Sunday, May 31, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 31/5

Tin Thế Giới

1.
Đô đốc TQ: Các dự án ở Biển Đông là hợp lý, hợp pháp và chính đáng --- Nghị sĩ McCain: Mỹ cần cung cấp thêm vũ khí cho Việt Nam

Trung Quốc cực lực bác bỏ chỉ trích của Mỹ về những hoạt động xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Singapore hôm Chủ nhật rằng các công trình xây dựng là "hợp lý, hợp lệ và chính đáng," và mục đích của những dự án đó là để cung cấp "các nghĩa vụ quốc tế."

Đô đốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, khẳng định "không có thay đổi trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông," và nói thêm rằng "cũng không có thay đổi trong lập trường của Trung Quốc về cách giải quyết hòa bình đối với những tranh chấp có liên quan thông qua đàm phán và tham khảo."

Đô đốc Tôn đã bị hỏi dồn dập từ các cử tọa hoài nghi, trong đó có các giới chức quân sự, các nhà ngoại giao, các học giả và các ký giả. Nhưng giới chức quân sự cấp cao của Trung Quốc này chỉ tập trung vào văn bản đã soạn sẵn mà không đưa ra thêm giải thích nào.

Phát biểu của Đô đốc Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc là "bước ra ngoài" các chuẩn mực quốc tế với việc tăng nhanh chưa từng thấy các hoạt động xây đảo nhân tạo. Ông Carter nói rằng "không rõ Trung Quốc sẽ tiến xa thêm bao nhiêu nữa."

Liên quan đến Biển Đông, trước chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, dự trù vào ngày mai, 01/06/2015, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đầy thế lực tại Thượng viện Hoa Kỳ vào hôm qua, 30/05 đã công khai lên tiếng hậu thuẫn cho việc cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Việt Nam, để giúp Hà Nội tự vệ nếu xẩy ra xung đột với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Phát biểu nhân một cuộc họp báo tại Singapore, bên lề Diễn đàn An ninh Châu Á Shangri La, người hiện là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ xác định rằng ông muốn thấy Washington giảm nhẹ hơn nữa lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội. Theo ông, Việt Nam cần được Mỹ cung cấp thêm vũ khí phòng thủ, có thể được sử dụng trong trường hợp một cuộc xung đột với Trung Quốc.

Ông John McCain đã tuyên bố như trên trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng hẳn lên do việc Trung Quốc bị cho là đang âm mưu thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo đá mà họ đang bồi đắp và mở rộng tại vùng quần đảo Trường Sa.

Một dấu hiệu cụ thể là phi cơ do thám Mỹ tuần tra trong khu vực vừa phát hiện hai khẩu pháo cơ động mà Trung Quốc chuyển đến một hòn đảo đang cải tạo, với tầm bắn bao trùm lên đảo lân cận dưới quyền kiểm soát của Việt Nam.

Tuyên bố của ông McCain cũng được xem là một cú hích, nhằm hỗ trợ cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam vào ngày mai. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, xin giấu tên, ông Ashton Carter sẽ thảo luận với phía Việt Nam về việc cung cấp vũ khí phòng thủ biển đã được bật đèn xanh từ năm ngoái, sau khi Mỹ chính thức tuyên bố nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Sau khi thông tin về vụ phi cơ Mỹ phát hiện vũ khí Trung Quốc trên một hòn đảo đang bồi đắp được tung ra, vào hôm qua, phía Việt Nam đã xem đấy là một diễn biến đáng quan ngại.

Trả lời phỏng vấn vào hôm qua của hãng tin Anh Reuters tại Singapore, nơi ông dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri La, Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã không che giấu lo ngại. Theo ông nếu quả thực là như vậy, thì "đó là một dấu hiệu rất xấu cho một tình huống vốn đã rất phức tạp ở Biển Đông".

Về phía Bắc Kinh, khi bị chất vấn về hình ảnh của vũ khí trên đảo trong tay Trung Quốc ở Trường Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vào hôm qua đã từ chối bình luận, khẳng định rằng bà "không có thông tin về sự vụ được nêu lên" - VOA, RFI
|
|

2.
EU nổi giận về lệnh cấm đi lại của Nga

Liên hiệp Âu châu phản ứng giận dữ về việc Nga ban lệnh cấm nhập cảnh đối với 89 chính trị gia, quan chức và quan chức quân sự của châu Âu.

Trong số những người bị cấm được cho là có cả tổng thư ký Hội đồng EU, Uwe Corsepius, và cựu Phó thủ tướng Anh, Nick Clegg.

Nga đã chia sẻ danh sách này sau khi các nhà ngoại giao đã có một số lần đưa ra yêu cầu, EU nói.

EU gọi lệnh cấm là "hoàn toàn tùy tiện và không thỏa đáng", và nói đã không hề có lời giải thích nào được đưa ra về quyết định đó.

Nhiều người trong danh sách bị cấm là những người chỉ trích mạnh mẽ Điện Kremlin, và một số người đã bị Nga từ chối trong những tháng gần đây.

EU nói tổ chức này đã lặp đi lặp lại yêu cầu cung cấp danh sách những người bị cấm, nhưng đã không nhận được gì cho tới tận bây giờ.

"Danh sách gồm 89 người nay được giới chức Nga chia sẻ. Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào khác về cơ sở pháp lý, về việc phân nhóm và quá trình đưa ra quyết định này," một phát ngôn nhân của EU nói hôm thứ Bảy.

"Chúng tôi coi biện pháp này là hoàn toàn tùy tiện và không thỏa đáng, đặc biệt là khi không có những diễn giải chi tiết và sự minh bạch trong việc lập danh sách," ông nói thêm.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga không xác nhận danh tính những người bị cấm nhưng nói lệnh cấm là kết quả của các lệnh trừng phạt mà EU áp dụng đối với Nga.

"Tại sao chính xác những người đó có tên trong danh sách... là chuyện đơn giản - đó là câu trả lời cho chiến dịch trừng phạt Nga mà một số nước thành viên của Liên hiệp Âu châu áp dụng," quan chức giấu tên này nói với hãng tin Nga Tass.

Quan chức này nói Moscow trước đó đã khuyến cáo mọi quan chức ngoại giao từ các nước áp lệnh trừng phạt lên Nga cần kiểm tra với cơ quan lãnh sự Nga trước khi đi để được biết mình có bị cấm hay không.

Lệnh trừng phạt của EU được áp dụng sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào thành của Nga hồi tháng Ba 2014 và đã được gia hạn giữa lúc giao tranh giữa binh lính chính phủ và các thành phần đòi ly khai thân Nga vẫn tiếp diễn ở vùng Đông Ukraine.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm thứ Sáu nói với các phóng viên rằng danh sách đã được chia sẻ với các quan chức ngoại giao EU và có ba chính trị gia Hà Lan nằm trong danh sách này. Ông nói Hà Lan sẽ không tuân thủ lệnh cấm bởi lệnh này "không dựa trên luật pháp quốc tế".

Các quan chức tình báo và quân sự Anh, trong đó có Giám đốc MI5 Tướng Andrew Parker, cựu Giám đốc MI6 Sir John Sawers và Tổng tham mưu trưởng quốc phòng Tướng Sir Nicholas Houghton được cho là cũng có tên trong danh sách.

Cũng góp mặt trong danh sách là triết gia người Pháp Bernard-Henri Levy, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt và cựu quan chức phụ trách lĩnh vực mở rộng EU Stefan Fule.

Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom nói nước bà đã đòi Nga phải giải thích.

Có tám người Thụy Điển trong danh sách, trong đó có Dân biểu EU người Thụy Điển Anna Maria Corazza Bildt.

"Tôi tự hào chứ không sợ hãi và điều này càng làm tôi quyết tâm theo đuổi... Nếu Kremlin cứng rắn với tôi và các đồng nghiệp thì điều đó có nghĩa là chúng tôi đang làm tốt công việc của minh," bà Bildt nói với hãng tin AFP.

Cựu ngoại trưởng Czech, Karel Schwarzenberg, cũng nói ông hài lòng thấy mình có tên trong danh sách.

"Khi tôi thấy tên mình (trong danh sách), tôi thấy mình có mặt trong một câu lạc bộ rất chỉn chu. Tôi coi đây như một phần thưởng," ông được hãng tin CTK dẫn lời.

Các nước khác có quan chức bị liệt kê trong danh sách được biết gồm Ba Lan, Latvia, Lithuania, Estonia, Đan Mạch, Phần Lan, Romania, Bulgaria và Tây Ban Nha. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Mỹ kết thúc chuyến công du nước ngoài sau vụ ngã xe đạp và phải nhập viện

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry bị gãy chân trong một tai nạn xe đạp ở ngoại ô Geneva, Thụy Sĩ, và không tiếp tục chuyến công du đến 4 nước của ông nữa.

Ông Kerry được máy bay trực thăng chở đến một bệnh viện ở Geneva sau khi bị tai nạn.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ông Kerry vẫn tỉnh táo và trong tình trạng ổn định. Nhân viên cấp cứu và bác sĩ có mặt tại hiện trường trong nhóm tùy tùng của ông Kerry khi xảy ra tai nạn.

Ông Kerry bị gãy xương đùi, và sẽ được điều trị tiếp tại Boston. Một người phát ngôn nói rằng ông sẽ được bác sĩ trước đây đã phẫu thuật hông cho ông điều trị.

Ngoại trưởng Kerry đã ở Thụy Sĩ để họp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif về thỏa thuận hạt nhân cần phải hoàn thiện trước thời hạn chót là ngày 30 tháng 6. 

Các cuộc đàm phán không tiếp tục trong ngày Chủ nhật như kế hoạch ban đầu sau khi Iran bác bỏ yêu cầu của phương Tây đòi giám sát địa điểm hạt nhân.

Theo kế hoạch trước đó, ông Kerry sẽ đến Tây Ban Nha, trước khi sang Pháp để bàn về cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.

Hiện chưa rõ ông Kerry sẽ ở bệnh viện bao lâu, và khi nào ông sẽ tiếp tục chuyến công du bốn nước và bằng phương tiện nào. - VOA
|
|

4.
Washington Post: Cảnh sát Mỹ bắn chết trung bình 2 người mỗi ngày

Một nhật báo lớn của Hoa Kỳ nói rằng cảnh sát Mỹ gây thiệt mạng trung bình hơn 2 người mỗi ngày trong năm 2015.

Nhật báo Washington Post cho biết 385 người đã thiệt mạng trên cả nước do cảnh sát gây ra trong 5 tháng đầu của năm 2015.

Báo này nói, với "tốc độ" đó, đến cuối năm nay cảnh sát sẽ nổ súng làm thiệt mạng gần 1.000 người.

Tờ Washington Post tìm hiểu số liệu về những vụ gây thiệt mạng này vào lúc đang diễn ra tranh cãi căng thẳng về việc các lực lượng thực thi luật pháp sử dụng vũ lực gây chết người. 

Báo này cho biết tổng cộng những vụ cảnh sát nổ súng gây chết người cao gấp đôi tỉ lệ nổ súng mà chính phủ liên bang thống kê được trong thập niên qua. 

Các cơ quan cảnh sát không bị yêu cầu phải báo cáo những vụ nổ súng gây chết người cho chính phủ liên bang. - VOA
|
|

5.
Beau Biden, con trai phó Tổng thống Mỹ qua đời vì ung thư não

Con trai của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua đời vì ung thư não.

Ông Beau Biden, 46 tuổi, cựu chưởng lý bang Delaware ở miền đông bắc Hoa Kỳ vừa qua đời hôm thứ Bảy sau mấy năm bị ung thư não. Người con cả của Phó Tổng thống Biden đã từng phục vụ trong quân đội Mỹ làm nhiệm vụ tại Iraq một năm.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong một thông cáo rằng ông và gia đình "rất đau buồn loan báo việc ra đi của Beau sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư não với cùng một sự chính trực, quả cảm và hùng mạnh mà Beau đã chứng tỏ hàng ngày trong đời."

Trong tháng này, ông Beau Biden đã được chữa trị căn bệnh tại Quân Y viện Walter Reed ở ngoại ô thủ đô Washington.

Phó Tổng thống Biden nói: "Cả gia đình đau buồn khôn xiết. Chúng tôi biết rằng tinh thần của Beau sẽ ở mãi với tất cả chúng tôi, nhất là với người vợ quả cảm của Beau là Hallie, và hai đứa con tuyệt vời là Natalie và Hunter."

Ông Biden nói về người con trai cả của ông rằng "Hơn là những thành tựu trong sự nghiệp, Beau được trân trọng là một người chồng, người cha, người con và người anh trai. Danh dự của Beau làm cho Beau là một tấm gương trong gia đình. Beau là hiện thân của lời dạy của cha tôi rằng một người cha biết được nhà có phúc khi con hơn cha."

Tổng thống Barack Obama nói " Michelle và tôi thật đau buồn tối nay. Chúng tôi nguyện cầu Thượng đế nhân lành đón nhận Beau và bảo vệ và ban bình an cho gia đình của Beau trên thế gian này."

Tổng thống Obama nói "Beau là một người tốt, nhân hậu, một tín đồ Công giáo thuần thành, và một người rất chân thật. Beau để lại một ấn tượng tốt với tất cả mọi người mà anh tiếp xúc, và họ sẽ nhớ mãi về anh." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam có 40.000 người chết hàng năm vì thuốc lá

Ngày 31/05 hàng năm được chọn làm Ngày Quốc tế không hút thuốc lá. Nhân dịp này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, cho tới năm 2020, thuốc lá là nguyên nhân chính gây tử vong và tình trạng bất lực, với hơn 10 triệu nạn nhân hàng năm. Hơn nữa, thuốc lá gây nên nhiều ca tử vong hơn cả bệnh Sida, ung thư, tử vong ở thai phụ, tai nạn xe hơi, tự vẫn...

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc là là nguyên nhân dẫn tới 6 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó có hơn 600.000 người không hút thuốc, song do sống chung hoặc tiếp xúc thường xuyên với người hút thuốc. Nếu không có hành động gì, thì từ nay tới năm 2030, con số tử vong sẽ lên tới hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó, hơn 80% trường hợp tử vong có thể xảy ra tại các nước có thu nhập thấp hay trung bình.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm Việt nam có khoảng 40.000 ca tử vong, trung bình 100 người chết mỗi ngày, vì hút thuốc. Nếu không có các biện pháp can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan tới thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.

Vẫn theo điều tra của tổ chức trên, vào năm 2010, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc. Rất may là tỷ lệ nữ hút thuốc còn thấp, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.

Theo báo điện tử Le Courrier du Việt Nam, ông Jeffery Kobza, quyền trưởng đại diện văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới, nhận định, Việt Nam sẽ phải chịu gánh nặng về kinh tế và sức khỏe do các vấn đề liên quan tới thuốc lá với chi phí điều trị các bệnh liên quan được thẩm định lên tới hơn 1 tỉ đô la mỗi năm.

Liên quan tới tình trạng này tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã ra quyết định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng như nhà hàng, văn phòng làm việc, phương tiện giao thông công cộng, khu vực xung quanh trường học hay bệnh viện. 

Quy định này có hiệu lực từ ngày mai, 01/06/2015. Những người vi phạm sẽ bị phạt tới 200 nhân dân tệ (khoảng 29 euro). Trong trường hợp tái phạm tới lần thứ ba, tên của người vi phạm sẽ bị nêu lên trong vòng một tháng trên một webside của chính phủ. Các doanh nghiệp không áp dụng quy định mới trên có thể sẽ bị phạt tới 10.000 nhân dân tệ (1.455 euro).

Tại Liên Hiệp Châu Âu, theo một cuộc điều tra của Eurobaromètre được công bố 29/05 vừa qua, năm 2014, tỷ lệ người hút thuốc đã giảm nhẹ trong khối này, nhưng vẫn chiếm tới 26% dân số. Trái lại, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng lên.

Pháp vẫn là nước có tỷ lệ người hút thuốc cao hơn so với mức trung bình của Liên Hiệp. Năm 2012, con số này là 32%, thì dù đã giảm xuống vào năm 2014, vẫn có 28% người Pháp hút thuốc. Hy Lạp có số lượng người hút thuốc cao nhất, chiếm 38% dân số, tiếp theo là Bulgary, chiếm 35%. Hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan có số lượng người hút thuốc ít nhất trong Liên Hiệp, chiếm lần lượt là 11% và 19% dân số. - RFI


Saturday, May 30, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 30/5

Tin Thế Giới

1.
Shangri-La: Mỹ-Nhật lên án Trung Quốc làm tổn hại an ninh Châu Á-TBD --- Mỹ lên án hoạt động xây đảo nhân tạo của TQ --- Tướng TQ nói VN, TQ có thể giải quyết ổn thỏa tranh chấp Biển Đông

Tại diễn đàn "Đối thoại Sangri-La" được tổ chức hàng năm ở Singapore, Trung Quốc bị hai nước Mỹ và Nhật Bản gọi đích danh là thủ phạm đe dọa an ninh khu vực qua các hành vi xây dựng, lấn chiếm ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đưa thêm tàu chiến và máy bay vào vùng tranh chấp và yêu cầu Bắc Kinh ngưng "tức khắc" các công trình củng cố đảo nhân tạo.

Trong cuộc hội thảo tại Singapore quy tụ các lãnh đạo quốc phòng thế giới, trong đó có Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố "Trung Quốc không tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế" khi xây dựng các đảo nhân tạo, phi trường, trại lính trong quần đảo Trường Sa. "Chỉ trong vòng 18 tháng, Trung Quốc đã xây thêm 800 hecta nhiều hơn tổng cộng diện tích bồi đấp của tất cả các nước khác có tranh chấp và nhiều hơn cả suốt chiều dài lịch sử của khu vực".

Nhìn nhận là các nước khác từ Việt Nam, Philippines, Malaysia cho đến Đài Loan đều có hành động xây dựng tiền đồn nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định "chỉ có Trung Quốc là nước xây dựng nhiều nhất và trong thời gian ngắn nhất". Sau khi đặt câu hỏi "Ai biết được Trung Quốc muốn đi về đâu?" Bộ trưởng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh "tất cả các bên phải tìm một giải pháp ôn hòa và ngưng ngay hành động xây dựng" tại Trường Sa.

Trong bối cảnh này Hoa Kỳ sẽ làm gì? Bộ trưởng Ashton Carter cảnh cáo Trung Quốc "đừng coi thường vì tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông, bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, như quân lực Mỹ đang làm ở khắp nơi trên thế giới".

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakataki cũng tố cáo hành động Trung Quốc lấn chiếm tại Biển Đông có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn. Lãnh đạo quốc phòng Nhật kêu gọi các bên, nhất là Trung Quốc, phải có tinh thần trách nhiệm. Bộ trưởng Gen Nakataki e rằng nếu không có biện pháp đối phó với tình trạng mà ông gọi là vô luật pháp thì "trật tự sẽ biến thành rối loạn và hòa bình ổn định sẽ sụp đổ".

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói rằng hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông “hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế” và Hoa Kỳ chống đối “bất kỳ mưu toan nào nhằm quân sự hoá” những phần đất có tranh chấp.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo an ninh cấp cao ở Singapore ngày hôm nay, Bộ trưởng Carter nói rằng Hoa Kỳ rất đỗi quan tâm về qui mô của hoạt động xây đảo của Trung Quốc và về việc các đảo nhân tạo này có thể bị quân sự hoá thêm nữa.

Ông nói với các giới chức quân sự của các nước Á châu Thái Bình Dương tham dự diễn đàn an ninh có tên Đối thoại Shangri-La rằng tuy các nước khác có yêu sách chủ quyền trong khu vực đã thiết lập tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc đã đi xa hơn và nhanh hơn bất kỳ nước khác và đã lấp biển để có được 800 héc ta đất chỉ trong vòng 18 tháng.

Ông cũng nói rõ là Hoa Kỳ không công nhận bất kỳ mưu toan nào của Trung Quốc nhằm thiết lập khu vực hải phận quốc gia 22 kilomét xung quanh các hòn đảo, đảo san hô và bãi cạn hiện đang trong vòng tranh chấp.

Ngoài ra, ông Carter cũng loan báo một chương trình mới trị giá 425 triệu đô la để giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng của hải quân và lực lượng tuần duyên.

Một thành viên của phái đoàn quân đội Trung Quốc tham dự hội nghị, Thượng tá Triệu Hiểu Trác của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, nói rằng những phát biểu của người đứng đầu Ngũ Giác Đài là “vô căn cứ và không có tính chất xây dựng.”

Trung Quốc nhất mực cho rằng họ có chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải vô cùng quan trọng của thương mại thế giới.

Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông.

Tại cuộc họp báo sau bài diễn thuyết của Bộ trưởng Carter, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói “Chúng tôi tin rằng những gì mà Bộ trưởng Carter phát biểu hôm nay là rất quan trọng. Giờ đây chúng tôi muốn thấy nó được chuyển thành hành động.”

Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết một tướng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ Sáu nói rằng Trung Quốc và Việt Nam xử lý ổn thỏa vấn đề Biển Đông thông qua các nỗ lực chung.

Cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc dẫn lời Phó Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc nói rằng, "Trung Quốc sẵn sàng chung tay với Việt Nam tiếp thêm động lực cho quan hệ giữa quân đội hai nước."

Trong cuộc gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh bên lề cuộc Đối thoại Shangri-La, ông Tôn cho biết hai nước đã mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của mình kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 65 năm.

Ông Tôn hy vọng phía Việt Nam cần hiểu rõ hơn động cơ của những nước ngoài khu vực đang tìm cách can thiệp vào vấn đề Biển Đông, và tin rằng thông qua những nỗ lực chung, hai nước láng giềng có thể giải quyết ổn thỏa tranh chấp Biển Đông.

Về phần mình, ông Vịnh nói rằng quân đội Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động trao đổi về kiểm soát biên giới và sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực đối thoại chiến lược, đào tạo nhân lực và những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Việt Nam sẵn sàng để trao đổi quan điểm với Trung Quốc trên tinh thần đồng chí về vấn đề Biển Đông, giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán và cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định khu vực, Tân Hoa Xã cho biết. - VOA
|
|

2.
Sepp Blatter tái đắc cử chủ tịch FIFA

Ông Sepp Blatter đã được bầu lại làm chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) giữa lúc xảy ra bê bối vì các vụ bắt giữ và cáo buộc tham nhũng.

Đối thủ, Hoàng thân Ali bin al-Hussein của Jordan, đã có đủ phiếu để buộc phải có vòng hai, nhưng sau đó rút tên.

Trong diễn văn thắng cử, ông Blatter nói: “Nay tôi là chủ tịch của tất cả."

Ông Blatter không từ chức dù có nhiều lời kêu gọi và cả một cuộc vận động đòi ông rời FIFA.

Ông còn lên tiếng nói "minh bạch là hết sức cần thiết cho FIFA" trong khi nhiều báo chí châu Âu đặt câu hỏi vì sao là chủ tịch FIFA, ông không hề chịu trách nhiệm cho các vụ nghi vấn tham nhũng, bán quyền thể thao... trong 20 năm qua.

Cho đến nay, 14 quan chức FIFA bị cho là liên quan đến các vụ nhận hối lộ, trong đó 7 người đã bị cảnh sát tại Thụy Sĩ bắt theo yêu cầu của Hoa Kỳ.

Ông Blatter bị một số người, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron và người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA, Michel Platini, kêu g̣ọi từ chức.

Dù vậy, cũng có những ý kiến nói ông Blatter luôn khôn khéo chăm lo cho lá phiếu từ các xứ sở nhỏ bé và các nước Á Phi vốn giúp ông duy trì vị trí tối cao ở FIFA.

Trong vòng bỏ phiếu, nguyên tắc bình đẳng của FIFA quy định lá phiếu của Macau, vốn chỉ là vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc, cũng ngang bằng lá phiếu của các cường quốc bóng đá như Đức, Tây Ban Nha, Pháp. - BBC
|
|

3.
Sarkozy đổi tên đảng

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đổi tên đảng của ông, từ Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) thành Những người Cộng hòa.

Các thành viên đảng đối lập đã bỏ phiếu thông qua hôm thứ Sáu, với 83% ủng hộ.

Việc đổi tên đảng đã gây tranh cãi tại Pháp, vì những người chỉ trích nói mọi người Pháp đều là người Cộng hòa.

Dự kiến ông Sarkozy sẽ lại ra tranh cử tổng thống năm 2016.

Theo một thăm dò dư luận, gần 70% người dân nói không đảng nào có quyền dùng chữ Cộng hòa.

Những người cánh tả đã kiện ra tòa, cho rằng sau Cách mạng Pháp, mọi công dân Pháp đều là người Cộng hòa.

Nhưng tòa đã bác đơn của họ. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ xem xét tới việc dẫn độ người bị Trung Quốc truy nã về tội kinh tế

Giới hữu trách Hoa Kỳ đang xem xét tới việc trục xuất một trong những nghi can tội phạm kinh tế bị Trung Quốc truy nã gắt gao nhất.

Bà Dương Tú Châu đang bị câu lưu và đối mặt với những cáo trạng vi phạm luật lệ về thị thực nhập cảnh.

Trung Quốc muốn bà này được dẫn độ về nước để ra toà về tội đánh cắp hơn 40 triệu đô la công quỹ.

Theo tường thuật của tờ Wall Street Journal, phát ngôn viên Sở Di trú và Hải quan Mỹ Luis M. Martinez cho biết bà Dương “đang bị câu lưu trong khi chờ được trả về Trung Quốc vì vi phạm các qui định của Chương trình Miễn Thị thực.”

Bà Dương, từng giữ chức Phó Thị trưởng Thành phố Ôn Châu, đã sang Mỹ năm 2003. Bà nằm trong số hàng ngàn cựu quan chức bị Trung Quốc tố cáo đánh cắp hơn 48 tỉ đô la trước khi bỏ trốn ra nước ngoài trong 30 năm nay.

Nếu Mỹ dẫn độ bà Dương, việc đó sẽ mang lại sự hữu hiệu cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước để bắt giữ các nghi can tội phạm kinh tế. Tin về vụ này được loan tải chưa đầy hai tháng sau một thoả thuận về vấn đề dẫn độ giữa Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ Jeh Johnson và Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn.

Sau cuộc họp ngày 9 tháng Tư, Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho biết đôi bên thừa nhận “không nước nào nên được dùng làm nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ trốn tránh pháp luật” và mỗi nước sẽ thực hiện việc trục xuất những cá nhân đó trong khuôn khổ của luật pháp quốc nội.

Các chính phủ Tây phương không muốn ký hiệp ước dẫn dộ với Trung Quốc vì những mối quan tâm về tính chất minh bạch và sự tuân hành các thủ tục pháp lý của hệ thống tư pháp Trung Quốc cũng như sự đối xử của họ với tù nhân. Nhưng điều đó dẫn tới chỗ các quan chức tham ô bỏ trốn sang các nước đó sau khi biển thủ công quỹ.

Giới hữu trách Bắc Kinh đạt ít thành quả trong việc thuyết phục các nước như Mỹ, Canada, Australia và Anh Quốc dẫn độ các giới chức đối mặt với sự truy tố hình sự ở Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng trong số khoảng 4.000 cựu quan chức bỏ trốn ra nước ngoài trong 30 năm qua, chỉ có 155 người đã về nước.

Vụ án chống lại bà Dương Tú Châu cho đến giờ này chỉ giới hạn vào những tố cáo cho rằng bà vi phạm Các qui định của Chương trình Miễn Thị thực. Chính phủ Trung Quốc nói bà Dương bị bắt ở Mỹ năm ngoái khi dùng một hộ chiếu Hà Lan giả để nhập cảnh. Giới hữu trách Hoa Kỳ chưa cho biết bà Dương bị bắt trong hoàn cảnh nào. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trương Duy Nhất: “Hãy lên tiếng!”

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất sau hai năm ngồi trong trại giam với bản án vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự vừa được trả tự do đã có những chia sẻ với Mặc Lâm về những trải nghiệm anh đã qua cũng như những gì mà anh tiếp tục làm trong tương lai mời quý vị theo dõi.

Ấn tượng về Anh Điếu Cày

Mặc Lâm: Mọi người đều biết anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã có thời gian bị giam chung với anh, anh có thể nói chút ít về ấn tượng của anh đối với anh Hải cùng những kỷ niệm gì mà hai anh có với nhau trước khi anh Hải sang Mỹ được không ạ?

Trương Duy Nhất: Ấn tượng của tôi nhất về Điếu Cày thì đó là một con người bản lĩnh kiên cường, khó tìm một người nào có ý chí và bản lĩnh như anh Điếu Cày, khó lắm. Bởi vì tôi và anh Hải Điếu Cày ở hai phòng sát nhau, hai phòng có bức tường cao khoảng 3 hay 4 mét gì đó, họ cách ly hai phòng lại. Ban ngày khi mở cửa, tôi bị đau lưng trèo không được thì anh Hải ảnh trèo lên tường ngồi tâm sự với tôi. Anh em nói chuyện với nhau, tôi ngồi bên này còn ảnh ngồi bên đó. Ấn tượng ban đầu khi mới vào nhìn thấy anh tôi thương lắm. Người ốm khô ốm quắt da bụng nó như dính vào lưng, sợ thật. Trong đó chỉ có anh với tôi là hai người cương quyết nhất, mạnh bạo nhất đấu tranh với trại giam. Anh Hải là một người về mặt ý chí, bản lĩnh thì tôi cho rằng khó tìm ra một người như thế.

Mặc Lâm: Việc anh Hải bị mang ra thẳng phi trường để sang Hoa Kỳ có làm anh bất ngờ không? Sau khi anh Hải ra đi và một mình ở lại anh có cảm giác thế nào?

Trương Duy Nhất: Bất ngờ thì không bất ngờ lắm bởi vì việc anh Hải Điếu Cày ra trại sớm và đi Mỹ thì đã có thông tin trước đó mấy tháng kia, khi có một đoàn cán bộ an ninh vào làm việc. Anh Hải ảnh ra gặp ai, làm việc thế nào thì anh ấy đều kể hết cho tôi cũng như tôi ra thăm nuôi, làm việc với quản giáo thế nào thì tôi cũng kể hết cho anh Hải.

Cán bộ của Bộ Công an họ vào họ gặp anh Hải, họ gọi ra bảo bên Bộ Ngoại giao Mỹ có quan tâm đến vấn đề của anh và muốn anh định cư và sinh sống ở Mỹ, họ tác động để trả tự do cho anh. Anh Hải khi vào ảnh có trao đổi việc đó với tôi và hai anh em cũng bàn bạc thống nhất với nhiều ý cho nên đã chuẩn bị trước. Khi đi anh Hải cũng để lại tặng tôi rất nhiều vật dụng chăn màn quần áo, ngay cả cái bát ăn cơm, cái thìa uống cà phê anh Hải cũng để cho tôi. Hai anh em chuẩn bị trước đó cả hơn hai tháng rồi nên cũng không bất ngờ lắm, thứ nhất là mừng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” mà.

Bởi vì chúng tôi ở hai phòng sát bên cho nên mỗi lần có những điều không nói được, vì không phải ai trong cái khu đó mình cũng có thể tâm sự được, nên khi anh Hải ảnh trèo lên tường thì tôi viết sẵn lời tâm sự để chia tay với anh ấy. Tôi đưa tờ giấy mà bây giờ thì anh cũng biết rồi đó, tôi nghĩ sau khi đọc xong thì anh ấy hủy nó đi, hóa ra khi tôi ra tù mới bữa hôm qua tôi mới biết là ổng đem tờ giấy đó qua tới bên Mỹ luôn. Tôi bảo là dù sao đi nữa “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” anh ra thì em mừng.

Mừng khi nghĩ lại khi anh đi rồi thì ngày nào cũng thế tôi gọi: “Này! lên đài!” lên đài tức là leo lên tường ngồi nói chuyện với tôi. Tôi nhớ mãi cái hình ảnh anh mặc quần đùi đưa xương sườn ngồi nói chuyện suốt với tôi. Anh Hải có tặng tôi một số bài thơ và một số giấy tờ ảnh ghi tặng cho tôi mà cuối cùng khi ra trại họ cũng thu hết. Không biết tại sao cái bài thơ của Điếu Cày mà họ cũng lấy?

Kêu gọi mọi người hãy lên tiếng

Mặc Lâm: Sau ba ngày tự do và có điều kiện để xem lại những thông tin mà anh không biết sau hai năm dài, sự kiện nào làm anh chú ý và suy nghĩ nhiều nhất?

Trương Duy Nhất: Cái tôi suy nghĩ nhiều nhất là sau hai năm tôi ở trong tù tôi ra thì tôi thấy xu hướng lên tiếng, như tôi kêu gọi là mọi người hãy lên tiếng mà! Một người lên tiếng như Trương Duy Nhất có thể nó cũng chưa là gì cả nhưng 10 người lên tiếng thì khác, 100 người lên tiếng, hàng nghìn người lên tiếng thì nó sẽ tạo những cơn dư chấn lớn hơn. Tôi thấy cái thay đổi rõ nhất mà cái này là chuyện đáng mừng đó là sự lên tiếng đặc biệt của tầng lớp trí thức, những người cầm bút, nó lan tỏa rộng hơn và thậm chí nó hình thành những phong trào mà tôi cho là nó tác động tạo những xoay chuyển sẽ là những xoay chuyển lớn.

Như anh Nguyên Ngọc thành lập hội văn bút độc lập, lại thêm cái hội nhà báo độc lập công khai, rồi tôi cũng bất ngờ, hơn hai mươi nhà văn xin ra khỏi Hội nhà văn Việt Nam để viết văn cho nó tốt hơn, cho nó văn hơn! Câu chuyện đó cũng làm tôi hơi bất ngờ mà đó là bất ngờ thích thú.

Mặc Lâm: Anh từng nhiều lần khẳng định rằng việc làm của mình có mục đích khiến cho chế độ tốt hơn chứ không phải là đạp đổ nó. Với kinh nghiệm đau đớn sau hai năm trong nhà giam anh có thay đổi lập trường đó hay không? 

Trương Duy Nhất: Lập trường này nó vẫn như thế anh à, nó vẫn như thế mà tôi cũng sẽ làm như thế. Quan điểm của tôi, tôi đã nói hết trước phiên tòa rồi cũng như trong lời cảm ơn của tôi, cũng như trong cái bài phỏng vấn của RFA ngay sau khi tôi ra tù tôi cũng nói chuyện đó rồi. Cách làm của tôi cũng như quan điểm của tôi nó vẫn thế và tôi sẽ làm mãi như thế. Còn làm thế nào cho nó hiệu quả hơn thì phải tính. Tôi tin rằng bây giờ làm thì nó sẽ thuận lợi hơn. Sau hai năm tôi ra tù bây giờ tôi lên tiếng thì tôi thấy có nhiều người, nhiều cánh tay họ giơ lên cùng tôi hơn, nhiều người đứng bên tôi hơn. Cái đó là nguồn cổ vũ nó tác động cho mình mạnh mẽ hơn để có thể làm mình rút ra cái điều mình làm. Họ bắt nhốt mình hai năm tù mà nghĩ là lung lạc được ý chí của những người cầm bút như tôi là điều sai lầm. Ngược lại, đó là sự nung nấu ý chí, nung nấu ngòi bút của tôi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.

Trương Duy Nhất: Vâng cũng qua anh xin chân thành cảm ơn quý đài cũng như tất cả bạn đọc đã quan tâm đến tôi và câu chuyện của tôi trong suốt hai năm qua và tôi hy vọng sẽ còn tiếp tục vẫn còn quan tâm và ủng hộ sự lên tiếng của tôi trong thời gian tới. - RFA
|
|

6.
TNS McCain đề nghị Mỹ cấp ngân khoản cho các nước châu Á đối phó với TQ --- Trung Quốc rút pháo khỏi đảo nhân tạo ở Trường Sa

Thượng nghị sĩ John McCain, một chính khách hàng đầu trong chính giới Mỹ, đề nghị Mỹ nên cung cấp hàng trăm triệu đôla để giúp huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang của các nước Đông Nam Á đối mặt với những thách thức lãnh thổ xuất phát từ Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đưa ra đề xuất này trong một sửa đổi đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ 2016, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay, mang tên Kế hoạch Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông).

Sửa đổi này cho phép cấp tới 425 triệu đôla trong khoảng thời gian năm năm cho những nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam với "thiết bị, vật phẩm, hoạt động huấn luyện và xây dựng quân sự quy mô nhỏ."

Sửa đổi này, được Ủy ban Quân vụ thông qua vào ngày 14 tháng 5 với tỉ lệ 22-4, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng. Sửa đổi này vẫn cần được cả Thượng viện và Hạ viện chuẩn thuận, và lưỡng viện sẽ bỏ phiếu về dự luật tổng thể vào cuối năm nay.

Vào ngày thứ Sáu, Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa những giàn trọng pháo di động lên một hòn đảo được bồi đáp ở Biển Đông, một động thái mà ông McCain gọi là "đáng lo ngại và leo thang tình hình."

Ông McCain, người từng bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam và bị giam cầm năm năm rưỡi, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Thành phố Hồ Chí Minh rằng Mỹ cần thiết "đưa ra những biện pháp nhất định có tác dụng ngăn cản Trung Quốc tiếp tục những hoạt động này."

Theo AFP, hôm qua 29/05/2015, nhiều quan chức quân sự Mỹ khẳng định Trung Quốc gần đây đã triển khai hai khẩu pháo trên các đảo nhân tạo do họ bồi đắp trong Biển Đông, nhưng sau đó đã cho rút các vũ khí trên.

Các quan chức Mỹ cho AFP biết cụ thể hai khẩu pháo tự động đã được phát hiện cách đây khoảng một tháng, nhưng dường như sau đó đã được rút đi. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Steven Warren nói: "Chúng tôi khẳng định đã xác định có vũ khí" được triển khai trên một hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa. Ông nhắc lại "Chúng tôi phản đối hành động quân sự hóa các đảo đó".

Các quan chức quốc phòng Mỹ nhận định các loại pháo của Trung Quốc không gây đe dọa an ninh trực tiếp. Nhưng việc triển khai gây lo ngại là Trung Quốc sử dụng các đảo bồi đắp nhân tạo vào mục đích quân sự. Thời gian gân đây, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước trong vùng đã nhiều lần tỏ bất bình trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động cải tạo, bồi đắp các đảo đang có tranh chấp trong vùng Biển Đông.

Bắc Kinh vẫn luôn khẳng định các công việc bồi đắp cải tạo đảo là thuộc phạm vi chủ quyền của họ và các công trình xây dựng chỉ mang tính chất dân sự. Các chuyên gia phân tích nhận định mục tiêu của các công trình cải tạo đảo trên quy mô lớn của Trung Quốc trước tiên là để khẳng định chủ quyền đối với các đảo đang tranh chấp, đồng thời biến các đảo mà họ chiếm giữ thành các căn cứ quân sự tiền tiêu giúp Bắc Kinh kiểm soát vùng Biển Đông. - VOA, RFI


Friday, May 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 29/5

Tin Thế Giới

1.
Shangri-La: Quan chức quốc phòng nhóm họp trong lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông --- Sẽ có khẩu chiến --- Lý Hiển Long: Mỹ-Trung 'nên cạnh tranh trong hòa bình'

Các quan chức quốc phòng cấp cao của 26 nước hôm nay tụ tập ở Singapore trong lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Cuộc họp an ninh hàng năm có tên Đối thoại Shangri-La diễn ra vài ngày sau khi bạch thư quốc phòng có tính chất hung hãn của Trung Quốc được công bố và gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ người đứng đầu Ngũ giác đài.

Hội nghị an ninh thường niên ở Singapore khai mạc ngày hôm nay 29/5 và kéo dài cho tới ngày chủ nhật 31/5.

Cuộc họp thường được gọi là Đối thoại Shangri-La được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có bản doanh ở London. Ông Tim Huxley, một nhà nghiên cứu của IISS, nói với đài VOA rằng hội nghị này cho phép các nước thảo luận về vấn đề “làm thế nào để những mối căng thẳng ở Biển Đông có thể được xử lý một cách tốt hơn và làm thế nào để ngăn không cho căng thẳng leo thang.”

Cuộc họp diễn ra trong lúc các nhà phân tích cho biết bạch thư quốc phòng mà Trung Quốc công bố hôm thứ ba vừa qua là một sự cảnh báo mạnh mẽ đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Á châu và Hoa Kỳ về việc quân đội Mỹ “không ngừng ra sức quấy rối” ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các cơ sở quân sự qui mô lớn tại những bãi cạn mà họ chiếm đóng ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Trong bài diễn văn đọc tại Trân Châu Cảng ở Hawaii một ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hô hào cho “một sự chấm dứt ngay tức khắc và duy trì lâu dài sự chấm dứt" của những hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp và nói rằng quân đội Mỹ “sẽ thỏa mãn” những yêu cầu mỗi lúc một tăng đòi Washington tích cực hoạt động tại khu vực Á châu Thái Bình Dương vì những hành động trên biển của Trung Quốc.

Quyền lợi quốc gia

Trong lúc đáp máy bay tới Singapore, Bộ trưởng Carter cho báo chí biết rằng tuy Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền trong khu vực, “Hoa Kỳ và tất cả các nước khác trong vùng có quyền lợi và quan tâm đối với vấn đề này vì nó liên hệ tới quyền tự do hàng hải, các quyền tự do ở biển cả, quyền không bị cưỡng ép, tuân theo những tiến trình hoà bình và hợp pháp.”

Tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris, mô tả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “vô lý” khi ông phát biểu tại buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy ở Hawaii hôm thứ tư. Vị đô đốc này tuyên bố các lực lượng của Mỹ, nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng để “chiến đấu ngay tối hôm nay để bảo vệ các quyền lợi của Mỹ trong vùng Á châu Ấn Độ dương Thái Bình Dương rộng lớn.”

Theo dự liệu, Bộ trưởng Carter và Đô đốc Harris sẽ trình bày chi tiết hơn về các lập trường này khi họ phát biểu tại hội nghị ở Singapore.

Người cầm đầu phái đoàn 18 người của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La là Thượng tướng Hải quân Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội. Theo lịch trình, vị tướng 4 sao này sẽ phát biểu tại hội nghị vào ngày chủ nhật và nhiều người dự kiến ông sẽ khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự là có tính chất hoà bình, phù hợp với những điều mà Bắc Kinh đã nói trong những năm trước tại hội nghị thường niên này.

Trong khi đó, những người khác ở Trung Quốc đưa ra những phát biểu có tính chất hung hăng hơn.

Hôm thứ hai, một bài bình luận của tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nói rằng “Nếu chủ trương của Mỹ là Trung Quốc phải ngưng những hoạt động xây dựng này, thì một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi” ở vùng biển mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải.

Hôm nay, một bài tường thuật của tờ Wall Street Journal cho biết Hoa Kỳ phát giác các loại vũ khí của Trung Quốc trên một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa. Bài báo nói rằng tuy không tạo ra một mối đe dọa cho tàu thuyền và máy bay của Mỹ trong khu vực, những khẩu đại pháo đó có thể bắn tới một hòn đảo của Việt Nam. Các giới chức Mỹ cho biết Hà Nội đã bố trí các loại vũ khí trên hòn đảo đó.

Theo cảnh báo của một chuyên gia hàng đầu về vấn đề Biển Đông, sẽ có khẩu chiến gay gắt giữa các nước với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại Shangri-La.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, nói với VOA Việt ngữ ông tin rằng diễn đàn an ninh khu vực lần này sẽ trở thành một khẩu đài quyết liệt xoay quanh các hành động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển huyết mạch này, một trận khẩu chiến không khoan nhượng giữa Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực, có hay không có tranh chấp ở Biển Đông. 

“Tôi dự kiến sẽ có những tràng pháo hoa khẩu ngữ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Australia. Họ sẽ gặp nhau trước và sẽ đồng ca cùng một bản nhạc.”

Giáo sư Thayer cảnh báo:

“Trung Quốc sẽ trở thành trọng tâm tại Đối thoại Shangri-La. Phái đoàn quan chức Trung Quốc sẽ phản pháo sau mỗi phần phát biểu của các nước, yêu cầu các nước lắng nghe quan điểm của mình, đưa ra những tố cáo ngược lại, tìm cách đảo ngược tình thế rằng Hoa Kỳ mới chính là thủ phạm khiêu khích bất ổn, là nguyên nhân của mọi vấn đề, và rằng Trung Quốc chỉ có khẳng định chủ quyền mà thôi. Sẽ nảy ra cuộc chiến thông tin tại Đối thoại Shangri-La lần này. Tại diễn đàn an ninh năm ngoái mà tôi cũng có tham gia, phái đoàn Trung Quốc cho rằng lần đó họ bị ‘mai phục’.”

Thượng đỉnh an ninh Châu Á-Thái Bình Dương 2015 lôi cuốn sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế kể cả từ Châu Âu, với các Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tây Ban Nha, và Đức đều xác nhận sẽ tham gia.

Năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên cử một tướng bốn sao sang tham dự Đối thoại Shangri-La. Tin cho hay đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, dẫn đầu đoàn đại biểu 29 thành viên của Bắc Kinh.

Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đưa quan chức cấp cao hơn so với giới chức dẫn đầu phái đoàn năm ngoái là một chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh hiểu rõ tranh cãi Biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm hàng đầu trong hội nghị lần này và cũng là tín hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã phòng bị sẵn sàng đối đầu với các chỉ trích từ quốc tế liên quan tới các sách lược gây hấn ở Biển Đông.

Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, tối nay sẽ đọc bài diễn văn quan trọng khai mạc 3 ngày thượng đỉnh an ninh do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS chủ trì, với thông điệp chủ yếu kêu gọi các nước đối thoại nhiều hơn để xoa dịu căng thẳng khu vực. Tuy nhiên, các nỗ lực trước đây tại Đối thoại Shangri-La không mang lại mấy kết quả.

Wall Street Journal dẫn lời giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho hay chủ đề chính của các buổi họp khoáng đại sẽ tập trung vào chiến lược an ninh của các cường quốc chính, việc kiểm soát không để căng thẳng leo thang, giải pháp giải quyết mâu thuẫn tích cực hơn, các hình thức hợp tác an ninh mới, xây dựng các liện hệ an ninh với các khu vực khác.

Tiến sĩ Huxley cho biết thêm lần đầu tiên tại đối thoại an ninh Shangri-La, sẽ có một buổi họp đặc biệt tập trung chủ yếu về các quan ngại an ninh của các nước nhỏ.

Wall Street Journal dẫn các nguồn tin ngoại giao cho hay trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, tại Shangri-La năm nay sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ đảm bảo các thủy lộ được rộng mở và quyền tự do hàng hải được duy trì ở Biển Đông.

Dự kiến trong bài phát biểu sáng mai tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Carter sẽ tái xác định lập trường cứng rắn của Mỹ phản đối bất kỳ hoạt động bành trướng chủ quyền nào thêm nữa của Bắc Kinh tại đây.

Trước đó, ông Carter đã khẳng định với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ bất chấp các âm mưu hạn chế quyền tự do hàng hải từ Bắc Kinh tại các khu vực bao quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới xây, sẽ tiếp tục hoạt động, cho máy bay-tàu bè đi ngang qua các khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép.

Phát biểu trước thềm Shangri-La, ông Carter nói Mỹ phản đối các hành động quân sự hóa những địa điểm tranh chấp và yêu cầu các nước ngưng xây cất, thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Theo tường thuật của Wall Street Journal, ông Carter cũng đã chỉ thị cấp dưới lên các kế hoạch điều tàu và máy bay tới gần các đảo nhân tạo của Bắc Kinh để thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Mỹ chớ có phát ngôn hay hành động khiêu khích.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh nói quy mô và tốc độ các công trình xây dựng Bắc Kinh đang tiến hành tương xứng với nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong tư cách một nước lớn.

Bà Hoa nhấn mạnh chính nhân dân Trung Quốc mới có quyền quyết định cần phải làm gì. 

Trong tháng này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel thông báo với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng trong vòng 1 năm rưỡi qua, Trung Quốc đã tạo ra nhiều đảo nhân tạo nổi lên mặt đất bằng các công trình khai hoang trên và xung quanh những khu vực trước kia từng là các bãi nhỏ trên hay dưới mặt nước.

Ông Russel cho biết ba trong số các bãi đất này lớn hơn hòn đảo tự nhiên rộng nhất trong quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động bồi đất lấp biển tại Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. 

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 28/5 đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ‘chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng’ tại Hoàng Sa-Trường Sa, ‘không có thêm hành động gây phức tạp tình hình.’

Trong phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Thủ tướng Singapore kêu gọi các nước giảm căng thẳng trên Biển Đông, 

Ông Lý Hiển Long nói Mỹ và Trung Quốc cần giữ quan hệ tốt.

“Không nước nào muốn chọn phe giữa Mỹ hay Trung Quốc.”

Sau nhiều tuần cãi vã, Washington và Bắc Kinh một lần nữa căng thẳng hôm thứ Sáu.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Brent Colburn, cùng tới Singapore với Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, nói việc xây đắp của Trung Quốc trên Biển Đông tạo nên “không khí bất trắc”.

Còn Tân Hoa Xã của Trung Quốc nói một số người tham dự Đối thoại Shangri-la “muốn độc quyền việc phát biểu”.

Giữa bầu không khí này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu: “Các tranh chấp biển…có thể và cần được kiểm soát.”

Ông nói Thái Bình Dương “đủ lớn” cho hai cường quốc nhưng không nên được chia thành hai vùng ảnh hưởng.

“Có không gian tại châu Á-Thái Bình Dương cho hai đại cường tham dự và cạnh tranh trong hòa bình, giải quyết vấn đề trong xây dựng,” ông Lý nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đều sẽ phát biểu tại hội nghị.

Hôm thứ Sáu, Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã tiếp xúc với người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đô đốc Trung Quốc nói khi gặp phía Việt Nam: “Chúng tôi tin rằng thông qua hợp tác, hai bên sẽ có thể giải quyết tranh chấp Nam Hải.” - VOA, BBC
|
|

2.
Đại hội bầu chủ tịch FIFA diễn ra trong náo loạn --- FIFA, tổ chức mafia

Phiên họp quan trọng để bầu chủ tịch định chế quản lý bóng đá thế giới FIFA hôm nay 29/05/2015, tại Zurich đã diễn ra trong lúc cơn bão bê bối tham nhũng vừa nổi lên chưa ngớt, thì liên tiếp hai sự cố đã diễn ra trong phòng họp khiến đại hội phải tạm ngừng.

Phiên họp buổi sáng sắp kết thúc, cảnh sát Thụy Sĩ nhận được báo động có bom cài trong khu phòng đại hội của FIFA, khiến các đại biểu phải sơ tán gấp và phiên họp bị gián đoạn. Cảnh sát đã có mặt lục soát phòng họp, nhưng không tìm thấy gì. Đầu giờ chiều, giờ địa phương, đại hội đã họp trở lại.

Đe dọa đánh bom được gọi qua điện thoại đến một cơ quan báo chí tại Zurich sáng nay. Cảnh sát Thụy Sĩ cho biết đang mở điều tra về vụ đe dọa đánh bom này.

Đây là sự cố thứ hai trong phiên họp cuối cùng hôm nay. Trước đó hai người biểu tình mang cờ Palestine kêu gọi khai trừ Israel ra khỏi tổ chức, đã gây náo loạn phòng họp. Lực lượng giữ gìn trật tự đã phải mất khá nhiều thời gian để giải tỏa hai người biểu tình xâm nhập đại hội này.

Dự kiến 16 giờ chiều này đại hội mới có thể bước vào bầu cử, mà kết quả hầu như đã có thể đoán trước là đương kim chủ tịch Sepp Blatter sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ 5.

Vụ sáu quan chức cao cấp của FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) bị bắt hôm qua do bị tình nghi tham nhũng, hai ngày trước cuộc bầu cử Chủ tịch khóa mới của tổ chức thể thao hùng mạnh, thu hút nhiều chú ý của báo chí Pháp. Libération chạy hàng tít lớn trên trang nhất: "FIFA Nostra" (tạm dịch là "FIFA Mafia"). Báo La Croix có bài xã luận trang nhất với tựa đề "Bóng đá: Phải chăng một thời đại đang chấm dứt?". Nhật báo thể thao l’Equipe thì chua chát: "các ống cống của FIFA xả ra tràn trề đến mức mà chỉ bịt mũi thì không đủ để ngăn được những thứ mùi ghê tởm xả ra từ cỗ máy điều hành nền bóng đá thế giới".

Hồ sơ chính "Pieds propres, mains sales" (có nghĩa là Chân sạch, tay bẩn) của Libération nhận xét với nỗi ngạc nhiên: "FIFA đã mất uy tín từ lâu, tuy nhiên tổ chức này vẫn được nhiều thế lực chính trị dung thứ.… Nhân cách của Sepp Blatter, 79 tuổi – chủ tịch mãn nhiệm của FIFA – đáng nhẽ đã phải khiến cho các nhà chính trị dân cử giận dữ: ông ta là lãnh đạo của một định chế ngập chìm trong tham nhũng, trọng nam khinh nữ, kỳ thị người đồng tính, phủ nhận nạn phân biệt chủng tộc trong thể thao và nạn nô lệ lao động tại Qatar". Dù vậy, Libération báo trước sẽ khó có gì cản được Chủ tịch mãn nhiệm Sepp Blatter tái đắc cử. Bài "Chân sạch, tay bẩn" chỉ ra bốn "tài" khiến lãnh đạo FIFA người Thụy Sĩ duy trì được uy quyền.

Thứ nhất, để điều khiển được FIFA, "phương pháp của Sepp Blatter" là "trộn lẫn một vẻ ngoài tốt bụng giả tạo với một thái độ thủ đoạn chính trị thực sự", cùng một lúc đưa các đối thủ của mình lên bậc thang thăng tiến, nhưng đồng thời khi họ trở nên quá mạnh so với mình, ông ta loại trừ họ, tiêu diệt họ (theo lời một cựu giới chức FIFA). Thứ hai để bóp nghẹt tiếng nói của Châu Âu, lãnh đạo FIFA đã tranh thủ cảm tình của tất cả các nước nhỏ, khiến ai cũng hy vọng một ngày nào đó được tổ chức Cúp bóng đá thế giới và tin tưởng mình là quan trọng. Cho đến nay, chỉ có liên đoàn bóng đá Châu Âu UEFA – do cựu danh thủ Pháp Michel Platini đứng đầu – là ủng hộ một đối thủ của ông Blatter, hoàng thân Ali, người Jordani, nhưng ứng cử viên này lại không được liên đoàn Ả Rập và Châu Á ủng hộ. Chính liên đoàn bóng đá Châu Âu từng ủng hộ ông Blatter năm 2011, khi tin vào lời hứa sẽ ứng cử lần cuối của lãnh đạo Thụy Sĩ.

"Nghệ thuật" thứ ba khiến Sepp Blatter có được nhiều quyền hành là ông ta điều hành FIFA – với 5,7 tỷ đô la doanh thu - hệt như một doanh nghiệp lớn. Hầu hết người tham gia FIFA đều cảm thấy chịu ơn ông già Noel Blatter: 72% lời lãi được chia cho các bên, quốc gia tổ chức, các đội bóng... Bộ máy hành chính của FIFA với gần 500 nhân viên được hưởng 20% ngân sách. Bản thân ông Chủ tịch một năm cũng nhét túi khoảng vài triệu đô la…

Về nội tình của đế chế FIFA, Le Figaro có bài "Du hành vào hệ thống Blatter, chuyên gia của những màn lừa". Theo Le Figaro, chính nhờ hứa hẹn tăng thêm 250.000 đô la/năm tài trợ cho mỗi liên đoàn bóng đá quốc gia, mà "bố già" FIFA đã được đông đảo ủng hộ, khi bác bỏ đề nghị giới hạn tuổi ứng cử chủ tịch liên đoàn.

Liệu còn tin được FIFA với nhà ảo thuật Blatter ? 

Bất chấp vụ bắt giữ gây chấn động, mở đầu cho cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử của tổ chức này, quyền lực của Blatter dường như không suy chuyển. Theo Le Figaro, ông Blatter sau 17 năm đứng đầu FIFA và sau 40 năm làm việc tại FIFA trên các cương vị khác nhau, đã có được một sự ủng hộ vững chãi tại "vương quốc mặt trời không bao giờ lặn", với 209 tổ chức bóng đá quốc gia thành viên (nhiều hơn cả số lượng thành viên Liên Hiệp Quốc). Sau vụ sáu giới chức cao cấp bị bắt, vì bị cáo buộc tham nhũng, rửa tiền, Sepp Blatter hoàn toàn phủ nhận việc FIFA đang đứng trước nguy cơ uy tín đạo đức sụp đổ. Le Figaro đặt câu hỏi: "Liệu ông Sepp Blatter - bậc thầy của những màn ảo thuật - có đủ tư cách để đại diện cho tính chính đáng mà FIFA đang rất cần, để tìm lại được một cái gọi là uy tín?."

Về vấn đề này, La Croix đưa ra một cái nhìn khác: "có thể là một thời đại đã kết thúc. Cái thời mà những định chế thể thao nắm trong tay tiền tỷ nâng đỡ cho các mạng lưới mua bán lợi ích rất màu mỡ, nhờ ở căn cứ địa ngân hàng tại Thụy Sĩ… Một trùng hợp đáng nói, đó là ngày hôm qua, tại Bruxelles, chỉ vài giờ trước khi phê chuẩn vụ bắt giữ các giới chức FIFA, Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu, về việc chấm dứt giữ bí mật ngân hàng đối với các tài khoản của kiều dân Châu Âu tại các nhà băng Thụy Sĩ". Tờ báo Công giáo tỏ ra thận trọng với cảnh báo: "Nhiều yếu tố cho thấy: cuộc chiến chống nạn tiền bẩn đã ghi điểm và nên vui mừng. Nhưng cũng cần phải hết sức thận trọng. Bởi tham nhũng là một quái vật trăm tay nghìn mắt (une hydre) biến hóa khôn lường. Con quái vật ấy biết cách kiếm lợi từ sự tinh vi vô cùng của các hoạt động tài chính, giúp cho nó có được đủ loại phương tiện để ẩn náu khắp nơi trên hành tinh. Đôi khi nó nhận được thiện cảm của công luận. Quá nhiều người hâm mộ bóng đá, tuy nghi ngờ môn thể thao yêu mến của họ đưa đến các hoạt động xấu xa, nhưng vẫn sẵn sàng nhắm mắt bỏ qua". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ loan báo Trung Quốc đã đặt vũ khí trên đảo nhân tạo --- TQ cáo buộc Mỹ gây "hỗn loạn" tại Biển Đông --- Nhật-Châu Âu lên án TQ hung hăng

Hoa Kỳ hôm nay loan báo Trung Quốc đã đặt các hệ thống vũ khí trên một đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.

Các giới chức Mỹ cho hay 2 khẩu pháo tự hành lớn bị Hoa Kỳ phát hiện ít nhất vài tuần trước, càng làm tăng thêm các quan ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các dự án khai hoang lấp biển để phục vụ cho mục đích quân sự.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các giới chức nói rằng dù việc này không đề ra mối đe dọa cho tàu hay máy bay Mỹ nhưng có thể vươn tới các đảo kế cận.

Các giới chức Mỹ cho biết các vũ khí này nằm trong tầm tấn công một hòn đảo mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền nơi mà chính phủ nước này đã trang bị một số loại vũ khí khác nhau.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Brent Colburn, cho hay Hoa Kỳ được thông tin về sự hiện diện của loại vũ khí này nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết vì đây là vấn đề tình báo.

Một phát ngôn nhân tòa đại sứ Trung Quốc khẳng định các hoạt động trên các hòn đảo Trung Quốc chủ yếu là hoạt động dân sự.

Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain nói diễn tiến mới này có thể làm căng thẳng thêm tình hình nhưng không dẫn tới xung đột.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở TPHCM trong chuyến thăm Việt Nam hôm 29/5, ông McCain nói diễn tiến này đáng quan ngại rằng cần phải cho Trung Quốc hiểu rằng các hành động của họ vi phạm luật quốc tế và sẽ bị toàn thế giới lên án.

Ông McCain nói ‘Chúng ta không gây xung đột với Trung Quốc nhưng có thể có một số biện pháp nhất định khiến Trung Quốc phải chùn bước trong các hoạt động kiểu này.’

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh từ chối bình luận về vụ việc, nói rằng không có thông tin về các loại vũ khí vừa kể.

Trả lời báo giới về thông tin liên quan đến việc Trung Quốc điều động vũ khí ra các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, hôm 28/5 cho biết Việt Nam đang theo dõi sát các diễn tiến trong các vùng biển này.

Giới phân tích quân sự ở Châu Á cho rằng việc bố trí các khẩu pháo tự hành trên các đảo vừa xây dường như biểu tượng cho ý định của Trung Quốc hơn là một diễn tiến quan trọng có thể làm nghiêng ngã cân bằng lực lượng.

Các bức ảnh mà máy bay do thám Mỹ chụp được trong thời gian gần đây cho thấy rõ là Trung Quốc đã chuyển vũ khí lên một hòn đảo nhân tạo mà họ đang bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa. Vũ khí này đã đặt một hòn đảo do Việt Nam kiểm soát gần đấy trong tầm bắn.

Theo tiết lộ của một số quan chức cao cấp Mỹ, được nhật báo Wall Street Journal trích dẫn vào hôm qua, 28/05/2015, các phi vụ trinh sát mà Hoa Kỳ mới thực hiện gần các công trình bồi đắp mà Trung Quốc đang thực hiện đã phát hiện được hai cỗ pháo cơ động trên một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Đây là bằng chứng khẳng định mối nghi ngờ được nêu lên trong thời gian qua là Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo nhằm mục tiêu quân sự. Các bức không ảnh đồng thời phản bác lập luận mà Bắc Kinh vẫn liên tục đưa ra gần đây theo đó các công trình họ đang thực hiện ở Biển Đông chủ yếu mang tính chất dân sự.

Một quan chức Mỹ xác định rằng vũ khí mà Trung Quốc đặt trên đảo đó không phải là một mối đe dọa quân sự đối với máy bay hay tàu thuyền của Hoa Kỳ, nhưng hoàn toàn có thể bắn tới các hòn đảo lân cận dưới quyền kiểm soát của các nước khác.

Đảo do Việt Nam kiểm soát bị đe dọa

Một số quan chức khác của Mỹ đã nhận định một cách cụ thể là tầm bắn của các cỗ pháo của Trung Quốc bao trùm một hòn đảo do Việt Nam kiểm soát, từng được Hà Nội trang bị bằng mốt số loại vũ khí. Theo báo Wall Street Journal, cho đến hết ngày hôm qua, chính quyền Việt Nam chưa có bình luận gì về thông tin này.

Tiết lộ về vũ khí Trung Quốc trên một hòn đảo mà họ bồi đắp tại Trường Sa được đưa ra vào lúc chính Bắc Kinh cũng thừa nhận là họ đang chuyển vũ khí đến đảo Hải Nam, vùng lãnh thổ Trung Quốc gần Trường Sa nhất.

Theo ấn bản Anh Ngữ Want China Times của tờ "Vượng báo" (Want Daily) tại Đài Loan vào hôm nay, Tân Hoa Xã ngày hôm qua đưa tin là Quân đội Trung Quốc đã quyết định đưa nhiều loại vũ khí tối tân nhất đến đảo Hải Nam.

Trong số các vũ khí mà quân đội Trung Quốc công khai phô trương tại cảng Tú Anh, thành phố Hải Khẩu (Hai Kou), có chiến đấu cơ J-10, trực thăng chiến đấu hạng nặng WZ-10, xe tăng lội nước hạng nhẹ 63A, xe chở tên lửa chống tăng, xe chỉ huy bọc thép.

Tân Hoa Xã không ngần ngại cho rằng đảo Hải Nam có rất nhiều khả năng trở thành căn cứ quân sự chính của Quân đội Trung Quốc nếu nước này lao vào một cuộc chiến ở Biển Đông, do đó chính quyền muốn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cư dân tại đấy trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. 

Trung Quốc hôm qua 28/05/2015 lên án Hoa Kỳ đe dọa gây "hỗn loạn" tại châu Á-Thái Bình Dương, khi xúi giục các quốc gia đang tranh chấp đối đầu với Bắc Kinh. Đây là sự kiện mới nhất trong cuộc khẩu chiến Mỹ-Trung về Biển Đông.

Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm thứ Tư 27/5 đã yêu cầu "chấm dứt ngay lập tức và dài hạn các hành động bồi đắp của bất kỳ bên nào".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Nếu khu vực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế thế giới bị rơi vào hỗn loạn, liệu có phục vụ cho lợi ích của phía Mỹ?".

Kêu gọi Washington "tránh mọi lời nói và hành động khiêu khích", bà cáo buộc: "Một vài nước tiếp tục khuấy động Biển Đông vì lợi ích riêng tư của họ, đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển của Trung Quốc, trong khi một số khác xúi giục họ hành động".

Chuẩn bị vòng công du châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tuyên bố: "Trước tiên, chúng tôi mong muốn một giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp… Chúng tôi cũng phản đối mọi hành động quân sự hóa các địa điểm liên quan". Đây là chuyến công du thứ hai của ông Carter sau khi lên lãnh đạo Lầu Năm Góc, đi thăm Singapore, Việt Nam, Ấn Độ. 

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh ồ ạt bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo để áp đặt chủ quyền tại Trường Sa. Một số quốc gia cũng đã tiến hành bồi đắp tại những đảo đang trấn giữ, và Hoa Xuân Oánh lên án Hoa Kỳ "cố tình im lặng" đối với các hành động xây dựng trên "các lãnh thổ của Trung Quốc bị chiếm đóng bất hợp pháp".

Bà ta tuyên bố: "Tôi xin nhắc lại rằng quy mô và tốc độ của các công trường xây dựng là tương xứng với các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc, với tư cách một nước lớn. Chính nhân dân Trung Quốc mới quyết định những gì phải làm, không một ai khác có quyền bảo Trung Quốc phải làm gì".

Trong khi đó, Nhật Bản và Liên hiệp Châu Âu hôm nay 29/05/2015 họp thượng đỉnh thường niên tại Tokyo, tập trung vào các thương lượng đang diễn ra về đối tác chiến lược, và một hiệp định tự do mậu dịch đầy tham vọng có thể sẽ được hình thành từ nay đến cuối năm 2015. Hội nghị cũng bày tỏ quan ngại về các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đoàn đại biểu Liên hiệp Châu Âu (EU) do Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, dẫn đầu. Phái đoàn Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo. Người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini và Ủy viên Thương mại Châu Âu, Cecilia Malmström, cũng tham gia thương thảo.

Hai bên đã bày tỏ mong muốn "đẩy nhanh tiến độ thương lượng" về hiệp định tự do mậu dịch, được đưa ra từ năm 2013. Hiệp định nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng sẽ giúp toàn khối Châu Âu cùng với Nhật Bản chiếm 30% nền kinh tế thế giới và 40% về thương mại toàn cầu.

Châu Âu mong đợi Nhật Bản giảm nhẹ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại (NTB) đang khóa chặt nhiều thị trường Nhật, nhất là về thực phẩm. Đối với Tokyo, một trong những yêu cầu chính là Bruxelles bỏ thuế hải quan đánh vào xe hơi Nhật – một vấn đề nhạy cảm ở Đức, nước sản xuất và xuất khẩu xe hơi quan trọng.

Nếu được hoàn tất trong năm 2015, hiệp định tự do mậu dịch EU-Nhật Bản có thể được ký kết trước Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tokyo hiện đang vất vả thương lượng với Mỹ.

Trong tuyên bố chung, đôi bên cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động hung hăng của Trung Quốc để áp đặt yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bản tuyên bố viết: "Chúng tôi tiếp tục quan sát tình hình tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, quan tâm đến bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng và gây thêm căng thẳng".

Các lãnh đạo EU và Nhật Bản cũng khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các hồ sơ chính như Ukraine trước cuộc xung đột do phe nổi dậy thân Nga gây ra ở miền đông. Thủ tướng Abe dự định thăm Kiev tháng tới, nhân dịp đi dự hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Đức. - VOA, RFI
|
|

4.
Kinh tế Mỹ co cụm hồi đầu năm 2015

Nền kinh tế Mỹ đã co cụm trong 3 tháng đầu năm 2015, giữa lúc thời tiết xấu bất thường tác động tới các hoạt động kinh tế, trong khi giá đồng đôla cao ảnh hưởng tới các sản phẩm sản xuất ở Hoa Kỳ bán ra nước ngoài, và giá dầu thấp có nghĩa là ít tiền đầu tư hơn được đổ vào hoạt động khoan dầu.

Phúc trình do Bộ Thương Mại Hoa Kỳ công bố hôm nay nói rằng GDP đã giảm 7/10 của 1% trong quý đầu năm nay.

Đây là mức điều chỉnh hạ thấp GDP đáng kể so với ước tính ban đầu theo đó kinh tế tăng trưởng đôi chút trong 3 tháng đầu năm. Các giới chức thường xuyên điều chỉnh mức GDP dự đoán một khi có các dữ liệu đầy đủ hơn.

Nền kinh tế Mỹ đã tăng một cách khiêm nhường trong những tháng cuối năm 2014, và nhiều nhà kinh tế nói rằng các dữ liệu hiện nay cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ sớm tăng trưởng trở lại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ông John McCain làm gì ở Việt Nam?

Trong chuyến thăm hai ngày, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam và một số nhà hoạt động xã hội dân sự.

Trong hai ngày 27/5-28/5, vị thượng nghị sỹ cựu tù nhân trong cuộc chiến Việt Nam cùng đoàn của ông đã hội kiến Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.

Điều đáng chú ý là ông có cuộc tiếp xúc với đại diện phong trào dân sự ở trong nước tại dinh thự của đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội trưa ngày thứ Năm 28/5.

Cùng đoàn với ông McCain là ba vị thượng nghị sỹ khác, các ông bà Jack Reed, Joni Ernst và Dan Sullivan.

Ông Reed là thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ mà ông McCain làm chủ tịch.

Tiếp xúc với các vị thượng nghị sỹ Mỹ là các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Chí Tuyến và Luật sư Trần Thu Nam.

Ông Nguyễn Chí Tuyến nói với BBC rằng đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã đặt nhiều câu hỏi về tình hình phát triển dân chủ, nhân quyền ở trong nước.

"Ông McCain bày tỏ cảm kích về công việc của chúng tôi và hỏi nước Mỹ có thể giúp được điều gì?"

Ông Tuyến nói ông và những nhà đấu tranh có mặt đã bày tỏ mong muốn làm sao để chính quyền Hà Nội phải tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế.

"Tuy nhiên việc tiến triển về nhân quyền hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực trong nước và phải do người Việt Nam quyết định."

Ông nói thêm: "Tôi cũng trình bày với phía Mỹ là đối với tôi, quan trọng nhất lúc này là người Việt Nam phải được quyền lập hội nhóm một cách thực tế và hoạt động không bị cản trở, đàn áp, sách nhiễu".

Vấn đề Biển Đông

Trước đó, chiều thứ Tư 27/5 đoàn của ông John McCain đã hội kiến Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và tới thăm Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người theo kế hoạch sắp đi thăm Hoa Kỳ, đã dành thời gian đề cập tới chủ đề căng thẳng ở Biển Đông.

Báo Việt Nam nói ông "khẳng định lập trường kiên định của Việt Nam bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trước hết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế... phản đối mọi hành vi coi thường luật pháp quốc tế, phá vỡ hiện trạng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực".

Sau khi thăm Việt Nam, ông John McCain sang Singapore để tham dự Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, nơi ông được trông đợi sẽ chia sẻ quan điểm của mình về chủ đề Biển Đông.

Khi thăm Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông thượng nghĩ sỹ đã thảo luận với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh về đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Ông John McCain là người lâu nay ủng hộ bình thường hóa quan hệ quân sự Mỹ-Việt và việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày từ 31/5-2/6 tới. - BBC
|
|

6.
Trung Quốc âm mưu gì khi xây đảo ở Biển Đông?

Trung Quốc đang gấp rút xây dựng các đảo đá nhân tạo ở Trường Sa, nơi mà Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền. Trong khi đó, Mỹ dường như ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn phản đối điều này. Mới hôm qua, Bộ trường Quốc phòng Mỹ Ash Carter kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xây dựng ở Biển Đông. Hải Ninh có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại đại học George Mason, về vấn đề này.

Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Xin hỏi ông câu đầu tiên, việc Trung Quốc xây dựng đảo đá ở Trường Sa, rồi cả hải đăng nữa sẽ ảnh hưởng tới tình hình Biển Đông ra sao?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Điều đầu tiên mình thấy là căng thẳng rồi, và chúng ta thấy rất nhiều lời tuyên bố qua lại đặc biệt là nước Mỹ và Trung Quốc. Đấy là tổng quát đấy, về chi tiết thì mình thấy có hai cái điều quan trọng. Thứ nhất là về phương diện chiến lược, thứ hai là về phương diện luật quốc tế và trật tự quốc tế. Về phương diện chiến lược thì mình nhìn thấy có 5 cái hòn đảo, cái đá mà họ xây lên như thế đó là nó nằm ở cái tuyến đường biển rất quan trọng giữa Việt Nam này, Phi La Tân, Brunei, Malaysia. Nếu họ có căn cứ đó thì họ có thể kiểm soát được và chế ngự hoàn toàn cái vùng biển đó làm tuyến đường quan trọng nó block, nó chặn cái đường từ miền biển Hoa Đông xuống Malaca, thành ra đấy là về chiến lược rồi. Nếu họ thành công họ sẽ đạt được ưu thế chiến lược rất là quan trọng.

Thứ hai nói về trật tự quốc tế, hiện tại thì căn cứ số luật quốc tế hiện hành đó, luật quốc tế hiện hành không cho phép những cái đá chìm đó nước nào nhận chủ quyền đá chìm trừ khi đá đó ở trong vùng lãnh hải của mình hay là trong vòng EEZ đấy, tức là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Không cho phép như thế. Nhưng Trung Quốc biến thành đảo, ông ấy biến thành đảo thì có hai chuyện. Thứ nhất là hoặc là ông ấy vi phạm luật quốc tế, hoặc là ông ấy bảo tôi chỉ xây trong phạm vi của tôi thôi, phạm vi đó là gì, là phạm vi đường lưỡi bò. Như vậy có nghĩa là ông ấy tuyên bố đường lưỡi bò, mọi người phản đối nhưng ông ấy thi hành từ từ từ đấy, bây giờ ông ấy làm thế này thì ông từ từ ông biến đường lưỡi bò làm lời tuyên bố thành sự thật và như vậy là về phương diện quốc tế hiện hành thì nó là sai, nhưng mà ông ấy giải thích theo kiểu của ông ấy rằng đây là vòng của ông ấy, ông ấy có quyền xây, ai cũng có quyền xây như xây nhà đó, thì ông ấy làm như vậy mà nếu mọi người chấp thuận thì nhìn như thế này mình thấy là rõ ràng là Trung Quốc đặt ra luật rồi lại thi hành luật đó.

Hải Ninh: Vâng. Thưa ông mới đây còn có thông tin từ một tờ báo Australia rằng Trung Quốc dường như đã đưa vũ khí lên đảo nhân tạo kể trên. Theo ông thì khả năng xung đột là như thế nào?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là Mỹ thì nói rằng là nếu mà họ xây như vậy đó, mà cái máy bay họ trông thấy thì họ xây những cái đảo quan sát rồi. Đảo quan sát đó thì nó sẽ phải xây căn cứ quân sự để bảo vệ đảo quan sát đó. Đảo quan sát đó nó biết rồi thì nó sẽ phóng cho quân đội của Trung Quốc, và quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi máy bay, nó có thể zoom in bắn vào máy bay đó. Thì cái tình trạng máy bay đó rất nguy hiểm. Thì cái chuyện đó là mới trong cái tình trạng gọi là đồn đoán thôi. Nhưng hôm nay nếu mà cái tin đó là tin thật đó, là họ đã quân sự hoá cái đảo thì họ lại tăng cường, tăng thêm cái leo thang thêm cái hành động của họ.

Hải Ninh: Vậy thì khả năng xảy ra xung đột là thế nào?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Khả năng xẩy ra xung dột thì có. Bây giờ thí dụ Ông Cater đó, ngoài cái lời ông tuyên bố hôm nọ, hôm qua ông nói đó ông yêu cầu các quốc gia đều phải liên kết phản đối mạnh, nói rằng Mỹ sẽ có quyền gửi máy bay hay tàu chiến đến bất cứ vùng nào mà luật quốc tế cho phép, mà nếu mà Mỹ giải thích luật quốc tế cho phép ấy thì nó sẽ bay qua địa điểm của ông Trung Quốc và đi tàu trong đó.

Thành ra như vậy ngược lại với Trung Quốc, thế thì bây giờ là ông Trung Quốc ông chống lại chuyện đó, nhưng bây giờ nếu mà có vũ khí ngoài đó thì bây giờ nếu mà có máy bay đi qua rất có thể xảy ra trường hợp accidents, tức là biến cố mình không trù liệu được, tai nạn chẳng hạn, tính lầm chẳng hạn. Thì cái sự xung đột nó rất là lớn, thành ra tôi hôm trước có đọc câu tuyên bố của ông cựu phó giám đốc trung ương tình báo ông nói có triển vọng xảy ra chiến tranh

Hải Ninh: Trong khả năng có thể xảy ra xung đột và chiến tranh như thế, những nước cũng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông phải làm thế nào?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Các nước đó thì chỉ có đánh bom miệng đươc thôi, thực sự họ không có khả năng gì để cản trở cái đó cả, tất cả họ đều phải nhờ Mỹ cả. Thế mà Cái khổ là thế này, nếu mà mình nhìn các ông ấy hành động từ xưa đến nay , nếu các ông đoàn kết lâu thì Trung Quốc đã không tiến mạnh được, bởi vì ông đoàn kết lâu thì Mỹ cũng dính tay vào đó. Các ông ấy theo sự nhận xét riêng của tôi đó thì tôi cảm tưởng các ông ấy muốn free ride đấy, tức là ông ấy chống Trung Quốc thì ông chỉ chống miệng thôi, còn hành động thì các ông ấy không làm, và ông ấy vẫn tiếp tục có quan hệ tốt với Trung Quốc. Thì Mỹ nó bảo you cannot have cake and eat it too, ông ăn hết bánh rồi thì bánh hết chứ còn gì làm bánh nữa, thì cái tình trạng đó tạo ra cái khó khăn như hiện nay.

Hải Ninh: Vậy liệu Trung Quốc có dừng việc xây đảo đá hoặc có cách nào khiến họ dừng việc xây dựng hay không?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là đã xây rồi, nó thành đảo rồi. Vấn đề là họ có quân sự hoá cái đó không. Quân sự hoá có nghĩ là gì, ngoài vũ khí thì họ có thể xây sân bay, đưa tàu chiến vào. Nếu họ làm như vậy thì họ thay đổi rất mạnh mẽ cái thế chiến lược vùng đó bởi họ sẽ có ưu thế chiến lược kiểm soát Biển Đông, tạo ra áp lực rất mạnh cho những người muốn chống lại, nếu chống lại thì có thể xảy ra chiến tranh

Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. - RFA