia nhập khối NATO, ba nước Baltic – Litva, Estonia và Latvia – thường xuyên yêu cầu NATO hỗ trợ bảo vệ không phận, do sự hiện diện của không quân Nga ngay sát vùng trời quốc gia. Theo bộ Quốc Phòng Litva, hồi tuần trước, các phi công NATO đã bốn lần ngăn chặn máy bay Nga.
Để trấn an các nước Baltic trước đe dọa từ Nga, năm nay NATO triển khai thêm tại các nước này một tiểu đoàn đa quốc gia, với khoảng 1.000 binh sĩ. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
11.
Trump: ‘cải cách thuế là cách giúp người lao động’
Tổng thống Donald Trump sẽ quay sang đề tài cải cách thuế với những lập luận có tính cách dân túy đặc trưng của ông vào hôm 30/8 với một bài phát biểu mà các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ mô tả biện pháp cắt giảm thuế như một cách để giúp các công nhân và tầng lớp trung lưu trong một nền kinh tế "gian lận", bất lợi cho họ.
Các giới chức này yêu cầu không nêu tên trong một cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên.
Trong bối cảnh nghị trình về chính sách đối nội của ông đang dậm chân tại chỗ, trong nội bộ đảng Cộng hòa có đấu đá, và tỉ lệ ủng hộ ông ở mức rất thấp, chỉ tới 35%, Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên nói riêng về chính sách thuế, một vấn đề mà ông đã hứa hẹn trong nhiều tháng là sẽ có kết quả.
Nhắc lại một chủ đề khi vận động tranh cử năm 2016 trong chuyến thăm Springfield, bang Missouri, dự kiến ông Trump sẽ lập luận rằng nền kinh tế Mỹ đã bị uốn nắn méo mó một cách gian lận để có lợi cho một số ít người có đặc quyền, và ông thúc giục hãy bịt lại những kẽ hở dành cho thành phần giàu có và các nhóm lợi ích đặc biệt, để giúp cho phần đông người dân.
Các giới chức cho biết bài phát biểu sẽ nêu lên những lý do "vì sao" cần cải cách luật thuế vụ, chứ không phải là "làm thế nào" để cải cách luật này.
Ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, một phần là nhờ chiếm được sự ủng hộ của những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động cho một loạt các quan điểm về chính sách kinh doanh của ông, kể cả việc giảm thuế suất cho các doanh nghiệp Mỹ, từ 35% xuống còn 15%. - VOA
|
|
12.
Điện Kremlin: Có nhận thư về dự án xây cao ốc Trump, nhưng bỏ qua
Phát ngôn viên Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Tư xác nhận là hồi Tháng Giêng có nhận được điện thư từ một cố vấn của ông Donald Trump liên quan tới dự án xây cao ốc ở Mosccow, nhưng nói rằng ông không trả lời mà cũng không thảo luận với ông Putin.
Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho hay tờ báo Washington Post hồi tuần này cho biết ông Michael Cohen, một trong những cố vấn làm ăn thân cận nhất của ông Trump, gửi email cho ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, để nhờ giúp đỡ thúc đẩy một dự án xây cao ốc Trump Tower ở Moscow.
Ông Trump lúc đó đang tranh cử tổng thống Mỹ.
Ông Peskov, khi trả lời câu hỏi báo chí hôm Thứ Tư, nói có thấy thư đó trong nhiều điện thư nhận được mỗi ngày nhưng không trả lời vì yêu cầu này không nằm trong nhiệm vụ của ông là phát ngôn viên điện Kremlin.
Ông Peskov cho biết ông Cohen viết về “một công ty Nga và một số người” muốn xây cao ốc ở Moscow, và muốn có giúp đỡ để thúc đẩy tiến trình này.
Nhưng ông Peskov nói lời yêu cầu không liên quan đến nhiệm vụ của ông, bản tin Reuters cho hay.
Ông Peskov nói điện Kremlin sau đó không nhận được yêu cầu nào về vấn đề này và ông cũng không nói lại việc này với ông Putin. - nguoiviet
|
|
13.
Dân Mỹ chi tiêu nhiều, kinh tế tăng trưởng 3%
Kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ trong mùa Xuân vừa qua, tăng trưởng ở mức nhanh nhất trong vòng hai năm qua, nhờ vào sức chi tiêu của người dân Mỹ cho xe hơi và các món hàng khác.
Trị giá tổng sản lượng nội địa (GDP), một cách đo lường thông thường nhất về tình hình kinh tế, cho thấy có mức gia tăng 3% trong thời gian từ Tháng Tư cho tới Tháng Sáu, theo bản báo cáo của Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra hôm Thứ Tư. Đây là con số tốt đẹp nhất kể từ khi có mức tăng trưởng 3.2% trong quý 1 của năm 2015.
Con số này là sự điều chỉnh ước tính lúc đầy của chính phủ, đưa ra trước đây ở mức 2.6%. Mức phát triển của quý 1, từ Tháng Giêng cho tới Tháng Ba, chỉ 1.2%.
Paul Ashworth, trưởng kinh tế gia về thị trường Mỹ ở Capital Economics, nói rằng ông tin là sức tiêu thụ của người dân Mỹ sẽ cho mức phát triển còn mạnh hơn đối với quý 3 hiện nay, thời gian từ Tháng Bảy cho tới Tháng Chín.
Trong quý 2, chính phủ Mỹ ước tính là mức chi tiêu của người dân tăng ở mức 3.3%, con số cao nhất trong một năm và được điều chỉnh sau ước tính lúc đầu là 2.8%. Phần lớn sự tăng trưởng này là nhờ mức chi tiêu vào xe cộ, vốn là lãnh vực chính phủ lúc đầu ước tính sẽ sút giảm.
Mức đầu tư của giới doanh gia tăng lên tới 6.9%, phản ánh chi tiêu nhiều hơn vào xây cất cơ sở, máy móc và tài sản trí tuệ.
Chi tiêu của chính phủ, vốn tăng 0.7% theo ước tính lúc đầu, được điều chỉnh lại và cho thấy xuống còn 0.3%. Mức chi tiêu của các chính quyền cấp tiểu bang và địa phương nói chung giảm 1.7%.
Đây là lần ước tính thứ nhì trong ba lần ước tính mà chính phủ Mỹ sẽ công bố cho tăng trưởng của quý 2. Ngay cả với sự điều chỉnh cao hơn, sự kiện có sự yếu kém trong quý 1 cho thấy mức tăng trưởng trong sáu tháng qua chỉ đạt trung bình là 2.1%, mức độ khiêm nhường cho cuộc phục hồi kinh tế khởi sự từ giữa năm 2009 tới nay.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm ngoái, Tổng Thống Donald Trump tấn công các thành quả kinh tế của chính phủ Obama, hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi mức tăng trưởng GDP lên 4% hay cao hơn nữa.
Trong bản ngân sách đầu tiên gửi tới quốc hội hồi đầu năm nay, ông tiên đoán mức tăng trưởng thường niên sẽ lên tới 3% , một mục tiêu mà nhiều kinh tế gia tư nhân vẫn coi là quá lạc quan.
Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) ước tính mức phát triển trung bình cho cả thập niên tới đây là 1.9%.
Một số kinh tế gia cũng cho rằng mức phát triển của quý 3, dự trù là 3%, sẽ bị ảnh hưởng bởi bão Harvey và giảm 0.5%. Tuy nhiên, mức phát triển sẽ bùng trở lại khi việc tái thiết khởi sự và các nhà máy lọc dầu hoạt động bình thường, đưa giá nhiên liệu xuống. - nguoiviet
|
|
14.
California sẽ trưng cầu dân ý về việc sử dụng ‘nấm thần kỳ’
Một trong những dự luật có thể được đưa ra trưng cầu ý kiến cử tri California trong cuộc bầu cử năm 2018 là việc cho phép sử dụng loại nấm có tác dụng gây ảo giác, tương tự như cần sa (marijuana), theo nhật báo The Sacramento Bee.
“Psilocybin mushroom” hay “Psychedellic mushroom” thuộc một họ nấm đa nguyên, thường được gọi là “nấm thần kỳ” do tính chất được thảo của nó.
Theo một số nghiên cứu, nấm này có thể có lợi ích cho sự điều trị ung thư và những bệnh nhân suy nhược thần kinh mà dùng những loại thuốc khác không có hiệu quả.
Tuy nhiên, “psilocybin” có tác động kích thích và gây nghiện nên thuộc loại bị cấm.
Theo đề nghị của một dự luật mới, việc sử dụng, trồng trọt, chuyên chở, và tàng trữ “nấm thần kỳ” sẽ không còn bị coi là bất hợp pháp nữa.
Dự luật vừa được đệ trình văn phòng bộ trưởng thường vụ tiểu bang hôm 25 Tháng Tám và nếu thu thập đủ ít nhất 365,880 chữ ký thì sẽ được đưa vào lá phiếu trong kỳ bầu cử Tháng Mười Một, 2018.
Ông Kevin Saunders, cựu ứng cử viên thị trưởng Marina, thành phố duyên hải Bắc California, giữa Monterey và Santa Cruz, là người đề xuất dự luật.
Ông nói: “Cho phép dùng nấm ‘psilocybin’ là bước tiến tự nhiên sau khi cử tri California đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa năm 2016.” - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
15.
Liệu Việt Nam nên theo Mỹ rút khỏi TPP?
Mong muốn của Việt Nam thay đổi quy định về bảo hộ dược phẩm có thể nhận được sự ủng hộ của TPP-11, tức là các nước còn lại trong Hiệp ước Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ, nhưng các chuyên gia mới đây nhận định rằng Việt Nam có thể trở thành “mắt xích yếu nhất” trong triển vọng cứu vãn hiệp ước thương mại tự do này.
11 nước còn lại trong hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương, sau khi Mỹ rút lui, đang hy vọng sẽ đúc kết lại thỏa thuận mậu dịch đa quốc gia này. Một trong những thay đổi được cân nhắc tại vòng đàm phám 3 ngày kết thúc hôm thứ Tư 30/8 tại Sydney, theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (CEPR) ở Washington, là sẽ loại bỏ điều kiện đòi các nước TPP phải tăng cường bảo vệ bản quyền dược phẩm. Các quy định bảo hộ đó đẩy giá dược phẩm có bác sĩ kê toa lên rất cao. Bản quyền và các quy định bảo hộ có liên quan tương đương với mấy ngàn phần trăm thuế nhập khẩu đánh trên các mặt hàng được bảo hộ.
Nỗ lực thúc đẩy bãi bỏ hàng rào bảo hộ này hình như xuất phát từ Việt Nam. Nhưng nay công nghiệp dược phẩm Mỹ không còn hiện diện tại bàn đàm phán nữa, các nước còn lại trông có vẻ thuận theo xu hướng đó.
Việt Nam là một trong những nước theo trông đợi sẽ hưởng lợi kinh tế lớn nhất từ TPP nguyên thủy nhờ được được tiếp cận lớn hơn vào thị trường Hoa Kỳ.
Thế nhưng, ngay sau khi lên nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP như ông đã hứa hẹn trong lúc tranh cử -- một phần của nghị trình “nước Mỹ trên hết” của tân lãnh đạo Tòa Bạch Ốc.
Ông Matthew Goodman, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, một cựu quan chức trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, được hãng thông tấn AP trích lời nói rằng rằng hiệp ước TPP mới có những chỗ khó tháo gỡ.
Ông nói với các phóng viên báo chí tại Canberra hôm 29/8 rằng: "Đối với Việt Nam, họ nhất thiết phải thực hiện những cải cách khó khăn đối với các doanh nghiệp nhà nước và cải cách về lao động và các lãnh vực khác... để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Mỹ nhiều hơn, đặc biệt là ngành dệt may và giày dép."
"Nếu không có những điều khoản này,” chuyên gia Goodman nói, “người ta có thể hỏi tại sao Việt Nam cần phải tham gia TPP?"
Tin nói cũng có những thách thức trong việc giữ Malaysia tham gia TPP.
Ông Goodman nhận định tiếp rằng hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ và Việt Nam, hay TPP-10, sẽ là lựa chọn tốt thứ ba, nhưng còn hơn là để TPP tắt dần.
Ông Goodman tin rằng Hoa Kỳ khuyến khích Australia, Nhật Bản và New Zealand khôi phục hiệp ước thương mại đa quốc gia này, và "giữ chỗ" để Mỹ sẽ quay lại.
Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo của nước chủ trì cuộc đàm phán nói rằng nhìn chung các nước TPP-11 mong muốn đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 sắp tới tại Việt Nam. - VOA
|
|
16.
Phát biểu đầu tiên của Việt Nam về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình
Một đại diện của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, khi được hỏi về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình hôm 30/8, khẳng định quan điểm của Thủ tướng Việt Nam là “tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam”.
Đây là phát biểu chính thức đầu tiên của một đương chức chính phủ Việt Nam liên quan đến vụ kiện đang gây chấn động dư luận này.
Theo báo Dân Trí, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, một phóng viên đã đặt câu hỏi với ông Mai Tiến Dũng về vụ kiện của doanh nhân Hà Lan gốc Việt, Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ Việt Nam tại Tòa trọng tài Quốc tế tại Paris, Pháp, đòi bồi thường ít nhất 1,25 tỷ đôla vì đã chiếm đoạt tài sản và nhốt tù ông oan sai.
“Trong vụ này thì Tòa quốc tế đang xem xét, chúng ta cũng phải đợi thôi. Nhưng quan điểm của Thủ tướng là chúng ta tạo môi trường minh bạch, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài”, báo Dân Trí dẫn lời ông Mai Tiến Dũng.
Cuộc họp báo diễn ra 3 ngày sau khi phiên xử đầu tiên kết thúc tại Paris hôm 27/8.
Trước đó (18/8), VOA cũng nhận được trả lời tương tự từ Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà đối với gần 10 câu hỏi liên quan đến vụ kiện này rằng: “Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật”.
Đây là lần thứ hai ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế.
Hiện chưa có kết quả chính thức của vụ kiện này.
Theo thủ tục thông thường, Tòa án Quốc tế đôi khi phải mất đến vài tháng để nghị án và đưa ra phán quyết.
Ông Trịnh Vĩnh Bình là một doanh nhân thành công ở Hà Lan với biệt danh “Vua Chả Giò”. Đầu năm 1990, ông Bình mang gần 2,5 triệu đôla và 96 kg vàng về Việt Nam đầu tư theo chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam.
Sau những thành công nhanh chóng trong kinh doanh, năm 1996, ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”. Sau đó, ông Bình bị kết án 11 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ”, bị phạt 400 triệu đồng và bị tịch thu tất cả tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.
Trong lần kiện đầu tiên, ông Trịnh Vĩnh Bình và Chính phủ Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa ngay trước phiên xử dự kiến sẽ diễn ra ở Stockholm, Thụy Điển, vào tháng 12/2006.
Theo thỏa thuận này, phía Việt Nam đồng ý bồi thường cho ông Bình 15 triệu đôla, miễn án, tạo điều kiện cho ông Bình về Việt Nam tiếp tục kinh doanh và trả lại toàn bộ tài sản cho ông, với điều kiện ông Trịnh Vĩnh Bình phải yêu cầu dừng vụ kiện và không tiết lộ tin tức cho truyền thông.
Phía Việt Nam sau đó đã thực hiện việc bồi thường, miễn án và cho phép ông Bình ra vào Việt Nam dễ dàng, nhưng không hoàn trả bất cứ tài sản nào cho ông. Đây là lý do mà ông Bình khởi kiện Chính phủ Việt Nam lần thứ hai.
VOA sẽ cập nhật thông tin ngay khi có kết quả chính thức từ những người trực tiếp tham gia trong phiên xử kín của vụ kiện này. Mời quý vị theo dõi thêm trên Facebook và website: voatiengviet.com/trinhvinhbinh - VOA
|
|
17.
Giới bất đồng trên Facebook thử thách giới hạn của nhà nước VN
"Ở đây không giống như Trung Quốc", nhà hoạt động Việt Nam ‘Anh Chí’ nói tại một quán bar ồn ào trên một trong những con phố hẹp của khu phố cổ Hà Nội. "Họ không thể chặn Facebook ở đây."
Với 40.000 người theo dõi Facebook của ông, ‘Anh Chí’ là một trong những người chỉ trích nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng chắc chắn không phải là người có đông người theo dõi nhất tại nước cộng sản Việt Nam. Những nỗ lực của nhà nước nhằm trấn áp giới bất đồng chính kiến đã va vào sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội nước ngoài.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong tháng này kêu gọi phải kiểm soát internet nghiêm ngặt vì theo lời ông "các thế lực thù địch" không chỉ đe dọa đến an ninh mạng mà còn "phá hoại uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước".
Nhưng kiểm soát internet ở một quốc gia phát triển nhanh có dân số trẻ không hề dễ, đặc biệt là khi các công ty cung cấp dịch vụ lại có tầm cỡ toàn cầu. Trái lại, Trung Quốc chỉ cho phép các công ty internet trong nước hoạt động theo các quy định nghiêm ngặt.
Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu về số lượng người sử dụng Facebook. Theo kết quả nghiên cứu mà Reuters nhận được từ các tổ chức truyền thông xã hội We Are Social và Hootsuite, Việt Nam có hơn 52 triệu tài khoản đang hoạt động. YouTube thuộc Google và Twitter cũng rất phổ biến.
Giống như các nơi khác ở Đông Nam Á, truyền thông xã hội giúp sức cho kinh doanh và truyền thông cũng như những người chỉ trích chính phủ.
Một số nhà bất đồng chính kiến đăng bài trên truyền thông xã hội đã bị bắt trong một cuộc trấn áp lớn tiếp sau những thay đổi trong bộ máy đảng cầm quyền. Ít nhất 15 người đã bị bắt năm nay.
Các blogger nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là "Mẹ Nấm", và Trần Thị Nga đã bị kết án tù lần lượt là 10 và 9 năm. Những người chỉ trích chính phủ cũng kêu ca về việc bị những kẻ không rõ danh tính hành hung và và hăm dọa.
LƯỢNG NGƯỜI THEO DÕI LỚN
Nhưng hàng chục nhà hoạt động vẫn đăng những lời chỉ trích hàng ngày.
Một số nhà hoạt động có hơn 100.000 người theo dõi và ít nhất một người có trên 400.000 - gấp đôi so với trang Facebook của chính phủ và gần bằng 1/10 số đảng viên cộng sản trên cả nước.
"Chúng tôi sử dụng bất kỳ cơ hội nào có được để lên tiếng: về vấn đề môi trường, vấn đề lãnh thổ, vấn đề đất đai", ‘Anh Chí’ nói. Nhà hoạt động Việt Nam này tên thật là Nguyễn Chí Tuyến, 43 tuổi, ông còn là một nhà giáo, một dịch giả và nhà xuất bản.
Tháng 3 năm nay, Việt Nam đã cố gây áp lực với Facebook và Google để gỡ hàng ngàn nội dung bị cho là chống chính phủ bằng cách dựa vào các nhà quảng cáo, các bài viết tiếp tục được phổ biến, cho thấy thành công của chính phủ vẫn hạn chế.
Một lý do rất khó hành động mạnh hơn là vì kinh doanh: từ các hãng bia đến các hãng bảo hiểm cho đến các hãng sản xuất xe máy ở Việt Nam, truyền thông xã hội là một con đường tiếp thị quan trọng đến với người tiêu dùng trẻ và ngày càng giàu có hơn trong một nền kinh tế có đà tăng trưởng hơn 6%, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, điều này rất quan trọng: một cửa hàng hoa lụa mới ở Hà Nội nói với Reuters rằng 95% khách hàng biết đến cửa hàng qua Facebook hoặc Instagram.
Simon Kemp, người sáng lập công ty tư vấn tiếp thị Kepios, nói: "Chúng ta thấy các bạn trẻ đang mở doanh nghiệp trên những nền tảng này và đạt những thành công đáng kể”.
Jeff Paine, giám đốc điều hành của Liên minh Internet Châu Á, có các thành viên bao gồm Facebook, Google và Twitter, nói kiểm soát internet chặt chẽ hơn có thể chặn đường đổi mới và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam, cũng như khả năng cạnh tranh của nó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với Reuters rằng chính phủ ủng hộ internet, nhưng cố giảm thiểu "các hành vi gây hại cho người sử dụng và các hành vi bất hợp pháp như kích động bạo lực và lối sống đồi trụy".
BÀI HỌC TRUNG QUỐC
Trung Quốc đã chặn Facebook vào năm 2009 và chỉ cho phép các trang web trong nước như WeChat và Weibo hoạt động theo những luật cấm các nội dung khiêu dâm, bạo lực hoặc xúc phạm Đảng Cộng sản.
Facebook thỉnh thoảng bị chặn ở Việt Nam - đôi khi vào những thời điểm nhạy cảm - nhưng không bao giờ kéo dài.
Shawn Crispin, đại diện tại Đông Nam Á của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo, nói: "Chính quyền Việt Nam đã cố gắng trong nhiều năm và cho đến nay vẫn không ngăn được các nhà báo và blogger độc lập sử dụng internet. Đó là một trận đánh nghiêng về phần thua".
Điều đó không ngăn việc bắt bớ các nhà hoạt động.
Blogger Phạm Đoan Trang viết trên Facebook rằng một số nhà hoạt động dường như đã rút lui trong bối cảnh có những trấn áp, nhưng bà nói sẽ không nản chí.
Nhà hoạt động này nói với Reuters:
"Tự do có một quy tắc rất thú vị. Một khi người ta biết được giới hạn tự do, họ sẽ không bao giờ quay lại". - VOA
|
|
18.
Em chồng Bộ trưởng Tiến có ghế ở VN Pharma
Truyền thông Việt Nam đưa tin em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Hoàng Quốc Dũng, từng là phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư của công ty VN Pharma.
Ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma, người vừa bị tuyên án 12 năm tù vì tội 'Buôn lậu và Làm giả con dấu để nhập lậu hàng ngàn lô thuốc chữa ung thư giả' nói với báo Tuổi Trẻ rằng hình như không có ký quyết định bổ nhiệm ông Dũng, em chồng bà Tiến, vào vị trí này.
"Vì lâu quá rồi nên cũng không nhớ và cũng không nhớ lương trả bao nhiêu. Ông [Dũng] có vô ra làm việc nhưng lo về mấy việc xây dựng, nhưng do chưa có xây dựng gì hết nên người ta đâu có làm gì đâu, ngồi văn phòng vậy thôi".
Được biết ông Dũng vẫn còn làm việc vào thời điểm khi nhà chức trách tiến hành khởi tố và điều tra bê bối, nhưng sau đó đã nghỉ việc.
Hôm 28/08/2017, báo VietnamNet của Bộ Thông tin Truyền thông, có bài phỏng vấn Bộ trưởng Tiến để làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm sau khi bà Tiến trước đó ngày 24/08 mô tả các thông tin trên mạng về việc em chồng và con trai bà làm cho VN Pharma là "bịa đặt và vu khống".
"Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào đến khi vụ việc nhập thuốc có nhiều nghi vấn được Cục Quản lý dược báo cáo và Bộ đã chủ động đề nghị với cơ quan có thẩm quyền ở Bộ Công an làm rõ.
"Còn thông tin tôi được tặng căn biệt thự liền kề phía sau nhà tôi là dựng chuyện vu khống cho tôi và gia đình tôi.
"Căn nhà ở đường Nguyễn Văn Hưởng gia đình tôi mua đất đã 20 năm trước và cất nhà ở gần 10 năm nay rồi. Thông tin tôi được bị cáo Hùng tặng biệt thự trị giá 60 tỉ đồng là rất hoang đường, vớ vẩn, bịa đặt.
"Thông tin này trên mạng cũng đã dựng chuyện vu khống tôi trước đây rồi, giờ nhân vụ xét xử họ lại tiếp tục loan truyền để gây mất niềm tin, có ác ý… Thật là tôi không hiểu vì sao người ta có thể bịa đặt như vậy mãi như thế được," bà Tiến nói với VietnamNet.
'Không nói khác với nói không'
Trong khi đó một thứ trưởng Bộ Y tế nói việc Bộ trưởng Tiến không nói [em chồng làm cho VN Pharma] và nói "không có" là hai việc mà ông gọi là "hoàn toàn khác nhau".
"Theo quy định, cán bộ làm ở vị trí này thì không được là vợ, chồng, con, hoặc bố mẹ còn luật không nói đến là anh/em chồng. Ban cán sự Đảng có hỏi không thì tôi xin trả lời là cá nhân tôi chưa bao giờ hỏi Bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng không báo cáo việc này tại các cuộc họp ở Bộ," Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói tại buổi họp báo Chính phủ hôm 30/8/2017.
Bình luận được đưa ra sau một thời gian cư dân mạng bàn tán về khả năng có 'xung đột lợi ích' trong vụ án VN Pharma, với cáo buộc người nhà Bộ trưởng Y tế Việt Nam làm trong công ty này,
Cây bút Huy Đức viết trên Facebook cá nhân: ''Báo chí, Thanh tra và Ủy ban điều tra độc lập cũng nên điều tra làm rõ: Nếu VN Pharma đưa ông Dũng vào làm PGĐ ở đây chỉ để "thu hút hỏa lực dư luận" thì cũng nên minh oan cho bà Tiến; Nếu trong thời gian làm việc ở đây, ông Dũng có "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn"(bà Tiến) thì cũng cần, vừa xem xét trách nhiệm của bà Tiến, vừa truy cứu trách nhiệm hình sự ông Dũng."
Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân: "Vụ thuốc ung thư giả gần đây cùng nhiều sự việc khác trước đó khiến dư luận càng lên án bà Bộ trưởng Y tế Kim Tiến và đòi bà từ chức. Điều này không sai, vì chúng ta đều giả định (và mơ mộng) rằng chức vụ công quyền đó do người dân giao phó thông qua bầu cử tự do...Tuy nhiên, bà Kim Tiến sẽ không từ chức...." - BBC
|
|
19.
Tài sản ông Quý: ‘Thanh tra đang làm, sẽ công bố’
Hạn công bố kết luận thanh tra khối tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã quá một tháng nhưng hiện còn "đang trong quá trình hoàn thiện để kết luận và công bố," theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Ông Phạm Sỹ Quý sinh năm 1971, là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và được chị mình ký quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Yên Bái vào tháng 9/2016, khi bà đang là Chủ tịch UBND tỉnh.
Truyền thông trong nước cho biết bản kê khai tài sản năm 2016 của ông Phạm Sỹ Quý nói ông đang sở hữu một ngôi nhà 600 m2 tại thành phố Yên Bái, một căn hộ tại khu chung cư Mandarin Garden, Cầu Giấy, Hà Nội, rộng 130 m2, một mảnh đất 1.000 m2 trị giá 500 triệu đồng, một trang trại 2 ha trị giá 1 tỷ đồng đã có giấy chủ quyền và một xe hơi Camry.
Ông Quý từng nói để có được khối tài sản được xây trên diện tích đất 13.000 m2 tại Yên Bái, ông đã phải vay ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng và vay của bạn bè, người dân, số còn lại là do ông tích góp từ thời trẻ, thu nhập từ những hoạt động như buôn chổi đót, lá chít.
Ông kê khai tổng thu nhập trong năm 2016 tăng 1 tỉ đồng là "thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối tháng Bảy nói ông rất 'trăn trở' vì cán bộ 'sống phô trương' và 'gây phản cảm'.
Hôm 17/7/2017, tờ Thanh Niên online dẫn lời lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại một hội nghị ở tỉnh miền núi Sơn La, nói:
"Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta".
Ngày 17/7, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho hay một đoàn thanh tra của Cục đã hoàn tất 15 ngày thanh tra trực tiếp ở tỉnh Yên Bái về khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cũng như về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình ông và nói "khoảng đầu tháng Tám sẽ công bố rộng rãi cho dư luận".
"Trách nhiệm của thanh tra là sẽ xác minh và có kết luận cụ thể. Việc vay ngân hàng phải có cơ sở, giấy tờ đầy đủ chứ không thể giải trình bừa được".
Được biết trước đó, Thanh tra tỉnh Yên Bái cũng đã tiến hành thanh tra tài sản của ông Quý, tuy nhiên, do ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Tra nên Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc. BBC
|
|
20.
Trung Quốc tập trận sát Việt Nam: Hù dọa trên bộ để áp lực trên biển?
Trong hơn một tháng gần đây, báo giới quốc tế đã bình luận rất nhiều về căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, với sự kiện Bắc Kinh dọa tấn công các cơ sở Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội không đình chỉ việc cho khoan dò tìm trong khu vực lô 136-06 gần bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Việt Nam đã tuyên bố có toàn quyền trong vùng biển của mình, nhưng trong thực tế thì một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol được giao phó việc thăm dò đã cho tàu khoan của mình rút ra khỏi vùng khai thác và trở lại Malaysia hôm 14/08/2017. Đối với giới quan sát, dù Việt Nam không chính thức nói gì về vụ này, nhưng đã phải lùi bước trước sức ép quá mạnh của Trung Quốc, và nhất là khi Bắc Kinh đe dọa dùng võ lực.
Khả năng Bắc Kinh dùng võ lực đối với Việt Nam mới đây đã được trang blog Pháp East Pendulum chuyên về Trung Quốc, gợi lên trong một bài phân tích về một tháng tập trận rầm rộ của Trung Quốc trong tháng 8 gần biên giới trên bộ với Việt Nam. Bài viết đăng ngày 22/08/2017 mang tựa đề : « Sắp tròn một tháng tập trận đổ bộ ngay trước cửa ngõ Việt Nam - Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam ».
Bài viết của tác giả Henri Kenhmann trước hết phân tích về thời gian và địa điểm của cuộc tập trận do lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc tiến hành: Đó là từ đầu tháng 8, ở khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, với một loạt bài tập đổ bộ, bắn đạn thật.
Phân tích các thông báo từ phía giới chức hữu trách Trung Quốc, quy định thời hạn mà một số khu vực trên biển được dành riêng cho quân đội nước này, cấm mọi tàu thuyền không phận sự qua lại, tác giả bài viết cho rằng cuộc tập trận đổ bộ này có dấu hiệu là đã bắt đầu vào ngày 01/08 và có lẽ kéo dài ít ra là cho đến ngày thứ Tư 23/08 vừa qua, tức là hai hôm sau khi bài báo được công bố.
Huy động lực lượng rầm rộ, thị uy sát bờ Việt Nam
Về địa điểm, người ta có thể ghi nhận là các vùng tập trận di chuyển từ từ về phía Tây, nghĩa là về hướng Việt Nam. Thoạt đầu là ở khu vực đảo Tà Dương ở chếch về phía đông, gần bán đảo Lôi Châu, sau đó chuyển qua phía tây, vượt quá đảo Vi Châu, đến khu vực gần thành phố Bắc Hải ở Quảng Tây, rồi đi xa hơn nữa về vùng biển ngoài khơi Phòng Thành Cảng, một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, trước khi ngược đường trở lại khu vực phía đông.
Cho dù Quân Đội Trung Quốc không muốn tiết lộ vị trí chính xác của các cuộc tập trận,nhưng theo tính toán của East Pendulum, vùng diễn tập của Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 cây số!
Theo hình ảnh và tài liệu công bố chính thức của Quân Đội Trung Quốc, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của họ đã triển khai những đơn vị phòng không, trọng pháo và xe thiết giáp, như loại súng cối PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05, và cả loại chiến xa lội nước của bộ binh ZBD-05.
Theo bình luận trong một bài phóng sự trên đài truyền hình CCTV-7, thì đó là một “chiến dịch tập luyện đổ bộ” xoay quanh khoảng 30 đề mục khác nhau, trong đó có việc phá hủy tàu ngầm đối phương, tấn công đổ bộ, tấn công những mục tiêu trên biển và đất liền.v...v…
Theo East Pendulum, ngoài lực lượng Thủy Quân Lục Chiến và các đơn vị cơ giới bọc thép của họ, Hải Quân và Lục Quân Trung Quốc có dấu hiệu cũng tham gia thao diễn, nhưng cho dù thông tin này cần xác minh thêm.
Tác giả bài viết giải thích: Những hình ảnh đăng hôm 21/08 cho thấy một lữ đoàn không quân của Lục Quân Trung Quốc, thuộc Bộ Tư Lệnh Miền Đông, được đưa đến một chiếc tàu chở phương tiện đổ bộ trong một chiến dịch hổn hợp.
Một cách cụ thể, người ta thấy loại trực thăng chiến đấu Z-10, xuất hiện bên cạnh chiếc 998 Côn Lôn Sơn (Kunlun Shan), chiếc tàu đổ bộ cực lớn đầu tiên của lớp 071, trực thuộc Hạm Đội Nam Hải.
Đối với tác giả bài viết trên trang blog Pháp, cho đến giờ này, người ta không biết là đó quả đúng là một chiến dịch tập huấn bình thường như phóng sự trên đài truyền hình Trung Quốc cho thấy, hay là đó là loạt tập trận có liên hệ đến việc Việt Nam thăm dò dầu khí ở trên Biển Đông với sự hợp tác của các tập đoàn nước ngoài.
Trung Quốc : Quan ngại ở đâu thì tập trận Hải Quân ở đó
Trong những tuần lễ gần đây, Trung Quốc đã liên tục tổ chức những cuộc tập trận quy mô tại khu vực Hoàng Hải. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của báo giới. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post có bài phân tích ngày 18/08/2017 mang tựa đề “Trung Quốc đang lo ngại điều gì? Đáp án nằm ở nơi Trung Quốc tập trận hải quân - What’s China worried about? Clue lies in where it’s holding navy drills”, tờ báo này đã cho rằng nỗi lo của Trung Quốc được thấy rõ qua việc chuyển trọng tâm chú ý từ Biển Đông lên Hoàng Hải.
Trung Quốc đã chuyển hướng thao diễn Hải Quân từ vùng Biển Đông ở phía nam, lên vùng biển Hoàng Hải ở phía đông bắc, trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân Bắc Triều Tiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự.
“Căng thẳng ở Biển Đông đã giảm do quan hệ Trung Quốc Philippines đã cải thiện” như nhận định của Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), một bình luận gia về quân sự ở Thượng Hải. Theo chuyên gia này, dù có thắng ở Tòa Trọng Tài La Haye vào năm ngoái trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng giờ đây Manila quan tâm hơn đến hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.
Đầu tuần trước, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano thông báo là Trung Quốc đảm bảo với Philippines sẽ không chiếm thêm vùng biển đảo mới nào nữa ở Biển Đông, theo một thỏa thuận giữ ‘nguyên trạng’mà Manila đã chuẩn bị.
Tuy nhiên, theo lời ông Nghê Nhạc Hùng, “khu vực đông bắc đang gặp nguy hiểm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng [đối với Bắc Triều Tiên] súng ống của quân đội Mỹ giờ đã “lên nòng”.
“Nếu Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên, Trung Quốc sẽ khó xử, vì cả hai quốc gia [Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ] đã ký Hiệp Định Hữu Nghị, Hợp Tác và Hỗ Tương năm 1961, qua đó Bắc Kinh cam kết trợ giúp Bình Nhưỡng trong trường hợp bị tấn công.”
Vào đầu tháng này Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành 4 ngày thao diễn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên ở biển Bột Hải và Hoàng Hải, huy động tàu chiến, tàu ngầm, cũng như Thủy Quân Lục Chiến của 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải, cũng như lực lượng bộ binh thuộc Quân Khu Phương Bắc. Đây là cuộc tập trân bắn đạn thật lớn nhất được tiến hành trong khu vực này, theo truyền thông Trung Quốc, với hàng chục loại hỏa tiễn được phóng đi.
Một tuần trước đó,khi tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Giải Phóng Quân Trung Quốc, Hải Quân Trung Quốc cũng đã thực hiện 3 ngày tập trận ở Hoàng Hải. Cuộc thao diễn được tiến hành ở phía tây bán đảo Triều Tiên, ở vùng biển nằm giữa Thanh Đảo và Sơn Đông và Liên Vân Cảng, ở tỉnh Cam Túc ở phía đông.
Chuyên gia về Hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh, cho rằng việc chuyển trọng tâm thao diễn từ Biển Đông lên Hoàng Hải là câu trả lời của Trung Quốc trước loạt tập trận chung tiến hành từ năm 2013 giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Lý Kiệt: “Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thấy sức mạnh hải quân của mình và cảnh báo đối thủ là đừng gây hấn với Bắc Triều Tiên với nhiều đợt tập trận như vậy và không được phá vỡ hiệp định đình chiến của cuộc chiến tranh Triều Tiên’’. Bắc Kinh cũng muốn nhắc nhở Hoa Kỳ là ‘‘không nên tổ chức tập trận quá gần Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên.’’
Tần số tập trận Mỹ, Nhật, Hàn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên gia tăng theo nhịp độ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên và từ khi ông Moon Jae In lên nắm quyền vào tháng 5.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc còn cho biết là họ vẫn tiếp tục các cuộc tập trận ở quy mô lớn, trên biển; trên bộ và trên không vào hạ tuần tháng này.
Bắc Kinh dĩ nhiên không thể để yên cho tiến hành những hành động quân sự kiểu này mà không phản ứng. - RFI
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9